TCCS - Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước hiện nay đòi hỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sơn La cư trú trên địa bàn rộng, phân tán, tập trung chủ yếu ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí thấp, đặc biệt là ở khu vực biên giới có địa hình rừng núi hiểm trở. Vì vậy, để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, cần nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa luật pháp và luật tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung là yêu cầu rất cấp thiết

Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích là 14.123,49km². Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, tỉnh Yên Bái; phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hoà Bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Tỉnh Sơn La có 12 đơn vị hành chính (trong đó có 11 huyện, 1 thành phố); 204 xã, phường, thị trấn (trong đó có 112 xã đặc biệt khó khăn); dân số trên 1,2 triệu người, gồm có 12 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, thành phần dân tộc thiểu số chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh (bao gồm: Dân tộc Thái chiếm 53,69%; dân tộc Kinh chiếm 16,49%; dân tộc Mông chiếm 15,79%; dân tộc Mường chiếm 7,15%; dân tộc Xinh Mun chiếm 2,06%; dân tộc Dao 1,70%; dân tộc Khơ Mú chiếm 1,19%; dân tộc Kháng chiếm 0,72%; dân tộc La Ha chiếm 0,74%; dân tộc Lào chiếm 0,29%; dân tộc Tày chiếm 0,05%; dân tộc Hoa chiếm 0,01%; các dân tộc khác chiếm 0,12%).

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích duy trì trật tự và ổn định xã hội, vì sự phát triển bền vững của xã hội. Còn luật tục là một hình thức của tri thức địa phương, hình thành trong lịch sử lâu dài qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ qua hoạt động sản xuất và thực hành xã hội; hướng đến việc hướng dẫn các quan hệ xã hội, quan hệ con người với thiên nhiên. Những chuẩn mực ấy của luật tục được cả cộng đồng mỗi dân tộc thừa nhận và thực hiện, nhờ đó đã tạo ra sự thống nhất và cân bằng trong mỗi cộng đồng. Luật tục bao hàm và cụ thể hóa các chuẩn mực về đạo đức, pháp lý xã hội, tạo nên các giá trị văn hóa, tinh thần, truyền thống của dân tộc, không ngừng được củng cố trong tiến trình phát triển của lịch sử. Trong luật tục có một sự giải thích các nghi lễ thần bí tạo nên một bộ phận không tách được của quá trình thi hành. Có thể coi luật tục như hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ và là hình thức sơ khai của pháp luật.

Để Sơn La phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức pháp luật cho nhân dân (Trong ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tuyên truyền về pháp luật cho đồng bào vùng biên giới)_Ảnh: TTXVN

Từ quan niệm trên, có thể nhận thấy, đối tượng điều chỉnh của luật tục là những quan hệ xã hội tồn tại khách quan của đời sống trong cộng đồng các dân tộc. Luật tục có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tính phổ biến của luật tục giới hạn trong phạm vi một tộc người, hoặc một nhóm tộc người gồm nhiều bản, làng của đồng bào DTTS. Luật tục được thực hiện một cách tự giác, theo thói quen, nhưng vẫn có tính cưỡng chế và bắt buộc đối với những ai không tuân theo.

Khác với luật tục, pháp luật được hình thành từ nhiều con đường khác nhau, có hiệu lực đối với toàn xã hội trong phạm vi một quốc gia. Hình thức chủ yếu của pháp luật là các văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện ý chí cao nhất của Nhà nước. Pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay vừa mang tính xã hội, vừa mang tính giai cấp; bên cạnh đó, pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Tính quy phạm của luật pháp được xác định chặt chẽ cả về hình thức và nội dung, còn ở luật tục thì còn khá đơn giản và thiếu chặt chẽ.

Tuy nhiên, pháp luật không thể điều chỉnh được hết tất cả những quan hệ xã hội nảy sinh, nhất là những quan hệ xã hội mà các chủ thể thực hiện bị chi phối bởi tình cảm, tín ngưỡng, tôn giáo hay truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc. Với vai trò là công cụ hữu hiệu nhất để Nhà nước quản lý các mối quan hệ xã hội, pháp luật mang tính khái quát cao, không thể đi vào cụ thể những tình huống nhỏ phát sinh trong đời sống của đồng bào DTTS vốn có những điểm khác biệt và đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, sự kết hợp giữa luật tục, phong tục và pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết.

Kết hợp hài hòa giữa tăng cường hiệu lực pháp luật và phát huy vai trò của luật tục trong quản lý phát triển xã hội cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trên thực tế, các DTTS ở tỉnh Sơn La đều có những hương ước, quy ước được xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực xã hội - dân sự mà pháp luật không điều chỉnh, hoặc chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung, như việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ an ninh, trật tự, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong nhân dân,... Đa số các hương ước, quy ước của các DTTS ở Sơn La là những quy tắc mang tính thuần phong, mỹ tục, thể hiện những nét văn hóa đẹp, tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, cộng đồng dân tộc rất cao, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các quy định luật tục của các đồng bào DTTS trong tỉnh góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong bản, làng, quan hệ giữa các dòng họ, giữ gìn trật tự, an ninh, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bênh vực và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người phụ nữ và trẻ em, ví dụ như: Ở vùng đồng bào các dân tộc Thái, vì coi rừng là nguồn tài sản vô giá của bản, làng, rừng có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư, cho nên luật tục ở đây cũng quy định rất rõ tầm quan trọng của bảo vệ rừng, tôn trọng các quy tắc của cộng đồng về xác lập quyền đối với rừng và đất rừng của từng gia đình, dòng họ. Luật tục ở vùng đồng bào các dân tộc Thái quy định về sự cân bằng sinh thái giữa con người với rừng núi; thể hiện trong tập quán phân loại rừng thành từng khu vực, nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau của cuộc sống, như rừng núi phòng hộ nằm trên khu vực đầu nguồn nước, tuyệt đối cấm khai thác; rừng núi dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà và phục vụ các nhu cầu cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt, đốt làm nương; núi rừng phục vụ cuộc sống tâm linh, được gọi bằng tên chung là “rừng thiêng”.

Đa số các hương ước, quy ước của đồng bào dân tộc thiểu số  ở Sơn La là những quy tắc mang tính thuần phong, mỹ tục, thể hiện những nét văn hóa đẹp, tính nhân văn, tinh thần đoàn kết (Trong ảnh: Phụ nữ Thái tham gia thi hái chè tại Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ IV, năm 2019)_Ảnh: Tư liệu

Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dưới sông, suối ở vùng người Mường được người dân quy định thành luật tục. Trên các con sông, con suối được chọn ngăn từng khúc, từng khoang; có những khúc sông, khúc suối ngày thường không ai được phép đánh bắt cá. Việc cấm đánh cá, bảo vệ những khúc sông, khúc suối đó được thần thánh hóa, tâm linh hóa để phục vụ tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào DTTS. Do đó, ngoài việc sợ bị phạt, dân tộc Mường còn sợ làm kinh động đến các vị thần linh (rồng, thuồng luồng,...) nên trong các gia đình, họ tộc người Mường thì người già bảo người trẻ, ông bà, cha mẹ dặn dò con, cháu, mọi người đều chấp hành luật tục rất nghiêm chỉnh. Trong đồng bào dân tộc Mông, tiêu biểu có cam kết về thực hiện phương châm “5 có, 5 không”, trong đó “5 có” là: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, bảo đảm an ninh, trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt; “5 không” gồm: Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền đạo trái phép, trái với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; không giữ xác người chết trong nhà nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, không sinh nhiều con. Nếu ai thực hiện tốt các nội dung cam kết sẽ được khen thưởng, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Cách xử lý các vi phạm của luật tục thể hiện tính dân chủ cộng đồng và tính quần chúng rất cao, mọi việc đều được đưa ra bàn luận, thống nhất cách thức thực hiện và cả các hình thức răn đe, xử phạt đối với các vi phạm. Có thể khẳng định rằng, luật tục thể hiện tính tự quản rất cao trong quản lý xã hội nói chung của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định của luật tục chỉ phù hợp với điều kiện xã hội thuần túy về mặt nông nghiệp, có thành phần cư dân thuần nông. Đó là, chưa kể đến nhiều luật tục còn tồn tại yếu tố lạc hậu, lỗi thời, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tình cảm trong cộng đồng các DTTS. Chẳng hạn, như trong hoạt động tín ngưỡng: Việc tổ chức ma chay ở một số nơi, một số dòng tộc vẫn kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình, vừa tốn kém, vừa phản cảm, nhất là khi cuộc lễ xuất hiện những người say rượu, đánh mất sự linh thiêng vốn có của các hoạt động tín ngưỡng. Trong đám tang của người Mông ở một số nơi còn chưa cho người chết vào áo quan; còn tình trạng cúng ma bằng thuốc phiện, dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng, sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy,... Hay trong hôn nhân của đồng bào dân tộc Mông vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu như phong tục “bắt vợ”, mặc dù trên thực tế được coi là một phong tục nhưng vẫn cần phải tuân thủ luật pháp về độ tuổi, sự tự nguyện của hai bên. Bên cạnh đó, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tại tỉnh Sơn La vẫn còn cao so với cả nước; để lại hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và ổn định dân số. Một số vùng đồng bào DTTS trong tỉnh vẫn còn tồn tại những phong tục, luật tục chứa đựng những yếu tố mâu thuẫn với luật pháp hiện hành, như khi trong nhà có người chết chưa rõ lý do, dân làng phạt bò, lợn, dê, rượu đối với những người bị nghi là “ma làm” để cúng thần linh, xua đuổi cái xấu làm hại bản làng cùng các hủ tục trong nghi thức tang ma, cưới hỏi. Đây là một trong số những luật tục mà các quy định của nó không phù hợp, cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống của đồng bào các DTTS.

Để luật tục có thể cùng đồng hành với luật pháp trong quản lý nhà nước trong cộng đồng các DTTS thì việc vận dụng luật tục đồng hành cùng luật pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là điều hết sức cần thiết. Do vậy, nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương kế thừa và phát huy những luật tục, phong tục trong việc quản lý cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS.

Tại tỉnh Sơn La, để luật tục có thể thống nhất và đồng hành với luật pháp trong quản lý và phát triển xã hội, Tỉnh ủy Sơn La đã thống nhất chủ trương, quan điểm và có những giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả, như thành lập các tổ nghiên cứu, tư vấn phong tục, tập quán, nhằm đồng bộ hóa nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổ chức sưu tầm luật tục, hệ thống hóa luật tục, thể chế hóa luật tục vào quản lý nhà nước, lấy ý kiến và đối chiếu giữa hệ thống luật tục được phê chuẩn với yêu cầu vận dụng trong quản lý nhà nước. Thể chế hóa luật tục, nhằm xây dựng, bổ sung, sửa đổi một số quy chế, quy định liên quan đến quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; xây dựng quy chế quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, thông tin cơ sở. Vận dụng luật tục dưới hình thức các hương ước, quy ước mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã xây dựng được trên 3.000 hương ước, bản quy ước tham gia bảo vệ và phát triển rừng); khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”; triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg, ngày 19-6-1998, của Thủ tướng Chính phủ, về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư”, nêu rõ nội dung việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của bản, làng phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của địa phương, không được lợi dụng hương ước, quy ước để duy trì các hủ tục, tập quán lạc hậu,...

Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện thời gian tới

Trong thời gian tới, để kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp trong quản lý phát triển xã hội tại tỉnh Sơn La, chính quyền các cấp cần vận dụng và thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn La trong việc bảo đảm vận dụng luật tục sao cho phù hợp và không đi ngược với luật pháp, cụ thể như sau:

 Một là, việc vận dụng luật tục trong đồng bào phải trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; Hai là, vận dụng luật tục của đồng bào phải kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, dần tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; Ba là, vận dụng luật tục phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy dân chủ ở cơ sở và vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS(1); Bốn là, vận dụng luật tục phải gắn với thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Năm là, vận dụng luật tục phải bảo đảm tính bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, tăng cường hòa giải ở cơ sở; Sáu là, vận dụng luật tục phải bảo đảm vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp ủy đảng ở địa phương.

Để luật tục có thể cùng đồng hành với luật pháp trong quản lý nhà nước trong cộng đồng các đồng bào DTTS, cần tính đến các điều kiện bảo đảm vận dụng, đó là: 1- Bảo đảm về chính trị. Cần có nhận thức đúng đắn, quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền về vận dụng luật tục, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình vận dụng luật tục; 2- Bảo đảm về pháp lý. Để vận dụng luật tục cần có hướng dẫn bằng các văn bản pháp luật cụ thể; 3- Bảo đảm về kinh tế. Đó là việc bố trí ngân sách cho các hoạt động vận dụng, bao gồm kinh phí sưu tầm, hệ thống hóa luật tục và những nội dung có liên quan khác; 4- Bảo đảm về văn hóa - xã hội. Đó là không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng giáo dục đào tạo, khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế...; bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật; nâng cao phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS,... Bên cạnh đó, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức ở cơ sở. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các dòng họ có uy tín trong vận dụng luật tục vào quản lý nhà nước ở cơ sở, vùng đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đoàn thể nhân dân ở bản làng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị ở cơ sở về các luật tục của đồng bào và yêu cầu vận dụng trong quản lý nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nhân dân ở Sơn La_Ảnh: TTXVN 

Trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, không thể ngay lập tức loại bỏ luật tục ra khỏi đời sống xã hội, vì vậy, việc tiếp tục vận dụng luật tục là cần thiết, nhưng phải có chọn lọc và có cách thức sử dụng phù hợp. Bởi lẽ, luật tục tồn tại khách quan và ở một góc độ nhất định cũng có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho luật pháp, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tại các địa phương nói chung và tại tỉnh Sơn La nói riêng cần khẩn trương tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn; đồng thời, “thuần hóa” phong tục, luật tục theo hướng có lợi cho cộng đồng, xã hội, nhằm phát huy nó trong đời sống. Cần kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến luật pháp với phong tục, luật tục, làm cho mọi người đều hiểu biết đầy đủ về phong tục, luật tục và luật pháp, từ đó, tạo sự kết hợp chặt chẽ trong hoạt động thực tiễn hiện nay, góp phần ổn định và phát triển bền vững vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống./.

------------------------------ 

(1) Tỉnh Sơn La hiện có 2.988 người có uy tín (theo Thông báo số 43/TB-UBDT, ngày 24-5-2019, của Ủy ban Dân tộc)