Đảng lãng đạo Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
TCCS - Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, 75 năm qua, Công an nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong các thời kỳ, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong công tác, chiến đấu của Công an nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
Trước hết, sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân là lãnh đạo về chính trị. Với nghĩa hẹp, chính trị là sức mạnh nội sinh của từng cán bộ, chiến sĩ công an. Với nghĩa rộng, chính trị là toàn thể sức mạnh, là ý chí của lực lượng Công an nhân dân. Do đó, Đảng lãnh đạo về chính trị đối với Công an nhân dân có nghĩa là Đảng xác định và xây dựng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho công an, làm cho cán bộ, chiến sĩ công an hiểu rõ sứ mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng. Công an nhân dân vũ trang, hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải như thế”(1).
Có thể khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là ngọn đuốc soi đường cho mọi hoạt động của Công an nhân dân, đồng thời cũng chính từ thực tiễn tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động, lực lượng Công an nhân dân không những hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mà còn chứng minh tính đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng đối với các mặt công tác của Công an nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(2). Như vậy, Đảng lãnh đạo Công an nhân dân về chính trị là nhân tố then chốt, quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự thể hiện ở sự lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự - nhiệm vụ chính trị của Công an nhân dân. Về vấn đề này, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngành công an, ngày 29-4-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ công an là cực kỳ quan trọng. Nó phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(3); “Nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”(4).
Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ của Công an nhân dân thể hiện rõ nét ở việc Đảng quán triệt đường lối, chủ trương của mình cho công an. Đây là nguyên tắc bất biến nhưng không cứng nhắc. Điều này được thực tế chứng minh, trải qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của công an trong từng thời kỳ, giai đoạn đó. Chẳng hạn, năm 1945, khi đã giành được chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau Cách mạng Tháng Tám để bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự của công an lúc này là: Tìm kiếm và tập trung các tin trong hoặc bề ngoài để đề phòng những hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước…; điều tra về những hành động trái phép và truy tìm can phạm để giúp tòa án trừng trị. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng lãnh đạo công an thực hiện nhiệm vụ “giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”(5). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự của công an gắn với nhiệm vụ “Quyết tâm đánh bại mọi hành động gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch; ngăn chặn và trấn áp kịp thời mọi âm mưu của bọn phản động; bảo vệ tốt các cơ quan đầu não, các lực lượng vũ trang, các mối giao thông vận tải, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, giữ vững trật tự an ninh của miền Bắc”(6).
Đảng lãnh đạo công an về nội dung công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, đây là phạm trù rộng, với nhiều nội dung, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân. Trong đó, có nội dung bảo vệ an ninh, trật tự tập trung chủ yếu vào bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Theo đó, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đảng lãnh đạo Công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự là phấn đấu xây dựng môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, không để các vi phạm pháp luật làm vẩn đục, mọi người dân được sống bình yên, hạnh phúc. Từ sự bình yên của mỗi người dân, mỗi xóm làng, mỗi khu dân cư sẽ tạo ra sự bình yên của xã hội, của đất nước. Như vậy, bình yên, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự của Công an nhân dân. Mục tiêu đó bắt nguồn từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cũng là động lực của công tác công an. Ở đây có sự thống nhất biện chứng giữa ý Đảng và lòng dân. Chính từ trong mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại này đã tạo nên mối quan hệ khăng khít, gắn bó mật thiết giữa Đảng, nhân dân với Công an nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự không chỉ thể hiện một chiều theo hướng công an là tấm khiên, lá chắn cho nhân dân, mà công an phải biết dựa vào nhân dân, biết phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo thành một khối, một thành trì vững chắc để không có âm mưu, thủ đoạn, hành động nào của các thế lực thù địch có thể chia rẽ, phá vỡ được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhiệm vụ của Công an là: Bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, tẩy trừ những kẻ gian tế. Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang ấy, Công an cần phải đoàn kết nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân”(7).
Như vậy, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự luôn có sự nhất quán giữa mục tiêu bảo đảm an ninh, trật tự vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân với phương pháp lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự của công an là dựa vào nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:“Lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần cảnh giác của nhân dân, cộng với sự cố gắng của bộ đội và công an - là cái lưới (thiên la địa võng), bất kỳ bọn phá hoại nào, bọn mật thám nào cũng không lọt được cái lưới ấy của nhân dân”(8). Đường lối này đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động bảo vệ an ninh, trật tự của Công an nhân dân và được cụ thể hóa bằng những phương pháp, hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội ở địa bàn dân cư”…
Từ thực tế lực lượng công an quán triệt sâu sắc, toàn diện về Đảng lãnh đạo công tác công an, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân, vận động, giáo dục, thuyết phục, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, cho đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã tạo ra được thế trận “Toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự”, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh chống lại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, kỷ cương, pháp luật trong mọi tình huống.
Đảng lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân còn thể hiện ở phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các cấp ủy đảng phải thật sự giúp đỡ và lãnh đạo chặt chẽ công an”(9). Điều này có nghĩa là Công an nhân dân phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng một cách tuyệt đối về mọi mặt, bao quát trên tất cả các lĩnh vực công tác, bởi ở đâu có tổ chức và hoạt động của công an thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đề ra đường lối bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đồng thời, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật để cán bộ, chiến sĩ công an quán triệt, thực hiện. Đảng muốn lãnh đạo công an tốt thì nhất định phải có phương pháp, cách thức lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự của Công an nhân dân trước hết thể hiện ở việc xây dựng đường lối, chủ trương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự gắn với chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân. Phương thức lãnh đạo đó còn thể hiện ở năng lực tổ chức triển khai các đường lối, chủ trương đã đề ra đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đảng lãnh đạo Công an nhân dân thông qua cấp ủy, đội ngũ đảng viên của Đảng trong Công an nhân dân; đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự của Công an nhân dân.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bài học về sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân nói chung và đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp. Do vậy, việc giữ vững quan điểm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác công an đã trở thành nguyên tắc tuyệt đối của Công an nhân dân Việt Nam, thể hiện trên những khía cạnh sau:
Một là, công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Bởi Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân là tất yếu khách quan. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân là tuyệt đối, không chia sẻ cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay cá nhân nào; là trực tiếp, không thông qua một khâu trung gian, tổ chức trung gian nào. Hiện nay, Công an nhân dân đang thực hiện mô hình cơ cấu tổ chức theo bốn cấp, tương ứng với từng cấp phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân là thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới, trên mọi lĩnh vực công tác nói chung và trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân gắn liền với việc xây dựng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trong bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương, ngày 28-1-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cán bộ công an trước hết “phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã” (10). Đây là nhân tố then chốt. Bởi, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự là rất vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn, cám dỗ, thế nên, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần phải nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Muốn thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên học tập lý luận cách mạng, thực hành tu dưỡng đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, như lời Bác Hồ dạy: “Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó”(11). Người cán bộ công an phải luôn thật sự cố gắng, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân. Bởi công việc bảo đảm an ninh, trật tự của công an phải thường xuyên đối diện với những khó khăn, nguy hiểm, gian nan, vất vả, nhiều hy sinh thầm lặng. Vì thế, đòi hỏi người cán bộ công an phải luôn cố gắng, biết vượt qua khó khăn, gian nan, vất vả, hết lòng, hết sức vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Ba là, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân cần tập trung chỉ đạo công tác công an, làm tốt công tác phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự. Củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân và xây dựng nền an ninh nhân dân rộng khắp, gắn với nền quốc phòng toàn dân, "thế trận lòng dân", tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đảng lãnh đạo công an dựa vào nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân để tổ chức đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tấn công trấn áp tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Bốn là, xây dựng Đảng trong Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, thường xuyên tự phê bình và phê bình; tăng cường đoàn kết, nhất trí trong từng tổ chức đảng và đơn vị, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp phù hợp trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự.
Năm là, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ gắn liền với chức trách, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Muốn vậy, cấp ủy các đơn vị công an cần triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 01/QĐ/ĐUCA-X03, ngày 28-1-2019, của Đảng ủy Công an Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương”.
Thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng đã chứng minh tính tất yếu khách quan và sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử khi khẳng định quyền lãnh đạo và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân nói chung và công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Đây được xem là bài học thành công của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự do Đảng lãnh đạo thấm đượm giá trị thực tiễn sinh động. Nó sẽ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an tiếp tục kế thừa, phát triển sáng tạo trong tình hình mới./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.153 - 154
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.140
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.71
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 221
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 269
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 168
(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 83, 246-247
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 72
(10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 248, 249
Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phải giữ vững và mài sắc hơn “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân  (12/10/2020)
Phát huy vai trò của công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay  (01/09/2020)
“Đảng, Bác Hồ và nhân dân với Công an nhân dân”  (03/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên