Nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay
TCCS - Để góp phần củng cố lập trường tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên, có ý thức và kỹ năng trong đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay.
Những tác động tới ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay
Ý thức chính trị có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phát huy sự chủ động, sáng tạo và hành động chính trị tích cực của sinh viên Việt Nam. Hiện nay, ý thức chính trị của sinh viên không chỉ tuân theo quy luật nội tại vốn có mà còn chịu sự tác động của những yếu tố khác, như: quá trình toàn cầu hóa, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước, chất lượng giáo dục ý thức chính trị...
Ý thức chính trị là một trong những hình thái ý thức xã hội (ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ, ý thức tôn giáo, ý thức khoa học…), phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa các thành phần, các tầng lớp, các dân tộc và các quốc gia, cũng như thái độ của thành phần, tầng lớp đối với quyền lực nhà nước. Sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc, giàu tri thức, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng, có khát vọng vươn lên. Sinh viên Việt Nam hiện nay là những chủ thể chính trị, ý thức chính trị của họ là sự nhận thức của mỗi cá nhân về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề chính trị trong nước và quốc tế.
Ý thức chính trị của sinh viên là một trong những nhân tố tinh thần, có sức mạnh góp phần giúp sinh viên vượt qua khó khăn của cuộc sống và cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ lý tưởng cao đẹp; đồng thời, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin, ý chí, bản lĩnh kiên cường của con người xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay. Hiện nay, ý thức chính trị của sinh viên chịu sự tác động của những yếu tố sau:
Một là, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu; được tiếp xúc nhiều hơn với đời sống chính trị thế giới, từ đó có thêm các tri thức chính trị, giúp sinh viên nâng cao nhận thức và trình độ chính trị.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng làm du nhập những luồng chính trị ngoại lai không phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm một bộ phận sinh viên dao động về chính trị, thậm chí mất phương hướng, nhận thức sai lầm về chính trị. Lợi dụng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ đó làm cho một bộ phận sinh viên dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, nhất là trước những sự kiện “nóng” về chính trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin chính trị của sinh viên.
Hai là, tác động của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”(1). Công tác xây dựng Đảng về chính trị được chú trọng, về tư tưởng tiếp tục được tăng cường, về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, đưa đất nước vững vàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới. Những điều kiện thuận lợi trên tác động trực tiếp tới sinh hoạt và học tập của sinh viên. Sinh viên luôn đặt niềm tin và kỳ vọng về những định hướng, quyết sách đúng đắn, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Hầu hết sinh viên Việt Nam có thái độ sống tích cực, năng động, có chí hướng và say mê học tập, xung kích trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo, tình nguyện và tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế; giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, những biểu hiện tiêu cực của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội; khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “khô đoàn”, “xa rời chính trị”.
Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một số bất cập, hạn chế đã tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của sinh viên. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” chỉ rõ: “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”(2). Văn kiện Đại hội X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, của Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá: “Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường”(3).
Ba là, tác động từ môi trường chính trị - xã hội của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay.
C. Mác khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”(4). Do vậy, môi trường chính trị - xã hội ở các trường đại học, cao đẳng tác động không nhỏ đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên ở nước ta hiện nay. Môi trường ấy là tổng hòa các quan hệ chính trị - xã hội, đời sống chính trị, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống… của các tổ chức và cá nhân trong nhà trường, có ảnh hưởng thường xuyên, trực tiếp đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên.
Quá trình tác động này biểu hiện thông qua các mối quan hệ của sinh viên trong suốt quá trình sinh hoạt và học tập tại trường. Đó là quan hệ giữa sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với lãnh đạo nhà trường, giữa sinh viên với các cơ quan, tổ chức trong nhà trường và quan hệ giữa các sinh viên với nhau. Các mối quan hệ đó luôn luôn tồn tại đan xen trong tất cả các hoạt động của sinh viên, từ học tập, rèn luyện đến vui chơi, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, các phong trào xung kích của tuổi trẻ… Thông qua các quan hệ đó, sinh viên tiếp nhận một cách trực tiếp các tác động tích cực của môi trường chính trị - xã hội của nhà trường, từ đó nâng cao nhận thức chính trị, tình cảm, niềm tin chính trị và ý chí quyết tâm. Mặt khác, thông qua các quan hệ đó, với tư cách là “chủ thể sáng tạo”, sinh viên còn tác động trở lại làm cho môi trường chính trị - xã hội của nhà trường phong phú và phát triển bền vững.
Trong quá trình đào tạo tại trường, sinh viên được học tập, nghiên cứu các môn khoa học cơ bản, cơ sở, nhất là các môn lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; được rèn luyện thông qua các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, giáo dục truyền thống và các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động ngoại khóa. Mặt khác, đại đa số giảng viên của các trường đại học, cao đẳng là những người có kiến thức sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm và đam mê với sự nghiệp trồng người, luôn gần gũi, tận tình giảng dạy, dìu dắt các thế hệ sinh viên. Thông qua đó, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận, tác phong khoa học của sinh viên được hình thành, phát triển; cùng với đó, hệ thống tri thức chính trị, tình cảm, niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xây dựng và củng cố.
Bên cạnh những thuận lợi, môi trường chính trị - xã hội của các trường đại học, cao đẳng còn có hạn chế, bất cập, tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của sinh viên ở nước ta hiện nay. Tại một số trường đại học, cao đẳng, công tác nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên ở một số thời điểm, một số đơn vị chưa được quan tâm; việc xử lý, giải quyết các tình huống mới, phát sinh còn chậm, lúng túng. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học ở nhiều nơi chưa có nhiều đột phá, chưa tận dụng được nguồn lực và tiềm năng của sinh viên. Đặc biệt, còn có “một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”(5).
Bốn là, chất lượng giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên hiện nay.
Hình thức, phương pháp giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên luôn có sự đổi mới phù hợp với tâm lý tuổi trẻ, hướng vào phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Cùng với giáo dục chính khóa trong nhà trường, vai trò của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cũng được phát huy trong hoạt động giáo dục, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các nhà trường đã có nhiều phong trào, hành động thiết thực, như cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt), “Xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, lành mạnh”, “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”…; các diễn đàn, như “Vườn ươm ý tưởng nghiên cứu khoa học”, “Đồng hành cùng sinh viên trong nghiên cứu khoa học”,… đã tăng cường giáo dục, góp phần nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên; thực hiện mục tiêu của các nhà trường là đào tạo ra những thế hệ sinh viên không chỉ thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn có lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng yêu nước nồng nàn, có năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp thu tri thức mới, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ.
Bên cạnh những mặt tích cực, giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên hiện nay còn có những hạn chế nhất định. Ở một số trường, việc dạy và học các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng mức; một số giảng viên, sinh viên, thậm chí cả các bậc phụ huynh coi đó là môn học phụ, việc dạy và học chưa tạo được hứng thú cho người học, chất lượng chưa cao. Nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chậm đổi mới, chưa thật gắn kết, phù hợp, thiếu hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Đội ngũ làm công tác giáo dục lý luận ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến ý thức chính trị của sinh viên. Một bộ phận sinh viên chưa có nhận thức chính trị đầy đủ, đúng đắn
Một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay
Để nâng cao hơn nữa ý thức chính trị cho sinh viên ở nước ta hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, việc nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên phải được coi là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những yêu cầu trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức đối với khả năng thực tế của sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước. Xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa đặt ra những thách thức đối với việc giữ vững lập trường chính trị của sinh viên. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất, lối sống cho họ theo mục tiêu giáo dục đại học: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6).
Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng ta về “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(7). Theo đó, các trường đại học, cao đẳng cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho sinh viên. Trong nội dung giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên, cần chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục, giác ngộ lý tưởng, truyền thống đạo đức cách mạng, giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sinh viên trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự tôn, tự cường dân tộc.
Các trường đại học, cao đẳng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên. Thứ hai, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Thứ tư, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thanh niên. Thứ năm, phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức chính trị của sinh viên.
Môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, góp phần định hướng, giữ vững ổn định tư tưởng chính trị, nâng cao đời sống tinh thần cho sinh viên, hướng sinh viên vươn tới giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, ngăn chặn sự du nhập của lối sống phản văn hóa, phản đạo đức vào lối sống của sinh viên. Để xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao ý thức chính trị của sinh viên hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Trước hết, phát huy tính dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng để xây dựng môi trường chính trị ở các trường đại học, cao đẳng lành mạnh, trong sạch, tác động tích cực đến quá trình phát triển ý thức chính trị của sinh viên. Phát huy dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên phải được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; ở nội quy, quy định của nhà trường một cách cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của sinh viên, tạo ra những động lực thúc đẩy phong trào thi đua học tập vì ngày mai lập nghiệp, phát huy được vai trò làm chủ, tích cực, tự giác của mọi cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường, huy động mọi tiềm năng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chuyển hóa tích cực quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên. Thứ hai, nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với sinh viên, kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; đồng thời, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức chính trị lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, hội viên. Tích cực tìm tòi phương thức sáng tạo trong giáo dục sinh viên, góp phần củng cố tổ chức Đoàn trong sạch, vững mạnh về chính trị và tạo nên những điểm sáng về công tác giáo dục chính trị cho sinh viên. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”; cần làm tốt hơn nữa “công tác giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8), coi đây là một mặt công tác quan trọng, thường xuyên. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần có sự kết hợp với các khoa lý luận chính trị để tổ chức thường xuyên và hiệu quả các cuộc vận động như: “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, các cuộc thi tìm hiểu các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh…, qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích cho sinh viên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, góp phần nâng cao ý thức chính trị của họ trong hoạt động thực tiễn. Song song với nhiệm vụ trên, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; có cơ chế phối hợp với cơ quan làm công tác chính trị, tư tưởng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị của sinh viên.
Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.
Cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng. Đổi mới toàn diện việc dạy và học chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cao đẳng. Triển khai Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, các trường đại học, cao đẳng cần có biện pháp tổ chức giảng dạy, học tập phù hợp để việc học thực chất, hiệu quả, người học được trang bị những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có nhận thức và niềm tin chính trị đúng đắn. Trước hết, xây dựng chương trình các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay phải bảo đảm tính mở, thường xuyên bám sát sự phát triển của lý luận và thực tiễn, nhất là về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thứ hai, “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín”(9). Thứ ba, kết hợp tổ chức diễn đàn học tập, nghiên cứu trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận chính trị, qua đó làm sâu sắc kiến thức lý luận chính trị cho người học. Thứ tư, việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị phải hướng tới mục tiêu người học nhận thức được một cách sâu sắc, căn bản tri thức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Thứ năm, “Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị thật tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức về các môn học một cách sâu sắc, cập nhật, gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong các nhà trường”(10)./.
--------------------------
(1), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, t. I, tr. 103, 168
(2) Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”
(3) Hội Sinh viên Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hà Nội, 2018, tr. 23
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 55
(5) Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
(6) Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007, ngày 13-8-2007, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
(8) Xem: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Báo điện tử Chính phủ, ngày 15-12-2022, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-dai-hoi-doan-toan-quoc-lan-thu-xii-102221215163712032.htm
(9) Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 9-10-2014, của Bộ Chính trị, “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”
(10) Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới  (30/03/2023)
Phản bác luận điệu xuyên tạc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “đấu đá nội bộ, phe cánh”  (01/02/2023)
Một số nhận thức lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/01/2023)
Một số nhận thức lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/01/2023)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay