Ngày 10-6-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức, cá nhân). Nghị định quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, gia đình.

Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; nếu quá thời hạn này thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối thiểu là 200 ngàn đồng, tối đa là 40 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung gồm có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt nói trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh hợp lý trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần... Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-8-2009./.