Để công tác nhân sự đại hội Đảng đạt kết quả tốt
TCCS - Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng có hai nhiệm vụ quan trọng nhất: Thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự). Công tác nhân sự đại hội chỉ đạt kết quả tốt khi chủ thể các khâu của quá trình phải làm tốt và chịu trách nhiệm về “sản phẩm” của mình; những nhân sự trúng cử phải hoàn thành cao nhất nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ.
Giới thiệu đúng người và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng nhân sự được giới thiệu
Công tác nhân sự đại hội Đảng thuộc công tác cán bộ của Đảng, có vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công đại hội của Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, với 12 đại hội, Bác Hồ và Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự. Với nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kinh nghiệm trong chỉ đạo, nhiều phương thức, giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, mang lại những kết quả to lớn về công tác này. Qua mỗi kỳ đại hội, ở từng chặng đường cách mạng, Đảng ta đã xây dựng một đội ngũ cán bộ có đóng góp to lớn mang tính quyết định, tạo nên những thắng lợi lịch sử, làm nên thời đại Hồ Chí Minh.
Đối với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII và làm tiền đề cho công tác nhân sự các đại hội tiếp theo của Đảng, nhiệm kỳ khóa XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế,... về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện căn cứ, cơ sở pháp lý cho công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự đại hội nói riêng. Cụ thể là: Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, Về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, Về “một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22-3-2017, Về “sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ”; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23-5-2017, Về “kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, Về “khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, Về “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa tiêu chí đánh giá đối với cán bộ; Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, Về “luân chuyển cán bộ”; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, Về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, quy định cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, khắc phục tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ” và quan niệm khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là “hạ cánh an toàn”; Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, Về “phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” để thay thế Quyết định số 67-QĐ/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007, của Bộ Chính trị khóa X, với đổi mới là đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ và bổ sung, hoàn thiện quy trình 5 bước khi tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Ban Bí thư đã ban hành Công văn số 13-CV/TW, ngày 17-8-2016, Về “xác định tuổi công tác của đảng viên”, lấy ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ kết nạp Đảng của đảng viên làm căn cứ để tính tuổi công tác, chấm dứt tình trạng “chạy tuổi” đã diễn ra trong nhiều năm qua; Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 3-1-2018, của Ban Bí thư, Về “công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15-8-2019, của Ban Bí thư, Về việc “tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-2018) quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng (Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức - phục vụ Đại hội). Ngày 30-5-2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có vấn đề nhân sự. Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết chỉ đạo quan trọng đối với công tác nhân sự: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.
Như vậy, từ đánh giá tình hình, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược, nhân sự đại hội, nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện đều được Đảng xác định và chỉ đạo rất rõ, rất cụ thể trong các văn kiện và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Đó vừa là quyết tâm chính trị cao về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa hoàn thiện cơ sở pháp lý, cách thức tiến hành về vấn đề cán bộ, nhân sự đại hội của Đảng ta. Vấn đề tiếp theo của công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng thuộc về trách nhiệm của những người, những tổ chức có trách nhiệm, được phân công tham gia công tác nhân sự ở các công đoạn (1).
Yêu cầu và nhiệm vụ của công tác nhân sự đòi hỏi những người, những tổ chức trực tiếp tham gia công tác nhân sự trình đại hội ba vấn đề sau đây:
Một là, phải nắm thật vững tiêu chuẩn nhân sự của đại hội Đảng. Hai là, trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội, phải tìm được, thẩm định chính xác và giới thiệu đúng những người đủ tiêu chuẩn theo quy định để trình đại hội, “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”, mà phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn cho được những “anh hùng đoán giữa trần ai mới già!” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý. Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền… Ba là, phải chịu trách nhiệm về chất lượng nhân sự đại hội giới thiệu với đại hội (chất lượng nhân sự đại hội chỉ có thể được đánh giá bằng kết quả hoạt động của nhân sự đó trên cương vị được phân công trong suốt nhiệm kỳ). Những người, tổ chức có trách nhiệm, được phân công tham gia công tác nhân sự ở các công đoạn phải ý thức được rằng, chọn và giới thiệu được nhân sự một cách tốt nhất không chỉ là yêu cầu của Đảng, của dân trao cho mình mà còn là nhiệm vụ vinh quang nhưng hết sức nặng nề. Không làm tốt việc này trước hết là không hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ và cao hơn là không xứng đáng với niềm tin và sự trao gửi của Đảng, của dân. Đó vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa là danh dự của người làm công tác nhân sự. Vì thế, Đảng cần có những quy định pháp lý cụ thể về trách nhiệm của những người, tổ chức đảm nhiệm công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự đại hội nói riêng (công việc nào cũng có địa chỉ trách nhiệm) để gắn trách nhiệm cụ thể, trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng công tác nhân sự, công tác cán bộ của Đảng, tránh tình trạng nêu chung chung, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm hoặc thiếu rõ ràng, cụ thể nên đổ lỗi, né tránh, đổ vấy, dẫn tới “hòa cả làng” trong công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Các đại biểu dự đại hội Đảng phải hiểu rõ nhân sự đại hội để bầu chọn khách quan, khoa học, công tâm và có trách nhiệm
Đại hội Đảng toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, có quyền quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Các đại biểu dự đại hội Đảng là những đảng viên tiêu biểu, vinh dự được chọn cử để đảm trách, quyết định hai vấn đề trọng đại đó tại đại hội.
Đại hội Đảng là công đoạn cuối cùng quyết định nhân sự đại hội. Để đại hội bầu được các cấp lãnh đạo Đảng xứng đáng nhất trong số nhân sự dự kiến, tiếp theo công việc của những người có trách nhiệm và tiểu ban nhân sự đại hội, là trách nhiệm thuộc về các đại biểu dự đại hội Đảng: Một là, các đại biểu phải hiểu thật rõ, thật kỹ và thật chính xác phẩm chất đạo đức và năng lực của các nhân sự đại hội. Chỉ có như vậy mới có căn cứ vững chắc, cụ thể, chính xác để đại biểu xem nhân sự có đủ tiêu chuẩn nhân sự đại hội hay không. Hai là, đại biểu dự đại hội phải xem xét nhân sự một cách khoa học, biện chứng, phải thật khách quan, công tâm, động cơ trong sáng, vì lợi ích của Đảng, của nhân dân để lựa chọn nhân sự chất lượng tham gia vào các ban lãnh đạo cao nhất của Đảng. Làm được như thế thì các cấp lãnh đạo của Đảng mới bao gồm những người tốt nhất trong đội ngũ hiện có. Và lá phiếu bầu của đại biểu đại hội mới có giá trị, đại biểu dự đại hội mới hoàn thành một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội.
Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên, nhân sự đại hội và đại biểu dự đại hội trải rộng Bắc, Trung, Nam, các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đại hội lại diễn ra trong thời gian ngắn. Vì vậy, đòi hỏi ban tổ chức đại hội phải bố trí đủ thời gian và cung cấp đủ thông tin để các đại biểu nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi về từng nhân sự. Các đại biểu dự đại hội phải tìm hiểu một cách khoa học, nghiêm túc, khách quan để có được hiểu biết chân xác về nhân sự của đại hội. Nếu không làm tốt việc này thì phiếu bầu các cấp lãnh đạo của đại biểu dự đại hội Đảng dễ thiếu chính xác, Đảng sẽ khó có những nhân sự xứng đáng nhất.
Để sự bầu chọn nhân sự của các đại biểu dự đại hội Đảng có chất lượng tốt, cần quan tâm 3 vấn đề sau: Chất lượng của những đảng viên được bầu chọn làm đại biểu dự đại hội Đảng; tính pháp lý của những quy định mà Đảng xác định đối với các đại biểu dự đại hội trong việc bầu chọn nhân sự tại đại hội; vai trò của các đoàn đại biểu dự đại hội.
Để nâng cao trách nhiệm đối với đại biểu dự đại hội, Đảng cần có quy định về trách nhiệm của đại biểu không chỉ trong thời gian đại hội mà phải trong suốt nhiệm kỳ đó. Bởi lẽ, các đại biểu dự đại hội đã thay mặt toàn thể đảng viên trong toàn Đảng hay nói gọn hơn là thay mặt Đảng bàn thảo và quyết định hai vấn đề lớn nhất của Đảng trong một nhiệm kỳ là đường lối, nhiệm vụ chính trị và bầu các cơ quan lãnh đạo. Sau đại hội cho đến hết nhiệm kỳ, các đại biểu dự đại hội phải tiếp tục theo dõi để đánh giá, đóng góp vào quá trình tổ chức thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị mà đại hội quyết định cũng như việc xem xét, đánh giá, đóng góp cho những hoạt động cụ thể trong suốt nhiệm kỳ của các cá nhân, tập thể lãnh đạo Đảng mà họ tham gia bầu chọn.
Những nhân sự được đại hội bầu chọn trở thành lãnh đạo các cấp của Đảng phải có trách nhiệm cả về mặt pháp lý và đạo lý
Công tác nhân sự đại hội chỉ có thể đánh giá chính xác khi kết thúc nhiệm kỳ với kết quả hoạt động, đóng góp cụ thể của từng cá nhân, tập thể các ban lãnh đạo mà đại hội bầu ra. Vì thế, từ sau đại hội, công tác nhân sự đại hội bước sang giai đoạn mới khi các nhân sự trúng cử hoạt động thực tế trên cương vị công tác được phân công. Từ sau đại hội là thời gian hoạt động thực tế (cả nhiệm kỳ đại hội 5 năm), thời gian cống hiến, thời gian khẳng định đức độ và tài năng của lãnh đạo các cấp của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng - những nhân sự được bầu chọn ở đại hội - cần ý thức sâu sắc rằng, trên cương vị được giao, phải có bổn phận đóng góp, cống hiến cho dân, cho nước, xứng đáng là tinh hoa, là người lãnh đạo tài ba, mẫu mực, nêu gương…, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn người lãnh đạo của Đảng đã đề ra. Hơn thế, khi trở thành lãnh đạo của Đảng, các đồng chí càng phải thấm nhuần trong nhận thức và hành động rằng “Đảng ta không có lợi ích tự thân”, làm lãnh đạo là phải hy sinh cho dân, cho nước nhiều hơn, phải lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ. Cần nêu gương trong đời sống và hoạt động, bởi lẽ “một tấm gương sống hơn trăm bài diễn văn”, thể hiện ở việc phải là tấm gương trong suy nghĩ vì dân, vì nước, đi trước, vượt trước, không thể nghĩ ngắn, nhìn gần, phải có đóng góp xứng đáng cho đường lối phát triển của Đảng; nêu gương trong hành xử để mang lại kết quả thiết thực trong thực tiễn (sự nêu gương bằng việc làm thực có sức cảm hóa mạnh mẽ), phải làm gương, xả thân vì những việc đã định ra được coi là đúng đắn; sự nêu gương trong thụ hưởng khi tạo lợi ích cho mọi người trước, hưởng thụ sau đúng với công sức bỏ ra, được mọi người ghi nhận, tôn vinh, tuyệt đối không hưởng vinh hoa phú quý cho riêng mình khi nhân dân còn khó khăn, túng thiếu. Gương mẫu trong tư duy, trong hành động và trong thụ hưởng là tiêu chuẩn và cũng là đòi hỏi đối với những nhân sự đại hội, đặc biệt là những nhân sự được bầu chọn làm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cả hệ thống chính trị và xã hội, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia các công đoạn của công tác nhân sự, các đại biểu dự đại hội phải có trách nhiệm quan sát, theo dõi, động viên, khích lệ, đòi hỏi các nhân sự trúng cử trên cương vị công tác của mình phải hoạt động tích cực, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Hoạt động này lâu nay chỉ đơn lẻ diễn ra, chưa tạo thành một kênh tổng thể, chính thống, nên cần thiết kế cách thức đánh giá định kỳ hoặc đột xuất đối với các tập thể, cá nhân đã được chọn, bầu chọn, để vừa phát huy trách nhiệm những người làm công tác nhân sự đại hội, những đại biểu dự đại hội, vừa động viên, nhắc nhở, uốn nắn chính những người lãnh đạo. Cần thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác nhân sự đại hội và việc bầu các ban lãnh đạo Đảng tại đại hội, nhất là thông qua hoạt động thực tiễn của các cá nhân, tập thể các ban lãnh đạo của Đảng.
Như vậy, công tác nhân sự đại hội của Đảng là công việc hệ trọng không chỉ diễn ra trước, trong, mà cả suốt nhiệm kỳ. Công tác nhân sự đại hội chỉ thành công khi chọn được những người ưu tú nhất, có đóng góp xứng đáng bằng đức - tài của mình trong suốt nhiệm kỳ đại hội./.
----------------
( 1 ) Cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy nơi giới thiệu nhân sự, tiểu ban nhân sự đại hội
Kon Tum tập trung lãnh đạo tổ chức đại hội điểm đảng bộ cơ sở  (19/04/2020)
Kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy những cán bộ suy thoái  (02/04/2020)
Vận dụng tư tưởng cơ bản của V. I. Lê-nin về cán bộ vào việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp  (02/04/2020)
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp  (31/03/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển