TCCSĐT - Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 9-2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 9 Nghị định của Chính phủ và 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm 7 chương, 46 điều, quy định về nội dung, chương trình, hình thức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Nghị định quy định về: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; lĩnh vực đê điều...

Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu gồm 5 chương, 41 điều, quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ, cụ thể: Nguyên tắc quản lý rượu; chất lượng và an toàn thực phẩm; dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu; các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu; điều kiện kinh doanh rượu;...

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 của Chính phủ về quản lý phân bón được ban hành để triển khai thi hành khoản 6 Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014; góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21-9-2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ, quản lý di sản thế giới ở Việt Nam; tăng cường năng lực của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, quản lý di sản thế giới và nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý di sản thế giới tại UNESCO và cộng đồng quốc tế.

Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý được ban hành nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện việc điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý; phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03-6-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Tăng cường năng lực ứng cứu sự cố mạng


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025”.

Theo định hướng đến 2025, Đề án xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (Cơ quan điều phối quốc gia) thành một đơn vị mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để quản lý tình hình sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, phản ứng nhanh, điều phối ứng cứu kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự cố nghiêm trọng, làm nòng cốt tổ chức triển khai công tác thực thi đảm bảo an toàn thông tin mạng của quốc gia.

Xây dựng Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (Mạng lưới ứng cứu sự cố) mạnh về chuyên môn, hoạt động chuyên nghiệp, gắn kết, với các đơn vị thành viên có trách nhiệm, hợp tác, kết nối chặt chẽ, bảo đảm điều phối kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả các lực lượng để ứng cứu sự cố mạng, chống tấn công mạng; Xây dựng các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp lớn có năng lực chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, tổ chức phòng ngừa hiệu quả, sẵn sàng phản ứng nhanh, ứng phó xử lý kịp thời các sự cố, tấn công mạng.

Cùng với đó là bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực, chuyên gia ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc các thành viên mạng lưới có kiến thức chuyên môn, kỹ năng cao, khả năng nghiên cứu, phân tích, nắm vững nghiệp vụ, có kỷ luật, tuân thủ quy trình, sẵn sàng ứng phó nhanh, xử lý chính xác, kịp thời với các loại sự cố, tấn công mạng.

Mục tiêu hướng tới năm 2020 là nâng cao năng lực của Cơ quan điều phối quốc gia thông qua việc xây dựng các quy trình, nghiệp vụ quản lý, điều phối; đầu tư các hệ thống nhằm chủ động theo dõi, thu thập thông tin sự cố; hệ thống tiếp nhận, lưu giữ và xử lý thông tin sự cố; tăng cường khả năng điều hành và chia sẻ thông tin sự cố; đẩy mạnh các hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố và các đơn vị chuyên trách, cơ quan chỉ đạo, điều hành ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; nâng cao năng lực theo dõi, thu thập, phân tích, phát hiện sự cố và điều phối, ứng cứu sự cố trên toàn mạng lưới; nâng cao nhận thức và tăng cường phổ biến kiến thức về các nguy cơ, sự cố mạng, công tác điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tăng cường khả năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức an toàn thông tin mạng, ứng cứu sự cố (CERT) của các nước.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra 7 nhiệm vụ: 1- Nâng cao năng lực hoạt động Cơ quan điều phối quốc gia; 2- Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố; 3- Tăng cường hoạt động thu thập, phân tích, xác minh và cảnh báo, điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Cơ quan điều phối quốc gia, các đơn vị, tổ chức thành viên của mạng lưới ứng cứu sự cố; 4- Tổ chức các chương trình diễn tập ứng cứu sự cố, phòng ngừa tấn công mạng; 5- Phát triển lực lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng; 6- Tăng cường năng lực và tổ chức hoạt động cho các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố trên toàn quốc; 7- Xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn hóa quy trình, dự phòng rủi ro, bảo vệ an toàn thông tin mạng.

Triển khai thi hành Luật Cảnh vệ


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh vệ. Theo đó, năm 2017 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật về cảnh vệ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm cho việc thực hiện Luật được thống nhất.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương dành thời lượng phù hợp phổ biến Luật Cảnh vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức phổ biến Luật Cảnh vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các báo, tạp chí, đơn vị làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của bộ, ngành, địa phương mình xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm và thường xuyên để phổ biến sâu rộng pháp luật về cảnh vệ.

Bộ Công an biên soạn tài liệu tập huấn, in ấn, phát hành, bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh vệ; tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu pháp luật về cảnh vệ, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức phục vụ, yêu cầu cải cách hành chính, chống quan liêu, gây phiền hà trong công tác cảnh vệ cho lãnh đạo cơ quan, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong Công an nhân dân.

Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu pháp luật về cảnh vệ, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức phục vụ, yêu cầu cải cách hành chính, chống quan liêu, gây phiền hà trong công tác cảnh vệ cho lãnh đạo cơ quan, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong Quân đội nhân dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác liên quan đến công tác cảnh vệ để sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những nội dung trái với quy định của Luật Cảnh vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả rà soát gửi về Bộ Công an (qua Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) trước ngày 31-12-2017 để tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Cảnh vệ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cảnh vệ, trình Chính phủ trước tháng 5-2018; ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cảnh vệ trước ngày 15-5-2018; ban hành Thông tư quy định về mẫu, quản lý, sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt cho lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng trước ngày 15-5-2018; ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trước ngày 15-5-2018.

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định cụ thể tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng trước ngày 15-5-2018./.