Nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội

Nguyễn Tiến Dũng
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
11:41, ngày 16-12-2021

TCCS - Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn lực phát triển quan trọng. Việc quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, trong đó có huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Thực trạng công tác quản lý đất đai của huyện Quốc Oai

Trong những năm qua, công tác quản lý đất đai của huyện Quốc Oai thực hiện hiệu quả, trong đó có một số nhiệm vụ cấp bách, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ủy ban nhân dân huyện ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của thành phố Hà Nội, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, cải cách một bước về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết các tranh chấp và khiếu kiện của người dân được thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất sớm được thực hiện, là căn cứ quan trọng cho công tác quản lý đất đai, nhất là đối với đất khu dân cư nông thôn, bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội_Ảnh:hanoimoi.com.vn

Công tác giao đất, cho thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất được triển khai theo đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và giải phóng mặt bằng thực hiện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo đảm trình tự, thủ tục, dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn huyện. Các chế độ, chính sách về giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân huyện thực hiện tốt, cơ bản nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người bị thu hồi đất, hạn chế đơn thư khiếu nại, góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Hằng năm, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều hoàn thành chỉ tiêu đề ra; thống kê, kiểm kê đất đai thực hiện đúng tiến độ, cơ bản thực hiện xong công tác đo đạc bản đồ địa chính trên toàn địa bàn huyện, tạo tiền đề để số hóa và khoa học hóa công tác quản lý đất đai.

Đến nay, quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng được khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Việc giao đất sản xuất nông nghiệp ổn định theo Nghị định số 64/NĐ-CP và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách chủ động, đúng pháp luật. Người nông dân thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho sản xuất nông nghiệp quy mô, mang lại thu nhập cao. Hằng năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tạo khối lượng nông sản lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, đồng thời đưa các giống cây có năng suất, sản lượng cao vào sản xuất để tăng hệ số gieo trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người dân.

Cụ thể, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến tháng 10-2021, số dự án phải thực hiện thu hồi đất, tiến độ thực hiện dự án là 75 dự án, với diện tích 740,3ha; trong đó, số dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng là 48 dự án với diện tích 86,9ha, số dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 27 dự án, với diện tích 653,3ha. Huyện giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đều được thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền, thời gian quy định, bảo đảm sự đồng thuận của người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án. Từ năm 2016 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp của huyện Quốc Oai thực hiện 16 cuộc kiểm tra và 10 cuộc giám sát đối với 126 đơn vị và 41 cá nhân. Ngoài ra, số giấy chứng nhận cấp mới tăng nhanh, đưa tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 70% năm 2016 đến nay lên 87,5% so với tổng số thửa đất (52.106/59.580 thửa đất) và 95,6% số thửa có khả năng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (52.106/54.468 thửa đất); cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận lần đầu được hơn 10.000 giấy (đạt 67,1%); giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã trả 41.000/42.000 giấy… Điều này đã góp phần tạo ổn định tình hình tại địa phương. Đất đai trên địa bàn huyện được đo đạc theo dự án Vlap về hoàn thiện và hiện đại hóa hồ sơ địa chính của thành phố; đã có hệ thống bản đồ địa chính của 16 xã, thị trấn trong cơ sở dữ liệu quản lý chung của thành phố…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai của huyện Quốc Oai còn một số hạn chế:

Một là, công tác quản lý địa giới chưa hoàn thiện và chuẩn hóa. Tại các xã có địa hình dốc, việc canh tác sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều cản trở do thoái hóa đất, mưa lũ, sạt lở,… Đối với các xã tiếp giáp với nhiều đơn vị hành chính và tiếp giáp các xã của tỉnh Hòa Bình, các đường địa giới đa phần nằm trên khu vực núi non hiểm trở nên khó xác định vị trí chính xác cho quản lý địa giới. Diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, việc khai thác đất rừng  ở nhiều nơi chưa hiệu quả, chưa có quy hoạch chi tiết bảo vệ rừng.

Hai là, công tác quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự đồng bộ, tiến hành còn chậm, chưa thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa. Quy hoạch chung cho toàn huyện chưa chú trọng đến phân vùng các xã, vì vậy, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế phát triển của từng vùng. Mặc dù công tác quản lý quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, song tình trạng lấn chiếm đất công, đất canh tác vẫn còn phức tạp. Công tác cấp giấy chứng nhận trong những năm qua trên địa bàn huyện đều vượt chỉ tiêu, tuy nhiên vẫn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập, như hiện trạng nhà đất do lịch sử để lại rất phức tạp về nguồn gốc sử dụng, nên hiện nay còn những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không có đủ giấy tờ về nguồn gốc đất, gây nhiều khó khăn trong công tác xét duyệt; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở bị sai lệch các thông tin cơ bản do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, do lịch sử để lại, nên ảnh hưởng tiến độ và trình tự luân chuyển xử lý hồ sơ…

Ba là, công tác lập phương án bồi thường cho các chủ sử dụng đất thực hiện theo quyết định thu hồi đất nhìn chung còn chậm; công tác thanh tra sử dụng đất và giám sát kết quả xử lý còn không ít hạn chế; một số xã, thị trấn tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai chậm, không dứt điểm. Công tác lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn hạn chế, chưa đánh giá hết được tính khả thi của công trình, dự án đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong năm (nhất là vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến dự án chậm hoặc không thực hiện được trong năm kế hoạch). Một số xã quản lý đất đai chưa theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án, phải lập hồ sơ xử lý vi phạm và cưỡng chế vi phạm hành chính, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai. 

Bốn là, công tác quản lý quỹ đất nông nghiệp, đất công ích còn chưa hiệu quả. Một số địa phương thiếu biện pháp hữu hiệu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất chuyên trồng lúa nước, để người dân tự chuyển đổi sang trang trại và xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ sai mục đích. Việc tuyên truyền chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến một bộ phận người dân có nhận thức về pháp luật không đầy đủ, phát sinh các tranh chấp…

Sản xuất nông nghiệp ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội_Ảnh: hanoimoi.com.vn

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do việc chấp hành pháp luật và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức sử dụng đất còn chưa tự giác; ý thức tuân thủ pháp luật của một số người dân chưa cao. Nhiều trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn cố tình tái vi phạm, không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thể chế về đất đai còn chưa đồng bộ, thiếu ổn định; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa sâu rộng. Phương pháp giao đất chưa thống nhất của các cơ quan từ trung ương đến địa phương làm giảm tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; việc thực hiện đăng ký nhu cầu sử dụng đất của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, thiếu tính khả thi. Năng lực thực hiện công tác địa chính, chuyên môn của một số cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế. Mỗi xã chỉ có một hoặc hai cán bộ địa chính làm tất cả các lĩnh vực chuyên môn, như giải phóng mặt bằng, chỉnh lý biến động, công tác đo đạc, dồn điền đổi thửa, giải quyết tranh chấp đất đai, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo thống kê kiểm kê hàng năm… nên quá tải công việc, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nhà nước về đất đai. Một số cán bộ địa chính chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác quản lý đất đai còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống hồ sơ tài liệu thiếu, có nhiều biến động, bị hư hỏng và thất lạc; việc lập bản đồ địa chính bằng công nghệ số còn chậm...

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai của huyện Quốc Oai

Thứ nhất, hoàn thiện công tác lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xác định ranh giới cụ thể giữa các vùng để có quy chế đối với việc quy hoạch các vùng, xã của huyện, từ đó có sự kết hợp giữa huyện với các xã để có thể thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể, cũng như quy hoạch từng vùng trên địa bàn. Tập trung tạo cơ sở dữ liệu, hồ sơ lưu trữ về đất đai, như thông tin về đo đạc, quy hoạch chi tiết các xã, cập nhật sự biến động diện tích đất đai, mã hóa số liệu, thay thế quản lý thủ công bằng hệ thống phần mềm địa chính, tạo thuận lợi trong tra cứu trên nền tảng mạng internet. Có sự phân cấp rõ ràng trong việc sử dụng các công cụ điều tiết như hạn ngạch, thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính. Quản lý chặt chẽ quy hoạch - kế hoạch đất đai bảo đảm mục tiêu quản lý đến từng thửa đất, từng chủ sử dụng đất.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thiện xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính. Giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng, vướng mắc hằng năm về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các trường hợp chưa có hộ khẩu thường trú nhưng nhà, đất ở vẫn ổn định, việc mua bán, chuyển nhượng có xác nhận của ủy ban nhân dân xã thì vẫn xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn, chưa trả cho các chủ sử dụng do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, cần xem xét điều kiện để các chủ sử dụng được ghi nợ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quy trình một cửa công tác xét duyệt. Thực hiện đơn giản hóa căn cứ và thủ tục cấp giấy chứng nhận theo hướng coi trọng hiện trạng sử dụng đất hơn là tìm hiểu về nguồn gốc đất đai. Chính quyền cơ sở cùng các ban, ngành, đoàn thể tích cực tổ chức hòa giải và thương lượng các vụ việc tranh chấp đất đai. Các hồ sơ thuộc diện quy hoạch mở đường giao thông, xây dựng các khu công cộng mà phải cắt một phần thì cần đẩy nhanh việc cắm mốc giới ngoài thực địa và tiến hành đo đạc phần diện tích còn lại, thiết lập hồ sơ để xét cấp, không đợi khi quy hoạch xong mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cập nhật, chỉnh lý biến động và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý đất đai ở cấp huyện và các xã nhằm tránh tình trạng thiếu, sai lệnh thông tin, dữ liệu.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác địa chính, trong đó chú trọng cả về phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn. Xây dựng các quy định và tiêu chuẩn hóa cán bộ làm công tác địa chính nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn và sử dụng có hiệu quả cán bộ địa chính. Tiến hành đào tạo lại và thường xuyên cập nhật kiến thức về quản lý đất đai cho cán bộ địa chính. Phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở lấy hiệu quả, khối lượng, chất lượng giải quyết công việc trong thực tiễn và đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật làm thước đo chủ yếu. Kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ có năng lực, trình độ yếu kém, suy thoái về phẩm chất đạo đức, công vụ, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực thi công vụ. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và các sở, ngành có liên quan tổ chức các hội nghị chuyên đề trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện.

Thứ tư, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai và việc chấp hành pháp luật đất đai đối với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn huyện, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại và tố cáo về đất đai, không để kéo dài, vượt cấp; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, bức xúc và khiếu kiện đông người ảnh hưởng đến an ninh chinh trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Coi trọng và thực hiện nền nếp công tác tiếp công dân từ cấp huyện, cấp xã và cả hệ thống chính trị. Làm tốt công tác vận động, hòa giải tại cơ sở. Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các phòng, ban của huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong công tác tiếp và giải quyết đơn thư của công dân./.