Văn phòng Chính phủ: Họp báo thường kỳ tháng 11-2016

Tin, ảnh: Gia Bảo
21:09, ngày 29-11-2016

TCCSĐT - Chiều 29-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 11-2016 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với hai nội dung lớn là công tác xây dựng thể chế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội 11 tháng.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường biển, tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 6 triệu tấn, tăng 2,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,5% của tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 7,3%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% (cùng kỳ năm trước tăng 10,3%). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng tăng khoảng 9,5%, cho thấy sức mua và cầu đang có xu hướng tăng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng qua tăng mạnh ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2%).

Trong điều kiện hết sức khó khăn, xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, 11 tháng ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5%; trong đó nhóm hàng nông lâm thủy sản tiếp tục đạt mức khá và tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,7%). Trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD, chiếm 1,78% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 này tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,5% so với tháng 12-2015 (dưới ngưỡng Quốc hội cho phép là dưới 5%).

Các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định và đúng định hướng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng phù hợp với diễn biễn kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,03%. Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định. Tỷ giá tháng 11-2016 có biến động chủ yếu do yếu tố tâm lý trước bối cảnh đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Thị trường vàng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm khoảng 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tổng thu ngân sách đến 15/11 đạt 89,8% dự toán, tăng 6,3%. Giải ngân đầu tư công đạt 70,2% kế hoạch. Vốn FDI thực hiện ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3%.

Môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp tiếp tục cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đã vượt quá con số 100.000 doanh nghiệp, cụ thể là có trên 101 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17% về số DN và tăng 48% về số vốn đăng ký; có trên 24 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện.

Về an sinh xã hội, điểm nổi bật là trong bối cảnh tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, các ngành, các cấp đã nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân (đến ngày 21-11-2016, đã hỗ trợ gạo cứu đói cho 22 tỉnh, đã xuất cấp 138 nghìn tấn gạo để cứu trợ, cứu đói). Cùng với đó, đã tạo việc làm cho gần 1,5 triệu lao động.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội hiện cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý, hiện cũng đang được người dân, dư luận rất quan tâm. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Như vấn đề tỷ giá USD, đây chưa phải vấn đề quá căng thẳng hiện nay, nhưng cần theo dõi sát tình hình để chủ động ứng phó. Vấn đề lạm phát, CPI tháng 11 tăng 0,48%, 11 tháng đã tăng 4,5%, sát ngưỡng cho phép là 5%.

Kết luận phiên họp Chính phủ tháng 11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập thể Chính phủ tập trung thảo luận xây dựng Nghị quyết 01, chuẩn bị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào tháng 1 để tiến hành đánh giá, tập hợp vào Phiên họp cuối năm. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương cần bắt tay ngay vào việc thực thi nhiệm vụ quản lý, điều hành của năm 2017 với tinh thần chủ động ngay từ quý I; công khai minh bạch cơ chế phân cấp, giao quyền, hạn chế tối đa cơ chế xin - cho để các địa phương sớm tổ chức triển khai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Cùng với đó là thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016 - 2020…

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội. Chỉ đạo các bộ, ngành sớm có biện pháp xử lý một số vấn đề kinh tế - xã hội nổi lên hiện nay, tránh tác động đến kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 và quý I-2017, Thủ tướng yêu cầu đối với sự biến động tỷ giá, dù không đáng lo ngại nhưng các ngành cần theo dõi sát tình hình để kịp thời có biện pháp ứng phó. Cùng với đó là tập trung xử lý sớm nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, lưu ý việc kiểm soát nợ công, giải quyết triệt để các trường hợp công trình, dự án, doanh nghiệp thua lỗ và làm tốt công tác dự báo, đánh giá đúng tình hình quốc tế tác động đến sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận, có giải pháp khắc phục ngay các tồn tại nổi lên như chỉ số sáng tạo của Việt Nam giảm; các tồn tại mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu ra sau khi kiểm tra tại một số bộ, ngành.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng cũng đặt rất nhiều vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng đô thị, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, tái cơ cấu, chấn chỉnh hiện tượng khi ban hành cơ chế chính sách xuống nhưng ở địa phương có nơi này, nơi khác vẫn còn giấy phép con, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư ở địa phương.

Tiếp đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các lãnh đạo chủ trì họp báo đã trả lời các câu hỏi liên quan đến việc có thông tin sẽ đổi tiền dẫn đến tình trạng dân đổ đi mua vàng, ngoại tệ; nội dung các vấn đề mà 95 doanh nghiệp gửi đến cổng thông tin điện tử Chính phủ; việc Mobifone chi 9.000 tỷ đồng mua cổ phần của AVG…/.