TCCSĐT - Ngày 27-10-2017, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm chuyên gia với chủ đề “Một số chuyển động mới trong cục diện thế giới - khu vực và việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc”. TS. Phạm Tất Thắng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; GS, TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, cùng toàn thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tạp chí Cộng sản.

Trong phát biểu đề dẫn, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, cuộc Tọa đàm được tổ chức nhằm làm rõ những chuyển động mới (bức tranh toàn cảnh về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…) cũng như các nhân tố tác động và xu hướng phát triển của cục diện thế giới - khu vực; tác động của những chuyển biến mới đó đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; dự báo cục diện khu vực, thế giới trong thời gian tới; trên cơ sở những chuyển biến mới đó và tác động đối với Việt Nam, đề xuất, kiến nghị để góp phần hoạch định chính sách và thực hiện thành công đường lối, chính sách đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của nước ta.

Các tham luận và ý kiến phát biểu của các chuyên gia tại Tọa đàm đã tập trung thảo luận, phân tích một số nhóm vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất, đánh giá, phân tích về những biến chuyển mới của tình hình thế giới và khu vực trong những năm gần đây với nhiều mặt thuận nghịch đan xen. Sự xáo động này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, an ninh - chính trị. GS, TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khái quát các xu hướng hiện nay trên thế giới, đó là các xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông; Bảo hộ mậu dịch và phong trào chống toàn cầu hóa; xu hướng ly khai đòi độc lập có chiều hướng gia tăng, đồng thời chủ nghĩa dân túy biểu hiện bằng các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa có xu hướng được đề cao; xu hướng các nước lớn vừa hợp tác, vừa kiềm chế lẫn nhau, vừa tăng cường củng cố đồng minh, tìm kiếm hợp tác để ứng phó với những thách thức chung, vừa gia tăng điều chỉnh chiến lược đồng loạt và mạnh mẽ đối với từng khu vực, địa bàn để mở rộng ảnh hưởng; cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế địa - chiến lược giữa các cường quốc diễn ra ở nhiều nơi, ngày một gay gắt, quyết liệt. Tình hình đó dẫn đến xu hướng tập hợp lực lượng mang tính đối đầu giữa các nước này ngày càng rõ nét.

Phân tích về vấn đề này, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng thế giới ngày này chứa đựng nhiều yếu tố bất định, bất an và bất ngờ; đồng thời khái quát sự biến động tình hình thế giới bằng các quy luật, như quy luật phát triển, quy luật lợi thế so sánh, quy luật về sự đối lập giữa các mặt (quốc tế - quốc gia; giữa hợp nhất và tan rã…); quy luật về sự phân hóa xã hội trong quá trình phát triển; quy luật phát triển không đều; quy luật thịnh - suy của quốc gia…

Về tình hình khu vực, nhiều đại biểu cho rằng châu Á - Thái Bình Dương là nơi tập trung sự cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng, lợi ích quyết liệt của các cường quốc. Với sự điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ của các nước lớn, sẽ mang đến những thay đổi bất ngờ có thể tạo ra trật tự mới trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Biển Đông sẽ là tâm điểm cạnh tranh của các cường quốc trong thời gian tới.

Thứ hai, nhận thức về cục diện thế giới - khu vực hiện nay. Các phát biểu tham luận nêu rõ, thời kỳ quá độ từ cục diện cũ sang cục diện mới là một quá trình tương đối dài, có thể kéo dài hàng trăm năm như từng xảy ra trong lịch sử thế giới. Với bước chuyển lâu dài của thời kỳ quá độ, nên không tránh khỏi có nhiều xáo động trong đời sống quốc tế. Hơn nữa, tất cả những sự vận động này quy tụ trong thời gian nhất định nên tất yếu sẽ xảy ra những biến động lớn trên tất cả các lĩnh vực, trận tuyến của đời sống quốc tế.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi, đã hình thành một thời đại mới chưa? Thế giới liệu sẽ tiến tới hình thái trật tự hai cực hay không? Dù có tiến tới một cục diện mới, quá trình này sẽ trải qua thời gian lâu dài. Và có một thực tế là, sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đã và đang tạo ra sự phân hóa sâu sắc và những thách thức đối với các nước trên thế giới.

Một số tham luận khẳng định, quá trình thay đổi sức mạnh của quốc gia là quá trình liên tục, lâu dài và đến mức nào đó, khi “lượng” biến thành “chất” thì sẽ tạo ra sự thay đổi về cục diện. Khi đánh giá về các “cực” trong quan hệ quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, các trung tâm quyền lực hiện nay có nhiều thay đổi, đối diện với nhiều thách thức nội tại và bên ngoài. Đó chính là những lực cản không nhỏ trên con đường khẳng định vị thế cường quốc.

Thứ ba, những tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với Việt Nam. Trong một thế giới đầy biến động, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước mỗi thay đổi của tình hình thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. Do vậy, Việt Nam cần xác định con đường phát triển như thế nào, ứng phó với các thách thức ra sao? Làm sao vận dụng thời cơ, biến thách thức thành cơ hội phát triển ra sao trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển.

Đối với vấn đề này, các tham luận phát biểu phân tích những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong bối cảnh mới của cục diện thế giới. Để ứng phó với những thách thức, thay đổi này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về mọi mặt, cũng như cần có sự vận dụng sách lược khôn khéo, linh hoạt. Tuy nhiên, thời cuộc không cho phép chúng ta từ từ được nữa, mà cần phải tăng tốc, đón đầu, biến thách thức thành cơ hội phát triển, như quan điểm của TS. Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Kết luận Tọa đàm, TS. Phạm Tất Thắng đánh giá, trong một thời gian ngắn, những phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, phân tích dưới các góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, không thể bàn hết vấn đề lớn trên nhưng đây sẽ là những gợi mở nghiên cứu, góp phần làm rõ về những biến chuyển mới của tình hình thế giới, khu vực cũng như việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong quá trình hội nhập thế giới hiện nay./.