TCCSĐT - Ngày 30-11-2016, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vai trò của Khoa học xã hội trong hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Đảng”.

Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; GS,TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia và phóng viên ở các cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Khoa học xã hội đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội do Đảng khởi xướng, lãnh đạo. Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của khoa học xã hội đã đóng góp thiết thực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khoa học xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày một cao của thực tiễn, nhiều khó khăn thách thức mới xuất hiện: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Tác động từ mặt trái của toàn cầu hóa, mặt trái của phát triển kinh tế thị trường, của sự lạm dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ, sự biến đổi bất thường của môi trường, khí hậu…, khoa học xã hội cũng bộc lộ những mặt bất cập, yếu kém. Tính hiệu quả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội chưa cao; tính định hướng xã hội một cách tổng thể, hệ thống của khoa học xã hội chưa thực sự rõ nét, chưa đi thẳng vào các vấn đề nổi cộm. Các hướng tiếp cận của khoa học xã hội còn chưa toàn diện; chưa phản ánh được tính đa diện của quy luật thị trường, quy luật phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khoa học xã hội còn có lúc bị động trước thực tiễn diễn biến nhanh, phức tạp. Có lúc, có nơi khoa học xã hội vẫn chưa khắc phục được tính giáo điều, khuôn mẫu, xơ cứng, hình thức. Chức năng dự báo, tiên phong dẫn đường của khoa học xã hội chưa thật nổi bật.

Đóng góp vào thành công của Hội thảo là 32 bài tham luận; luận giải về giải pháp thúc đẩy khoa học xã hội phát triển xứng tầm với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới; những giải pháp làm cho khoa học xã hội Việt Nam từng bước phát triển, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp các luận cứ khoa học để phục vụ công tác tham mưu với Trung ương Đảng về hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đưa đất nước vững bước lên chủ nghĩa xã hội. Tinh thần cốt lõi được thống nhất cao tại Hội thảo là: (1) Phải thực sự coi trọng vai trò của khoa học xã hội trong đời sống, trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước; (2) Đầu tư nguồn lực xứng tầm cho nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là chăm lo đội ngũ những người công tác tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội; (3) Củng cố, phát triển hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội cho phù hợp với yêu cầu mới; (4) Đổi mới nội dung, phương thức nghiên cứu, quản lý hoạt động khoa học xã hội; (5) Coi trọng và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học xã hội tới các tầng lớp nhân dân; (6) Tiếp thu và ứng dụng có chọn lọc thành tựu khoa học xã hội của thế giới và trong nước để bổ sung phát triển một số vấn đề mà khoa học xã hội nước ta có đóng góp, nhất là những vấn đề đúc kết thực tiễn có thể khái quát thành lý luận của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; (7) Khoa học xã hội phải tham gia tích cực, sắc bén vào cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những luận điểm xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ uy tín của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính đúng đắn của con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; (8) Trên từng lĩnh vực cụ thể (kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng) cần lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu một số vấn đề liên quan đến hình thành cốt cách một dân tộc có ý chí khởi nghiệp làm giàu chính đáng, có lý tưởng cách mạng, có ý thức trách nhiệm cao trong gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập; từng bước làm cho Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước; trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc các cấp, các ngành phát huy hơn nữa vai trò của khoa học xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, lý luận, các nhà quản lý từ các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành, Hội thảo được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Đây là tiền đề và động lực thúc đẩy khoa học xã hội Việt Nam có những đổi mới và thành tựu quan trọng trong thời gian tới./.