Xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở tỉnh Bình Dương
TCCS - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương là địa phương thu hút số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước khá lớn, nên cùng với sự quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng định hướng, Đảng bộ tỉnh Bình Dương còn chú trọng đưa công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong loại hình doanh nghiệp này trở thành nhiệm vụ thường xuyên, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Bình Dương thấy rõ lợi ích từ công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nên đã tích cực hưởng ứng, tham gia.
Bám sát thực tiễn để đề ra giải pháp đúng đắn
Cùng với lợi thế về kết cấu hạ tầng, tiện ích dịch vụ hiện đại, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, đồng hành để kịp thời đề ra chính sách đồng bộ nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư. Nhiều năm qua, Bình Dương trở thành điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến đầu tháng 8-2022, tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1,2 triệu lao động.
Với số lượng lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh Bình Dương xác định, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng là nền tảng, động lực để tỉnh thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trước yêu cầu mới. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã đặt ra yêu cầu cấp thiết, sự đòi hỏi khách quan là phải đẩy mạnh công tác xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế.
Để thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chủ doanh nghiệp, thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc... nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Củng cố, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội hiện có; lấy tổ chức hoạt động hiệu quả làm nòng cốt để nhân rộng ra ở các doanh nghiệp khác, coi trọng thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khi đủ điều kiện. Xây dựng đề án hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo; nghiên cứu thành lập một số mô hình tổ chức đảng trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng dẫn của Trung ương... Việc chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước của Đảng bộ tỉnh Bình Dương vừa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Sự hưởng ứng tích cực từ các chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước
Lực lượng chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở tỉnh Bình Dương không chỉ có bản lĩnh dày dạn trên thương trường, mà còn có nhận thức chính trị tốt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, lãnh đạo cấp ủy các cấp tích cực tham gia trực tiếp vận động các chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đối với công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên hiệu quả, nên các chủ doanh nghiệp ngày càng nhận thức được rằng, việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp của mình cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp; xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên còn là một sự đầu tư có chiều sâu bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Thực tiễn từ một số doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khẳng định, khi có tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên phát triển mạnh góp phần xây dựng được ý thức, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, tính kỷ luật và làm việc đạt hiệu quả cao; sự đoàn kết trong tập thể mang lại sự tin cậy hơn cho đối tác, khách hàng. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người lao động là đảng viên thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, năng động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, Đảng ủy khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát, vận động, thành lập thêm được 4 đảng bộ cơ sở khu công nghiệp (Nam Tân Uyên, Việt Nam - Singapore, Sóng Thần và Mỹ Phước), với 28 chi bộ trực thuộc và 436 đảng viên tham gia sinh hoạt. Theo đó, nâng số lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được thành lập mới tăng qua từng năm: Nếu như trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn tỉnh chỉ thành lập được 15 tổ chức đảng; nhiệm kỳ 2010 - 2015, thành lập 17 tổ chức đảng; thì đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh Bình Dương có 62 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chiếm tỷ lệ 10,67% trên tổng số tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh, trong đó có 13 đảng bộ cơ sở, 49 chi bộ cơ sở, với gần 4.000 đảng viên; riêng nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã kết nạp được 555 đảng viên. Điểm đáng ghi nhận là, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tạo được uy tín với chủ doanh nghiệp và người lao động; góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp. Hằng năm, qua đánh giá phân loại tổ chức đảng, các đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Được thành lập từ năm 1997, là tổ chức cơ sở đảng đầu tiên của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Bình Dương, Đảng bộ Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (chuyên sản xuất, xuất khẩu giày, túi xách tại thị xã Dĩ An) luôn nhất quán thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức đảng, công đoàn và đội ngũ công nhân trong Công ty trong sạch, vững mạnh; chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; bảo đảm an ninh, môi trường an toàn cho người lao động và doanh nghiệp; tổ chức phát động phong trào thi đua để thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất đề ra... Việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người lao động cập nhật đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, Đảng ủy Công ty thống nhất với Hội đồng quản trị xây dựng nghị quyết lãnh đạo phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và chăm lo tốt đời sống người lao động, do đó, gần 5 năm trở lại đây, Công ty đã kết nạp 114 đảng viên mới, tăng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ và vượt 50% chỉ tiêu, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ lên 201 đảng viên; tất cả đảng viên trong Đảng bộ đều có trình độ chuyên môn, giữ vai trò quản lý trong 11 ban, chuỗi, 10 khu vực và 28 nhà máy trong cả nước.
Thấy được lợi ích từ việc xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, năm 2013, Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Astro Engineering Việt Nam được thành lập, với 6 đảng viên. Trong quá trình hoạt động, được sự tin tưởng của chủ doanh nghiệp, nên hoạt động của chi bộ gặp nhiều thuận lợi, Chi bộ coi trọng việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người lao động; thường xuyên làm tốt việc phối hợp với chủ doanh nghiệp để phục vụ người lao động tốt nhất, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, hầu hết cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đều là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, nên việc phát huy vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra gắn với mục tiêu thực hiện nghị quyết của Đảng bộ luôn gặp thuận lợi, đem lại kết quả cao. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của Đảng bộ, các đảng viên của Công ty cổ phần khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã chủ động hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức chính trị - xã hội của Khu công nghiệp triển khai tốt các phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và in ấn bao bì có trụ sở tại thị xã Tân Uyên, lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Tân Tấn Lộc đánh giá cao vai trò tổ chức đảng đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chi bộ hoạt động. Không những vậy, lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, bồi dưỡng những cá nhân ưu tú, có trình độ và năng lực, đạo đức, tác phong gương mẫu để kết nạp Đảng, bồi dưỡng trở thành lực lượng nòng cốt và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp. Công ty cổ phần Sáng Ban Mai tại thị xã Bến Cát là một doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy phát điện công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa đạt 42%, được xuất khẩu sang nhiều nước, như Campuchia, Singapore, Indonesia, Đức… Từ sự nhận thức rõ về vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty đã nỗ lực phấn đấu, viết đơn xin được kết nạp Đảng và tiếp sau đó là thành lập chi bộ đảng của Công ty...
Qua thực tiễn cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thể hiện rõ sự đồng thuận với chủ trương thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp và tạo điều kiện cho chi bộ hoạt động. Sự nhận thức và hành động đúng đắn đó của nhiều chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước từng bước lan tỏa, tạo thuận lợi cho quá trình thành lập chi bộ mới tại các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, góp phần lấp dần “khoảng trống” về tổ chức đảng, đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mặc dù công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần sớm tháo gỡ, như: Do một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nên có lúc, có nơi chủ doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ về vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nên vẫn còn doanh nghiệp chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng; việc tổ chức sinh hoạt Đảng ở một số chi bộ, đảng bộ có lúc, có nơi chưa thiết thực; vai trò của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa được phát huy tốt, nên chưa thu hút được quần chúng tham gia...
Một số bài học kinh nghiệm
Xuất phát từ thực tiễn trong việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở Bình Dương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, cần tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp, nhất là Đảng ủy khối Cơ quan và doanh nghiệp của tỉnh tăng cường tính chủ động trong tiếp xúc, tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp hiểu rõ chủ trương và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.
Thứ hai, cấp ủy các cấp cần xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng tổ chức đảng, đảng viên theo dõi, giúp đỡ tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, có giải pháp phù hợp và bước đi cụ thể trong kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng. Chú trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên; xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể cần tuân thủ đầy đủ các quy định, thủ tục, tuy nhiên, cách làm phải linh hoạt, phù hợp đặc thù, điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Thứ tư, chỉ thành lập tổ chức đảng khi đã phát triển đủ số lượng đảng viên ưu tú, có uy tín trong doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, cấp ủy phải thực sự thể hiện vai trò tiên phong, đảng viên phải là người gương mẫu được quần chúng tín nhiệm, thì cấp ủy đảng mới chỉ đạo, đóng góp hiệu quả, thực chất cho doanh nghiệp; chú trọng vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp phối hợp trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên, chăm lo và bảo vệ lợi ích cho người lao động được tốt hơn.
Thứ năm, các cơ quan chức năng phải thường xuyên nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và tâm tư, nguyện vọng của người lao động để làm cơ sở chỉ đạo việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Làm tốt việc sơ kết đánh giá trong công tác phát triển đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên tiêu biểu, những tổ chức đảng làm tốt công tác phát triển đảng.
Để tổ chức đảng phát huy vai trò đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Để tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở Bình Dương, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền để các chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, vị trí, lợi ích của tổ chức đảng, đoàn thể đối với sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Hai là, các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, khi đủ điều kiện phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm phối hợp với lãnh đạo các đoàn thể theo dõi, giáo dục, giúp đỡ quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp vào Đảng, đặc biệt, khi chủ các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn thì quan tâm cơ cấu tham gia cấp ủy hoặc giữ chức danh bí thư chi bộ hoặc đảng bộ cơ sở.
Ba là, cấp ủy cấp trên cần có kế hoạch trực tiếp hỗ trợ hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước mới được thành lập trong một thời gian nhất định để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho tổ chức đảng bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Quan tâm công tác phát triển đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề… trên địa bàn tỉnh, bởi lực lượng này sẽ là hạt nhân tích cực trong xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên khi làm việc trong doanh nghiệp.
Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, cấp ủy trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo hướng đi vào trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, có nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù từng loại hình doanh nghiệp. Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, để chủ doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, để tổ chức đảng cùng đồng hành với doanh nghiệp, giúp đỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần người lao động.
Năm là, tiếp tục hướng dẫn tổ chức đảng tại doanh nghiệp xây dựng, thực hiện tốt quy chế hoạt động, phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp. Trong đó, cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người lao động giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện thí điểm cơ cấu đảng viên là chủ tịch công đoàn cơ sở đồng thời là bí thư chi bộ doanh nghiệp ngoài nhà nước để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là phát triển đảng viên./.
-----------------------
(1) Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 12-9-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, “Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”; Kế hoạch số 65-KH/TU, ngày 24-10-2014, của Tỉnh ủy, “Về xây dựng mô hình tổ chức đảng ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương”;Chương trình số 16-CTr/TU, ngày 09-6-2016, của Tỉnh ủy Bình Dương, “Về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2016 -2020”.
Tỉnh Bình Dương phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển  (19/07/2022)
Tăng cường công tác tư tưởng của Đảng trong quân đội  (04/06/2022)
Tình đồng chí  (27/05/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam