Vai trò của du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Hà Nội giữ vị trí đặc biệt quan trọng với vai trò là trung tâm du lịch của Vùng du lịch Bắc bộ, là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.
Vai trò của du lịch đối với sự phát triển
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người. Đây là nhu cầu rất phổ biến, mức sống càng cao thì nhu cầu du lịch của con người càng lớn. Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, kể từ năm 1986, kinh tế Việt Nam có những thay đổi đáng kể trên nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, các điểm du lịch được khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Hà Nội đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2010. Trong suốt những năm qua, bước đầu những định hướng quy hoạch trên đã phát huy được hiệu quả nhất định và có những đóng góp tích cực đưa du lịch Hà Nội dần trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Ngày 22-12-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1878/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu được đề ra là: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế” và “là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Theo đó, du lịch luôn được Hà Nội quan tâm, chú trọng, đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng năm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành, từng quận, huyện, thị xã.
Để thể chế hóa các quy định của Luật Du lịch năm 2017 và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch kịp thời, đúng quy định và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan để làm cơ sở cho hoạt động quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện, tạo điều kiện phát triển du lịch. Gần đây nhất có Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 191/KH-UBND, ngày 30-9-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Giai đoạn 2017 - 2021, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần. Triển khai Luật Du lịch năm 2017 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã công nhận 19 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố. Một số điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch. Từ năm 2016 đến năm 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng nhanh và ổn định, với mức tăng 10,1%/năm, lượng khách quốc tế tăng 21,2%/năm. Năm 2019, Hà Nội đón hơn 28,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế; tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 12,54%. Hà Nội được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn vào danh sách điểm đến hấp dẫn của thế giới. Đáng chú ý, Hà Nội có thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô. Hoạt động quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Thủ đô được đổi mới mạnh mẽ; thực hiện hiệu quả việc xúc tiến tại chỗ, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa thành phố với các hãng hàng không; ký kết hợp tác với 40 tỉnh, thành phố để xây dựng tour du lịch, tuyến liên vùng, kết nối các điểm đến du lịch của Hà Nội với cả nước.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Hiện nay, sự phát triển của du lịch Hà Nội đứng trước những thuận lợi và thách thức mới. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, Hà Nội hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội đi kèm với những tác động không nhỏ đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến chưa cao. Hệ thống cơ sở lưu trú chưa thực sự đồng bộ. Các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, khó dẫn dắt thị trường du lịch quốc tế. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp. Kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông tiếp cận các điểm du lịch còn chưa tốt. Việc triển khai một số dự án phát triển du lịch còn chậm, dẫn đến thiếu khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn, ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút du khách lưu trú tại Hà Nội dài ngày.
Năm 2020 và 2021 là khoảng thời gian khủng hoảng của ngành du lịch cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Từ tháng 1-2020 đến hết tháng 4-2020, toàn thành phố Hà Nội có 1.190 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành, 120 doanh nghiệp vận chuyển, điểm đến du lịch tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; gần 41.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch đến Hà Nội đã dẫn đến tổng thu từ khách du lịch giảm 73% so với năm 2019, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình về tổng thu của cả giai đoạn 2017 - 2020 giảm xuống còn -3,74%. Quý I-2021, tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng nghị quyết về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai. Xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, kích cầu du lịch nội địa như nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, du lịch trải nghiệm tại các khu di tích, văn hóa (trải nghiệm đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích nhà tù Hỏa Lò...). Xây dựng và đề xuất các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch tái cơ cấu vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Thứ hai, cần nghiên cứu đề xuất, kiến nghị Quốc hội xem xét đưa nội dung chính sách phát triển du lịch Hà Nội vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thủ đô. Đối với Chính phủ, đề nghị xem xét ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch triển khai thống nhất trên toàn quốc theo quy định tại Điều 5 Luật Du lịch; đẩy mạnh giải ngân, hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí, chính sách giảm, hoãn phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để giúp các doanh nghiệp lữ hành sớm phục hồi hoạt động sau đại dịch COVID-19; có chính sách tăng cường đầu tư về giáo dục đào tạo chuyên ngành, đào tạo nghề, nhất là loại hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch sau dịch COVID-19...
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xây dựng sản phẩm tour du lịch mới mang đặc trưng của Hà Nội. Lựa chọn và ưu tiên đầu tư các khu, điểm đến du lịch trọng điểm, chất lượng cao, giữ chân du khách ở lại Hà Nội dài ngày hơn. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm thế mạnh, mang bản sắc - đặc trưng Hà Nội; phát triển sản phẩm du lịch về đêm; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, kinh doanh du lịch, tạo đà bứt phá trong tương lai.
Thứ tư, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch chuẩn bị tái khởi động kinh doanh sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Theo đó, du lịch nội địa được dự báo có thể là xu hướng du lịch trong thời gian tới, Hà Nội cần có giải pháp đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường…/.
Hà Nội đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo  (25/10/2021)
Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững  (23/10/2021)
Hà Nội xây dựng nông thôn mới thực chất, vững bền, theo tiêu chí đô thị  (21/10/2021)
Phát triển mô hình người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội trong điều kiện bình thường mới hiện nay  (20/10/2021)
Ban Chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy chủ động, tích cực làm tốt công tác dân vận trong tình hình mới  (20/10/2021)
Hà Nội đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh  (20/10/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên