TCCSĐT - Thủ lĩnh đảng Bảo thủ cầm quyền Theresa May đã chính thức được Nữ hoàng Elizabeth II chỉ định làm Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Một trong những nhiệm vụ trước mắt của bà Theresa May là tiến hành đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Trước viễn cảnh khó khăn

Cuộc chuyển giao quyền lực sớm này diễn ra trong bối cảnh nước Anh đang rơi vào “cơn bão chính trị” nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua. Việc một loạt chính trị gia của đảng Bảo thủ không ra ứng cử hoặc nhanh chóng rút khỏi cuộc đua cho thấy trách nhiệm vô cùng nặng nề và đầy thách thức đối với nhà lãnh đạo mới của nước Anh.

Chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh sau cuộc tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham, trong phát biểu đầu tiên, tân Thủ tướng Anh T. May cho biết, bà sẽ tiếp tục điều hành chính phủ theo tinh thần của người tiền nhiệm D. Cameron, phục vụ lợi ích của đa số người dân Anh. Bà T. May cũng cam kết giữ cho nước Anh có một vai trò tích cực mới và quan trọng “bên ngoài EU”. 

Trở thành nghị sĩ quốc hội của đảng Bảo thủ năm 1997 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ năm 2010, với vai trò là một trong những quan chức cấp cao nhất ở Anh, bà T. May được tín nhiệm và được đánh giá rất cao. Trong 6 năm điều hành, bà T. May đã tạo dựng được danh tiếng là một chính trị gia cứng rắn trong nhiều vấn đề. Trong bối cảnh Anh lâm vào khủng hoảng chính trị với những rạn nứt xã hội sâu sắc sau cuộc trưng cầu dân ý rời EU (Brexit), bà T. May được cho là đã thực hiện một chiến lược tranh cử khôn ngoan khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức. Các cuộc đấu đá nội bộ chính là nguyên nhân dẫn tới việc Thủ tướng D. Cameron phải tiến hành trưng cầu dân ý. Không chỉ chia rẽ về vấn đề Anh rời EU, đảng Bảo thủ cũng đang bị chia rẽ về nhiều vấn đề then chốt khác. Vì thế, việc đoàn kết lại đảng Bảo thủ có ý nghĩa rất quan trọng để tránh cho nước Anh khỏi một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Nhiệm vụ trước mắt đối với tân Thủ tướng Anh rất nặng nề. Việc Anh rời EU là điều không thể đảo ngược. Bản thân bà T. May cũng đã cam kết “không được phép có thêm nỗ lực nào để ở lại EU nữa và sẽ không có chuyện Anh sẽ tái gia nhập EU bằng cửa sau”.

Từng nhiều lần tháp tùng cựu Thủ tướng D. Cameron trong các chuyến đàm phán về cải tổ EU nên bà T. May là người nắm rõ tình hình nhất để chèo lái “con thuyền nước Anh” trong giai đoạn này. Bà sẽ là người “kích hoạt” Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, giúp “cuộc ly hôn” giữa Anh với EU diễn ra êm thấm và các bên sẽ không bị thiệt hại quá mức. Bà cam kết sẽ thúc đẩy quá trình rời khỏi EU mà vẫn bảo đảm những lợi ích cơ bản của nước Anh. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề nhất mà bà sẽ phải gánh vác.

Dù rời EU, nhưng người dân Anh vẫn muốn được tiếp cận thị trường chung phi thuế quan của EU. Để làm được điều đó, họ có thể bị buộc phải chấp nhận điều khoản cho phép người lao động được tự do đi lại. Đây có thể là trở ngại lớn, bởi chính mong muốn ngăn dòng người từ các nước EU khác tràn vào Anh là một trong những lý lẽ then chốt được đưa ra cho cuộc vận động Brexit. Sẽ không hề dễ dàng nếu chính phủ mới tại Anh muốn có được một thỏa thuận thương mại có lợi, đồng thời đưa ra được chính sách nhập cư có thể làm hài lòng những người ủng hộ rời khỏi EU.

Ngoài việc phải đạt được thỏa thuận có lợi với EU, một ưu tiên hàng đầu khác của bà T. May là giữ cho nền kinh tế Anh không bị tụt dốc hoặc rơi vào suy thoái. Các thị trường tại Anh và đồng bảng đã chịu tổn thất nặng nề sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, trong khi khoản nợ công của Anh hiện đã vượt mức 1.000 tỷ bảng (1,3 nghìn tỷ USD), tương đương 90% GDP. Sau cuộc trưng cầu dân ý, các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như Standard & Poor's và Fitch Group đều đánh tụt mức tín nhiệm của Anh, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang mất dần sự tin tưởng vào việc chính phủ Anh có thể quản lý các khoản nợ của mình. Tân Thủ tướng Anh sẽ phải tìm cách ngăn các công ty không tháo chạy khỏi Anh, đặc biệt là thủ đô London - nơi nhiều công ty đặt tổng hành dinh toàn cầu hoặc trụ sở chính của khu vực châu Âu.

Trong khi cuộc trưng cầu dân ý của người Anh tạo ra mối lo ngại về sự tan rã của EU, cũng có những mối lo ngại rằng Brexit sẽ khiến chính nước Anh gặp rắc rối khi Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Anh. Dù được coi là nhân vật cứng rắn, nhưng bà T. May có lẽ sẽ phải chấp nhận trao thêm quyền tự quyết cho Scotland, vốn đã được tự chủ trong rất nhiều vấn đề. Điều đó có nghĩa là bà sẽ phải tìm mọi cách để giữ cho nước Anh không bị “tan đàn xẻ nghé”.

Ngoài những nhiệm vụ trên, nước Anh cũng đang phải đối diện với nguy cơ khủng bố rất lớn. Dù an ninh về cơ bản vẫn là vấn đề thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia, các thành viên EU có thể cân nhắc lại việc chia sẻ thông tin một khi Anh rút khỏi khối này. Bà T. May sẽ phải bảo đảm rằng điều đó sẽ không khiến nước Anh phải đối diện với nguy cơ lớn hơn về khả năng bị tấn công khủng bố. Cho dù đứng trước rất nhiều thử thách và khó khăn, nhưng bà T. May - người được ví là “Bà đầm thép” thứ hai của nước Anh - đang được người dân kỳ vọng có thể đưa nước Anh vượt qua “cơn bão tố” để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thời “hậu” Brexit.

Tiếp tục đấu tranh cho công bằng xã hội

Trong diễn văn nhậm chức, tân Thủ tướng T. May cho biết đã nhận lời đề nghị thành lập chính phủ từ Nữ hoàng. Tân Thủ tướng dành nhiều lời ca ngợi người tiền nhiệm, khẳng định ông D. Cameron là một Thủ tướng “vĩ đại” của thời hiện đại. Theo bà T. May, ông D. Cameron đã giúp ổn định nền kinh tế Anh nhưng di sản lớn nhất mà ông để lại là công bằng xã hội và đó cũng là con đường mà bà sẽ lựa chọn để lãnh đạo chính phủ sắp tới.

Tân Thủ tướng Anh cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho công bằng xã hội và chính phủ mới của bà sẽ hoạt động vì lợi ích của mọi tầng lớp dân chúng chứ không chỉ phục vụ cho một số ít những người có đặc quyền. Bà cũng khẳng định sẽ nghĩ đến lợi ích của những người dân bình thường trước tiên khi phải ra những quyết định lớn và sẽ cố gắng mang lại cho người dân quyền tự chủ nhiều hơn.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh, bà T. May đã công bố danh sách nội các mới. Đáng chú ý, những chức vụ chủ chốt như Ngoại trưởng và “Bộ trưởng Brexit” được bà T. May giao cho những nhân vật từng ủng hộ Anh rời khỏi EU.

Sáu thành viên chủ chốt trong nội các mới của tân Thủ tướng T. May gồm các ghế Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại thương và Bộ phụ trách đàm phán rời khỏi EU. Cụ thể, ông Philip Hammond, 60 tuổi, được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính. Ông P. Hammond từng là Ngoại trưởng từ năm 2014, còn trước đó từng đàm nhiệm chức Bộ trưởng Giao thông trong 3 năm, từ năm 2011. Nhiệm vụ của ông P. Hammond là điều hành nền kinh tế Anh đang đối mặt nguy cơ suy thoái và thiết lập các mục tiêu ngân sách mới.

Động thái được đánh giá gây ngạc nhiên nhất của bà T. May là việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson vào chức vụ Ngoại trưởng. Chính trị gia 52 tuổi này chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Anh và từng là người ủng hộ chiến dịch vận động Brexit. Trong khi đó, ông Michael Fallon, 64 tuổi, tiếp tục làm Bộ trưởng Quốc phòng, chức vụ ông đã nắm giữ từ tháng 7-2014 và tạo được danh tiếng cá nhân.

Ghế Bộ trưởng Nội vụ được giao cho bà Amber Rudd. Vị cựu Bộ trưởng Năng lượng 52 tuổi này từng ủng hộ chiến dịch bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 và giờ đây sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chính sách của Anh đối với người nhập cư thời kỳ hậu Brexit.

Một nhân vật khác ủng hộ Brexit là ông Liam Fox, 54 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại thương. Vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao này sẽ có nhiệm vụ đàm phán những thỏa thuận thương mại mới sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Đáng chú ý, bà T. May đã chỉ định ông David Davis, 67 tuổi, làm Bộ trưởng phụ trách đàm phán rời khỏi EU, được báo chí Anh gọi là “Bộ trưởng Brexit”. Ông D. Davis cũng là một người ủng hộ Anh rời khỏi EU. Ông từng thất bại trước cựu Thủ tướng D. Cameron trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi năm 2005./.