Bàn về quan hệ giữa giáo dục và văn nghệ

Mai Quốc Liên
15:18, ngày 09-02-2009

Giáo dục là việc lớn của quốc gia, liên quan đến vận mệnh của đất nước, liên quan đến sức mạnh, tiềm năng con người, văn hóa đất nước. Văn nghệ là việc ở ngoại vi nhưng xét cho cùng nó có tầm quan trọng đặc biệt, tính theo chiều sâu - chiều sâu nội tâm, chiều sâu văn hóa, chiều sâu tinh thần của con người và đất nước.

1. Ngày nay, trong quá trình đổi mới giáo dục, người ta đôi khi hiểu một cách phiến diện về giáo dục. Người ta nói giáo dục là nơi đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực nghĩa là gì, phải chăng là nguồn nhân công - sức người, là phương tiện cho kinh tế, là nguyên liệu cho sản xuất, là đối tượng cho kinh doanh? Nói như thế e rằng quá phiến diện. Theo Nho giáo phương Đông, giáo dục quả là cũng có chỗ phiến diện khi không đặt con người trong kinh tế, cho nên nói đến giáo dục là nói đến đạo làm người, dạy làm người, đạo lý thánh hiền... Con người là con người của một hình thái kinh tế - xã hội. Nó vừa là nhân vừa là quả của hình thái ấy. Đạo làm người cũng không thể thoát ly ra khỏi hình thái kinh tế - xã hội. Có cái gì là vĩnh cửu bất biến đâu. Nhưng nói giáo dục chỉ để tạo ra nguồn nhân lực thì có lẽ nhấn mạnh được vế “thực nghiệp”, “hướng nghiệp”, nhưng phiến diện. Thế còn việc dạy làm người? Nhà trường ngày nay không ai bảo ai, đều treo cái biển đã có từ hằng ngàn năm: Tiên học lễ, hậu học văn. Lễ là gì? Lễ là đạo đức, là ứng xử và trong trường là “tôn sư trọng đạo” - hiểu theo kiểu các nhà nho học. Lễ ở đây đi với văn, là văn hóa, là kiến thức. Nói như Bác Hồ, đó là đức và tài, hồng và chuyên.
 
Tâm lý học ngày nay cho rằng, hạt nhân nhân cách của con người được hình thành từ rất sớm, vì vậy giáo dục tiểu học chủ yếu là phải dạy học sinh làm người, dạy các cháu thưa gửi nói năng, vệ sinh, ứng xử với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, dạy làm một con người lương thiện tử tế, cao hơn nữa một con người như Bác Hồ yêu cầu trong 5 điều Bác dạy. Học để làm người, sống chung với mọi người, thích ứng và vươn lên trong cuộc sống, để lo cho mình, hoàn thiện bản thân đồng thời làm việc, cống hiến nhiều nhất cho xã hội, vì người cũng là vì mình... Ngày nay, trong lúc bức bách phải tiến lên vượt bậc về kinh tế, khắc phục nghèo nàn lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta dốc sức làm kinh tế, nghĩ về kinh tế, học về kinh tế. Gần như kinh tế hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư của mỗi người và giáo dục, văn hóa trong đó có văn nghệ bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Xin nói ngay rằng đó là một sự mất cân đối. Nói về lý luận thì có thể nói rất nhiều, nào là văn hóa là mục tiêu, là động lực, văn hóa tạo ra sự phát triển bền vững. Nhưng lý luận vẫn cứ là lý luận và thực tiễn có khi lại diễn ra theo đằng khác.
 
2. Giáo dục đào tạo ra con người, con người là sản phẩm của giáo dục, trực tiếp là trường lớp nhưng rộng hơn là giáo dục của cả một xã hội, cả chế độ và rộng hơn là cả của một dân tộc, một thời đại. Gia đình, làng nước, họ hàng, tổ chức, đoàn thể... đều có tác dụng giáo dục con người nhưng giáo dục con người của chúng ta chưa đáp ứng nhu cầu tạo ra những con người yêu nước khí phách kiên cường, xả thân vì sự tiến lên và sự phồn vinh của đất nước, xả thân vì mục đích khoa học, vì lý tưởng độc lập tự do. Nói là chưa đạt chứ không phải là hoàn toàn không đạt. Có ý kiến cho rằng, giáo dục ngày nay đang bị suy thoái ở tuyến tư tưởng - tuyến tư tưởng đang bị những tư tưởng hữu khuynh dao động, mất định hướng, lũng đoạn, nhất là ở phần khoa học xã hội và nhân văn. Đây là vấn đề nên thảo luận và làm rõ và có kết luận để kiên định những tư tưởng của Đảng, của chế độ, của thể chế trong nhà trường. Không thể vì bất cứ một sự la lối nào, một sự chèo kéo nào mà lung lay niềm tin, thay đổi định hướng; vì như thế là tự sát. Khắc phục những yếu kém bất cập, ấu trĩ giản đơn là chuyện khác. Chính nhà trường phải là nơi gây dựng niềm tin cho thế hệ trẻ. Bởi vì nhà trường là pháp quy, là thể chế. Anh có thể thảo luận, có thể có ý kiến khác ở nơi khác và điều đó rất đáng được hoan nghênh nhưng trong nhà trường dạy cho các em thì phải có chuẩn. Không thể biến nhà trường thành một thứ câu lạc bộ. Còn dạy thế nào cho hay, cho hấp dẫn, sâu sắc... lại là việc khác. Nhà giáo cũng là người truyền giáo, phải có lòng nhiệt huyết, yêu mến, say mê với điều mình truyền đạt. Vậy nên vấn đề đào tạo thầy giáo phải được chăm sóc kỹ lưỡng, vấn đề giáo dục chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có văn nghệ, phải được xem xét.
 
Điều hành giáo dục ngày nay phần lớn là những nhà kỹ thuật rồi đến nhà kinh tế. Bởi thời đại chúng ta là thời đại tăng tốc của sự phát triển khoa học - kỹ thuật mà ta phải đào tạo con người có kỹ năng, kỹ thuật, cho nên chọn lãnh đạo là chọn người có bằng cấp cao về khoa học - kỹ thuật, từ nguồn đào tạo ở nước ngoài. Nhưng xin lưu ý một điều: ở một số nước, người ta có đưa ra kiến nghị rằng nên lấy nhân tài lãnh đạo chủ yếu từ khoa học xã hội, nhân văn. Ngày xưa có cái lệch là chỉ học văn, thi văn (tất nhiên hồi đó văn - sử - triết bất phân, văn theo nghĩa rộng là tất cả các kiến thức về xã hội, kể cả hoàng đế thì cũng phải đào tạo như vậy). Ngày nay, chúng ta hơi “choáng” trước các nhân tài về khoa học - kỹ thuật, nhất là những người được đào tạo ở phương Tây, ở nước ngoài, đưa họ lên làm giáo dục, và trong xu thế thị trường toàn cầu hóa hiện nay tất nhiên rất dễ đưa ra thuyết đào tạo nhân lực, Mỹ hóa và Tây hóa. Biến giáo dục thành một thứ dịch vụ hàng hóa cao cấp, biến người thầy thành kẻ làm thuê, hô hào xã hội hóa mà thực chất là tư nhân hóa, từ bỏ trách nhiệm của Nhà nước, giao khoán cho tư nhân, vọng ngoại và ỷ lại vào nước ngoài, bất chấp những xuất phát điểm rất thấp của nền kinh tế của ta so với họ, bất chấp cuộc khủng hoảng nội tại của nền giáo dục từ mấy chục năm nay chưa được khắc phục đúng hướng và lành mạnh, tỉnh táo.

3. Trong bối cảnh giáo dục như vậy ta đặt vấn đề quan hệ giữa giáo dục và văn nghệ. Tại sao lại đặt như vậy? Trước hết, trong văn nghệ có vấn đề người đọc, người xem và rộng hơn có vấn đề mà lý thuyết gọi là tiếp nhận văn học. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sự tiếp nhận văn nghệ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong văn nghệ, có thể nói là chiếm quá nửa quá trình văn học nghệ thuật. Nhà thơ, nhà điện ảnh, nhà văn... chủ thể sáng tạo của văn nghệ, dĩ nhiên là rất quan trọng. Nhưng nếu không có người đọc, người xem, người tiếp nhận, đồng sáng tạo với tác giả, “khóc cười” xúc động cùng với tác phẩm thì tác phẩm sẽ chết. Nhà trường là nơi có hàng chục triệu người nghe, người xem lý tưởng, ưu tú, bởi vì nó được giáo dục thẩm mỹ, nó có văn hóa, nó trẻ trung, khao khát cái đẹp, lý tưởng...

Đối với khối người này, việc giáo dục thẩm mỹ qua chương trình chính thức và ngoại khóa, qua sách giáo khoa và những phương tiện khác là một điều cực kỳ quan trọng trong quá trình dạy làm người của nhà trường. Sách giáo khoa của chúng ta về văn học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu vì biên soạn vội vàng, không sát tâm lý lứa tuổi, quá chạy theo việc lấp đầy những chủ điểm đạo đức chính trị, “tích hợp” nhồi nhét quá tải, chưa thật hay và hấp dẫn với học trò, thêm nữa cách dạy lại cứng nhắc, thiếu nhiệt huyết sáng tạo, bình tán thiếu khoa học... nên học trò “dị ứng” với môn văn. Trong một xã hội chạy theo khoa học kỹ thuật thì khoa học xã hội trong đó có lịch sử, văn học bị “lép vế” và kết quả học tập các môn này như thế nào, chúng ta đều biết. Ngay cả những bài văn được chấm 10 điểm cũng chỉ là sự sao chép nhiều ít bài giảng mẫu, trong khi môn văn phải là sáng tạo cá nhân, dù nhỏ. Văn nghệ dạy cho con người niềm say mê sáng tạo, cảm hứng về con người, về cuộc đời, mở rộng vô biên qua không gian và thời gian những hiểu biết, những cảm hứng nhân văn, lịch sử. Cuộc đời của mỗi người có một, nhưng văn nghệ nối dài, nhân lên nhiều lần cuộc đời ấy. Cho nên đến với văn nghệ là đến với cảm hứng, sáng tạo, hạnh phúc. Văn nghệ có thể thổi cảm hứng cho cả một dân tộc, như văn nghệ thời chiến tranh, thời “tiếng hát át tiếng bom”. Ngày nay, muốn xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh nhân đạo... người ta không thể không cần đến văn nghệ. Mà trước hết là cần cho nhà trường, cho giáo dục, cho thế hệ trẻ. Cho nên mối liên kết giữa giáo dục và văn nghệ là rất thiết yếu.

Nhà trường không những cung cấp công chúng cho văn nghệ, mà còn là nơi sản sinh tài năng văn nghệ. Tài năng văn nghệ ở đâu ra nếu không phải là từ nhà trường? Ngày xưa, các nhà thơ thời Đường, Tống bên Trung Hoa hay cổ điển Việt Nam phần lớn đều đỗ tiến sĩ văn học. Tất nhiên cũng có nhiều “ông Nghè, ông Thám vô mây khói, đứng lại văn chương một tú tài” (tú tài như Tú Xương, Nguyễn Du). Đến thời hiện đại, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất thân từ trường trung học như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... Sau này phổ biến là từ trường đại học, những Phạm Tiến Duật, Bằng Việt... Nhà trường là vườn ươm bởi những thầy giáo, người làm vườn ưu tú một thời, họ cũng say mê, sùng thượng văn học, văn nghệ và cũng là tác nhân giúp cho những tài năng sáng tạo nảy sinh, nảy nở.

Những việc ấy ngày nay hầu như trở thành “thời xa vắng” và có thể có người “ngậm ngùi bao giờ trở lại ngày xưa”. Có lẽ nó sẽ không bao giờ trở lại nữa bởi những say mê một thời đã qua, cảm hứng đã thay đổi, người đọc đã thay đổi, người dạy đã thay đổi. Bây giờ là cảm hứng cuộc sống bình thường, cái cao cả ít được mô tả, ít được nhắc đến mà văn nghệ chỉ nghiêng về tả cái tuyệt vọng đau khổ, dục vọng, nghiêng về những mảnh vụn của cuộc đời được nhìn dưới cái nhìn hỗn độn gọi là “hậu hiện đại”... Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Có thể trong khi ngoái nhìn lại quá khứ, trong đó có văn học, những học sinh ngày nay vẫn còn cảm động như họ đã từng nồng nhiệt say mê trước các bài hát một thời. Nhưng, khi bước ra cuộc đời ngày nay họ cũng dễ mất hướng và cũng dễ đồng cảm với cái nhìn tuyệt vọng đau đớn của một số tác giả văn học.

Thời đổi mới, thời hội nhập thị trường, thời toàn cầu hóa... dường như có tất cả chỗ đứng nhìn, rất phát triển cho nhiều thứ văn nghệ, cho nhiều sự tiếp nhận ảnh hưởng mà đối với ta được cho là mới lạ, hiện đại, tiên tiến từ các xứ sở phát triển hơn ta. Thầy giáo phải được đào tạo như thế nào, học sinh phải được học như thế nào để có đủ một bản lĩnh, một sức bền văn hóa, một chiều sâu văn hóa, vừa dân tộc, vừa phương Đông, vừa hiện đại để có thể đứng vững trong cơn bão táp, lốc xoáy của muôn vàn biến thiên hấp dẫn mới lạ. Làm sao học được người để làm lớn dậy cho mình mà ta vẫn là ta, con người của Việt Nam tự hào, khí phách, thông minh, nhân ái. Đồng thời học được cái hay, cái tinh hoa của nhân loại. Đây là một vấn đề rất khó. Điều này liên quan đến cả một ước vọng thời chưa xa: ta có thể còn nghèo, nhưng có một cuộc sống phong phú về tinh thần.

4. Một số kiến nghị

Một là, tăng cường cho sự nghiệp giáo dục, trong đó giáo dục làm người, giáo dục văn hóa, văn nghệ, lịch sử, khoa học xã hội và nhân văn, bằng tất cả sức mạnh của hệ thống chính trị, trong đó sự lãnh đạo của Đảng phải thật sự sâu sắc và ở tầm cao. Thường xuyên, Trung ương, Chính phủ định kỳ bàn về giáo dục, khoa học, khoa học xã hội và nhân văn, nắm thật sâu, thật chắc phương diện cực kỳ quan trọng này, xem nó là cái quyết định trước mắt và lâu dài, quyết định chiến lược, mất còn của dân tộc. Không thể khoán trắng, không thể chung chung, không thể chỉ lo kinh tế vì phương diện này xét cho cùng còn cao hơn cả kinh tế, khó hơn kinh tế bởi đây là vấn đề con người. Mà con người ngày nay, của thời đại toàn cầu hóa thị trường thì đan xen biết bao mâu thuẫn, giằng xé, nghịch lý chứ không còn giản đơn như thời xưa. Và cũng chính vì thế mà giáo dục, chính trị, đất nước cần đến văn nghệ. Phải chăm lo làm sao cho văn nghệ lành mạnh, tiến bộ thổi được một nguồn cảm hứng lớn vào nhà trường, vào thầy giáo, học sinh để tạo ra được những con người mà gia đình và đất nước mong muốn có. Chúng ta phải có một chiến lược huy động tinh hoa, trí tuệ nhân bản của dân tộc, phương Đông toàn cầu vào việc tạo ra những con người như vậy.

- Phải làm một cuộc cách mạng, một cuộc cải tổ trong giáo dục, phải thay đổi rất nhiều, có những cọ xát đau đớn để làm cho nền giáo dục không chỉ phát triển hiện đại, hiệu quả vì đào tạo nhân lực mà còn phải làm tròn vai trò giáo dục rèn luyện con người Việt Nam. Cần phải làm lại ngay từ những bước đi ban đầu chắc chắn, khoa học. Giữ giáo dục đi đôi với giữ chế độ và giữ nước, mất giáo dục, mất văn hóa thì chúng ta còn gì? Tất nhiên, chúng ta phải làm từng bước nhưng phải quyết tâm làm, phải hành động, phải khẩn trương, chính xác. Và như vậy nó đòi hỏi một lãnh đạo sáng suốt, trí tuệ, minh bạch. Nó phải thu hút trí tuệ của nhân dân của nhiều nhà khoa học hoạt động xã hội.

Hai là, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật mới đây cần phải được quán triệt vào giáo dục, vào nhà trường, vào từng đảng bộ, trong và ngoài giáo dục, vào việc biên soạn sách giáo khoa. Ngày nay, làn sóng tự do vô giới hạn (mà thực ra là có giới hạn bởi chính chỗ đứng của nó) đang được cổ vũ để bất chấp định hướng lãnh đạo, bất chấp “đại tự sự” nói theo ngôn từ của chủ nghĩa hậu hiện đại, thì một nghị quyết như vậy được họ xem là “trái chiều”. Nhưng chính vì thế mà khi đi vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta càng cần phải kiên trì những “đại tự sự” đúng đắn, có trách nhiệm của chúng ta, tức đại tự sự chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đại tự sự tư tưởng Hồ Chí Minh, đại tự sự truyền thống và bản sắc Việt Nam, bản chất xã hội chủ nghĩa trước những diễn biến phức tạp của tình hình.

Ngày nay, người ta rất dễ nhận ra chiều hướng phi chính trị, phi tư tưởng của văn hóa - văn nghệ đồng thời của giáo dục - đào tạo, do thái độ dao động, hữu khuynh, mất phương hướng trước tình hình trong nước và thế giới phức tạp, trước sự tiến công từ nhiều phía của lực lượng bên ngoài liên minh với chủ nghĩa cơ hội bên trong.

Công tác chính trị - tư tưởng hiện nay không thể thực hiện “trần trụi” bằng lý luận, lý thuyết, theo cách như xưa khi chúng ta từ mất nước, nô lệ đi ra, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng còn rất hấp dẫn, mới mẻ, tươi trẻ. Bây giờ dân tộc đã già dạn, nhân dân đã trưởng thành, dân trí đã cao, giao lưu quốc tế đã rộng, công tác tuyên truyền không thể tiến hành như cũ, hô hào, cổ động đơn thuần. Chính trị - tư tưởng phải thâm nhập vào văn hóa - văn nghệ, văn hóa - văn nghệ phải thâm nhập vào giáo dục - đào tạo, tạo thành “bộ ba” - tam giác ỷ giốc hoặc đồng bộ: ba cánh quân cùng tiến, thành ba mũi giáp công mới mong tạo được sức mạnh lớn, phản công đối với các mũi tiến công đối địch.

Công tác tư tưởng phải có lực lượng vật chất đó là tổ chức của các chiến sĩ tư tưởng (gồm cả văn học - văn nghệ và giáo dục - đào tạo) thành mặt trận thứ hai gồm ba cánh quân như trên, bên cạnh mặt trận kinh tế./.