Lịch sử đã chứng minh, đoàn kết, thống nhất các dân tộc là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết tốt đẹp, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích của các dân tộc được Đảng ta xác định là sứ mệnh trọng đại, một nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Khối đại đoàn kết keo sơn - nhân tố phá vỡ âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, người Kinh chiếm 86,2%; 53 dân tộc anh em khác, với khoảng 14 triệu người, chiếm 13,8% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng, chủ yếu ở miền núi, vùng cao, vùng trung du, nơi có khoảng 3.000 km đường biên giới giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, được coi là "phên dậu" của quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Truyền thống đoàn kết của dân tộc ta được hình thành từ trong cội nguồn lịch sử sâu xa. Người Việt Nam ý thức rằng, mình sinh ra cùng một bọc trứng, gắn với nhau bởi nghĩa "đồng bào", dù sống ở đâu đều có chung một cội nguồn, một ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Truyền thống đó được hun đúc qua bề dày lịch sử chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, đã tồn tại như một quy luật sinh tồn của dân tộc. Ở thời kỳ nào nhân dân đoàn kết "trên dưới một lòng" thì đất nước hưng thịnh, thời kỳ nào "lòng người ly tán, chia rẽ và loạn ly" là lúc dân tộc suy vong, thù trong giặc ngoài, có nguy cơ mất nước.

Học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(1). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII đã khẳng định: "Đoàn kết là truyền thống quý báu và bài học lớn của cách mạng nước ta"(2). Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần,... giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc"(3). Những thành tựu nước ta gặt hái được trong những năm qua, với sự phát triển về kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, có điều kiện tiên quyết từ chiến lược đoàn kết các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, đoàn kết các dân tộc và giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển là một hiện tượng lịch sử lâu dài. Do đặc điểm nước ta là quốc gia đa dân tộc, một số nguyên nhân như: vấn đề lịch sử, sự khác nhau giữa các tộc người được hình thành trong quá khứ, quá trình phát triển kinh tế, văn hóa... nên công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước chưa thể được giải quyết ngay trong một thời gian ngắn.

Sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, ảnh hưởng của nhân tố dân tộc, nhân tố tôn giáo trong môi trường quốc tế ngày càng tăng lên với trào lưu tư tưởng và hoạt động của chủ nghĩa dân tộc sôi động ở một số khu vực. Các thế lực ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố cấu kết, lợi dụng nhau, càng làm cho vấn đề dân tộc, mâu thuẫn dân tộc có cục diện ngày càng phức tạp. Trong những năm gần đây, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc xung đột sắc tộc cướp đi sinh mạng hàng triệu người ở các quốc gia trên thế giới.

Xét trên một bình diện chung, những xung đột dân tộc nảy sinh là do mâu thuẫn về lợi ích. Trong một quốc gia đa dân tộc, nhất là các quốc gia phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, các dân tộc lớn thông qua đại biểu của mình, giữ vị trí thống trị trong cơ cấu quyền lực, dẫn đến chi phối nhất định về phân phối của cải vật chất, ban hành các quy chế pháp lý có lợi cho mình, làm các dân tộc thiểu số bị thiệt thòi buộc họ phải đứng lên đấu tranh đòi lại những quyền lợi. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia, xung đột giữa các dân tộc là do những vấn đề về lịch sử và âm mưu của chủ nghĩa đế quốc mới. Với học thuyết "một quốc gia, một dân tộc", chúng gây ra chia rẽ, xung đột, kích động chủ nghĩa ly khai, mục đích tạo ra các cuộc chiến tranh giúp chúng được hưởng lợi ích từ những xung đột, mâu thuẫn đó.

Đối với nước ta, mục tiêu của các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại là chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh, kích động ly khai, tự trị, làm suy yếu, đi đến thôn tính nền độc lập của nhân dân ta. Chia rẽ các dân tộc với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang tiến hành nhiều phương thức, thủ đoạn. Trước đây, chúng thường hoạt động bí mật, lén lút, ta khó phát hiện, nay chuyển sang phương thức mới, núp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", vừa bí mật, vừa "công khai hóa, quốc tế hóa", kêu gọi bên ngoài can thiệp, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo, tăng cường phát triển giả đạo Tin Lành ở các vùng dân tộc thiểu số để tập hợp quần chúng tín đồ. Hoạt động ở từng dân tộc, từng vùng dân tộc có khác nhau, thay đổi tùy theo tình hình, khả năng, nhưng nổi lên trong giai đoạn hiện nay là chúng triệt để lợi dụng những điều kiện mới của thế giới, trong nước để đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng "diễn biến hòa bình", khi có thời cơ, điều kiện thì hoạt động bạo loạn chính trị. ý đồ của chúng là kết hợp tổ chức lực lượng từ bên ngoài với tạo dựng lực lượng ở bên trong, phối hợp cấu kết trực tiếp, chặt chẽ, thường xuyên. Thực tiễn ở Tây Nguyên vừa qua cho thấy, sự chỉ đạo, hậu thuẫn trực tiếp của các đối tượng bên ngoài là một yếu tố thúc đẩy bọn phản động trong nước hoạt động chống phá.

Lợi dụng những khó khăn về đời sống và một số khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, các chính sách kinh tế - xã hội của ta, các thế lực phản động tìm cách khơi các mâu thuẫn, xung đột trong quá khứ nhằm kích động sự chống đối của người dân tộc thiểu số với người Kinh. Mặt khác, chúng lợi dụng chính sách đổi mới và tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước ta để đẩy mạnh hoạt động, thông qua các hoạt động làm từ thiện, du lịch, hợp tác... nhằm chuyển tiền, kinh sách, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng phát tán, tuyên truyền đạo trái pháp luật; kết hợp thủ đoạn giúp đỡ vật chất, thăm hỏi, động viên tinh thần, tài trợ cho con em những người theo đạo để lôi kéo phát triển đạo, kích động chia rẽ dân tộc, xuyên tạc, vu cáo, đả kích chế độ ta...

Xử lý mối quan hệ dân tộc từ góc độ lợi ích các dân tộc

Xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc để các dân tộc cùng đoàn kết, phát triển, chống lại âm mưu ly khai, tự trị là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến sự sống còn của chế độ. Điều này đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng thực hiện một chính sách dân tộc nhất quán, liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Nắm chắc và toàn diện các vấn đề trong nước, quốc tế để xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc, thực hiện bình đẳng, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, có chính sách hỗ trợ các dân tộc thiểu số khó khăn. Giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các dân tộc, chúng ta mới tập hợp, đoàn kết được các dân tộc, duy trì thống nhất đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Cụ thể tập trung các lĩnh vực:

Về chính trị: Bảo đảm quyền làm chủ của các dân tộc, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, để đội ngũ này ngày càng có khả năng gánh vác nhiều hơn công việc của địa phương; tăng số lượng đại biểu của các dân tộc thiểu số trong Quốc hội và Chính phủ. Trang bị nhân lực, vật lực giúp mỗi dân tộc thiểu số dần dần tự quản lý được mọi công việc của mình, với sự hỗ trợ của các dân tộc anh em. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xóa bỏ những quy định mang tính bất bình đẳng, loại bỏ thành kiến giữa các dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình.

Về kinh tế: Phát triển kinh tế, tập trung xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức định canh, định cư; phát triển chăn nuôi, cây công nghiệp, trồng rừng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường cho đồng bào tiếp cận với khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.

Về văn hóa - xã hội: Có chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: các làn điệu dân ca, lễ hội... Tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số; xử lý thỏa đáng mâu thuẫn và vấn đề ảnh hưởng tới quan hệ dân tộc. Làm tốt công tác định canh, định cư và thành thị hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền lợi chính đáng của các dân tộc theo pháp luật. Chú trọng công tác giáo dục, phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, giữ vệ sinh môi trường...

Về đoàn kết các dân tộc: Tuyên truyền, giáo dục đoàn kết, phát huy tinh thần dân tộc, trong đó coi chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, làm cho mối quan hệ giữa dân tộc đa số và thiểu số ngày càng gắn bó sâu sắc. Kiên quyết tấn công và phòng ngừa các hoạt động chia rẽ, ly khai, phá hoại của các thế lực lợi dụng vấn đề tôn giáo được tiến hành ở trong nước và ngoài nước./.
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 12, tr 497
(2) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 5
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 46