Tỉnh Quảng Bình gắn phát triển kinh tế với thực hiện tốt chính sách xã hội
TCCS - Qua gần 32 năm tái thành lập tỉnh (từ ngày 1-7-1989), thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ở từng lĩnh vực, địa phương, trong các chính sách phát triển, thực hiện các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình.
Tạo sự phát triển mới, toàn diện trên tất cả lĩnh vực
Xuất phát từ nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng thấp kém; công nghiệp chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; phải thường xuyên ứng phó với thiên tai, bão lụt và khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ luôn trăn trở, tìm hướng đi cũng như giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội.
Ngay từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996 - 2000), tỉnh đã đề ra chủ trương “giải quyết tốt các mối quan hệ kinh tế và xã hội; kinh tế và quốc phòng - an ninh; coi trọng tính thống nhất hiệu quả kinh tế - xã hội, lợi ích kinh tế và động lực tinh thần trong mọi lĩnh vực hoạt động, trong từng địa phương, cơ sở”(1).
Bước sang Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2001 - 2005) - giai đoạn đầu của thế kỷ XXI, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ tỉnh xác định: “Tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng hội nhập của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến tiến bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm; cơ bản xóa hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh”(2). Chủ động nắm bắt thời cơ, đối diện với thách thức trước tình hình mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (tháng 12-2005) xác định, mục tiêu chung về đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội là “kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội… cải thiện căn bản đời sống nhân dân”; “sức khỏe, đời sống, việc làm của nhân dân và các yếu tố khác về chính sách xã hội là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững”(3). Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) tiếp tục nhấn mạnh việc “huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội”(4).
Với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện chính sách xã hội như: lựa chọn những khâu đột phá, những vấn đề bức xúc cần giải quyết, những giải pháp và bước đi phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã khơi dậy được sức sản xuất trong nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo sự phát triển mới, toàn diện trên tất cả lĩnh vực:
Về nông nghiệp, nếu như trước năm 1990, sản lượng lương thực sản xuất chỉ cân đối được 80% nhu cầu của khu vực nông thôn, thì trong giai đoạn 2011 - 2015, sản lượng lương thực liên tục tăng, đặc biệt năm 2011 và năm 2012 “đạt 28,1 và 28,4 vạn tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết (27,5 - 28 vạn tấn); diện tích có giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm đến hết năm 2013 có 13.006ha, tăng 2.869ha so với năm 2010, chiếm 15,8% diện tích canh tác; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm 57%, có 13.005ha lúa chất lượng cao, chiếm 42,8%”(5). Đến giai đoạn 2016 - 2020, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được chuyển giao, nhân rộng, như: Thực hiện các biện pháp canh tác SRI vào sản xuất; sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap (trên 20ha rau sản xuất được chứng nhận VietGap), nhờ đó sản lượng lương thực năm 2020 đạt 297.282,5 tấn, tăng 4,5% so với năm 2019, đạt 104,3% so với kế hoạch. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Các trang trại tập trung phát triển mạnh ở vùng đồi, vùng cát, khai thác tốt lợi thế của địa phương, nhờ đó đạt được những kết quả quan trọng, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty QBMilk, Lê Dũng Linh... Năm 2017, toàn tỉnh có 210 trang trại chăn nuôi, tăng 103 trang trại so với 2015. Năm 2019, nhờ những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh về chăn nuôi cả về tổng đàn và chất lượng đàn, áp dụng khoa học, công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, qua đó nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 51,9% giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2018. Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bão lũ, dịch tả lợn châu Phi…, nhưng nhờ có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, hiệu quả, chính sách hỗ trợ kịp thời nên ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh vào cuối năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 51,3% giá trị sản xuất nông nghiệp(6).
Sản xuất lâm nghiệp chuyển mạnh theo hướng từ chủ yếu khai thác sang hướng bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng với nhiều thành phần xã hội cùng tham gia nhằm duy trì, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, hơn 30 năm qua đã trồng mới 97.956,2ha rừng, bình quân mỗi năm có 4.258,96ha được trồng mới, góp phần nâng cao tỷ lệ diện tích rừng trồng chiếm hơn 16,9% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.
Về thuỷ sản, năm 2015, sản lượng khai thác đạt 57.009 tấn; năm 2017 khai thác biển có mức tăng trưởng cao (sản lượng 59.465 tấn, tăng 4,3% so với năm 2015). Nuôi trồng thủy sản phục hồi và tăng trưởng sau sự cố môi trường biển, sản lượng nuôi trồng năm 2017 đạt 11.600 tấn (năm 2015 đạt 11.000 tấn). Năm 2019, sản lượng thủy sản đạt 82.699,5 tấn, tăng 7,8% so với năm trước và đạt 104,7% kế hoạch(7).
Năm 2020, tình hình sản xuất, khai thác cơ bản ổn định. Mặc dù, các tháng cuối năm thời tiết diễn biến phức tạp, bão và mưa lũ kéo dài với cường độ mạnh lên, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, song sản lượng thuỷ sản năm 2020 đạt 87.280,1 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ(8).
Lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Giai đoạn 1996 - 2000, sản xuất công nghiệp đi dần vào ổn định, có tốc độ tăng trưởng liên tục. Giai đoạn 2001 - 2005, sản xuất công nghiệp thực sự ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, tỉnh quy hoạch 7 khu công nghiệp (Tây Bắc Đồng Hới, cảng biển Hòn La, Bắc Đồng Hới, Cam Liên, Bang, Tây Bắc Quán Hàu, Lý Trạch). Trong đó, hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng để cho các dự án, nhà máy đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới.
Gần 32 năm xây dựng và phát triển, nhờ triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng liên tục và tương đối ổn định. Bình quân giai đoạn 1991 - 1995 mỗi năm tăng 8,48%; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 8,24%; giai đoạn 2001 - 2005 đạt 8,5%-9%; giai đoạn 2006 - 2010 là 10,7%; giai đoạn 2010 - 2015 đạt 6,5%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ - xu hướng tất yếu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu GDP từ 47,7% năm 1990 giảm liên tục còn 21,38% năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng với tỷ trọng tăng từ 12,5% năm 1990 lên 28,35% năm 2020, từng bước khẳng định là ngành kinh tế trọng tâm, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 35,6% năm 1990 tăng lên 50,27% năm 2020, trong đó du lịch ngày càng khẳng định thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các cơ sở kinh tế lớn như Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Khu du lịch sinh thái Mỹ Cảnh, Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi tắm Nhật lệ, Nhà máy xi măng Sông Gianh,… được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách xã hội
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình địa phương hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, như: Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo nhất nước trên địa bàn huyện Minh Hóa; Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới,... về cơ bản chủ yếu hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Cùng với đó, công tác giảm nghèo thường xuyên được chú trọng thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Tỉnh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo, như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà ở, đất sản xuất, bảo hiểm y tế, học phí, vay vốn phát triển sản xuất... Đồng thời, tập trung thu hút nhiều nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp để giảm nghèo một cách bền vững cho các vùng khó khăn, nhất là vùng miền núi và biển bãi ngang. Nếu trước năm 1989, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh chiếm trên 40%, đói giáp hạt kéo dài liên miên, có năm tỷ lệ thiếu đói chiếm 50% số hộ thì đến cuối năm 2013 không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 14% (theo chuẩn mới). Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm bình quân gần 2% hằng năm. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, ước tính trong năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2020 còn 4,38% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh(9).
Năm 2020, giải quyết việc làm là một điểm sáng trong thực hiện chính sách xã hội của tỉnh, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bão, lũ, toàn tỉnh đã có 28.945 lao động được tạo việc làm và tạo thêm việc làm (đạt 87,4% kế hoạch năm), trong đó 16.619 lao động được tạo việc làm và 12.326 lao động được tạo thêm việc làm(10). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng tăng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn chuyển biến rõ rệt. Từ chính sách dân số đến việc giải quyết việc làm có hiệu quả đã tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kết quả trên là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp.
Cùng với việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…, chính sách xã hội đối với người có công và gia đình có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt. Tinh thần tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, chia sẻ khó khăn, đùm bọc lẫn nhau được khơi dậy và phát huy thông qua các phong trào, các cuộc vận động mang đậm tính nhân văn. Được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, phong trào chăm sóc người có công, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bị thiên tai, bão lụt cùng các hoạt động nhân đạo khác được tiến hành thường xuyên hằng năm đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Tỉnh cũng tích cực thực hiện các chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững khác, như: bảo đảm cung ứng dịch vụ công cộng bình đẳng cho mọi người dân về giáo dục và đào tạo, việc làm, chăm sóc sức khỏe người dân, thông tin, thể dục thể thao, thực hiện chính sách dân số và phát triển,… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những kết quả đạt được có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo thế ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Từ đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song so với yêu cầu đặt ra, việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện các chính sách xã hội của tỉnh vẫn còn có những hạn chế. Khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn ngày càng gia tăng, hệ thống an sinh xã hội chưa đồng bộ, nhất là ở vùng biển, bãi ngang và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Tuyên Hóa, huyện Minh Hóa... Kinh tế của tỉnh phát triển chưa cân đối giữa một số vùng, miền và chưa bền vững.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội… Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”(11), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình xác định: Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mức sống dân cư; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững..., trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị trung tâm của quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh, mà là điều kiện quan trọng để thực hiện các chính sách xã hội bởi giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau, làm điều kiện và tiền đề cho nhau cùng phát triển. Kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy, nếu kinh tế không phát triển sẽ không thực hiện được các chính sách xã hội; ngược lại, việc thực hiện các chính sách xã hội phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế.
Thứ hai, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập của người dân; nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân. Có việc làm và tăng thu nhập sẽ đáp ứng được những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần của người dân. Đây là cách thức thực hiện chính sách xã hội bền vững nhất giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, là một trong những nội dung của định hướng thứ 5 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(12).
Thứ ba, luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khai thác, tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để thực hiện chính sách xã hội thành công.
Thứ tư, giải quyết mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, giảm bớt sự chênh lệch về mức sống, dân trí của các tầng lớp dân cư và nhân dân các vùng trên địa bàn tỉnh là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội./.
-------------------
(1) Tỉnh ủy Quảng Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình, 1996
(2) Tỉnh ủy Quảng Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình, 2001, tr. 51
(3) Tỉnh ủy Quảng Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình, 2005, tr. 52, 67
(4) (5) Tỉnh ủy Quảng Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình, 2015, tr. 65, 67
(6) (8) (9) (10) Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 tỉnh Quảng Bình, 2020
(7) Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tỉnh Quảng Bình, 2019
(11) (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147-148, 116
Huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng - kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương  (23/03/2021)
Tỉnh Kon Tum chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người  (27/02/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển