Làm dịu nỗi đau sau chiến tranh

Nguyễn Văn Thuấn
18:10, ngày 19-07-2007

Trải qua hai cuộc kháng chiến, tỉnh Hải Dương có hơn 38.000 liệt sĩ, 16.082 thương binh, 8.017 bệnh binh, 1.658 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 31 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 586 cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám, hơn 3.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 3.133 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong thời kỳ đổi mới, việc chăm lo cho các đối tượng, gia đình chính sách ở Hải Dương luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”' được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động thiết thực. Truyền thống về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời của dân tộc ta đã được cán bộ, nhân dân Hải Dương kế thừa và phát huy tốt trong điều kiện cụ thể của địa phương.

1. Những phong trào và kết quả đạt được

- Ngay sau khi tái lập tỉnh, ngày 10-3-1997, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 08 đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng nhà ngói cho tất cả thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trước năm 2000. Nghị quyết trên đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực thực hiện. Công ty Xổ số của tỉnh đã phát hành xổ số xây dựng nhà tình nghĩa. Tiếp đó là đợt phát động nhân dân trong toàn tỉnh tham gia quyên góp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Đến ngày 27-7-1999, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.471 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 22 tỉ đồng (ngân sách của tỉnh 3,5 tỉ đồng, còn lại là do mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ). Chương trình “ngói hóa”' nhà ở cho tất cả các gia đình liệt sĩ trong tỉnh đã hoàn thành sớm 18 tháng so với mục tiêu đề ra. Hải Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện “ngói hóa” nhà ở cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Kết quả này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp trên địa bàn và toàn thể nhân dân trong tỉnh, với mong muốn làm dịu đi những nỗi đau sau chiến tranh.

- Tỉnh chỉ đạo các các cấp, các ngành có các giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ việc làm, áp dụng các chính sách ưu đãi về dạy nghề, tạo việc làm đối với con liệt sĩ, con thương binh.

- Chính quyền phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong toàn tỉnh triển khai nhiều phong trào và hoạt động thiết thực, hiệu quả: chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, cha mẹ liệt sĩ cô đơn, không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng; phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; “Nhận đỡ đầu con liệt sĩ”; “Áo lụa tặng bà”...

Tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Tất cả con thương binh nặng, con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn đều được chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần, tạo việc làm ổn định. Mỗi năm tỉnh Hải Dương dành hàng tỉ đồng để thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp cho các gia đình chính sách. Vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, các địa phương đều tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Tất cả các thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên đều được luân phiên đi điều dưỡng và được trang cấp đầy đủ phương tiện sinh hoạt theo đúng quy định của Nhà nước.

Một việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đời sống của các đối tượng gia đình chính sách là phong trào tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa. Trong 10 năm gần đây toàn tỉnh đã tặng gần 9.000 số tiết kiệm tình nghĩa với tổng trị giá trên 2,3 tỉ đồng cho các đối tượng gia đình chính sách. Hiện nay, phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công được triển khai sôi nổi, rộng khắp. Kết quả, đã có 250 trong tổng số 264 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn, 64 nghìn đối tượng gia đình chính sách đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”.

Những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã góp phần nâng cao mức sống của các đối tượng gia đình chính sách. Nếu như năm 1995, toàn tỉnh (Hải Hưng cũ) có 835 hộ chính sách thuộc diện đói và 3.885 hộ thuộc diện nghèo, thì đến cuối năm 1998, tỉnh Hải Dương đã xóa xong hộ đói, đến năm 2005, không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo (theo chuẩn mới).

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh chưa mạnh, nên đời sống của một số đối tượng gia đình chính sách vẫn còn có khó khăn; việc xác minh, kết luận để làm các thủ tục truy tặng liệt sĩ, phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xác định chế độ thương tật... vẫn còn những tồn đọng chưa giải quyết thỏa đáng.

2. Để làm tốt hơn nữa hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và “Phong trào đền ơn đáp nghĩa”; Quyết định số 303-QĐ/TTg ngày 13-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc vận động Kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã có Thông báo số 382-TB/TU yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27-7-2007, đồng thời cũng là định hướng để nâng cao hiệu quả của phong trào “Uống nước nhớ nguồn”:

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách, các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước; giới thiệu các gương điển hình của các đơn vị, các xã, phường, các cá nhân đối với người có công; biểu dương các tấm gương tiêu biểu, phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp đổi mới của các đối tượng chính sách.

- Đổi mới và tổ chức có hiệu quả cuộc vận động thực hiện 5 chương trình tình nghĩa, trước hết tập trung vào cuộc vận động toàn dân ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí theo Nghị định số 91/1998/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ. Tiếp tục xây dựng và sửa chữa nhà ở cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn khó khăn, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, ưu đãi đào tạo, bố trí việc làm hợp lý cho con em gia đình chính sách.

- Sửa sang, tu bổ và tổ chức tốt việc viếng thăm, tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ. Có kế hoạch thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu, những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, trước hết là đối với quân đội và công an giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc xác nhận liệt sĩ, quy tập mộ liệt sĩ, xác nhận thương binh thời kỳ kháng chiến. Triển khai thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về chế độ đối với thanh niên xung phong, cán bộ tại các chiến trường: B, C, K, người nhiễm chất độc hoá học, tiếp nhận, quản lý sử dụng có hiệu quả hồ sơ thương binh, liệt sĩ.

- Củng cố, nâng cấp, bổ sung thiết bị và phát huy hoạt động của các cơ sở sự nghiệp chăm sóc, phục hồi cho thương binh, bệnh binh và điều dưỡng luân phiên người có công.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người có công; giải quyết chi trả trợ cấp đúng kỳ, đủ số, đúng chế độ, đúng đối tượng; soát xét, sửa đổi các thủ tục hành chính về xác nhận và giải quyết quyền lợi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, uốn nắn những sai sót; ngăn chặn xử lý kịp thời những vi phạm chế độ, chính sách. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội, với tình cảm, trách nhiệm, khả năng của mình, cần tích cực tham gia đóng góp, giúp đỡ và phối hợp để làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Đây không chỉ là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-2007), mà cần phải trở thành phong trào thường xuyên, liên tục nhằm phát huy truyền thống cách mạng, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.