Tỉnh Đắk Lắk làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
TCCS - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có những chuyển biến tích cực, giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) có vị trí và vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo cũng như hoạt động của Đảng. Điều 30, Chương VII, Điều lệ Đảng quy định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”. Trong Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016, về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, chỉ rõ: “Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”.
Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chú trọng triển khai học tập và thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác KTGS và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X "Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng,... Bảo đảm cho Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách và Điều lệ Đảng được chấp hành một cách nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả. Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát. Thường xuyên kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống ủy ban kiểm tra”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong tỉnh dựa trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và quy định về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương, chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đưa công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo
Các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp trong tỉnh thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác KTGS và thi hành kỷ luật trong Đảng, đồng thời xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình và một số văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này trên địa bàn. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngay quy chế làm việc của Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy, chương trình hoạt động toàn khóa, chương trình KTGS nhiệm kỳ và hằng năm. Các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới căn cứ vào chương trình KTGS của cấp trên và nghị quyết hằng năm của cấp ủy, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị đề ra chương trình KTGS bảo đảm yêu cầu công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác KTGS. Trong đó, có nhiều văn bản quan trọng như: Công văn chỉ đạo tổ chức thực hiện Thông báo số 38-TB/TW, ngày 3-8-2017, của Bộ Chính trị, về "Tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020"; Quy định số 03-QĐ/TU, ngày 4-10-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về "Giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý"; Quy định số 02-QĐ/TU, ngày 4-10-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về "Giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý"; Công văn số 2810-CV/TU, ngày 19-3-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị, về Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Công văn số 3504, ngày 10-2-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/TW, ngày 2-12-2019, của UBKT Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình KTGS của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ" gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ủy ban kiểm tra các cấp trên địa bàn thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu, giúp cấp ủy, đồng thời thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao. Nổi bật trong đó là việc tham mưu, giúp các cấp ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác KTGS và thi hành kỷ luật Đảng; xây dựng và ban hành chương trình KTGS nhiệm kỳ và hằng năm; tổ chức thực hiện các cuộc KTGS và thi hành kỷ luật Đảng.
Cùng với những nhiệm vụ trên, các cấp ủy, UBKT các cấp ở tỉnh Đắk Lắk còn tập trung củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy cũng như nâng cao trình độ nghiệp vụ KTGS cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, UBKT các cấp tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy UBKT các cấp theo tinh thần Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTW, ngày 27-10-2014, của UBKT Trung ương, "Về hướng dẫn công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp", chú trọng hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp. Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy đã cử 71 cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác KTGS do UBKT Trung ương tổ chức tại Học viện Chính trị khu vực II, khu vực III và Học viện Hành chính quốc gia khu vực miền Trung, cử 21 cán bộ tham gia bồi dưỡng thi nâng ngạch kiểm tra viên, kiểm tra viên chính, 119 cán bộ làm công tác kiểm tra đi học cao cấp và trung cấp lý luận chính trị, 78 cán bộ đi học đại học và sau đại học. Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy còn phối hợp với Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thành phố Đà Nẵng mở 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ KTGS cho 376 lượt cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra; phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy mở các lớp tập huấn về cài đặt và sử dụng phần mền hệ thống thông tin chuyên ngành trong công tác kiểm tra Đảng và tập huấn bổ sung kiến thức, trao đổi kinh nghiệm trong nghiệp vụ kiểm tra tài chính Đảng cho hơn 60 cán bộ làm công tác kiểm tra. Cấp ủy, UBKT cấp huyện và tương đương cũng chủ động mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ KTGS cho 2.952 lượt cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra ở cơ sở...
Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng
Bên cạnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác KTGS, các cấp ủy, UBKT các cấp trên địa bàn ngày càng chú trọng triển khai thực hiện nhiệm vụ KTGS, thi hành kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên. Số lượng, chất lượng các cuộc KTGS đều tăng và nâng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Điểm mới trong nhiệm kỳ này, là các cấp ủy, UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ KTGS theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trong đó, chú trọng KTGS trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, quản lý đối với đảng viên là cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các địa phương, cơ quan, đơn vị ở các lĩnh vực có nhiều dư luận, dễ phát sinh sai phạm.
Các cuộc KTGS của các cấp ủy, UBKT các cấp đều xác định đúng nội dung, đối tượng, trọng tâm, trọng điểm, tiến hành đúng quy trình, quy định của Đảng, bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra. Theo Báo cáo kết quả công tác KTGS, thi hành kỷ luật trong Đảng của Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy trong tỉnh tiến hành kiểm tra 4.030 lượt tổ chức đảng và 125.793 lượt đảng viên. Trong đó, Tỉnh ủy kiểm tra 23 tổ chức đảng và 10 đảng viên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy kiểm tra 84 tổ chức đảng; huyện ủy và tương đương kiểm tra 314 tổ chức đảng và 281 đảng viên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của huyện ủy kiểm tra 328 tổ chức đảng và 22 đảng viên; đảng ủy cơ sở kiểm tra 3.233 tổ chức đảng và 6.574 đảng viên; chi bộ kiểm tra 118.906 lượt đảng viên. Nội dung kiểm tra đối với tổ chức đảng chủ yếu là việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ,... Đối với đảng viên, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; việc chấp hành quy định những điều đảng viên không được làm; việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Bên cạnh KTGS thường xuyên, các cấp ủy còn chú trọng nhiều đến KTGS tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp trong tỉnh tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức đảng và 50 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra đối với 1 tổ chức đảng và 2 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cấp huyện và cơ sở kiểm tra 48 đảng viên.
Về giám sát, các cấp ủy trên địa bàn tập trung giám sát chuyên đề 2.090 lượt tổ chức đảng và 12.640 lượt đảng viên. Trong đó, Tỉnh ủy giám sát 9 tổ chức đảng và 3 đảng viên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy giám sát 10 tổ chức đảng; huyện ủy và tương đương giám sát 167 tổ chức đảng và 148 đảng viên; các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy giám sát 53 tổ chức đảng; đảng ủy cơ sở giám sát 1.851 tổ chức đảng và 1.696 đảng viên; chi bộ giám sát 10.793 đảng viên.
Ngoài chương trình KTGS hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy còn thành lập các đoàn công tác KTGS tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 tại các huyện, thị xã, thành phố,...
Đối với UBKT các cấp, bên cạnh công tác tham mưu, giúp các cấp ủy thực hiện công tác KTGS theo Điều 30 Điều lệ Đảng, còn chủ động triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ theo Điều 32 Điều lệ Đảng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Điểm nổi bật của UBKT các cấp ở Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk là thực hiện có hiệu quả việc KTGS đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới, nhất là kiểm tra việc đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. UBKT các cấp chủ động nắm tình hình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với tổ chức đảng, đảng viên, nhất là về những vấn đề, lĩnh vực, địa bàn có nhiều nổi cộm, nhạy cảm, dư luận trong xã hội. Đồng thời, thông qua các kênh thông tin, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phát hiện tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Trong nhiệm kỳ, UBKT các cấp phát hiện và kiểm tra đối với 1.805 đảng viên. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 61 đảng viên, UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 368 đảng viên, UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 645 đảng viên và chi bộ kiểm tra 731 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận có 1.780 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 1.472 trường hợp, chiếm 81,55% số đảng viên được kiểm tra.
Đối với kiểm tra tổ chức đảng, UBKT các cấp đã kiểm tra 78 tổ chức đảng. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 61 tổ chức đảng, UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 34 tổ chức đảng, UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 28 tổ chức đảng. Qua kiểm tra, kết luận có 77 tổ chức đảng vi phạm và đề nghị cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng.
Về giám sát đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới, bên cạnh phân công thành viên UBKT, cán bộ, kiểm tra viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên, UBKT các cấp trong tỉnh còn chú trọng giám sát theo chuyên đề đối với đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt và nội dung giám sát chủ yếu là việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng. Trong nhiệm kỳ, UBKT các cấp đã giám sát 1.361 tổ chức đảng và 1.474 đảng viên. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy giám sát 18 tổ chức đảng và 13 đảng viên, UBKT cấp huyện và tương đương giám sát 101 tổ chức đảng và 82 đảng viên, UBKT đảng ủy cơ sở giám sát 1.242 tổ chức đảng và 1.379 đảng viên.
Bên cạnh những nhiệm vụ trên, UBKT các cấp còn làm tốt việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ KTGS và thi hành kỷ luật trong Đảng; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng; kiểm tra tài chính đảng cũng như việc thực hiện Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18-6-2019, của Ban Bí thư, về "Chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng".
Đối với việc thi hành kỷ luật Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, UBKT các cấp trên địa bàn đã bám sát quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của UBKT Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Hầu hết các vụ xử lý kỷ luật đều bảo đảm nguyên tắc, thủ tục, cơ bản tương xứng với nội dung, mức độ, tính chất và tác hại của vi phạm. Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy trên địa bàn đã thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng, bằng các hình thức: khiển trách 24 tổ chức đảng, cảnh cáo 8 tổ chức đảng. Nội dung vi phạm chủ yếu là trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ.
Về đảng viên, trong nhiệm kỳ, cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 1.729 đảng viên, trong đó có 484 cấp ủy viên, bằng các hình thức: khiển trách 1.152 đồng chí, cảnh cáo 370 đồng chí, cách chức 66 đồng chí và khai trừ 141 trường hợp. Ngoài xử lý về Đảng, còn có 100 đảng viên bị xử lý pháp luật, 66 trường hợp bị xử lý hành chính và 165 trường hợp bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên. Nội dung vi phạm của đảng viên chủ yếu là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; những điều đảng viên không được làm. Điểm đáng quan tâm trong công tác thi hành kỷ luật Đảng ở tỉnh Đắk Lắk là số tổ chức đảng vi phạm kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ giảm so với nhiệm kỳ trước, trong khi đó số đảng viên vi phạm lại có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một bộ phận cán bộ chủ chốt suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí...
Công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng của Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 - 2020 được triển khai, thực hiện đồng bộ, đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đảng bộ tỉnh hiện có 20 đảng bộ trực thuộc với 783 tổ chức cơ sở đảng và 80.834 đảng viên. Kết quả phân tích, đánh giá chất lượng qua các năm cho thấy, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, số lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh bình quân hằng năm đều đạt từ 50% trở lên. Công tác xây dựng Đảng cũng như công tác KTGS và thi hành kỷ luật Đảng thực sự góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn.
Vấn đề đặt ra và nhiệm vụ, giải pháp
Nhìn lại, kết quả thực hiện công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác KTGS. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết công tác KTGS, thi hành kỷ luật trong Đảng của Tỉnh ủy Đắk Lắk, trên địa bàn vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ cũng như chưa nắm vững các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng; chưa thật sự chú trọng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác KTGS cũng như việc quy hoạch, bố trí, luân chuyển cán bộ kiểm tra. Việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, UBKT các cấp còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch KTGS hằng năm có lúc còn chậm, một số cuộc KTGS chất lượng chưa cao. Việc phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra còn hạn chế. Một số cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện các thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát chưa được thường xuyên. Thậm chí ở một số cấp ủy cơ sở, việc xác định nội dung kiểm tra, giám sát còn lẫn lộn giữa nội dung kiểm tra của cấp ủy với nội dung kiểm tra của UBKT, dẫn đến việc xem xét, xử lý kỷ luật chưa kịp thời, lúng túng về thực hiện quy trình công tác, thẩm tra, xác minh chưa chặt chẽ.
Hai là, một số UBKT cấp ủy trực thuộc tỉnh chưa chủ động nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực phụ trách để kịp thời phát hiện và kiểm tra tổ chức, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Chưa chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn chờ kết quả thanh tra, điều tra, dẫn đến một số vụ, việc chậm xem xét, xử lý. Việc kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm có trường hợp chưa đồng bộ, kịp thời giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính. Thực tế, việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng trên địa bàn cho thấy, vẫn còn một số vụ, việc thẩm tra, xác minh chưa chặt chẽ, phương pháp kiểm tra chưa khoa học, dẫn đến nội dung vi phạm, thi hành kỷ luật thiếu chính xác. Một số trường hợp khác do chưa vận dụng tốt phương hướng, phương châm thi hành kỷ luật của Đảng nên ảnh hưởng nhất định đến tác dụng, hiệu quả của việc thi hành kỷ luật Đảng và làm phát sinh khiếu nại.
Ba là, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, công chức của cơ quan UBKT các cấp vẫn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ của UBKT cấp huyện đối với cơ sở chưa thường xuyên nên một số cấp ủy cơ sở còn nhầm lẫn giữa nội dung kiểm tra của cấp ủy với nội dung kiểm tra của UBKT dẫn đến việc xem xét, xử lý kỷ luật chưa kịp thời, còn lúng túng về thực hiện quy trình công tác, thẩm tra, xác minh chưa chặt chẽ.
Bốn là, công tác phối hợp, trao đổi thông tin theo quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có mặt còn hạn chế nên có phần ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ KTGS và thi hành kỷ luật Đảng của UBKT; việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ của một số UBKT cấp huyện chưa bảo đảm về chất lượng và thời gian.
Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk xác định, sẽ tiếp tục “Chủ động, thường xuyên và tăng cường công tác KTGS, thi hành kỷ luật Đảng; phối hợp với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của chính quyền và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, truyền thông, báo chí và nhân dân đối với công tác KTGS”. Trước mắt, Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
1- Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm cả về tư tưởng chính trị và hành động, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS và thi hành kỷ luật Đảng.
2- Chủ động KTGS thường xuyên, toàn diện, kết hợp KTGS thường xuyên với kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đột xuất, theo chuyên đề; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi vi phạm chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
3- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, "Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát" theo Thông báo Kết luận số 156-TB/TW, ngày 1-10-2019, của Bộ Chính trị.
4- Tăng cường chỉ đạo việc quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên; làm tốt công tác giám sát thường xuyên, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác giám sát.
5- Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy UBKT các cấp, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng./.
Đảng lãng đạo Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự  (09/11/2020)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên  (15/10/2020)
Kỳ họp 47 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương  (17/08/2020)
Mô hình nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, giảng viên, sinh viên qua việc đọc báo, tạp chí của Đảng ở Trường cao đẳng y tế Lâm Đồng  (04/08/2020)
“Đảng, Bác Hồ và nhân dân với Công an nhân dân”  (03/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển