Tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin là một phần vô cùng quan trọng trong di sản đồ sộ, quý giá mà các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin để lại cho kho tàng tri thức nhân loại. Những tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin được các tác giả cuốn sách lựa chọn để phân tích, luận bàn và rút ra những quan điểm chính trị chung nhất bao gồm: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Nội chiến ở Pháp”, “Phê phán Cương lĩnh Gôta”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Hai sách lược của Đảng Dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ”, “Nhà nước và cách mạng”, “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết”, “Bàn về thuế lương thực”, “Bàn về chế độ hợp tác xã”, “Thà ít mà tốt”.

Những quan điểm chung về chính trị trong các tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin tập trung vào những vấn đề lớn sau: vấn đề giai cấp, chính trị, nhà nước; vị trí và vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị của giai cấp công nhân; tổ chức quyền lực của giai cấp công nhân trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội…

Nghiên cứu, giới thiệu các tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ nhưng có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận, nhất là trong việc phân biệt rõ quan niệm về chủ nghĩa xã hội đã phát triển trên cơ sở của chính nó với quan niệm về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Nắm vững quá trình hình thành, biến đổi và phát triển các quan điểm chính trị cơ bản, qua thực tiễn thời kỳ Mác - Lê-nin, để có phương pháp vận dụng, phát triển sáng tạo và đúng đắn trong thực tiễn hiện nay.

Cuốn sách Quan điểm chính trị trong một số tác phẩm kinh điển Mác - Lê-nin do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản của tập thể tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn, PGS.TS. Trần Ngọc Linh, PGS.TSKH. Trần Nguyễn Tuyên đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo bổ ích dùng trong các chương trình đào tạo đại học và trên đại học về chính trị.