TCCSĐT - Ngày 19-08-2016, tại Sơn La, Tạp chí Cộng sản, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Cùng tham dự còn có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc, các cơ quan báo chí.

Ban tổ chức Hội thảo nhận được 75 bài tham luận. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo tập trung bàn về 3 nhóm vấn đề chính sau:

Nhóm vấn đề thứ nhất:

- Làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Trong đó thống nhất, xóa đói, giảm nghèo là định hướng lớn trong chủ trương xây dựng, phát triển đất nước của Đảng ta trong thực tế lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một trong những biện pháp cơ bản để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên lĩnh vực này, được sự công nhận của các tổ chức quốc tế, qua đó giữ ổn định xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Đối với vùng Tây Bắc, Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo cho khu vực này là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên cơ sở đó, các chương trình hành động của Chính phủ, các chính sách trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo đã có những ưu tiên đặc thù cho các địa bàn đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc.

- Làm rõ những khía cạnh xung quanh khái niệm giảm nghèo đa chiều bền vững. Những điểm mới, những vấn đề đặt ra trong khái niệm giảm nghèo đa chiều bền vững. Nghèo đa chiều bền vững dựa trên nền tảng phải bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu của người nghèo, không chỉ về thu nhập mà bao gồm cả đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản. Nghèo đa chiều bền vững đo lường nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều về nhu cầu xã hội cơ bản theo các chiều với các tiêu chí có tính chất phổ quát chung, đó là: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin với 10 tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều ở Việt Nam gặp một số khó khăn, vướng mắc, như cách tiếp cận nghèo đa chiều còn mới mẻ, đòi hỏi cần có thời gian để chuyển đổi và thích ứng; cơ sở dữ liệu xác định các chiều nghèo, chỉ số đo lường, mức độ thiếu hụt còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, một số chính sách hiện hành không còn phù hợp…

Nhóm vấn đề thứ hai:

- Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra của công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở Tây Bắc nói riêng những năm qua.

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, với nhiều chiến lược, chương trình, dự án, như Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất trong cả nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo,

Đối với vùng Tây Bắc, tuy có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn nhiều vùng trong cả nước, nhưng nhờ tích cực thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo nên các tỉnh khu vực Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm 2011 - 2015 ở vùng Tây Bắc đã giảm rõ rệt, từ 34,41% xuống còn 18,26% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 6%/năm, vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo Nghị quyết. Tuy vậy, hiện Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, 6 tỉnh Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo”. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức cao nhất nước. Người nghèo Tây Bắc chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (95%)..

- Những vấn đề đặt ra đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Bắc trong thời gian tới, như: trình độ dân trí còn thấp, phong tục, tập quán canh tác còn lạc hậu, kinh tế thị trường chưa phát triển mạnh so với các vùng khác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tỷ lệ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao (theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 còn cao hơn nữa).

Nhóm vấn đề thứ ba:

- Các kiến nghị, chủ trương, các giải pháp cơ bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bảo đảm tính bền vững cho Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung trong thời gian tới, như: Tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành hiểu được tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều một cách chính xác để không bỏ sót đối tượng hộ nghèo. Chuyển đổi và nâng cao nhận thức của các hộ nghèo, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Phân tích, đánh giá nhận diện và phân loại rõ từng đối tượng người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, giải pháp và tập trung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách giảm nghèo theo tiêu chí mới, dựa vào đặc thù văn hóa, kinh tế, xã hội của các nhóm dân tộc khác nhau. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ ở cơ sở; khuyến khích phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đất ở, đất sản xuất, điện, nước… Thí điểm chủ trương xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương có nhiều hộ nghèo.

Những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững cho các tỉnh Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung, đồng thời góp phần thiết thực vào việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.