Phát triển những nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Người là hiện thân của đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đạo đức là "gốc" của người cách mạng. Người nhấn mạnh: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(1). "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa"(2).
Tìm hiểu đặc điểm và quy luật hình thành tư tưởng đạo đức mới của Hồ Chí Minh, nổi bật những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cơ bản sau đây:
1 - Tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hằng ngày gắn với thực tiễn cách mạng
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(3).
Muốn có được những phẩm chất đạo đức, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và cả quần chúng nhân dân lao động phải "gian nan rèn luyện", "kiên trì và nhẫn nại". Bởi, khác với nhiều lĩnh vực khác của đời sống con người, ở đây, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi con người cũng như việc xây dựng một nền đạo đức mới trong xã hội không phải là một việc đơn giản, có thể hoàn thành ngay trong một sớm, một chiều. Mà, ngược lại, đây là một quá trình liên tục, lâu dài, thường xuyên và cực kỳ gian khó.
Trong mỗi con người cũng như trong toàn xã hội, đều có mặt thiện và mặt ác, có phần tốt và phần xấu cùng tồn tại. Các mặt đối lập đó thường xuyên đấu tranh, giằng co lẫn nhau. Việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức sẽ làm cho phần tốt, cái thiện sẽ "nảy nở như hoa mùa xuân", còn phần xấu, cái ác sẽ dần bị hạn chế, thu hẹp đi đến bị loại bỏ. Muốn làm được vậy phải có đức tính dũng cảm, đức hy sinh.
Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn khác so với việc "tu thân dưỡng tính" trong Phật giáo, "tu thân tề gia" của Nho giáo. Bởi đạo đức mới là đạo đức giải phóng cho con người. Biện pháp rèn luyện, tu dưỡng đạo đức là dựa vào nhận thức khoa học chứ không phải dựa vào niềm tin mù quáng. Môi trường rèn luyện, tu dưỡng đạo đức mới là ở trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng đất nước, là ở trong bang giao để làm "tăng thế nước", làm lợi cho dân... Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" (12-1958), Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người"(4).
Khác với sự hình thành và tác dụng điều chỉnh hành vi của luật pháp là bắt buộc, cưỡng bức; đạo đức cách mạng chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận quần chúng cách mạng. Nói cụ thể, rèn luyện đạo đức cách mạng phải dựa trên tinh thần của sự tự nguyện, tự phê phán và thông qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong tập thể cùng với sự tác động của dư luận, của nhân dân và sự định hướng tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước. Trong đó, tự phê bình là phương sách tốt nhất trong rèn luyện đạo đức mới.
Hồ Chí Minh cho rằng, người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Tu dưỡng đạo đức mới phải gắn với thực tiễn, kiên trì, bền bỉ, mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Trong buổi nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ"(5). Do không chú ý đến điều này, nên đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong lúc đấu tranh, giáp mặt với quân thù thì dũng cảm, hăng hái, trung thành, không sợ hy sinh, gian khổ. Song, đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lãng phí, quan liêu; không tự giác mà biến thành kẻ có tội với cách mạng, với nhân dân.
Qua xem xét các vụ án lớn, nhỏ những năm gần đây cho thấy, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị, cuộc đấu tranh này chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng bao che, dung túng cho những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu hoành hành. Nếu xem xét nguyên nhân của thực trạng trên, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Bác: "Bệnh quan liêu đã dung túng, ấp ủ, che chở cho nạn tham ô, lãng phí". Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, "muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí... thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu"(6).
2 - Tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm
Đây là một nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Khác hẳn với đạo đức của giai cấp bóc lột, phản động, chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo; đạo đức mới - đạo đức của giai cấp vô sản là nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, nêu gương đạo đức.
Nghiên cứu đặc điểm các dân tộc phương Đông, ngay từ sớm, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(7). Tự mình gương mẫu, đồng thời, Hồ Chí Minh còn chú trọng đến tác dụng giáo dục đạo đức của các tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và trong hiện thực đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước.
Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"; "hô hào nhân dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã". Nói tóm lại, "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; "quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức và "không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến". Những tấm gương đạo đức phải được hiểu theo một nghĩa rộng. Có những tấm gương chung và riêng, lớn và nhỏ, xa và gần. Một nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng trên một cái nền rộng lớn, vững chắc khi những phẩm chất đạo đức, những chuẩn mực đạo đức đã trở thành hành vi đạo đức ngày càng phổ biến trong toàn xã hội, mà những tấm gương đạo đức của những người tiêu biểu, những gương người tốt, việc tốt có ý nghĩa thúc đẩy cho quá trình đó.
Xuất phát từ thực tế của công cuộc lao động, chiến đấu, bảo vệ đất nước ở các địa phương, các ngành trong cả nước, Hồ Chí Minh cho rằng, lấy gương "người tốt, việc tốt" để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Người đề xướng việc thiết lập tủ sách "Người tốt, việc tốt", để không chỉ nêu những tấm gương anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, mà còn nêu cả những "Việc nhỏ nghĩa lớn" để giáo dục cho mọi người, cho mọi lứa tuổi...
3 - Đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái đúng với cái sai, cái tốt với cái xấu, xây đi đôi với chống
Trong đời sống hằng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái đạo đức và cái phi đạo đức... vẫn thường đan xen, đối chọi nhau, thông qua hành vi của những con người khác nhau, ngay trong bản thân mỗi con người. Chính vì vậy, phải kiên quyết, dũng cảm đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, đấu tranh giữa cái đúng với cái sai, đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu... Song, đây là công việc rất khó khăn. Bởi, nó thuộc lĩnh vực tình cảm, đạo đức, được tiến hành dưới hai dạng chính là xây và chống. Xây đi liền với chống, trong đó mục đích xây dựng là chính, chống là để nhằm mục đích xây. Có thể nói, "xây" đi đôi với "chống" là một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, rèn luyện đạo đức mới.
Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội, nhất là trong những đơn vị tập thể - nơi mà phần lớn thời gian cuộc đời mỗi người gắn bó bằng hoạt động thực tiễn của mình. Phải khơi dậy đạo đức lành mạnh ở mọi người, để mọi người tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình.
Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng, do thoát thai từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nhiều tàn dư văn hóa nô dịch thực dân vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức không ít người, hơn nữa, ở mỗi người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Vì thế, cần phải kết hợp giữa xây và chống. Làm như vậy, một mặt không ngừng trau dồi, xây đắp, phát triển đạo đức mới, tăng cường cái đúng, cái tốt; mặt khác, hạn chế cái xấu, cái lạc hậu để bảo đảm cho sự lành mạnh, trong sạch của đạo đức mới.
Để xây dựng và chống có hiệu quả, phải tạo phong trào quần chúng rộng rãi. Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào như vậy:
Năm 1952, có phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Năm 1963, có cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" (gọi tắt là cuộc vận động "ba xây, ba chống").
Có phong trào, có cuộc vận động chung cho toàn Đảng, toàn dân; có phong trào, có cuộc vận động riêng cho từng ngành, từng giới. Qua đó, lôi cuốn mọi người vào cuộc đấu tranh rất cụ thể, rõ ràng, thôi thúc trách nhiệm đạo đức cá nhân, để mọi người phấn đấu tự bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Ngành bưu điện, từ cuối năm 1963 đến 1965, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh đã thực hiện cuộc vận động "ba xây, ba chống".
Qua cuộc vận động, các đơn vị trong ngành đã nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về vị trí, tính chất, đặc điểm và phương hướng của ngành, nên đã có nhiều chuyển biến tư tưởng trong công tác và trong lãnh đạo; bước đầu thấy rõ hơn chỗ mạnh, khẳng định rõ được những thành tích ưu điểm của ngành, đồng thời cũng thấy rõ những thiếu sót và bất hợp lý trong tổ chức quản lý và công tác quản lý của ngành; tìm ra nguyên nhân gây ra tham ô, lãng phí. Từ đó có phương hướng, biện pháp sửa chữa, bổ khuyết. Ở những địa phương đã tiến hành "ba xây, ba chống", chất lượng thông tin, bưu điện, truyền thanh được nâng cao. Đó chính là kết quả tốt nhất của cuộc vận động "ba xây, ba chống" trong ngành bưu điện Việt Nam (1963-1965)(8).
Thực tiễn chứng minh, những cuộc vận động đó đã mang lại một sắc thái mới trong sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi nếp nghĩ, phong cách làm việc, kích thích việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả công tác với tinh thần ích nước, lợi nhà. Và thông qua các phong trào quần chúng, cái tốt được tăng cường, phát triển, cái xấu bị đẩy lùi.
4 - Tự phê bình và phê bình
Hồ Chí Minh quan niệm: "Đã có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm". Nhưng, điều đáng nói ở đây là, khi đã có khuyết điểm thì phải có thái độ thật thà, nhận rõ khuyết điểm và tìm cách sửa chữa, khắc phục. Phương thức tốt nhất là nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Điểm này hoàn toàn đối chọi với chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình mình, khi có khuyết điểm thì không kiên quyết sửa chữa. Trái lại, với người cộng sản phải xem tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển của mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng.
Nâng cao đạo đức cách mạng trong tình hình mới hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải biết khai thác, phát huy mặt tích cực, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, khơi dậy cái tốt, cái hay, cái tích cực, cái tiên tiến - đó là vấn đề mà mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cho mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, đạo đức...
Xét trên lĩnh vực đời sống đạo đức, trong Đảng, Nhà nước và xã hội ta hiện nay, có thể rút ra một số vấn đề cần chú ý.
Thứ nhất, trong thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra ở không ít các cơ sở đảng được công nhận danh hiệu "trong sạch, vững mạnh", thậm chí còn được công nhận trong nhiều năm. Có những cán bộ, đảng viên đã thực sự biến thành "quan tham", sa đọa về đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng chính trị... Xét đến cùng, đó là vi phạm những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới, là do chủ nghĩa cá nhân phát triển và mắc bệnh quan liêu. Kết quả là dẫn đến những hành vi tham ô, lãng phí, chạy theo địa vị danh lợi, dối trá... Vì vậy, phải xử lý thật nghiêm những hành động tiêu cực, xấu xa trên, góp phần làm trong sạch đạo đức cách mạng.
Thứ hai, từ các vụ án kinh tế - xã hội lớn, nhỏ, thời gian qua, có thể thấy, có sự suy thoái về đạo đức xã hội. Một trong những nguyên nhân đó là ý thức phê bình và tự phê bình của chúng ta chưa cao. Biểu hiện cụ thể là có rất ít trường hợp cán bộ, đảng viên mắc bệnh tham ô, lãng phí mà được phát hiện do kết quả của tự phê bình và phê bình trong nội bộ, mà chủ yếu là do quần chúng và công luận phát hiện. Do đó, thời gian tới, các cấp ủy và tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hoạt động tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng cũng như trong thực tế lãnh đạo.
Thứ ba, việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay cũng như sự giúp đỡ lẫn nhau của cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng còn có những yếu kém và hạn chế. Nói cách khác, cán bộ, đảng viên còn có những biểu hiện chưa gương mẫu rèn luyện về phẩm chất đạo đức, đấu tranh chống các tệ nạn chưa quyết liệt, nói mạnh, làm nhẹ, nể nang, ô dù, bao che cho nhau...
Những tệ nạn ấy đã gây ra những bất bình trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Thời gian tới, tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn của cán bộ phải được xác định cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ, tu dưỡng rèn luyện theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc xây dựng đạo đức mới của Hồ Chí Minh. Tiếp tục xây dựng cơ chế nhân dân giám sát cán bộ, có cơ chế cụ thể bố trí lại cán bộ khi có dấu hiệu vi phạm đạo đức (tham ô, lãng phí, dối trá, sa đọa trong cuộc sống, làm mất đoàn kết nội bộ...) và loại bỏ những cán bộ vi phạm. Quy định cụ thể, rõ ràng hơn chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 485
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 293
(4), (5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 293, 448
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 490
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 1, tr 263
(8) Lịch sử Bưu điện Việt Nam, Nxb Bưu điện, Hà Nội, 1998, t 2, tr 109
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (13/06/2007)
Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ  (13/06/2007)
Quan điểm của V.I. Lê-nin về nhà nước và vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (12/06/2007)
Quan điểm của V.I. Lê-nin về nhà nước và vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (12/06/2007)
Trung với nước, hiếu với dân  (12/06/2007)
Đồng chí Trương Tấn Sang làm việc với Ban Biêp tập Tạp chí Cộng sản  (12/06/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên