“Đẽo chân” cho vừa… quy hoạch
Đầu tuần, vừa nhìn lịch công tác, thấy trong tuần có lịch lãnh đạo họp với nội dung sửa đổi quy định quy hoạch cán bộ, mấy cậu nhân viên văn phòng đã kháo nhau: Ồ, chắc lại có người sắp được bổ nhiệm rồi đây!
Rồi các cậu tiếp tục “đoán già đoán non”, xem lần này sếp sẽ sửa đổi quy định gì, về bằng cấp, về chuyên môn, hay thâm niên công tác,...
Cậu A bảo:
- Tôi nghe phong thanh là lần này sửa đổi quy định về luân chuyển ông ạ! Thấy bảo anh T kia đang được sếp đưa vào tầm ngắm cho cái ghế giám đốc sở N, nhưng theo quy định tiêu chuẩn được quy hoạch thì lại thiếu mất cái tiêu chuẩn: cán bộ được quy hoạch giám đốc sở phải kinh qua luân chuyển thực tiễn ở địa phương 24 tháng. Lần này nghe bảo sếp định “bỏ qua” tiêu chuẩn đó ông ạ!
Lời đồn đại quả là chả sai chút nào! Vài hôm sau, quyết định sửa đổi tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ được ban hành, và y như lời đồn, cán bộ quy hoạch cho vị trí giám đốc sở N không cần phải trải qua luân chuyển 24 tháng ở địa phương nữa. Ngay sau khi ban hành quy định được vài ngày, anh T được bổ nhiệm vào đúng vị trí nọ.
Vài tháng sau, lịch công tác lại hiển thị nội dung sửa đổi quy định quy hoạch cán bộ. Mấy cậu nhân viên văn phòng lại được dịp rôm rả:
- Đố ông biết lần này các lãnh đạo sửa quy định gì? cậu A hỏi.
- Thì lại vẫn quy định về luân chuyển thôi!
- Lại về luân chuyển à?
- Chứ sao! Ông không nghe người ta đang đồn là sở K đang thiếu giám đốc, mà cái chức giám đốc đó đang có mấy người nhăm nhe à? Sếp thì đang muốn đưa chị C lên, mà ở cái sở đó, có mỗi chị C đã đi luân chuyển thực tiễn ở địa phương rồi, còn mấy cái ông đang nhăm nhe kia thì chưa có ông nào đã đi luân chuyển ở địa phương cả!
Lại đúng như dự đoán, sau cuộc họp lãnh đạo, quyết định sửa đổi quy hoạch cán bộ tiếp tục được ban hành, để được quy hoạch ở vị trí giám đốc sở K, một trong những tiêu chuẩn đưa ra là cán bộ nhất định phải trải qua quá trình luân chuyển thực tiễn ở địa phương.
Cũng chỉ trong vòng một tháng sau, chị C được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sở K theo đúng “tiêu chuẩn” quy hoạch.
Chuyện này lại tái diễn ở tỉnh X, khi một thời gian sau, ban lãnh đạo họp gấp, tiếp tục sửa đổi quy định về quy hoạch cán bộ.
- Đố cậu, lần này, lãnh đạo sẽ sửa đổi quy định gì nhỉ? Cậu A tò mò.
- Tôi nghe đồn là quy định về bằng cấp ông ạ!
- Lần này sếp có vẻ đổi mới nhỉ?
- Ừ, nghe bảo vị trí giám đốc sở G đang thiếu, mà sếp lại đang muốn đưa anh V, người ngoài tỉnh mình về nắm giữ vị trí đó. Mấy ông có thâm niên trong tỉnh mình đang “nhòm ngó” vị trí đó thì lại chưa có… bằng tiến sĩ.
- Ồ, thế thì thiệt thòi nhỉ? Anh em trong tỉnh phấn đấu bao năm nay, thế mà không lọt vào mắt sếp.
- Ôi ông ơi, anh V kia nghe nói “5C” đó!
- À, ra vậy!
Hóa ra, việc sửa đổi quy định quy hoạch cán bộ ở tỉnh X đã trở thành “thông lệ” trước mỗi đợt bổ nhiệm. Mỗi vị trí quy hoạch đều đã ở trong tầm ngắm của lãnh đạo, nâng lên hay hạ xuống, bỏ đi hay thêm vào, đều được “đẽo gọt” sao cho vừa, cho khớp với cán bộ định bổ nhiệm, là quyền của lãnh đạo! Còn sau bổ nhiệm, những anh T, chị C, anh V kia làm việc như thế nào, quản lý, điều hành ra sao thì chả mấy lãnh đạo nào quan tâm, vì khi đó tới lượt các lãnh đạo cũng đã được luân chuyển đến một vùng đất an toàn mới rồi!
Người ta nói công tác quy hoạch cán bộ ở tỉnh X đó chả khác nào “đẽo chân cho vừa giày”, cấm có sai! Mà không chỉ có tỉnh X, ở tỉnh Y, tỉnh Z, đâu đó vẫn có những cán bộ được bổ nhiệm theo “đúng tiêu chuẩn quy hoạch”, “không vướng quy định nào cả”, “không phải là cá biệt”…, thậm chí có cả những cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc”, kinh qua những vị trí lãnh đạo quan trọng chỉ vỏn vẹn trong vòng có… 6 tháng! Và thực tế đã cho thấy, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm “đúng tiêu chuẩn”, “thần tốc” đó, chỉ một thời gian sau, lại khiến cho dư luận bức xúc về những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành, có những cán bộ vi phạm đến mức bị kỷ luật, cảnh cáo, thậm chí bị xử lý hình sự, khai trừ ra khỏi Đảng.
Quy hoạch cán bộ là công tác quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ của Đảng. Cán bộ được quy hoạch, ngoài những tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, còn phải có năng lực thực tiễn, được tín nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ phát triển của đất nước. Công tác quy hoạch cán bộ luôn phải xuất phát từ những quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, tuân thủ những nguyên tắc nhất định, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, chứ không phải chỉ cần đáp ứng “đúng quy trình” theo “ý chí” của người đứng đầu, càng không thể tùy tiện “đẽo gọt” sao cho “vừa vặn”! Làm như vậy, hậu quả sẽ thật tai hại, khó lường!./.
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX