1. Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi lần thứ 12

Từ 1 đến 3-2-2009, tại A-đi A-bê-ba (Thủ đô Ê-ti-ô-pi-a), đã diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 12, với sự tham dự của 20 nguyên thủ trên tổng số 53 nước thành viên AU. Với chủ đề “Tương lai phát triển của khu vực nhằm thúc đẩy hội nhập và gia tăng vị thế của châu lục trên trường quốc tế”, Hội nghị tập trung thảo luận về những biện pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới trong trong mối quan ngại cuộc suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay sẽ trở nên trầm trọng hơn trong năm 2009, làm giảm nguồn cứu trợ và cung cấp tài chính cho các dự án phát triển ở châu lục này, đồng thời thảo luận một loạt vấn đề quan tâm của khu vực. Hội nghị đã nhất trí chuyển đổi Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), cơ quan điều hành của AU, thành cơ quan quản lý AU (AUA) có nhiệm kỳ dài hơn và quyền hạn lớn hơn. Tại Hội nghị này, Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi được bầu làm Chủ tịch AU.

2. Tư lệnh các lực lượng NATO tới Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 3-2-2009, Tướng Giôn Crét-đốc, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, tới Áp-ga-ni-xtan để thảo luận với giới chức nước chủ nhà và gặp gỡ các binh sĩ NATO đang tham gia sứ mệnh bảo đảm an ninh ở quốc gia Nam Á này. Tướng Crét-đốc có cuộc gặp ông Áp-đun Ra-him Oa-đa (Abdul Rahim Wardak), Bộ trưởng Quốc phòng Áp-ga-ni-xtan, và các binh sĩ thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan (ISAF). Để giúp Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đảm bảo an ninh và thực hiện mục tiêu tiêu diệt lực lượng tàn quân Ta-li-ban, ISAF đã triển khai 55.000 binh sĩ của 26 nước thành viên NATO và 15 quốc gia ngoài khối. Sắp tới, NATO sẽ triển khai thêm khoảng 10.000 binh sĩ nữa tới Áp-ga-ni-xtan mới có thể giúp quốc gia Nam Á đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20-8-2009.

3. I-xra-en mở lại các đợt không kích mới vào Dải Ga-da.

Ngaỳ 3-2-2009, quân đội I-xra-en mở lại các đợt không kích vào Dải Ga-da của Pa-le-xtin nhằm trả đũa các vụ bắn rốc-két của các tay súng Phong trào Hồi giáo Ha-mát từ vùng lãnh thổ này vào miền Nam I-xra-en. Máy bay chiến đấu của I-xra-en đã ném bom các đường hầm (được cho là dùng để chuyển vũ khí vào Ga-da) ở biên giới giữa Ga-da và Ai Cập, một vị trí của nhóm vũ trang Khan Y-u-nít (Khan Yunis) thuộc Ha-mát ở phía Nam Ga-da. Đợt không kích trên diễn ra sau khi các tay súng từ Dải Ga-da cùng ngày bắn 3 quả rốc-két vào thành phố cảng A-ske-lon (Ashkelon) của I-xra-en cách Ga-da 13 km, gây một số hư hại, song không có thương vong. Đây là vụ bắn rốc-két vào sâu trong lãnh thổ I-xra-en nhất kể từ khi I-xra-en ngừng chiến dịch tấn công Ga-da ngày 19-1-2009. Tình hình này đã phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán do Ai Cập làm trung gian nhằm củng cố lệnh ngừng bắn được các bên đơn phương tuyên bố hai tuần trước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn cho biết sẽ cử ông Gioóc-giơ Mít-chen (George Mitchell), đặc phái viên Trung Đông của Mỹ trở lại khu vực vào cuối tháng này để tiếp tục thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông.

4. Châu Á tìm cách cứu nguy nền kinh tế

Ngày 3-2-2009, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng bên bờ vực khủng hoảng, 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a thông báo về kế hoạch kích cầu mới. Ngân hàng Trung ương Nhật thông báo kế hoạch chi hơn 11 tỉ USD để mua lại các cổ phiếu công ty từ các ngân hàng thương mại nhằm giảm bớt gánh nặng về các khoản lỗ của giới ngân hàng và giúp giải tỏa tình trạng đóng băng cho vay hiện nay. Ô-xtrây-li-a công bố gói giải pháp mới trị giá khoảng 42 tỉ AUD (tương đương 26 tỉ USD) dành cho hoạt động xây dựng hàng nghìn nhà ở và trường học mới. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Kê-vin Rắt (Kevin Rudd) cam kết chính phủ quyết tâm hồi phục kinh tế và nhấn mạnh sẽ kích cầu với cách thức "nhanh gọn, toàn diện nhất”. Trung Quốc, nền kinh tế bị đánh giá đang đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội do kinh tế suy giảm, cũng nỗ lực tìm cách kích cầu, chi thêm 19 tỉ USD tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các biện pháp trên là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giúp châu Á khắc phục những tác động của tình trạng khủng hoảng tại các thị trường xuất khẩu.

5. Mỹ - Trung Quốc nhất trí tiếp tục đàm phán kinh tế cấp cao

Ngày 3-2-2009, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ (Timothy Geithner) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đều nhất trí tuyên bố cần thiết phải duy trì đàm phán cấp cao nhằm giải quyết các bất đồng kinh tế trong bối cảnh thế giới đang đối phó với ''bão'' tài chính hiện nay. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ không đề cập đến việc liệu dưới chính quyền mới của Mỹ, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh có tiếp tục duy trì Cuộc đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung diễn ra hai lần/năm hay không. Chính quyền của tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma mong muốn các cuộc đối thoại với Trung Quốc phải mở rộng sang cả các lĩnh vực khác thay vì chỉ chú trọng tới kinh tế như trong chính quyền tiền nhiệm. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) tuyên bố cho rằng hai nước cần có các cuộc đối thoại toàn diện, và cam kết sẽ hợp tác với Nhà Trắng, Bộ Tài chính, các cơ quan khác của Mỹ để xây dựng ''một cách tiếp cận toàn diện hơn'' để phù hợp với vai trò quan trọng của Trung Quốc trong khu vực và quốc tế đối với các vấn đề chủ chốt.

6. EU chỉ trích kế hoạch kinh tế của tân Tổng thống Ô-ba-ma

Ngày 3-2-2009, Liên minh châu Âu (EU) và Ca-na-đa cảnh báo rằng, một điều khoản về xây dựng trong kế hoạch cứu trợ kinh tế cả gói của Mỹ có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên thế giới. Theo điều khoản “Người Mỹ mua hàng Mỹ” trong kế hoạch nói trên, các dự án xây dựng dùng tiền của chính phủ phải mua sắt, thép và một số mặt hàng do Mỹ sản xuất. Đại sứ EU tại Mỹ Giôn Bru-tơn (John Bruton) cảnh báo nếu kế hoạch cứu trợ được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua thì điều khỏan này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm vào lúc thế giới đang phải đối đầu với khủng hoảng kinh tế.

7. Cộng đồng kinh tế Á - Âu thành lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 10 tỉ USD

Ngày 4-2-2009, tại điện Crem-li (Mát-xcơ-va, Liên bang Nga), nguyên thủ quốc gia 5 nước tham gia Cộng đồng Kinh tế Á - Âu (EAEC) - gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và Tát-gi-ki-xtan đã thông qua quyết định thành lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 10 tỉ USD nhằm đối phó và khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế của các nước thành viên trước những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề hợp tác trong khối và hỗ trợ các dự án kinh tế nhiều bên. Nga đóng góp 7,5 tỉ USD và Ca-dắc-xtan đóng góp 1 tỉ USD cho quỹ. Hội đồng Quỹ chống khủng hoảng của EAEC, gồm bộ trưởng tài chính 5 nước thành viên và đại diện của Ngân hàng phát triển Á - Âu, sẽ quản lý quỹ này. Nguyên thủ quốc gia 5 nước EAEC cũng đã ký quyết định thành lập Trung tâm công nghệ cao quốc tế, nhằm thực hiện các chương trình khoa học - kỹ thuật, các dự án sáng chế và đầu tư trong cộng đồng EAEC.

8. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể

Ngày 4-2 tại Mát-xcơ-va, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên. Nội dung chính trong nghị trình của Hội nghị Thượng đỉnh lần này là thảo luận các biện pháp thực tế thành lập lực lượng phản ứng nhanh tập thể của OKDB nhằm chống lại hành động xâm lược quân sự, tiến hành các chiến dịch đặc biệt đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các hành động bạo lực của chủ nghĩa cực đoan, các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán ma-túy, cũng như khắc phục hậu quả tai nạn và thiên tai. Theo kế hoạch này, lực lượng phản ứng nhanh tập thể sẽ đòn trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga và được bổ sung lực lượng từ các nước thành viên.

9. Hội nghị an ninh quốc tế tại Mu-ních (Đức)

Ngày 6-2, Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 45 khai mạc tại Đức. Hàng chục nhà lãnh đạo cùng 50 nhà ngoại giao hàng đầu và quan chức quốc phòng của các nước dự hội nghị. Hội nghị tập trung thảo luận về chương trình hạt nhân Iran, vấn đề an ninh tại Áp-ga-ni-xtan, kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga...Tại Hội nghị, lãnh đạo một số tổ chức và quốc gia đề xuất các ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh quốc tế và khu vực. Phó Thủ tướng Nga Xéc-gây I-va-nốp có những phát biểu cứng rắn thể hiện quan điểm của Nga về các vấn đề an ninh toàn cầu hiện nay. Nga cũng cam kết không triển khai các tên lửa đánh chặn tại Ka-li-nin-grat, nếu Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu. Trong quan hệ với Nga, Phó Tổng thống Mỹ cho rằng đã đến lúc cần phải khôi phục những rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và một số thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ còn tiếp tục có những bất đồng, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới Gru-di-a./.