Năm 2021 vừa qua là năm thứ hai liên tiếp, thế giới và Việt Nam phải chống đỡ với đại dịch COVID-19, mà như lãnh đạo Chính phủ đã đánh giá “làm thay đổi trạng thái, tình hình vốn đã phức tạp, khó lường lại càng trở nên khó đoán định và khó khăn, phức tạp hơn nhiều”. Việt Nam cũng gặp những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ, với đợt dịch bùng phát lần thứ 4 gắn với biến chủng Delta ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và có sự thích ứng khá kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chuyển sang bình thường mới.

Việt Nam đã kịp thời tiêm phủ vắc xin với tỷ lệ cao hàng đầu thế giới, chúng ta đã vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với mức vốn thu hút đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 668,5 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58% (trong đó, tăng trưởng trong Quý IV-2021 đã đạt mức 5,22% từ mức tăng trưởng âm 6,02% trong Quý III-2021, thể hiện đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ).

Một trong những ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”. Nghiên cứu kỹ nội dung và cách diễn đạt về đột phá chiến lược được đặt lên hàng đầu này, chúng ta thấy, lần đầu tiên Đảng ta sử dụng thuật ngữ “quản trị”, “quản trị quốc gia” và chủ trương “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta trước đây, thuật ngữ “quản trị” hoặc “quản trị quốc gia” không được sử dụng mà thay vào đó, thuật ngữ phổ biến hơn chính là “quản lý nhà nước”. Chúng ta đều biết, “quản lý” và “quản trị” là hai khái niệm khác nhau nhưng có nội hàm nhiều khi chồng lấn lên nhau và liên hệ mật thiết với nhau. Nói tới “quản trị” (governance) (nhất là việc quản trị được thực hiện bởi các chủ thể công quyền) là nói tới quá trình ra quyết định và thực thi quyết định để xử lý các vấn đề mà chủ thể quản trị có trách nhiệm giải quyết.[1] “Quản lý” cũng là quá trình ra quyết định và thực thi quyết định để xử lý các vấn đề mà chủ thể quản lý có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, trong “quản trị”, quá trình ra quyết định và thực thi quyết định thường có sự tham gia bởi chính chủ thể là đối tượng hướng tới của quyết định. Nói cách khác, trong quản trị để giải quyết các vấn đề phát sinh, chủ thể có trách nhiệm giải quyết các vấn đề/tình huống phát sinh thường không đơn độc, ra quyết định một mình mà thường tạo điều kiện để các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan được tham vấn hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định. Bởi vậy, quản trị do chủ thể công quyền thực hiện, trong mối quan hệ với quản lý nhà nước, có thể hiểu chính là một mô thức quản lý nhà nước có sự tôn trọng, phát huy, thậm chí là đề cao sự tham gia của các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan tới vấn đề cần được xử lý (thậm chí là sự tham gia của chính đối tượng chịu sự quản lý) vào quá trình ra quyết định và thực thi quyết định. Để sự tham gia này mang tính thực chất và có ý nghĩa, chủ thể có trách nhiệm xử lý vấn đề thường phải bảo đảm sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, thượng tôn pháp luật (rule of law) đối với quá trình ra quyết định và thực thi quyết định để giải quyết vấn đề. Bởi vậy, “quản trị” (nhất là khi nói tới quản trị quốc gia) chính là cách quản lý mang đậm yếu tố dân chủ. Đầy đủ hơn, các tổ chức quốc tế có uy tín,[2] khi đề cập tới “quản trị” (dành cho mỗi quốc gia) là đề cập tới “quản trị tốt” (good governance) như hình mẫu của các nền quản trị hiện đại (một trong những tiền đề cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững và công bằng) với các yêu cầu như: (1) có sự tham gia của các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan (participatory);  (2) hướng tới tính đồng thuận xã hội (consensus oriented); (3) các chủ thể tham gia vào quá trình ra quyết định có trách nhiệm giải trình (accountable); (4) bảo đảm sự minh bạch trong quá trình ra quyết định và thực thi quyết định (transparent); (5) bảo đảm tính đáp ứng kịp thời trong các quyết sách xử lý vấn đề theo nguyện vọng của người dân (responsive); (6) bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả trong việc thực thi quyết định (effective and efficient); (7) bảo đảm tính bao trùm và công bằng trong quá trình ra quyết định và thực thi quyết định (equitable and inclusive); và (8) bảo đảm thượng tôn pháp luật (follows the rule of law).[3]

Với cách tư duy như vậy, có thể thấy rằng, các vấn đề phát sinh cần giải quyết để “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới” mà nhà nước ta, trong đó có chính quyền địa phương cần xử lý, nếu được thực hiện theo đúng các yêu cầu của nền quản trị quốc gia hiện đại, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi nhất có thể của các chủ thể có liên quan, trong đó có các chủ thể thuộc khu vực ngoài nhà nước.

1. Quản trị địa phương phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tại các địa phương, trong các văn bản pháp luật của chúng ta, thuật ngữ “quản lý nhà nước tại địa phương” thường được sử dụng chứ chưa phải là thuật ngữ “quản trị địa phương”. Tuy nhiên, trong điều kiện thuật ngữ “quản trị”, “quản trị quốc gia”, “quản trị chính quyền đô thị”[4] đã được sử dụng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thì không còn quá sớm khi chúng ta sử dụng thuật ngữ “quản trị địa phương” - điều mà nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã sử dụng.

Nếu nhìn từ hệ thống thông tin và mạng lưới quản trị, có thể thấy rằng, chủ thể quản trị địa phương trước hết phải đề cập tới cấp ủy đảng tại địa phương giữ vai trò lãnh đạo, tiếp đến là vai trò của chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương), các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương (Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội khác như công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh v.v.) và chính mỗi người dân tại địa phương cùng các tổ chức xã hội khác đang hoạt động tại địa phương. Mặc dù vậy, dù gọi là quản lý nhà nước tại địa phương hay nay là quản trị địa phương, thì chủ thể có vai trò quan trọng hàng đầu và trung tâm vẫn là cấp ủy và chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương ở nước ta được thành lập từ ngay những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Trải qua quá trình lịch sử, kể từ Hiến pháp năm 1980, sau đó là Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chính quyền địa phương được tổ chức thống nhất trong cả nước, không phân biệt địa bàn nông thôn và đô thị, gồm 3 cấp là (1) chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (2) chính quyền huyện, thị xã, quận, thành phố trực thuộc tỉnh (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh)[5]; (3) chính quyền xã, thị trấn, phường (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã/thị trấn/phường). Trong một vài năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu mới trong quá trình phát triển, một số thành phố trực thuộc Trung ương đã được phép thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương có sự khác biệt giữa chính quyền ở nông thôn và chính quyền ở đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội là những ví dụ như vậy.[6]

Về thẩm quyền của chính quyền địa phương, trước hết phải khẳng định rằng, nếu như trách nhiệm hàng đầu của chính quyền trung ương là tạo lập môi trường pháp lý và quản lý vĩ mô nền kinh tế, quản lý tổng thể quốc gia, thì trách nhiệm hàng đầu của chính quyền địa phương các cấp là tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi địa hạt hành chính của địa phương.[7] Chính vì thế, chính quyền địa phương là chủ thể chuyển tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật ấy vào thực tiễn cuộc sống. Thực tiễn cho thấy, chính quyền địa phương, nhất là chính quyền địa phương cấp tỉnh đang được pháp luật giao những thẩm quyền rất lớn trong việc kiểm soát quá trình phân bổ các nguồn lực của quá trình phát triển, trong đó phải kể tới việc kiểm soát quá trình phân bổ đất đai, nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện công việc đăng ký doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, duy trì hệ thống an sinh xã hội và quản lý nhà nước đối với các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với tiến trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương ngày càng rõ nét. Trong xu thế chung đó, chính quyền địa phương, nhất là chính quyền địa phương cấp tỉnh đã được Trung ương trao cho ngày càng nhiều hơn các thẩm quyền cần thiết để phục vụ việc quản lý nhà nước đối với địa phương và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các thẩm quyền liên quan tới việc cấp phép đầu tư nước ngoài, phê duyệt các loại báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép đăng ký kinh doanh v.v. là những ví dụ điển hình.[8] Hầu hết các thủ tục hành chính mà người dân thực hiện để thực hiện quyền tự do kinh doanh, tiến hành sản xuất, kinh doanh, tiếp cận với dịch vụ công hoặc dịch vụ hành chính công đều chủ yếu do các cơ quan thuộc chính quyền địa phương thực hiện. Tất nhiên, về nguyên tắc, mọi hoạt động của chính quyền địa phương đều phải nằm trong khuôn khổ pháp lý chung của quốc gia. Địa phương và hoạt động của chính quyền địa phương, vì thế, là chủ thể trực tiếp tham gia quá trình hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch phát triển quốc gia. Địa phương và hoạt động của chính quyền địa phương cũng chính là nơi kiểm chứng tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách, pháp luật do trung ương ban hành. Với tầm quan trọng ấy, có thể nói, chính quyền địa phương và nền quản trị địa phương là một thành tố vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Một nền quản trị quốc gia vững mạnh đòi hỏi hệ thống quản trị địa phương phải thực sự hiệu lực, hiệu quả.

2. Về nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước tham gia phục hồi và phát triển kinh tế

Khu vực ngoài nhà nước là khu vực của các chủ thể không trực tiếp vận hành quyền lực nhà nước và không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để tiến hành các hoạt động của mình. Nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước, vì thế, chính là nguồn lực, sức mạnh của người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.[9] Do các chủ thể trong khu vực ngoài nhà nước không trực tiếp vận hành quyền lực nhà nước, nên việc phân bổ nguồn lực trong khu vực ngoài nhà nước chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế thị trường. Ngoài ra, thông qua các tổ chức xã hội, nhất là các hội hoặc hiệp hội, các chủ thể thuộc khu vực ngoài nhà nước còn có thể liên kết, hỗ trợ và phân bổ nguồn lực với nhau thông qua các hình thức trợ giúp xã hội.

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy, nhờ tính đúng đắn của chủ trương Đổi mới do Đảng ta phát động, lãnh đạo và sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình và phấn đấu không ngừng của các tầng lớp nhân dân, đến nay chúng ta đã có một nền kinh tế phát triển năng động với khu vực kinh tế tư nhân cùng với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp trên 70% GDP của nền kinh tế.   Các số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được thành lập mới tăng liên tục từ mức khoảng 14.500 doanh nghiệp được thành lập mới vào năm 2000 lên mức trên 80 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới vào năm 2010, rồi mức 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới vào năm 2016, rồi trên 126 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới vào năm 2017 và con số đó cho năm 2018 là 131 nghìn, năm 2019 là 138 nghìn, năm 2020 là 134,9 nghìn và năm 2021 là 116 nghìn. Lũy kế đến hết năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang còn hoạt động trong nền kinh tế là khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp.

(Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/Portals/0/xBlog/uploads/2016/12/22/hinh%201_2.png).

Đà tăng này chỉ thay đổi trước tác động bất lợi của những khó khăn chưa có tiền lệ do COVID-19 gây ra (nhất là đối với một số lĩnh vực dịch vụ như lữ hành quốc tế, du lịch nội địa, khách sạn, nhà hàng v.v.). Đổi ngược lại, khu vực thương mại điện tử và các hoạt động trực tuyến có bước phát triển rất mạnh. Điều cần lưu ý nữa là sự lớn mạnh của khu vực ngoài nhà nước còn thể hiện điểm mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá là: Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế”.

Một trong những đặc trưng nổi trội của khu vực ngoài nhà nước là sự năng động, sáng tạo và linh hoạt của các chủ thể thuộc khu vực này. Các số liệu thống kê những năm gần đây đều cho thấy, trước thời điểm có tác động của COVID-19, mỗi năm, trên 100 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được thành lập mới với số lượng doanh nghiệp được thành lập mới thường là năm sau cao hơn năm trước. Người dân, với nhiều tư cách khác nhau, có thể là người lao động (công nhân, nông dân, doanh nhân, nhà khoa học v.v.), nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp nhưng đều rất năng động và linh hoạt trong việc thực hiện các công việc mưu sinh, tìm kiếm cơ hội phát triển.

Người dân và các chủ thể khác của khu vực ngoài nhà nước (nhất là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã, các hội, hiệp hội) vừa là đối tượng thụ hưởng các quyết sách của chính quyền địa phương vừa là chủ thể tham gia vào quá trình ra quyết sách (khi thực hiện các quyền tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện quyền kiến nghị với địa phương…) cũng là chủ thể tận dụng các cơ hội pháp luật quy định để tiến hành các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm, tìm kiếm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Người dân và các chủ thể khác của khu vực ngoài nhà nước còn nắm giữ một nguồn lực vô cùng quan trọng đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đó là nguồn lực trí tuệ, kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức và thông tin. Điều này lại càng quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số hiện nay. Nếu tiềm năng thông tin, trí tuệ của người dân và các chủ thể khác của khu vực ngoài nhà nước được khai thác, phát huy và tận dụng, nhà nước và xã hội sẽ có thêm nguồn lực đầu vào to lớn cho quá trình quản trị địa phương và cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, diện mạo trong phát triển của các địa phương đều có bóng dáng của các chủ thể thuộc khu vực ngoài nhà nước. Những khu, cụm công nghiệp, những làng nghề truyền thống, những sản phẩm đặc sắc của các vùng, miền, những khu đô thị mới, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đều có bóng dáng của người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước.

3. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước trong quản trị địa phương phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay

Có thể khẳng định rằng, quản trị địa phương có mục đích cao nhất là nhằm thúc đẩy địa phương phát triển bền vững, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Muốn làm được điều đó, điều mấu chốt là phải bảo đảm làm sao các quyết sách của cấp ủy và chính quyền địa phương phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải đúng đắn và khi đã ra quyết sách đúng đắn thì quyết sách ấy phải được thực thi nghiêm minh. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương lớn của Đảng là “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt”, cấp ủy và chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể trong nền quản trị địa phương nhìn đã rất coi trọng công việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thành quả phát triển của nhiều địa phương có thể nói là khá tự hào. Cho đến nay, số lượng các tỉnh, thành phố tự bảo đảm được cân đối ngân sách và có nộp vào cho ngân sách trung ương có xu hướng ngày càng tăng. Nếu những năm 2010, chỉ có khoảng 10 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách thì hiện tại, chúng ta đã có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có thể tự cân đối ngân sách và có nộp trở lại cho ngân sách Trung ương, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa - Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hòa (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%).[10] Một số tỉnh đang phấn đấu để sớm tự cân đối ngân sách như Hà Nam (từ năm 2022), Ninh Bình (dự kiến từ 2022), tiếp đó là Long An, Thái Nguyên…

Điều đáng nói là, tư duy quản lý, quản trị của nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương có sự đổi mới, phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của quá trình phát triển. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó phải kể tới các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng... rất coi trọng kết quả đánh giá và xếp hạng trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)[11], để từ đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng lực quản lý, điều hành công việc của địa phương. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, quá trình huy động khu vực ngoài nhà nước tham gia quản trị địa phương để thúc đẩy việc phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay vẫn còn gặp những rào cản nhất định.

Thứ nhất, không phải địa phương nào cũng duy trì được nền quản trị địa phương hoàn toàn thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Kết quả phòng, chống dịch COVID-19 chưa đồng đều giữa các địa phương trong thời gian qua phần nào cho thấy khả năng xử lý tình huống, khả năng chống chịu của chính quyền ở một số địa phương trước những diễn biến bất thường còn chưa cao. Điều đó đặt ra yêu cầu rất lớn về việc cần tiếp tục tăng cường năng lực quản trị địa phương ở nước ta trong thời gian tới, nhất là ở những vùng, địa bàn mang tính trọng yếu, nơi đã từng hoặc đang từng là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước, để bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường, ngăn ngừa tối đa khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm sự vận hành thông suốt, thống nhất của nền hành chính quốc gia.

Thứ hai, không phải địa phương nào cũng thực sự quan tâm đúng mức tới việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển của địa phương. Báo cáo PCI năm 2020 (trang 25) chỉ rõ “Xu hướng hội tu điểm số PCI giữa các tỉnh sau 16 năm thực hiện PCI. Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp; xu hướng cải thiện tích cực duy trì. Trong khi những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như các thành tựu cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới chỉ dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách. Các tỉnh đứng đầu cần tiếp tục phát huy sáng kiến để cải cách các lĩnh vực điều hành thách thức hơn”.

Thứ ba, không phải địa phương nào cũng đã thực hiện được đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ra quyết định và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn.[12] Theo các cơ quan có thẩm quyền thì đến nay, trong 63 tỉnh, thành phố, không phải tất cả đã thực hiện đầy đủ việc đăng tải thông tin quy hoạch. “Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay phần lớn người dân đều rất khó để tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn, dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác[13]. Thêm vào đó, sự tham gia của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình ra quyết định của chính quyền địa phương, trong đó có cả việc tham gia vào quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cũng còn không ít hạn chế. Ngoài ra, trong quản trị địa phương thời gian qua nổi lên tình trạng khiếu nại liên quan tới đất đai diễn ra với số lượng lớn, không ít vụ có tập trung đông người, nội dung phức tạp, khó giải quyết.

Thứ tư, thể chế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong trạng thái bình thường mới hiện nay cũng còn một số điểm bất hợp lý. Ở đây chúng tôi chỉ xin dẫn ra một số ví dụ:

Ví dụ thứ nhất, để các địa phương phát triển bền vững và lâu dài, các địa phương cần quan tâm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đồng thời thu hút các nhân lực chất lượng cao mà địa phương đang thiếu hụt, thúc đẩy, mở rộng, bảo đảm sự lưu thông hợp lý thị trường lao động tại địa phương (đi kèm với đó là phải giải quyết các bài toán an sinh xã hội và các vấn đề kéo theo bởi dịch chuyển trong thị trường lao động chính là dịch chuyển con người. Tình hình một số địa phương có nhiều khu công nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy rõ điều này). Vấn đề nhà ở cho công nhân ở khu, cụm công nghiệp đang được đặt ra một cách cấp bách. Theo thông tin từ phía Liên đoàn lao động Việt Nam, “Hầu hết công nhân, người lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích khoảng 9-10 m2/phòng, thiếu hầu hết các điều kiện hạ tầng, không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.”[14] Tuy vậy, như đánh giá từ phía đại diện Bộ Xây dựng thì “mặc dù chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội (trong Luật Nhà ở năm 2014), nhưng vẫn cần thiết phải có chính sách riêng để phát triển loại hình nhà ở này. Cùng với đó, do chưa có sự thống nhất giữa các quy định pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nên quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân hiện nay vẫn thiếu”.[15] Thêm vào đó, hiện nay, tình trạng thiếu vốn đầu tư công cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế ở các địa phương khá phổ biến, nhưng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đất đai trong chính sách xã hội hóa cho các lĩnh vực này (nhất là ở các thành phố lớn) chưa đủ sức hấp dẫn cần thiết.[16] Việc hạn chế quyền liên kết với đối tác nước ngoài để cung cấp dịch vụ giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông chất lượng cao của các cơ sở công lập đang bị hạn chế, trong khi điều này lại được cho phép đối với cơ sở giáo dục tư thục.[17]

Ví dụ thứ hai, trong điều kiện, chưa tới 40% dân số ở Việt Nam sống ở các đô thị[18], mặc dù quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, nhưng so với khoảng trên 51% dân số thế giới đang sống ở đô thị và xu thế đô thị hóa trên thế giới tiếp tục diễn ra mạnh mẽ thì cho đến thời điểm hiện tại, nước ta vẫn là quốc gia mà đa số dân cư sống ở nông thôn và một tỷ lệ lao động khá lớn còn làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, một bộ phận lớn dân cư Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở địa bàn và lĩnh vực có năng suất lao động chưa cao. Thực tế đó đang đặt ra bài toán lớn về việc đồng thời: (1) tạo điều kiện tối đa cho quá trình đô thị hóa và (2) tiến hành việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trí thức hóa người dân nông thôn và nông dân. Đến nay, chúng ta đều biết, với quy định về hạn điền trong pháp luật đất đai hiện hành[19], cùng với nhiều rào cản cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của Luật Đất đai năm 2013[20] thì việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp và việc đưa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp còn chưa thực sự thuận lợi.

Ví dụ thứ ba, các quy định về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương của chúng ta hiện nay có điểm chưa thực sự rõ. Không ít việc, cả trung ương và địa phương đều làm. Có công việc cả chính quyền 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều thực hiện. Điều này dễ dẫn tới tình trạng, khi kinh tế phát triển, thành tích tốt, thì các chủ thể có liên quan đều có thể cho rằng đó là sự đóng góp của mình nhưng khi hữu sự có vấn đề, nhất là khi kinh tế phát triển không như kỳ vọng, thì việc quy trách nhiệm cho các chủ thể có liên quan không đơn giản.

4. Kiến nghị giải pháp phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước trong quản trị địa phương phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới

Thứ nhất, càng trong điều kiện khó khăn, thách thức trong phát triển trước tác động của dịch bệnh và các yếu tố khác, thực tiễn càng chứng minh tính đúng đắn trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, càng trong khó khăn, thách thức do đại dịch mang lại, việc đổi mới quản trị địa phương càng cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, nguồn lực của nhân dân trong việc giải quyết các bài toán phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này đòi hỏi bản thân các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự tin dân, dựa vào nhân dân để giải quyết các vấn đề phát triển, nỗ lực phấn đấu thể hiện bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của chính quyền các cấp, bảo đảm mối quan hệ máu thịt giữa chính quyền với nhân dân.

Thứ hai, việc đổi mới quản trị địa phương để phát huy vai trò, nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới cần bám sát định hướng của Đảng ta về xử lý mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường và xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu dân chủ hóa quá trình xây dựng thể chế kinh tế, nhất là việc phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữa ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh… Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động…; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật[21]. “Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[22].

Thứ ba, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương năng động, làm việc trách nhiệm, thực sự quan tâm tới việc cải thiện môi trương đầu tư, kinh doanh, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của trung ương và các địa phương bạn thì ở đó kinh tế - xã hội phát triển và ngược lại. Chính vì thế, trong khuôn khổ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các địa phương cần tiếp tục giữ vững và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, sâu sát với công việc của cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, lo mối lo của người dân, doanh nghiệp, khơi dậy khát vọng phát triển, để thực sự trở thành một trong những lực kéo cùng với người dân, doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính quyền các tỉnh, thành phố cần coi trọng hơn nữa việc tổ chức thi hành pháp luật, sử dụng đúng đắn các quy định về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân yên tâm đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng đòi hỏi, chính quyền địa phương cùng hệ thống chính trị địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc cải thiện chỉ số trong các bảng xếp hạng của địa phương, nhất là bảng xếp hạng PCI, bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…Đi kèm với đó là việc kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công, kiên quyết, kiên trì chống các biểu hiện sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có liên quan theo đúng tinh thần Nghị quyết trung ương 4 Khóa XI, Trung ương 4 Khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII.

Thứ tư, tiếp tục quan tâm cải thiện tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình ra quyết sách và thực thi quyết sách. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân cùng tham gia, nêu sáng kiến đóng góp cho việc cải thiện chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, các loại quyết định liên quan tới đời sống chung của cộng đồng dân cư, coi trọng thỏa đáng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học v.v. Điều này sẽ góp phần huy động tối đa nguồn lực trí tuệ, thông tin thực tiễn của người dân và các chủ thể khác thuộc khu vực ngoài nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, từ đó, bảo đảm cho các quyết sách của chính quyền địa phương sát hợp với thực tiễn, thực sự trở thành những động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ năm, quan tâm phát hiện và kịp thời kiến nghị với trung ương những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành, những quy định cản trở hoặc không có lợi cho quá trình phát triển bền vững của địa phương để cơ quan có thẩm quyền ở trung ương tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, Quốc hội cần quan tâm sớm sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản liên quan tới chính sách hạn điền, những rào cản về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh. Quốc hội và Chính phủ cũng nên quan tâm hơn nữa trong việc cải thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, các quy định về quy trình ra quyết định của chính quyền địa phương, nhất là các quy định điều chỉnh quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, quá trình ban hành các loại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất… bảo đảm các thông tin, dữ liệu không thuộc diện bí mật nhà nước đều được người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận tiện./.

--------------------

[1] Có thể tham khảo cách định nghĩa ngắn gọn “quản trị” (governance) trong tài liệu của Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên Hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific - UNESCAP) <https://www.unescap.org/sites/default/d8files/knowledge-products/good-governance.pdf> rằng: “Simply put "governance" means: the process of decision-making and the process by which decisions are implemented (or not implemented). Governance can be used in several contexts such as corporate governance, international governance, national governance and local governance”. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu đã công bố các công trình nghiên cứu giới thiệu về quản trị quốc gia, quản trị tốt. Chẳng hạn: bài viết của PGS, TS. Vũ Công Giao (2017) trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước “Một số vấn đề lý luận về quản trị tốt”; bài viết của Trần Trung Kiên và Nguyễn Thị Quỳnh Giang trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước “Quản trị nhà nước tốt và những gợi mở đối với Việt Nam” <https://tcnn.vn/news/detail/52999/Quan-tri-nha-nuoc-tot-va-nhung-goi-mo-doi-voi-Viet-Nam.html>…
[2] Như World Bank, IMF, OECD, EU…
[3] UNESCAP (2009), “What is good governance” <https://www.unescap.org/sites/default/d8files/knowledge-products/good-governance.pdf>. Cũng xem thêm: Hester Paanakker, et. al (eds.), Quality of Governance: Values and Violations (Switzerland: Palgrave Macmillan, 2020) at 5-6.
(4) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Gắn kết và đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương”.
(5)Từ Hiến pháp năm 2013, pháp luật Việt Nam thừa nhận mô hình “chính quyền thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” và hiện nay, Thủ Đức là thành phố duy nhất trong cả nước được thực hiện mô hình này.
(6) Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, từ năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 về thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Kiên Giang, Đà Nẵng, Phú Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu) (việc thí điểm này được thực hiện từ ngày 25/4/2009 chấm dứt kể từ ngày 1-1-2016 theo Điều 142 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
(7) Khoản 1 Điều 112 Hiến pháp năm 2013 “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.”

(8) Ngoài việc thực hiện phân quyền cho chính quyền địa phương bởi các đạo luật do Quốc hội ban hành, Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị quyết về phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương. Chẳng hạn, từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30-6-2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau đó, năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24-6-2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

(9) Nếu hiểu rộng hơn, có thể bao gồm cả doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong báo cáo tham luận này, chúng tôi chỉ đề cập tới doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.
[10] Nghị quyết 129/2020/QH14.
[11] Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
[12] Mặc dù chúng ta đã có quy định về minh bạch thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 9 và 10), Luật Đất đai năm 2013 (Điều 28 và Điều 48), Luật Quy hoạch năm 2017 (Điều 38).
[13] “Công khai quy hoạch trị sốt đất” <https://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/cong-khai-quy-hoach-tri-sot-dat-340906.html>.
[14]<https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phat-trien-nha-cho-cong-nhan-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-20211118113454452.htm>
[15]<https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phat-trien-nha-cho-cong-nhan-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-20211118113454452.htm>
[16] Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế hiện nay là 10%.
[17] Điều 6 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
[18] Kết quả điều tra dân số năm 2019 cho thấy, năm 2019, mới chỉ có 34,4% dân số Việt Nam sống ở đô thị (dân số thành thị).
[19] Luật Đất đai năm 2013:
Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ; b) Đất rừng sản xuất.
(20) Điều 130. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này.

2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ.
Luật Đất đai năm 2013:

Điều 190. Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

[21] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 131-133
[22] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 173