TCCSĐT - Phát triển bền vững là sự phát triển không chỉ đáp ứng những yêu cầu của hiện tại, mà còn tạo nền móng cho sự phát triển của các thế hệ mai sau. Phát triển bền vững, theo nhận thức chung, được cấu thành bởi 3 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau là: tăng trưởng kinh tế; tiến bộ, công bằng xã hội; và bảo vệ môi trường.

Toàn cầu hóa, đặc biệt là toàn cầu hóa về kinh tế đang diễn ra nhanh chóng và tác động mạnh mẽ đến các mọi quốc gia trên thế giới, tạo môi trường để các nước tăng cường hợp tác phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa cũng đang bộc lộ những mâu thuẫn xã hội khá gay gắt, một trong số đó là khoảng cách giàu - nghèo. Không phải ở mọi quốc gia tăng trưởng kinh tế đều gắn với xóa đói, giảm nghèo và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Để làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa vai trò tích cực của chính trị trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, ổn định và hướng tới tương lai, trong hai ngày 18 và 19-6-2009, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Viện FES (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Chính trị và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - những vấn đề lý luận, thực tiễn”.

Đến dự hội thảo có GS.TS Lê Hữu Nghĩa – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Rolf Schulze; TS Joerg Bergstermann - Trưởng đại diện Viện FES tại Hà Nội cùng đông đảo các học giả trong và ngoài nước.

Trên 80 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại các bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước đề cập đến nhiều khía cạnh cả từ góc độ lý thuyết đến thực tế, những vấn đề liên quan đến chính trị và sự phát triển bền vững ở Việt Nam và thế giới hiện nay.

Ba nhóm vấn đề cơ bản được các đại biểu thảo luận, tập trung làm rõ là:

Thứ nhất, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo nên cơ hội và thách thức như thế nào đối với sự phát triển bền vững của từng quốc gia, từng khu vực và trên toàn thế giới; những phương cách để có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, làm cho con đường hướng tới sự phát triển bền vững mở rộng hơn và đạt kết quả tốt đẹp hơn.

Thứ hai, làm rõ vai trò to lớn của chính trị trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, và sự khác biệt của nó ở các thời đại khác nhau, các quốc gia, dân tộc khác nhau.

Thứ ba, các quốc gia và khu vực đã đạt được kết quả và có những định hướng phát triển về nghiên cứu và đào tạo khoa học chính trị như thế nào?/.