Tỉnh ủy Lạng Sơn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Lâm Thị Phương Thanh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn
14:09, ngày 09-09-2020

TCCS - Phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Từ thực tiễn chỉ đạo chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Lạng Sơn chia sẻ một số nhận thức, kết quả, kinh nghiệm, phương hướng và giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra trong giai đoạn tới.

Về cơ cấu đội ngũ cán bộ của tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc. Cơ cấu dân cư gồm 7 dân tộc chủ yếu, trong đó dân tộc Kinh chiếm 16,1%, các dân tộc thiểu số chiếm 83,9% (dân tộc Nùng chiếm 42,9%, dân tộc Tày chiếm 36,1%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác)(1). Tỉnh gồm 10 huyện và 1 thành phố, trong đó có 5 huyện, 20 xã và 1 thị trấn khu vực biên giới. Tỉnh ủy Lạng Sơn có 15 đảng bộ trực thuộc (10 đảng bộ huyện, 1 đảng bộ thành phố, 4 đảng bộ trực thuộc), 746 tổ chức cơ sở đảng (300 đảng bộ, 446 chi bộ cơ sở), với 64.672 đảng viên, trong đó có 25.301 đảng viên nữ (tỷ lệ 39,12%), 51.306 đảng viên là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 79,33%).

Đồng chí Bàn Thị Thanh, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) cùng bà con đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu thông tin trên báo chí_Ảnh: baodantoc.vn

Chủ trương phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gần đây nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự mỗi kỳ đại hội đảng bộ các cấp, yêu cầu về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số luôn được đặt ra thường phải bằng hoặc cao hơn nhiệm kỳ trước, dẫn đến nhiều địa phương, đơn vị phải cố gắng cao để đạt được tỷ lệ này.

Với tinh thần luôn quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương, xuất phát từ thực tế tình hình đội ngũ cán bộ của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế và từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, Tỉnh ủy Lạng Sơn đặc biệt quan tâm và tập trung nhiều cho công tác cán bộ; trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo số liệu đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Cấp tỉnh: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 54 đồng chí, trong đó cán bộ trẻ có 3/54 đồng chí, chiếm 5,6%; cán bộ nữ có 9/54 đồng chí, chiếm 16,7%; cán bộ là người dân tộc thiểu số có 29/54 đồng chí, chiếm 53,7%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 14 đồng chí, trong đó cán bộ nữ là 2 đồng chí, chiếm 14,3% (hiện nay là 3 đồng chí, chiếm 21,43%); cán bộ là người dân tộc thiểu số có 7 đồng chí, chiếm 50%; lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy có 1 đồng chí là nữ, chiếm 33,3%. Cấp huyện: Ban chấp hành đảng bộ các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có 516 đồng chí; trong đó cán bộ trẻ là 88 đồng chí, chiếm 17,05%; cán bộ nữ là 114 đồng chí, chiếm 22,09%; cán bộ là người dân tộc thiểu số có 372 đồng chí, chiếm 72,09%. Cấp xã: Ban chấp hành các đảng bộ xã, phường, thị trấn có 2.592 đồng chí; trong đó, cán bộ trẻ có 1.217 đồng chí, chiếm 46,9%; cán bộ nữ là 512 đồng chí, chiếm 19,7%; cán bộ là người dân tộc thiểu số gồm 2.314 đồng chí, chiếm 89,3%.

Những kết quả đã đạt được đó chính là cơ sở thực tiễn và là tiền đề quan trọng để Tỉnh ủy Lạng Sơn xây dựng phương án nhân sự và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy Lạng Sơn đặt quyết tâm tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ, trước mắt chuẩn bị thật tốt nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Nỗ lực của Đảng bộ tỉnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ thời gian qua

Tập trung cho công tác chuẩn bị, tạo nguồn cán bộ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt hai đề án quan trọng: “Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”“Đề án quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”(2). Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 4-10-2018, trong đó có sự điều chỉnh, cập nhật các chỉ tiêu trong hai đề án nêu trên về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đến thời điểm hiện nay, kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy các cấp của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó hệ số quy hoạch đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đều tăng so với nhiệm kỳ trước và có tính khả thi cao. Đây sẽ là nguồn cán bộ dồi dào để xem xét, giới thiệu cho đại hội đảng bộ các cấp. Cụ thể, trong Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Cán bộ trẻ có 14/97 đồng chí, chiếm 14,4% (chỉ tiêu cần đạt là 10%); cán bộ nữ có 28/97 đồng chí, chiếm 28,86% (chỉ tiêu cần đạt là 15%); cán bộ là người dân tộc thiểu số có 54/97 đồng chí, chiếm 55,7%. Trong quy hoạch ban chấp hành của 15 đảng bộ cấp huyện và tương đương, số cán bộ trẻ là 370/798 đồng chí, chiếm 46,4%; cán bộ nữ là 230/798 đồng chí, chiếm 28,8%; cán bộ là người dân tộc thiểu số có 567/798 đồng chí, chiếm 71,1%. Trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn của Đảng bộ tỉnh: Cán bộ trẻ có 2.359/3.497 đồng chí, chiếm 67,5%; cán bộ nữ có 1.145/3.497 đồng chí, chiếm 32,7%; cán bộ là người dân tộc thiểu số có 2.915/3.497 đồng chí, chiếm 83,4%.

Cùng với việc quy hoạch, tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luân chuyển để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn. Thời gian qua, tỉnh đã mở lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII cho 101 đồng chí; mở 8 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 1.281 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cử 294 lượt cán bộ đi học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc theo kế hoạch của tỉnh và 52 lượt cán bộ đi bồi dưỡng theo kế hoạch của Trung ương; cử đi đào tạo trình độ lý luận chính trị 6.575 lượt cán bộ (Cao cấp lý luận chính trị: 681 lượt; Trung cấp lý luận chính trị: 4.103 lượt; Sơ cấp lý luận chính trị: 1.791 lượt); 483 lượt cán bộ tham gia đào tạo chuyên môn sau đại học (tiến sĩ và tương đương: 48 lượt; thạc sĩ: 435 lượt). Từ năm 2016 đến nay, có 407 lượt cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (điều động, bổ nhiệm 101 lượt; giới thiệu cán bộ ứng cử 273 lượt; luân chuyển 33 lượt); trong đó, cán bộ trẻ là 39/407, chiếm 9,6%; cán bộ nữ là 106/407, chiếm 26%; cán bộ là người dân tộc thiểu số có 267/407, chiếm 65,6%.

Có thể nói, với những chủ trương và biện pháp chuẩn bị từ sớm, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ nhằm trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, quản lý nhà nước, đặc biệt là năng lực hoạt động thực tiễn để từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuẩn bị tốt nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTTXVN

Xây dựng chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở mức tích cực và khả thi.

Quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã thảo luận kỹ lưỡng và quyết định một số chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phần lớn là các chỉ tiêu định lượng về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số(3). Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 và năm 2025 cần đạt được là:

Cán bộ trẻ(4): Số cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành của tỉnh, vào năm 2020 đạt tỷ lệ 10% trở lên, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 15% trở lên; phấn đấu có cán bộ dưới 40 tuổi tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Ở cấp huyện, cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện năm 2020 đạt tỷ lệ 20% trở lên; tham gia ban thường vụ cấp ủy huyện và tương đương đạt tỷ lệ 15% trở lên, đến năm 2025 đạt 20% trở lên; tham gia các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện năm 2020 đạt tỷ lệ 10% trở lên, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 15% trở lên. Ở cấp xã, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy xã năm 2020 đạt tỷ lệ 25%, năm 2025 đạt tỷ lệ 25%; tham gia ban thường vụ và cán bộ chủ chốt cấp xã đạt tỷ lệ 10% trở lên.

Cán bộ nữ: Số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2020 đạt tỷ lệ 15% - 18%, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 20% trở lên; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2020 đạt tỷ lệ 15% trở lên, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 20% trở lên. Ở cấp huyện, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện đạt tỷ lệ 25% trở lên, tham gia ban thường vụ huyện ủy và tương đương đạt tỷ lệ 15% trở lên. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và tương đương là cán bộ nữ đạt tỷ lệ 15% trở lên. Ở cấp xã, số cán bộ nữ tham gia cấp ủy xã năm 2020 và 2025 đạt tỷ lệ 25%; tham gia ban thường vụ cấp ủy xã và các chức danh chủ chốt năm 2020 và 2025 đạt tỷ lệ tương ứng là 15% và 20% trở lên. Tỷ lệ đại biểu hội đồng nhân dân là nữ ở tất cả các cấp phấn đấu đạt 35% trở lên.

Cán bộ là người dân tộc thiểu số: Vận dụng đúng nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy không ấn định tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp mà quy định có số lượng phù hợp với cơ cấu dân cư và đặc điểm của địa phương, đơn vị. Trên thực tế, do đặc điểm cơ cấu dân cư và cơ cấu đội ngũ đảng viên, nên tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy và giữ vị trí chủ chốt ở các ngành, các cấp trong tỉnh Lạng Sơn nói chung đều cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước và phù hợp với cơ cấu dân cư các địa phương trong tỉnh.

Các chỉ tiêu đề ra như trên đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện của toàn Đảng bộ tỉnh và cần có lộ trình, cách làm phù hợp. Thực tế kiểm nghiệm qua đại hội đảng bộ cấp cơ sở tính đến ngày 25-3-2020, trong số 88 chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tiến hành đại hội, kết quả nhân sự cấp ủy viên thực tế đạt như sau: Cán bộ nữ chiếm 33,67%; cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm 12%; cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 67,86%(5).

Những giải pháp cụ thể và đồng bộ cần được thực hiện trong thời gian tới

Với quá trình chuẩn bị và một số kết quả bước đầu như trên, để thực sự đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số dồi dào về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tỉnh ủy Lạng Sơn xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số phương hướng và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, về mặt nhận thức, phải xác định việc quan tâm phát triển đội  ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số là yêu cầu có tính tất yếu khách quan nhằm bảo đảm sức sống và sự phát triển của Đảng, của hệ thống chính trị; là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đối với một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số như tỉnh Lạng Sơn. Chính vì vậy, đây phải là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn, trước hết là trách nhiệm của từng cấp ủy, ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy mỗi cấp. Một mặt, phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những nhân tố tích cực trong số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để họ thực sự trở thành những người tiêu biểu toàn diện; mặt khác, không dễ dãi, chỉ phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo cơ cấu một cách cứng nhắc, mà phải coi trọng hơn việc đáp ứng các tiêu chuẩn của người cán bộ; đặt ra yêu cầu nghiêm khắc và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên đạt tiêu chuẩn chung và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời với việc đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, Tỉnh ủy chú trọng giáo dục, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ thực tế công việc giúp cán bộ bộc lộ tư chất lãnh đạo, năng lực quản lý và từng bước trưởng thành qua kết quả công việc cụ thể.

Thứ hai, chú trọng tạo nguồn cán bộ tốt từ đầu vào. Tạo nguồn cán bộ là việc phải làm từ sớm, từ xa, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ qua nhiều năm, suy rộng ra phải bắt đầu từ phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh. Trước mắt, để có được đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số bảo đảm chất lượng và số lượng thì phải rất chú trọng chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua tuyển dụng công khai, minh bạch, có cạnh tranh, trên nguyên tắc bình đẳng gắn với thực hiện cơ chế ưu tiên đúng pháp luật để tuyển dụng được số cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi, là nữ, là người dân tộc thiểu số để bổ sung cho các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn ở cấp xã.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực từ đội ngũ sinh viên đại học là người Lạng Sơn, có học lực giỏi trở lên, có phẩm chất tốt, có nguyện vọng về công tác tại tỉnh nhà; trọng dụng những trí thức trẻ đã tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các dự án tình nguyện về trí thức trẻ, có mong muốn cống hiến lâu dài cho địa phương. Tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức thông qua việc cải tiến quy trình, thủ tục, kết hợp hợp lý giữa thi và xét tuyển; thực hiện tuyển dụng theo tiêu chuẩn vị trí việc làm. Đồng thời, Lạng Sơn từng bước có cơ chế sàng lọc, tinh giản biên chế để đưa những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu ý chí phấn đấu ra khỏi bộ máy hệ thống chính trị để nhường chỗ cho những cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đã được đào tạo cơ bản, chính quy, có trách nhiệm và nhiệt tình tham gia công tác.

Thứ ba, làm tốt công tác đánh giá cán bộ trên cơ sở xây dựng tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện đánh giá cán bộ một cách đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt, liên tục, đa chiều, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng và thường xuyên cập nhật các quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trên cơ sở đó xác định yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa yếu tố chủ quan, khắc phục định kiến hẹp hòi trong đánh giá cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Kết quả quy hoạch cấp ủy các cấp hiện nay được sử dụng để phục vụ trực tiếp cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, để bảo đảm quy hoạch luôn “động” và “mở” với nguồn cán bộ dồi dào, hằng năm cấp ủy các cấp cần thực hiện thường xuyên công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, thực hiện trẻ hóa nguồn cán bộ một cách liên tục. Trên cơ sở xây dựng quy hoạch, các cấp ủy đảng đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; khuyến khích các địa phương, đơn vị tiến hành đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương, đơn vị mình; đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; ban thường vụ, ban cán sự đảng các sở, ban, ngành; đảng đoàn các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền phân cấp cán bộ, bảo đảm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ mới.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện nay của tỉnh theo hướng phù hợp cho cả ba đối tượng là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, đồng thời có chính sách phù hợp riêng để khuyến khích sự phát triển của từng đối tượng cán bộ này. Đối với cán bộ trẻ, thường là những đồng chí đã được đào tạo khá cơ bản về trình độ chuyên môn, lý luận nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, vì vậy cần chú trọng xây dựng và thực hiện các chính sách về luân chuyển, như luân chuyển dọc, luân chuyển ngang để cán bộ trẻ trải qua nhiều môi trường công tác; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ huyện luân chuyển đến các xã xa trung tâm huyện, khó khăn cả về giao thông và điều kiện làm việc, sinh hoạt; đầu tư xây dựng nhà công vụ cho cán bộ luân chuyển ở các huyện, thành phố... Đối với cán bộ nữ, do thường gặp những khó khăn trong chăm lo cho gia đình hay rào cản về tập quán, về giới, nên cần có những chương trình, dự án nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đáp ứng chế độ hiện hành, tăng cường các chính sách bình đẳng giới,... Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, phải thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, cụ thể như ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng và bố trí việc làm theo chế độ cử tuyển; trong đó, một cách làm hiệu quả là phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú từ huyện lên tỉnh, từ đó nâng cao tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số được học từ nhỏ trong các trường dân tộc nội trú, coi đây là nơi phát hiện, nuôi dưỡng và rèn luyện những nhân tố tích cực từ sớm, trong tập thể và môi trường giáo dục lành mạnh để có nguồn cán bộ lâu dài.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ III năm 2019, với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”_Ảnh: TTXVN

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ gắn với thi đua, khen thưởng và kỷ luật. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo cán bộ của tỉnh; kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuẩn bị tốt nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế khi có yêu cầu điều động, luân chuyển hoặc khi có người nghỉ hưu; tăng cường thực hiện các cơ chế kiểm soát quyền lực bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bởi nếu ở đâu đó có hiện tượng tiêu cực, mất công bằng diễn ra trong công tác cán bộ thì người bị thiệt thòi “không đến lượt” thường là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; ngược lại, nếu kiểm soát không chặt chẽ cũng có thể dẫn đến hiện tượng nhiều nơi “viện cớ” cần có cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để coi nhẹ tiêu chuẩn, thậm chí vi phạm nguyên tắc, quy trình trong công tác cán bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng cần đẩy mạnh phong trào thi đua, công tác khen thưởng và giữ vững kỷ luật nhằm tạo động lực cho các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và chấn chỉnh các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ cho hiện tại và tương lai.

Cần khẳng định, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy cũng như cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng cho cả hiện tại và lâu dài. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về vấn đề này, vận dụng vào thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã có những bước chuẩn bị căn cơ về nhiều mặt, xác định rõ chỉ tiêu ở mức cao, đồng thời đã và đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để xây dựng được đội ngũ cán bộ của tỉnh trong nhiệm kỳ mới đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quyết tâm đó đang được thực hiện một cách nhất quán và lan tỏa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới công tác cán bộ của các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để chuẩn bị nhân sự và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

------------------------------
(1) Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lạng Sơn
(2) Quyết định số 456-QĐ/TU, Quyết định số 457-QĐ/TU, ngày 02-11-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn
(3) Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 04-10-2018 và Kế hoạch số 112-KH/TU, ngày 16-7-2019, của Tỉnh ủy Lạng Sơn
(4) Thống nhất độ tuổi cán bộ trẻ cấp tỉnh, cấp huyện là dưới 40 tuổi; cấp xã, phường, thị trấn là dưới 35 tuổi
(5) Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn