TCCSĐT - Đó là tên hội thảo do Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức ngày 28-12-2018, tại Hà Nội. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập, Bí thư Đảng ủy Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật cho biết: Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007 về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã được các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện đồng bộ, thống nhất, toàn diện, tương đối đa dạng về phương thức, thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; ban hành chỉ thị, nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...

Báo cáo tổng kết của các ban đảng, đảng đoàn ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cho thấy, nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết, trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện đồng bộ, thống nhất, toàn diện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X). Nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng… Công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp tập trung vào những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được đảng viên, quần chúng và dư luận quan tâm, những nơi có nguy cơ cao dễ xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số nơi chưa kịp thời, thường xuyên. Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở một số địa phương chưa cao…

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết nhằm đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… từ đó xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Một số hạn chế còn tồn tại của Nghị quyết được các đại biểu chỉ ra như:

- Trong ba mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh nguy cơ quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, bảo thủ, trì trệ, cục bộ, bản vị, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện có nội dung còn hạn chế, chưa góp phần tạo chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng; kiểm tra về tư tưởng chính trị bước đầu có kết quả nhưng chưa rõ nét.

- Quan điểm phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát chưa thể hiện rõ trong thực tiễn. Một số nhiệm vụ, chủ trưởng, giải pháp nêu trong Nghị quyết chưa thực hiện hoặc còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa coi trọng đúng mức việc phóng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều sai lầm, khuyết điểm của đảng viên chậm phát triển. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” có chuyển biến nhưng chưa đều ở các cấp.

- Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức Nghị quyết cũng như tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát hoặc nhận thức được nhưng chưa chuyển biến thực sự thành hành động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

- Việc sửa đổi, ban hành một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn chưa đồng bộ, kịp thời; việc ra soát, thể chế hóa, cụ thể hóa nhằm liên thông, đồng bộ giữa văn bản của Đảng và của Nhà nước còn chậm, một số văn bản hướng dẫn chậm, chưa sát thực tiễn nên khó khan trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật khi có khuyến điểm, vi phạm.

- Một số ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy và cấp ủy cùng cấp do nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu kiên quyết, còn “nhẹ trên, nặng dưới” trong kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý. Nhiều trường hợp, ủy ban kiểm tra cấp trên và cấp ủy, nhất là người đứng đầu chỉ đạo, yêu cầu mới tiến hành kiểm tra. Nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm, nghiêm trọng được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nhưng chậm được kiểm tra, kết luận và xử lý.

- Công tác kiểm tra, giám sát của các ban của cấp ủy và của ban cán sự Đảng, đảng đoàn chưa có sự thay đổi căn bản nên hoạt động chưa thường xuyên, nền nếp chất lượng chưa được như mong muốn, một số ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát... Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ chưa có nhiều đổi mới, chất lượng năng lực của một bộ phận cán bộ kiểm tra và cán bộ tham mưu của các ban của cấp ủy còn hạn chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, chương trình đào tạo chưa thống nhất, khó nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác kiểm tra…

Tại hội thảo, đại diện Ủy ban Kiểm tra của các cơ quan, đơn vị đã nêu ra nhiều ý kiến nhằm hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); Tờ trình và Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết như: cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động đổi mới với công tác kiểm tra, giám sát; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức, đối tượng kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán và tăng cường sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan; đổi mới công tác nghiên cứu lý luận và tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng… Những ý kiến đóng góp từ cơ sở sẽ giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng và hoàn thiện văn bản trình Bộ Chính trị./.