Thành phố Hà Nội: Huy động nguồn lực cho phát triển thành phố sáng tạo
TCCS - Trải qua hơn 4 năm được ghi danh là Thành phố Thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) vào tháng 10-2019, Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động cam kết với UNESCO, khẳng định quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo dựa trên xu thế tiến bộ của thời đại, lấy nền tảng văn hóa truyền thống và tinh thần sáng tạo làm điểm tựa cốt lõi, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, nằm ở khu vực Đông Nam Á. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử - Hà Nội như tên gọi ban đầu Thăng Long - mang theo khát vọng của một dân tộc luôn vươn lên bằng tinh thần sáng tạo. Hà Nội - “thành phố trong sông” được bao bọc bởi 20 con sông và là ngôi nhà của 8,4 triệu dân trên tổng diện tích 3.359,82 km². Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, với hệ thống 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, mạng lưới 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê, cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc lịch sử, đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Hà Nội còn là một thành phố có cơ cấu dân số vàng, với 51,7% dân số trẻ và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang. Văn hóa và sáng tạo ngày nay được lồng ghép vào đời sống hằng ngày của các thành phố, như một phần của chiến lược phát triển hoặc là hành động của các nhóm nghệ sĩ và người dân làm việc trong ngành văn hóa và sáng tạo. Văn hóa và sáng tạo trở thành một trong những nguồn lực chính cho sự phát triển của thành phố.
Năm 2022, Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 18-2-2022, về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu chung là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế, như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh, thời trang, ẩm thực.
Để triển khai thực hiện nghị quyết của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND, ngày 22-2-2022 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25-4-2024, về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhiệm vụ đến năm 2025. Tại Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1-4-2022, về việc triển khai thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO đến năm 2025, trong đó các cam kết, sáng kiến của thành phố Hà Nội được cụ thể hóa, bao gồm: (i) hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai hoạt động trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, kết nối mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ và tạo cơ hội cho những tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; (ii) triển khai thực hiện các cam kết, tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm trở thành hoạt động thường niên, quảng bá lĩnh vực thiết kế sáng tạo Hà Nội trong khu vực và trên toàn cầu; (iii) tham gia tích cực các hội nghị, diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á và toàn cầu; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á tại Hà Nội, mở rộng hợp tác với các nước trong mạng lưới, thúc đẩy hoạt động sáng tạo.
Một trong các hành động được triển khai nhằm cụ thể hóa cam kết gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO của Hà Nội, đó là việc tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn ra vào giữa tháng 11 hằng năm để từng bước xây dựng và định vị thương hiệu cho thành phố sáng tạo. Theo kế hoạch của thành phố, lễ hội được tổ chức 7 ngày với chuỗi các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm và tương tác phù hợp với chủ đề từng năm. Cùng với đó là các cuộc thi, workshop, tọa đàm chuyên ngành dành cho giới trẻ; các hội nghị, hội thảo khoa học nhằm tìm ra biện pháp, cách thức xây dựng, phát triển, cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong người dân Thủ đô.
Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình này, nhận thức của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực để đưa thiết kế sáng tạo vào trong mọi mặt của đời sống. Từ việc lễ hội chỉ tổ chức ở địa bàn quận Hoàn Kiếm, với địa điểm chính là Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm đến việc mở rộng tổ chức trên nhiều địa điểm khác nhau thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, lấy không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và sự hưởng ứng ở các không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ và ẩm thực Đảo ngọc Ngũ Xã (quận Ba Đình), phố đi bộ Pont de Long Bien trong Khu đô thị Mailand Hanoi City (Bắc An Khánh, Hoài Đức)... Năm 2023, ngoài các không gian chính ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu…, hầu như toàn bộ các quận, huyện, thị xã và nhiều doanh nghiệp, không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố đã nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động trưng bày, triển lãm, kết nối du lịch văn hóa, giáo dục sáng tạo, ẩm thực và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác diễn ra sôi nổi trong suốt thời gian tổ chức lễ hội. Sau nhiều năm, các công trình kiến trúc được coi là những di sản công nghiệp trên địa bàn chưa được “đánh thức”, được chuyển đổi, gia tăng hàm lượng văn hóa..., người dân Thủ đô háo hức với những trải nghiệm mới, kết nối những hồi ức cũ thông qua chuyến tàu “Hành trình di sản” và các chương trình nghệ thuật, triển lãm, trưng bày được tổ chức tại chính các không gian sản xuất trước đây. Thành phố Hà Nội quyết định kéo dài thời gian lễ hội năm 2023 lên 12 ngày để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, định vị tầm nhìn, chiến lược cho một “Thành phố sáng tạo”, cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, quan tâm tạo cơ chế, chính sách, môi trường cho hoạt động sáng tạo để thu hút các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công, doanh nghiệp và người dân tham gia và thực hành sáng tạo.
Hai là, cần nghiên cứu xây dựng Khung quản trị lễ hội với những nội dung chính gồm: khung lý thuyết; quy trình các bước triển khai (xây dựng chủ đề, xây dựng thông điệp, lựa chọn địa điểm tổ chức, xác định quy mô tổ chức...); xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội (thông tin kêu gọi hợp tác, đóng góp ý tưởng, đăng ký tham gia các hoạt động, ban hành kế hoạch của thành phố...); hệ thống quản trị (cơ chế pháp lý, tài chính, cơ chế phân quyền và quản lý, quan hệ đối tác, vận hành...); kế hoạch truyền thông và nhận diện thương hiệu; quy trình theo dõi, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Ba là, tăng cường phối hợp với các hội, ngành, nghề liên quan, các cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp của Trung ương và các tỉnh, thành phố nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực cộng đồng vào các hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Tranh thủ kinh nghiệm, sự tư vấn, hợp tác, trao đổi, giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các thành phố sáng tạo khác trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo trên cơ sở nguồn lực của thành phố một cách hiệu quả.
Với việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Những hành động của Hà Nội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, lĩnh vực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô rộng khắp, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng lòng của người dân, tạo “đòn bẩy” để công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo hơn, góp phần hiện thực hóa chiến lược mà Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra./.
Nam Định: Giải pháp phát triển trục đô thị động lực theo quy hoạch tỉnh  (17/07/2024)
Quá trình già hóa dân số và những tác động đến sự phát triển bền vững hiện nay - Những gợi mở chính sách cho Việt Nam  (05/07/2024)
Chính sách công nghiệp xanh hướng tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam  (09/04/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển