Rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Bài trừ tham ô, lãng phí, quan liêu
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động lớn về đạo đức. Mục đích cuộc vận động là nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; hình thành, phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ. Như vậy, nội dung cốt lõi của cuộc vận động là giáo dục và rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và cho mọi thành viên trong xã hội ta đạo đức cách mạng, đạo đức của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Xin hãy bắt đầu bằng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, đạo đức lớn mà Bác Hồ đã dạy chúng ta từ cách đây gần 60 năm và còn nhắc lại trong Di chúc của Người năm 1969: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(1).
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1949, để cổ vũ phong trào Thi đua ái quốc và xây dựng Đời sống mới, Bác viết bài “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, chỉ rõ rằng:
“… Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người(2).
Cần, kiệm, liêm, chính là những điều người xưa từng nói, sách xưa từng viết, các bậc thầy xưa về đạo đức từng dạy. Nhưng ở Bác Hồ, những câu nói và viết đó, những lời dạy đó đã trở nên sống động hơn, đời thường hơn, có hiệu ích hơn, bởi tất cả đều chứa đựng một nội hàm mới, vừa có kế thừa vừa có phát triển, có bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với việc xây dựng con người mới trong thời đại mới.
CẦN là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó còn có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần. Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn thì phải có Kế hoạch cho mọi công việc. Kế hoạch lại phải đi đôi với phân công. Cần và Chuyên phải đi đôi với nhau. Cần không phải là làm xổi. Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không phải làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài. “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công”(3).
KIỆM là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần và Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm thì “làm chừng nào xào từng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức là phải thoái… Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ. “Thời giờ là tiền bạc”. Ai đem vàng bạc vứt đi là người điên rồ. Thì ai đưa thì giờ vứt đi, là người ngu dại. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm.
LIÊM là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa, trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi. Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm – Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới có liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là Bất liêm… Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.
CHÍNH nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC. Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc CHÍNH và việc TÀ. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (Cần), tằn tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm), Chính là Thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác…
Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc.
Cần, kiệm, liêm, chính đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu như nước với lửa. Cần, kiệm, liêm, chính là vầng sáng của đạo đức con người. Tham ô, lãng phí, quan liêu là bóng tối của sự tha hóa. Về ba thứ bệnh này, Bác Hồ đã phê phán hết sức nghiêm khắc, nói đi nói lại nhiều lần, trong những thời điểm khác nhau và cho những đối tượng khác nhau. Bác nói:
THAM Ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công – của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân ta. Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng.
LÃNG PHÍ và tham ô tuy khác nhau, ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội… Lãng phí có nhiều hình thức: hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm, hàng nghìn người đến công trường nhưng chưa có việc làm hoặc người nhiều việc ít, phải để họ trở về. Hoặc vì xa xỉ, phô trương, hình thức, nào liên hoan, nào “báo chí”, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước v.v… Nói tóm lại, lãng phí là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân.
QUAN LIÊU là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung… Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô(4).
Bác chỉ rõ rằng bệnh quan liêu luôn luôn đi đôi với bệnh mệnh lệnh. Nguyên nhân của bệnh quan liêu mệnh lệnh là do:
Xa nhân dân: do đó không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng không làm xong; có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được.
Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: Do đó, họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không biết thực lòng giúp đỡ nhân dân.
Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!
Sự phê phán nghiêm khắc và thái độ kiên quyết của Bác Hồ trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.
Tệ tham ô cộng với sự nhũng nhiễu, hạch sách dẫu gọi chung là tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Tham nhũng và lãng phí làm tiêu hao một khối lượng lớn của cải của Nhà nước và của nhân dân. Hàng vạn cán bộ công chức đã bị truy tố trước pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật dưới nhiều mức độ khác nhau do phạm tội tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm làm thất thoát lớn của công. Bệnh quan liêu, xa dân cũng ngày một phổ biến.
Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cuộc đấu tranh biểu thị quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội ta. Cuộc đấu tranh ấy đòi hỏi phải có một tổng hợp biện pháp có hiệu lực từ giáo dục chính trị và tư tưởng đến hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội, cải cách hành chính và tăng cường kỷ cương, pháp luật.
Nêu cao đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính và đấu tranh kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là hai mặt của một vấn đề: xây dựng đạo đức mới và con người mới, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một trong những mục tiêu mà cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt tới.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000, tập 5, tr 631
(3) Sđd, tập 5, tr 635
(4) Sđd, tập 10, tr 574
Xây dựng thành phố xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng  (07/05/2007)
Vận dụng chính sách  (27/04/2007)
Cải cách hành chính ở một số nước châu Á  (27/04/2007)
Cải cách hệ thống chính quyền địa phương ở Nhật Bản  (27/04/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm