Gần đây, nhiều công trình, dự án nghiên cứu đã tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các nghiên cứu về chuyển giao công nghệ, các dự án khuyến nông được đẩy mạnh, nhiều nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng được đưa về nông thôn. Một yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải nắm vững quy trình triển khai và đánh giá hiệu quả thực tế của dự án, từ đó tổng kết được những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại để phát huy hoặc hạn chế ở những dự án tiếp theo. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh: Hướng dẫn giám sát và đánh giá đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (guideline on monitoring and evaluation of agricultural research and development projects) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Chính phủ Australia và Bộ Nông nghiệp của Bang Victoria - Australia biên soạn. Cuốn sách là cẩm nang quan trọng đối với những người quản lý và thực hiện các dự án nghiên cứu nói chung và với các dự án tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng.

Ngoài phần cung cấp các định nghĩa thường được sử dụng trong giám sát và đánh giá như: lôgíc chương trình, chỉ số thực hiện, mốc kết quả, mốc so sánh, khung lôgíc, đánh giá bên ngoài, đánh giá bên trong, đánh giá liên tục, đánh giá thẩm định, đánh giá thích nghi…

Nội dung của cuốn sách gồm có 3 chương:

Chương 1: Khái niệm và nguyên lý về giám sát và đánh giá. Chương này đưa ra 5 tiêu chí lớn trong đánh giá các đề tài, dự án nghiên cứu nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là: Hiệu quả - chú trọng tới mối quan hệ giữa chi phí và đầu ra của một đề tài, dự án; Hiệu suất là mức độ mà đề tài, dự án đạt được so với mục tiêu đề ra ban đầu; Phù hợp - xem xét liệu thành quả mong đợi của dự án có đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng tiếp theo không, chiến lược và cách tiếp cận của dự án có phải là giải pháp đúng hay không; Tác động - đề cập tới ảnh hưởng lâu dài hoặc những thay đổi do đề tài, dự án mang lại; Bền vững - đề cập tới liệu những lợi ích mà đề tài, dự án mang lại có còn tiếp tục sau khi đề tài, dự án đó kết thúc hay không.

Chương 2: Lôgíc chương trình trong giám sát và đánh giá đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Chương này giới thiệu lôgíc chương trình và giải thích cách sử dụng chúng trong đánh giá. Lôgíc chương trình là công cụ giúp cấu trúc và lập kế hoạch đánh giá. Có 4 loại lôgíc chương trình: Biểu đồ hệ thống; Thang bậc thành quả; Lôgíc chương trình dạng tự do; Khung lôgíc. Mỗi đề tài, dự án bao gồm các giai đoạn đánh giá: đánh giá thẩm định, giám sát, đánh giá giữa kỳ, đánh giá cuối kỳ, đánh giá sau nghiệm thu.

Chương 3: Xây dựng kế hoạch, thiết kế và thực hiện đánh giá. Chương này giải thích các bước trong tiến hành đánh giá một đề tài, dự án, gồm: Hiểu rõ đề tài, dự án; Xây dựng kế hoạch và thiết kế đánh giá; Tiến hành đánh giá, quản lý, phân tích dữ liệu và báo cáo.