Cần làm sâu sắc hơn nội hàm “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai” thông qua đổi mới tổ chức bộ máy địa chính và tối ưu hóa quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về đất đai gắn với chuyển đổi số
TCCS - Quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đất đai trên cơ sở đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cải cách hành chính để đáp ứng nhu cầu phát triển, hài hòa lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp được Đại hội XIII của Đảng định hướng là một trong những yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Vài nét về hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam
Hệ thống địa chính đầu tiên của Việt Nam do triều Lê thiết lập vào năm 1490, chủ yếu tập trung cho mục tiêu quản lý ruộng đất để thu thuế nông nghiệp. Bộ luật Hồng Đức là bộ luật đầu tiên được ban hành ở Việt Nam, có 59 điều về quản lý ruộng đất. Hệ thống địa chính thứ hai được xác lập bởi Bộ luật Gia Long, có 14 điều quy định về các quan hệ dân sự và hành chính về đất đai(1). Theo một thống kê do Nguyễn Công Tiệp tiến hành vào thời Minh Mạng, số lượng ruộng đất tư trong cả nước là 2.816.221 mẫu, chiếm 82,92% tổng diện tích ruộng đất thực canh trong cả nước (3.396.584 mẫu), trong khi ruộng đất công chỉ chiếm 580.363 mẫu (khoảng 17,08% trên tổng diện tích ruộng đất thực canh)(2).
Nửa cuối thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu lập bản đồ địa chính với tọa độ và lập sổ địa chính mới để tăng cường thu thuế nông nghiệp ở các vùng nông thôn và kiểm soát thị trường bất động sản ở đô thị. Đây là hệ thống địa chính thứ ba được thiết lập ở Việt Nam với hệ thống đăng ký giấy chứng nhận quyền (Deed system) được áp dụng cho quản lý đất đai ở nông thôn và hệ thống đăng ký quyền (Torrens system) được áp dụng cho đất đô thị.
Sau khi giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 41, ngày 3-10-1945, tiếp nhận Sở Trước bạ - Văn tự - Quản thủ điền thổ và Thuế Trực thu của Phủ Toàn quyền Đông Dương về trực thuộc Bộ Tài chính. Nhà nước ban hành một loạt các văn bản quy định giảm thuế đất, quy định về sử dụng đất như Nghị định “Miễn giảm thuế điền”, “Kê khai và cho mượn đất giồng màu”, Sắc lệnh “Bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê”.
Cùng với sự phát triển đất nước, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới công tác quản lý đất đai cũng dần được hoàn thiện. Trước khi Luật Đất đai ra đời năm 1987, từ năm 1945 cho tới khi thống nhất đất nước năm 1975, đất đai ở miền Bắc và sau đó là trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Khởi đầu cho đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở Việt Nam là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, năm 1981, hay còn gọi là “Khoán 100”, thực hiện việc khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động, là tiền đề của “Khoán 10”, thực hiện theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Đây là bước đột phá quan trọng, lần đầu tiên xác định hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị chủ quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ nhận khoán với hợp tác xã.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua lần đầu tiên ngày 29-12-1987. Luật Đất đai năm 1987 là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh quan hệ đất đai, làm thay đổi quan hệ đất đai theo chế độ tập thể hóa và quốc doanh hóa trước đây, giao đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân, cho các nông trường, lâm trường và cá nhân, khuyến khích kinh tế tư nhân trong lĩnh vực khai thác sử dụng đất, đồng thời khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý(3). Năm 1994, Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước được hợp nhất và tổ chức lại thành Tổng cục Địa chính theo Nghị định số 12/CP, ngày 22-2-1994, và Nghị định số 34/CP, ngày 23-4-1994, của Chính phủ. Sau khi Tổng cục Địa chính ra đời, các địa phương đã thành lập Sở Địa chính trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Tại cấp huyện là Phòng Địa chính trực thuộc UBND cấp huyện, tại cấp xã có cán bộ địa chính xã.
Đến năm 2002, theo định hướng thành lập các bộ quản lý đa ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP, ngày 11-11-2002, của Chính phủ. Ở địa phương thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính, các đơn vị quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ.
Để tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng cục Quản lý đất đai được thành lập trong Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tập trung các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở cấp Trung ương về một đầu mối chuyên trách.
Sau khi Luật Đất đai năm 1987 ra đời, qua quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo từng thời kỳ phù hợp với quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 và 2013 đã được ban hành, cùng với các lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1998, năm 2001. Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý đất đai trong bối cảnh phát triển hiện tại của đất nước. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai, đổi mới về giá đất đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, từng bước thực hiện quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính giúp giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai được quy định cụ thể. Thị trường bất động sản nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp và ổn định, các đơn vị tư vấn định giá đất được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
Thực hiện quan điểm nhà nước thống nhất quản lý về đất đai
Quan điểm nhà nước thống nhất quản lý đất đai được thông qua tại Tuyên bố Hội nghị chuyên gia địa chính liên vùng Liên hợp quốc (Tuyên bố Bogor), ngày 22-3-1996, nêu rõ sự cần thiết phải thiết lập một chính sách đất đai quốc gia thống nhất, bao gồm: 1- Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia thống nhất nhằm tích hợp và bảo mật dữ liệu tối đa, sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển hệ thống thông tin đất đai toàn diện; 2- Cơ sở dữ liệu địa hình và địa chính đồng nhất và thống nhất bảo đảm tích hợp, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu trong tương lai; cập nhật và nâng cấp tất cả các hệ thống quản lý địa chính đồng bộ, thống nhất.
Ở Việt Nam, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển, ngày 31-10-2012, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 53 và Điều 54 đã quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Mục II Chương 3 Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định về hoạt động điều tra, đánh giá đất đai, bao gồm cả điều tra số lượng và điều tra chất lượng đất đai. Để từng bước xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, tạo điều kiện để công khai, minh bạch hóa công tác quản lý, sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 đã dành Chương IX quy định về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu với thành phần cơ bản là hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai, hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Cơ sở dữ liệu đất đai là tài sản của Nhà nước, được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật và phải nộp phí.
Luật Đất đai cũng đã bước đầu hình thành khung pháp lý để thực hiện các dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định kỹ thuật, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo các nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống thông tin đất đai; giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.
Về định hướng củng cố, hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã quy định theo hướng kiện toàn các tổ chức này theo mô hình một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với chức năng, nhiệm vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của việc cung cấp dịch vụ công.
Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, xác định các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu và từng bước triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; tiếp tục kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý đất đai; tăng cường quản lý và phát triển thị trường bất động sản với ưu tiên hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện để đất đai tham gia vào thị trường bất động sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Quyết định số 1892/QĐ-TTg, ngày 14-12-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2020” đề ra nhiệm vụ cụ thể: “Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; kiện toàn hệ thống tổ chức ngành quản lý đất đai theo hướng quản lý thống nhất, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành quản lý đất đai”.
Định hướng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, trong thời gian tới cần tập trung nỗ lực giải quyết các nội dung sau:
- Về phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, cần làm rõ chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai theo không gian sử dụng, bao gồm quyền bề mặt quy định tại Điều 267 Bộ luật Dân sự đối với mặt đất, mặt nước, thềm lục địa, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc chủ quyền lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giá đất, chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất để điều chỉnh cho phù hợp với năng lực thực hiện của đối tượng được phân cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất của Nhà nước về đất đai và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch bất động sản, đăng ký tài sản thế chấp, đăng ký giá giao dịch, đăng ký quyền sử dụng hạn chế như khu vực bãi bồi, khu vực đất ngập nước theo mùa thuộc công trình thủy lợi, thủy điện; hạ tầng công trình ngầm, cáp điện, khu vực hành lang an toàn đi qua đất giao tổ chức, cá nhân; công trình ngầm hoặc trên không của tổ chức, cá nhân trong phạm vi đất công cộng.
- Áp dụng quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan để bảo đảm quy hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính, phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng được thể hiện thông tin theo tọa độ, không gian và thời gian bằng bản đồ chuyên đề tách lớp cho tất cả các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
- Việc giao đất, cho thuê đất, sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước, đất nông, lâm trường cần được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất sản xuất. Cần có chính sách thuế, phí, xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng.
- Đổi mới cơ chế điều tiết giá trị tăng thêm từ đất bằng cách lập bản đồ giá đất trước khi lập quy hoạch, sau khi lập quy hoạch, sau khi xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, thực hiện thu hồi đất vùng phụ cận, điều chỉnh đất đai, dồn điền, đổi thửa tại đô thị để tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi. Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn vốn xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người có đất bị thu hồi trước khi bồi thường, giải tỏa; phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi. Cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án.
- Ứng dụng công nghệ vào xác định giá đất, tới từng thửa đất, thực hiện đăng ký giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất đấu giá, giá đất đấu thầu, giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá đất cụ thể, giá đất giao dịch thực tế và giá đất đăng ký, làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về giá đất, từng bước đổi mới phương pháp xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh theo tín hiệu thị trường.
Giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam
Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng và có giới hạn. Việc quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẽ đem tới những lợi thế cạnh tranh và tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng. Khoảng 80% quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý về đất đai. Nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan quản lý đất đai là do các cơ quan này chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối hợp, kết hợp với các bên có liên quan.
Mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tổ chức thống nhất từ Trung ương tới địa phương, dựa trên ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất theo ba nội dung chính của công tác quản lý nhà nước về đất đai là quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giá đất và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Ứng dụng công nghệ GPS, cơ sở dữ liệu lớn bản đồ chuyên đề nhiều lớp, công nghệ trí tuệ nhân tạo, đám mây, chuỗi khối để: 1- Thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai; 2- Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; 3- Lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; 4- Xây dựng bản đồ tích hợp quy hoạch sử dụng đất với hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh, quốc phòng; 5- Sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Hệ thống thông tin đất đai, nhất là cơ sở dữ liệu đất đai, là công cụ giúp Chính phủ kiểm soát tài nguyên đất, cung cấp dịch vụ công cho người dân, mở rộng khả năng tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước. Hệ thống thông tin đất đai giúp hoàn thiện được cơ chế công khai, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất, tình trạng giao dịch, giá, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất và bất động sản trên đất, đem lại các hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tăng nguồn thu ngân sách quốc gia, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và thúc đẩy thực hiện các giao dịch về đất đai, cải thiện lòng tin của người dân đối với chính quyền, sự tín nhiệm, quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo đảm công bằng xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được quản lý tập trung, thống nhất, bảo đảm đồng bộ, chính xác, tin cậy, bảo mật thông tin để có thể chia sẻ sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người nước ngoài để cùng khai thác và sử dụng. Hệ thống thông tin đất đai của các nước phát triển, như Thụy Điển, Niu Di-lân, Ô-xtrây-lia, Nhật Bản, Hàn Quốc,... được chia sẻ và sử dụng cho hoạt động quản lý điều hành đất nước và hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Việc kiện toàn cơ quan định giá đất của Nhà nước theo định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW cần phải được xây dựng trên cơ sở Cơ quan thẩm định giá đất quốc gia và mạng lưới cơ quan định giá đất trực thuộc các văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương, đảm nhiệm vai trò xây dựng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục tuân thủ. Hệ thống cơ sở dữ liệu giá đất cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính và hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất là tiền đề để Chính phủ có thể sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính nhằm khai thác nguồn lực đất đai, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Việc định giá đất, xây dựng bản đồ giá đất gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là tiền đề để ứng dụng công nghệ định giá đất hàng loạt vào xây dựng bản đồ giá đất tới từng thửa đất theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 32 Luật Đất đai. Trên cơ sở dữ liệu giá đất, địa chính và quy hoạch sử dụng đất có thể xác định vùng giá trị bao gồm các thửa đất có đặc tính tương đồng. Trong mỗi vùng giá trị đất có một thửa đất chuẩn được định giá. Sau đó, mỗi thửa đất trong vùng giá trị đất được định giá với hệ số điều chỉnh được áp dụng để phản ánh sự khác biệt giữa thửa đất chuẩn và các thửa đất khác trong vùng đó. Thửa đất chuẩn được dùng làm chỉ số điều chỉnh hằng năm trong mỗi chu kỳ điều chỉnh 5 năm. Các tỉnh được cung cấp chỉ số điều chỉnh giá đất dựa trên thị trường. Chỉ số điều chỉnh được sử dụng để điều chỉnh mức giá trị đất của tất cả các thửa đất trong một địa phương trong chu kỳ thẩm định giá. Chỉ số điều chỉnh có thể được xác định theo quy định do Cơ quan thẩm định giá quốc gia. Chỉ số điều chỉnh được tính toán và dựa trên giao dịch đất đai, dữ liệu cho thuê hiện tại và các minh chứng thị trường liên quan khác như giá đấu giá để xác định mức giá của từng mục đích sử dụng đất tại một địa điểm nhất định.
Mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai, công tác quy hoạch, giá đất, gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được quản lý đồng bộ, thống nhất, bảo mật cao, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, theo thời gian thực từ Trung ương tới địa phương là tiền đề để đổi mới hệ thống quản lý đất đai, từng bước thực hiện hạch toán tài nguyên đất, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về đất đai./.
----------------------
(1) Xem: Đặng Hùng Võ và Gsta Palmkvist: “Cải cách hệ thống quản lý đất đai”, Hội thảo quốc tế “Công nghệ cho thế kỷ mới”, Liên đoàn Trắc địa quốc tế, 2001
(2) Xem: Huỳnh Công Bá: “Chế định về tài sản ruộng đất trong pháp luật triều Nguyễn”, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 51, 2009
(3) Xem: Nguyễn Tấn Phát: “Chính sách đất đai ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 1 (332) năm 2006
Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay  (30/10/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển