Báo chí phản ánh chiến tranh: Hiện tại và tương lai
TCCSĐT - Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, bên cạnh những thuận lợi về sự phát triển hòa bình, hợp tác cùng phát triển giữa các cộng đồng, dân tộc, quốc gia trên thế giới, luôn đan xen những thách thức, khó khăn do tình trạng mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, về chủ quyền quốc gia, về tôn giáo, về kinh tế, chính trị… Do đó, bên cạnh xu thế hòa bình và hội nhập vẫn tồn tại các cuộc chiến tranh với những quy mô khác nhau. Chính vì thế, báo chí viết về chiến tranh vẫn là một phần quan trọng, một bộ phận khó có thể tách rời của báo chí.
Cái đích tận cùng của báo chí viết về chiến tranh: Phản ánh khát vọng hòa bình
Chiến tranh được phản ánh trên báo chí hiện ra đa chiều cạnh, từ phản ánh sự khốc liệt, phức tạp của các cuộc chiến, các vấn đề về quân sự, binh sĩ tham gia cuộc chiến, đến những đớn đau, mất mát của con người, những thắng - thua, thành - bại… Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, báo chí phản ánh chiến tranh có sự song hành, hỗ trợ, gắn kết của hàng loạt các phương tiện kỹ thuật tiên tiến như máy quay phim, máy ảnh, điện thoại di động tích hợp camera, kết nối internet…; có sự tương tác, hỗ trợ của bản thân những người tham gia hoặc chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh đó thông qua các hình thức đa dạng (ví dụ: cung cấp thông tin, quay videoclip nhằm đưa ra bằng chứng xác thực phản ánh hiện thực cuộc chiến…). Song, điều đáng nói, là bao trùm các tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh, là sự thể hiện những thông điệp về giá trị nhân văn và nhân đạo của tình thương yêu và khát vọng hòa bình luôn được đề cao trong lòng nhân loại tiến bộ…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít những tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh mang tính phiến diện, một chiều, hoặc có hơi hướng cổ vũ châm ngòi thêm những mâu thuẫn trong cuộc chiến… đã gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và hành động của nhiều người. Sự cạnh tranh gay gắt trong việc đem đến những thông tin hấp dẫn, nóng hổi về cuộc chiến cho công chúng dẫn đến tình trạng phản ánh bạo lực quá đà, hoặc tần suất xuất hiện của các tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh có lúc dày đặc, khiến một bộ phận công chúng cảm thấy chiến tranh trở thành chuyện bình thường và thờ ơ với những khó khăn, mất mát, khổ đau của con người trong cuộc chiến, hoặc bàng quan với thời cuộc… Ở khía cạnh này, báo chí - “quyền lực thứ tư” - phản ánh chiến tranh đang đứng trước những thời cơ và cả thách thức, yêu cầu ngày càng mới và khắt khe, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo không chỉ cần đưa thông tin chính xác, thời sự, sắc sảo, mà còn phải bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa nghề nghiệp.
Thực tế hoạt động báo chí viết về chiến tranh trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, những thông tin về cuộc chiến, về sự thắng - bại, về những đau thương mất mát, những hy sinh, khổ đau của các thân phận trong chiến tranh hay những “đòn cân não” giữa các bên đối đầu trong cuộc chiến... sẽ chỉ là những hiện thực trần trụi và khốc liệt nếu không có sự phản ánh dưới cái nhìn trung thực, khách quan và nhân đạo. Những tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh một cách chân thực và mang đậm khát vọng nhân văn, nhân đạo, nhân bản sẽ có tác dụng hơn triệu lời miêu tả, có sức tác động lay động lòng người hơn ngàn vạn lời cổ vũ, kêu gọi, hiệu triệu. Vai trò và trách nhiệm, sứ mệnh nặng nề, cao cả của nền báo chí chân chính phản ánh chiến tranh, bởi thế, càng trở nên quan trọng và cần thiết trong đời sống xã hội. Cũng do vậy mà cái đích tận cùng của báo chí viết về chiến tranh là phải chuyển tải được những thông điệp, khát vọng hòa bình, giúp nhân loại biết trân trọng và có ý thức chung sức đồng lòng gây dựng, gìn giữ nền hòa bình chung. Cũng chính từ đây, có thể thấy, hiện tại và tương lai của báo chí phản ánh chiến tranh luôn có sự nối dài và học hỏi từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, trong quá khứ, là cầu nối từ quá khứ - hiện tại đến tương lai. Đồng thời, góp phần phản ánh và tái hiện, gìn giữ các giá trị của lịch sử - văn hóa nhân loại ở góc nhìn riêng song không kém phần hấp dẫn và mang tính giá trị cao về cả hình thức, các thể loại phản ánh và nội dung phản ánh trong dòng chảy của đời sống xã hội.
Báo chí phản ánh chiến tranh thời gian gần đây
Báo chí nói chung, với vai trò là “quyền lực thứ tư”, bên cạnh bảo đảm các tiêu chí về tính khách quan và công bằng, vẫn phản ánh các cuộc chiến tranh theo xu hướng, quan điểm và lập trường chính trị nhất định. Thế giới đã từng chứng kiến truyền thông Mỹ một thời gian dài xuất hiện dồn dập các bài viết mang xu hướng ủng hộ cho quan điểm của nhà cầm quyền Mỹ trong vấn đề “châm ngòi nổ” và phản ánh cuộc chiến ở Afganistan, ở Irắc, ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi và quy mô rộng lớn. Ở nước ta, với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; Bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sỹ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đội ngũ những người làm báo nước ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm về bản chất của báo chí cách mạng là thể hiện rõ tính chiến đấu, tính khoa học, tính giai cấp, tính chân thực, khách quan, thông qua các hình thức, phương thức truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, đại chúng, sinh động. Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức và giáo dục tập thể thông qua các tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh.
Nói đến báo chí phản ánh chiến tranh, bên cạnh các cuộc chiến đang diễn ra mà báo chí nước ta và báo chí thế giới đang từng ngày, từng phút cập nhật, chuyển tải thông tin, không thể không nhắc đến các cuộc chiến đã qua nhưng vẫn còn nguyên các giá trị, ý nghĩa thời sự và bài học lịch sử, kinh nghiệm. Điển hình như đối với hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở nước ta, báo chí nước ta và nhiều tờ báo tiến bộ trên thế giới viết về hai cuộc chiến này, khắc họa, nhìn nhận cuộc chiến đã qua dưới cái nhìn khái lược, phê bình, phản biện, phân tích…, nhắc lại lịch sử, nhìn nhận cuộc chiến - lịch sử dưới những góc nhìn mới, sâu sắc hơn, phong phú hơn, gợi nhắc nhân dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới thêm hiểu và biết gìn giữ, trân trọng giá trị của hòa bình… Tờ Hà Nội mới trong bài “Bài học về hòa bình từ một chiến dịch quân sự khép lại chiến tranh” viết: Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 cho đến giờ vẫn cho thấy rõ, những sự kiện đó sẽ tồn tại vĩnh cửu cùng thời gian “bởi giá trị của nền hòa bình mà vì nó nhiều quốc gia đã phải đương đầu với thử thách khắc nghiệt của chiến tranh mà giành lại giá trị cốt lõi của loài người. Một chiến dịch quân sự được tiến hành thắng lợi không chỉ đem lại vinh quang cho người chiến thắng, nó còn để lại bài học hậu chiến, bài học về giành lấy hòa bình và gìn giữ hòa bình - “mục tiêu mà loài người có nghĩa vụ, về mặt đạo đức, phải đạt tới”, như quan điểm của Dante thể hiện ngay từ thế kỷ XIII. Đó là điều có thể và cần được tìm hiểu thường xuyên, ở mỗi thế hệ… Bài học về giữ gìn hòa bình, nhìn từ một cuộc chiến tranh và thậm chí chỉ qua lăng kính của một chiến dịch quân sự, dù lớn tới mức nào, có khả năng tự tỏa sáng tới mức nào cũng cần phải được nghiên cứu, tổng kết, phổ biến để mọi người hiểu rõ dựa trên nền tảng truyền thống đấu tranh anh dũng và lòng yêu chuộng hòa bình của cả dân tộc”.
Những năm gần đây, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự phát triển nhanh, mạnh như vũ bão của khoa học - kỹ thuật và công nghệ, của mạng Internet, báo chí phản ánh chiến tranh có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây về nhiều mặt. Song, báo chí phản ánh chiến tranh trong giai đoạn hiện nay cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, điển hình là:
Thứ nhất, việc kiểm chứng độ chân thực của thông tin trong một thế giới của vô vàn các nguồn tin đa dạng, từ các kênh báo chí - truyền thông chính thống, đến các nhà báo - công dân, và các nguồn thông tin đa chiều khác có thể khác nhau về mục đích, động cơ truyền tin không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi.
Thứ hai, sự chạy đua gay gắt, thậm chí khốc liệt giữa phóng viên các cơ quan báo chí để cập nhật, chuyển tải tin tức chiến tranh một cách thời sự và chân thực nhất dẫn đến áp lực và cạnh tranh về thời gian, hàm lượng, mức độ hấp dẫn của thông tin, thậm chí mức độ chính xác của thông tin về chiến tranh được chuyển tải giữa các phóng viên, các cơ quan báo chí với nhau.
Thứ ba, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thông qua việc truyền tải các thông tin “một chiều” về cuộc chiến khiến các đối tượng công chúng có thể có cái nhìn thiên lệch, sai lệch về bản chất của vấn đề. Từ đó, có thể dẫn tới việc công chúng có những tư tưởng, hành động cực đoan.
Thứ tư, sự cạnh tranh giữa mảng chủ đề báo chí phản ánh chiến tranh và phản ánh các mảng chủ đề khác (chính trị, kinh tế, văn hóa…) khiến thông tin về chiến tranh - nếu không có được sự cập nhật, chính xác và sắc sảo, nhân văn - sẽ rất dễ bị chìm lấp trong một “biển” thông tin sôi động về nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội hiện đại…
Một số xu hướng tồn tại, phát triển của báo chí phản ánh chiến tranh trong tương lai
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, trước những chuyển biến sâu sắc của môi trường xã hội cũng như điều kiện, thói quen tác nghiệp và các điều kiện về phương tiện, kỹ thuật, báo chí đang có sự thay đổi ở nhiều bình diện, nhiều cấp độ, như từ mô hình báo chí đơn lập đến mô hình báo chí tích hợp; từ báo chí thông tin đến báo chí tương tác. Sự tồn tại, phát triển, biến đổi của báo chí phản ánh chiến tranh, với tư cách là một phần, một bộ phận của báo chí, cũng không nằm ngoài các xu hướng biến đổi trên.
Nhìn tới tương lai, có thể thấy một số xu hướng tồn tại, phát triển của báo chí phản ánh chiến tranh, như:
Một là, bên cạnh xu hướng hòa bình là xu hướng đa phần nhân loại tiến bộ đều hướng tới và mong muốn đạt được, thì chiến tranh, mâu thuẫn, xung đột giữa một số quốc gia, dân tộc, cộng đồng, nhóm người về lợi ích, tư tưởng, ranh giới lãnh thổ… sẽ vẫn còn tồn tại và có thể phát triển ở mức độ phức tạp. Do đó, sự tồn tại và vai trò cần thiết của báo chí phản ánh chiến tranh vẫn được coi là một phần khó có thể thiếu trong đời sống xã hội.
Hai là, ngày càng có sự chuyển hướng về phương thức và hình thức chuyển tải thông tin chiến tranh đến công chúng. Nếu như trước kia, báo in chiếm vai trò lớn và phổ biến, với những tin tức, bài viết, phân tích, bình luận… thì ngày nay xu hướng tích hợp, hiện đại hóa việc truyền tin thông qua các trang báo mạng điện tử, các kênh truyền hình có sự hỗ trợ của Internet, sự tương tác qua các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter,…) và các kênh truyền thông tin rộng rãi khác (điển hình là Youtube)... đang trở thành hình thức phổ biến, được sử dụng rộng khắp trên thế giới.
Ba là, mức độ cập nhật thông tin của báo chí từ nơi xảy ra chiến sự đến cơ quan báo chí và đến với công chúng có thể được diễn ra gần như hoặc thậm chí ngay đúng thời điểm các sự kiện, diễn biến của cuộc chiến diễn ra thông qua hình thức chuyển tải, phản ánh tình hình chiến sự trực tiếp (live).
Bốn là, quá trình tác nghiệp của phóng viên viết phản ánh chiến tranh được sự hỗ trợ ngày càng đắc lực của các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại hơn gấp nhiều lần so với trước đây.
Năm là, mức độ tương tác giữa cơ quan báo chí, phóng viên và bản thân những người tham gia cuộc chiến cũng sẽ tiếp tục được nâng lên nhờ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, mạng Internet và các thiết bị vệ tinh, giúp tăng cường cập nhật, chuyển tải thông tin chiến tranh nhanh nhạy, nóng hổi chưa từng có so với trước… Cùng với đó, là mức độ và thời gian tương tác giữa báo chí với công chúng cũng ngày càng trở nên nhanh chóng hơn, với diện chuyển tải và bao phủ thông tin rộng rãi hơn nhờ mạng Internet, khiến công chúng vừa có thể tiếp nhận thông tin, vừa có thể phản hồi thông tin ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Sáu là, có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ giữa các cơ quan báo chí, mà còn giữa cơ quan báo chí với các nhà báo công dân, các trang mạng xã hội, các kênh thông tin online… trong phản ánh các thông tin, các khía cạnh của cuộc chiến với những góc nhìn đa chiều.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn báo chí phản ánh chiến tranh trên thế giới và ở Việt Nam những năm gần đây
Báo chí phản ánh chiến tranh cần bảo đảm tính trung thực, tin cậy, kịp thời, cùng với lập trường chính trị đúng đắn để chuyển tải thông tin chiến tranh đến công chúng một cách cập nhật, phong phú mà không bị quá sa đà vào phản ánh một chiều phiến diện, hoặc lợi dụng cuộc chiến để tạo nên những cuộc xung đột bùng nổ nguy hại đến hòa bình của nhân loại.
Người làm báo cần không ngừng học hỏi, rèn luyện, trau dồi, mở mang tri thức của bản thân nhằm có kiến thức và bản lĩnh tri thức vững vàng, để cho ra đời những tác phẩm báo chí phản ánh chiến tranh vừa mang tính thời sự, vừa mang tính trung thực, tin cậy và nhân văn. Người làm báo cũng nên thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phổ biến (đặc biệt là tiếng Anh) nhằm dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận, khai thác các nguồn thông tin từ đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới và từ mạng Internet, đồng thời có thể độc lập tác nghiệp mà không cần sự trợ giúp của phiên dịch khi tác nghiệp ở vùng chiến sự.
Các cơ quan báo chí, người làm báo cần nắm chắc và sử dụng hiệu quả các phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện đại phục vụ quá trình tác nghiệp, đồng thời tận dụng tối đa ưu thế của mạng Internet để chuyển tải, cập nhập tin tức chiến tranh đến công chúng, từ đó góp phần định hướng thông tin và nhận thức đúng đắn về cuộc chiến cho họ.
Cần tăng cường sự hợp tác giữa nhà báo và các công dân trong đời thực cũng như tăng cường tính tương tác trên mạng Internet thông qua các trang cá nhân, trang mạng xã hội… nhằm thu thập, thẩm định và chuyển tải thông tin chiến tranh một cách nhanh chóng và chính xác đến công chúng.
Tiêu chí nhân văn, nhân đạo, hướng đến phát triển bền vững con người và môi trường luôn cần được đề cao và tôn trọng trong suốt quá trình báo chí phản ánh chiến tranh, để bảo đảm các thông tin, hình ảnh về chiến tranh một mặt được cập nhật kịp thời, đa dạng, mặt khác, không mang tính phá hoại hay hủy diệt con người, cộng đồng người và môi trường sống bền vững của loài người./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều chính sách ưu đãi thu hút chuyên gia, nhà khoa học vào các lĩnh vực trọng điểm  (12/06/2018)
Từ tư tưởng của Các Mác về dân chủ đến xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (12/06/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-6-2018)  (12/06/2018)
Luật Giáo dục sửa đổi: Tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng giáo dục  (11/06/2018)
Thủ tướng sẽ tham dự ACMECS 8 và CLMV 9 tại Thái Lan  (11/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên