Giáo dục lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân, nhất là đối với công nhân trẻ trong điều kiện hiện nay có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân không chỉ có trí tuệ mà rất cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Để giai cấp công nhân làm tròn sứ mệnh lịch sử, là đội quân chủ lực của cách mạng trong giai đoạn mới, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân là rất cần thiết và cấp bách

Để làm được điều đó cần nhìn rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay liên quan đến nhận thức chính trị của giai cấp công nhân, đồng thời tìm ra giải pháp giáo dục lý tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho công nhân nước ta nói chung, công nhân Đồng Nai nói riêng trong điều kiện mới.

1. Một số vấn đề về đội ngũ công nhân ở Đồng Nai

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đồng Nai đã kịp thời nắm bắt và khai thác những tiềm năng lợi thế của tỉnh, phát triển công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh giải quyết việc làm, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhanh và bền vững với tốc độ phát triển năm sau cao hơn năm trước.

Hiện nay, Đồng Nai có: 24 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt; 882 dự án đầu tư, tổng số vốn lên đến 9,210 triệu USD; 664 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 8,016 triệu USD. Song song với phát triển kinh tế và chính sách mở cửa hội nhập, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Đồng Nai đã thu hút một lượng lớn công nhân lao động. Do đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm về an ninh chính trị, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

Đồng Nai hiện có gần 400.000 công nhân, viên chức lao động. Số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, trong đó gần 60% là lao động từ các nơi khác đến, phần lớn họ đều có trình độ từ trung học phổ thông trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thiếu lao động, nên một số doanh nghiệp đã tuyển cả những lao động mới có trình độ tiểu học, (như ngành giày da, may mặc). Điều đó đã ảnh hưởng đến nhận thức và giác ngộ của giai cấp công nhân.

Trong khảo sát mới đây tại Đồng Nai, khi được hỏi về một số vấn đề công nhân quan tâm, có tới 95% trả lời chủ yếu quan tâm đến việc làm và thu nhập, chỉ có 40% số công nhân được hỏi quan tâm tới vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa, 3,5% không trả lời. Thực tế cho thấy, nếu công nhân chưa giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, non yếu về bản lĩnh chính trị thì sẽ khó vượt qua được những cám dỗ, cạm bẫy của mặt trái cơ chế thị trường. Một vấn đề nữa đặt ra trong đội ngũ công nhân Đồng Nai hiện nay là kiến thức, trình độ và tính chất nghề nghiệp rất khác nhau.

Về kiến thức văn hóa: Kiến thức văn hóa là "chìa khóa" đi vào khoa học - kỹ thuật đã được nâng lên nhiều so với trước. Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai: trong số 30 nghìn lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn 8,35% có trình độ văn hóa tiểu học, 52,19% trình độ trung học cơ sở và 39,46% trình độ trung học phổ thông. Gần đây, có 21,5% trong số công nhân có trình độ học vấn thấp đang theo học các lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ, do đó cần phát huy ưu điểm này trong công nhân.

Về chuyên môn, kỹ thuật: Qua khảo sát, công nhân bậc 1-3 chiếm tỷ lệ 66,51%, bậc 4-5 chiếm tỷ lệ 25,01%, bậc 6 và 7 chiếm tỷ lệ 6,88%. Số công nhân có tay nghề thấp hiện đang rất tích cực học tập, rèn luyện tay nghề để vươn lên đáp ứng công việc đang đảm nhận (49,2%).

Về lý luận chính trị: Kết quả cuộc điều tra cho thấy có 68,26% công nhân chưa có trình độ lý luận chính trị; 6,2% số công nhân là đảng viên. Tổ chức đảng hoạt động tốt chiếm 35,7%; công đoàn chiếm 45,5%; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 24,6%, Hội Cựu chiến binh chiếm 5,9%.

Theo số liệu khảo sát 5.400 công nhân của 13 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc các thành phần kinh tế khác nhau có 38,2% công nhân thường xuyên được học tập các nghị quyết của Đảng, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm cao nhất 51,9%; doanh nghiệp liên doanh 40%; công ty cổ phần 37,5%; công ty tư nhân 32,8% và thấp nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 24,9%.

Từ thực trạng nêu trên cho thấy, trong đội ngũ giai cấp công nhân vẫn còn một bộ phận khá lớn chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình; chưa quen với tác phong công nghiệp, còn tùy tiện, phân tán, thiếu chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, lúng túng khi tiếp cận với công nghệ hiện đại; không ít công nhân mơ hồ về ý thức giai cấp, chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt, cục bộ mà không để ý đến lợi ích căn bản, lâu dài. Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động ở các doanh nghiệp còn mờ nhạt.

2. Một số giải pháp giáo dục lý tưởng cho đội ngũ công nhân ở Đồng Nai

Giáo dục lý tưởng cho giai cấp công nhân trước hết là hướng tới xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Nâng cao ý thức chính trị là để có được những công nhân nhân Việt Nam giác ngộ về lý tưởng, gương mẫu trong lao động và hoạt động xã hội, vì thắng lợi của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trên con đường đổi mới và hội nhập, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2010, xây dựng thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xác định phải có: 80% công nhân đạt trình độ văn hóa bậc trung học và 60% công nhân qua đào tạo nghề nghiệp; 90% công nhân viên chức lao động được học tập chính trị phổ thông và 40% - 50% cán bộ công đoàn cơ sở đạt trình độ trung cấp chính trị trở lên, 95% công nhân viên chức lao động trong doanh nghiệp nhà nước gia nhập tổ chức công đoàn; 90% các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có đủ điều kiện đều được thành lập tổ chức công đoàn, trong đó có hơn 80% công nhân viên chức lao động gia nhập công đoàn; 75% công đoàn cơ sở đạt danh hiệu vững mạnh và xuất sắc, khu vực ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài tối thiểu là 50%; giới thiệu 12.000 đoàn viên và cán bộ công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, phấn đấu đạt 60% - 70%. Muốn vậy, cần phải tiến hành đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp:

Một là: Đẩy mạnh các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chính trị, học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp cho công nhân viên chức lao động. Các ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp hàng năm phải dành một phần ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có chính sách khuyến khích những cá nhân tự học tập nâng cao trình độ, chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với hoạt động sản xuất tại chỗ.

Hai là: Xác định thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ trong từng giai đoạn là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng. Đây chính là phương thức tốt nhất để bồi dưỡng và giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Ba là: Bằng nhiều hình thức, tổ chức tốt các cuộc tuyên truyền vận động công nhân trau dồi tác phong công nghiệp, đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, tổ chức cho công nhân sống và làm việc có kỷ cương, kỷ luật, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa nơi làm việc và nơi cư trú.

Bốn là: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nhằm tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn, đồng thời thông qua các hoạt động phong trào, công đoàn các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên nòng cốt cho phong trào. Đẩy mạnh việc rèn luyện, bồi dưỡng những công nhân ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.