Phiếu biến dạng

Nhân Đăng
16:04, ngày 04-09-2007

Thông thường bỏ phiếu là để bày tỏ quan điểm hay thái độ. Đối với vấn đề, có ba loại phiếu hợp lệ: phiếu tán thành, phiếu chống và phiếu trắng. Phiếu trắng là phiếu không tỏ rõ chính kiến, không tán thành cũng không chống.

Đối với bầu cử, chỉ có hai loại phiếu hợp lệ: ủng hộ hay không ủng hộ (để lại tên hoặc xóa tên trong danh sách). Phiếu trắng (không để cũng không xóa) được coi là không có giá trị hoặc đồng nghĩa với không ủng hộ.

Tuy nhiên, trong bầu cử các chức danh, đã có không ít trường hợp phiếu bầu bị biến dạng.

Trường hợp thứ nhất: Phiếu phạt. Chuyện như sau: Anh ấy đang là bí thư cấp ủy, có năng lực và tinh thần chiến đấu, làm việc hoạt bát và năng nổ. Chỉ phải cái tính hay nóng nảy, quát nạt người khác. Khi bỏ phiếu bầu lại chức danh nhiệm kỳ mới, ai cũng nghĩ anh ấy là người xứng đáng nhất. Song có mấy người nghĩ nên phạt vài phiếu để đỡ chủ quan. Đến khi kiểm phiếu, hóa ra anh ấy bị trượt vì số phiếu phạt quá nhiều. Ai cũng nhìn nhau: Nào ngờ. Cứ tưởng mỗi mình mình bỏ phiếu phạt!

Trường hợp thứ hai: Phiếu chặn. Anh ấy đang tham gia thường vụ cấp ủy, được coi là ủy viên thường vụ “cứng”. Chỉ phải cái tội kiêu căng và hay lấn át người khác. Nếu trúng cử lần này, không khéo lại được bầu làm bí thư hay phó bí thư cũng nên. Vì vậy mà cần chặn từ xa. Thế là bỏ phiếu đánh trượt cấp ủy. Cái thứ phiếu chặn ấy ít ra cũng là gạt bỏ một tài năng có lỗi lầm mà lẽ ra có thể sửa được.

Trường hợp thứ ba: Phiếu thưởng. Anh ấy đang là "bạch diện thư sinh", làm thư ký cho thủ trưởng. Thủ trưởng nghĩ tình anh ta làm việc tận tụy, hết lòng phục vụ mình. Vì vậy, để gọi là có thưởng, thủ trưởng giới thiệu anh ta vào cấp ủy. Cũng chỉ nghĩ đơn giản là lần này ắt chưa được, nhưng chưa được lần này thì lần sau được cũng không muộn. Nhưng thấy thủ trưởng giới thiệu, ai cũng cho là nên có phiếu ủng hộ. Vả lại, ủng hộ người của thủ trưởng thì mình có thiệt gì đâu? Cái thứ phiếu thưởng ấy đã dẫn đến hậu quả: Người trúng vào cấp ủy không biết sẽ được phân công làm việc gì, ngoài việc làm thư ký.

Người viết bài này còn nhớ việc xảy ra cũng đã lâu ở một hội chuyên ngành. Tổng thư ký là người đa tài, hiểu biết rộng, sắc sảo về nhiều phương diện. Nhưng tác phong lãnh đạo thì còn có mặt chưa tốt. Thế là vị tổng thư ký ấy bị đánh trượt. Thay vào đó là một vị tổng thư ký mới hiền lành, tốt bụng. Kết thúc cuộc bầu cử, không ít người trong cuộc tiếc nuối: "Chúng tôi đã bỏ mất một viên ngọc để đổi lấy một ông phỗng".

Làm thế nào để khắc phục tình trạng phiếu bầu biến dạng? Phải chăng phương thuốc hay không gì khác hơn là đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, đi đôi với việc khoa học hóa và dân chủ hóa quy trình làm công tác cán bộ đồng thời đổi mới thủ tục bầu cử và lựa chọn?