Bác Hồ về nước và sự thay đổi chiến lược đối với cách mạng Đông Dương

TS. Nguyễn Văn Sáu Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
20:29, ngày 16-02-2016

TCCSĐT - 75 năm trôi qua kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước (28-01-1941 - 28-01-2016) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sự kiện lịch sử trọng đại này đánh dấu bước ngoặt mới cho cách mạng nước ta, tiến lên giành những thắng lợi to lớn.

Hành trình trở về Tổ quốc

Tìm được con đường cứu nước, mong mỏi ngày được trở về nước để “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập” (1)… luôn là khát khao cháy bỏng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Tháng 9-1938, được sự chấp thuận của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Diên An (Trung Quốc), tìm cơ hội trở về nước hoạt động.

Đầu năm 1940, với các bí danh “Hồ Quang”, “ông Trần”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để bắt liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động tại đây, nhằm chuẩn bị điều kiện về nước.

Lúc đầu, Người dự kiến trở về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh nối với Lào Cai, nơi có nhiều gia đình công nhân người Việt Nam làm việc và sinh sống thành từng làng mà Người đã chứng kiến qua cuộc khảo sát do đồng chí Phùng Chí Kiên tháp tùng. Thế nhưng, ý định trở về nước theo hướng này không thể thực hiện được, khi cầu Hồ Kiều - chiếc cầu lớn trên tuyến đường sắt Việt - Điền nối hai nước Việt Nam - Trung Quốc bị máy bay Nhật Bản đánh sập (ngày 10-9-1940); cửa khẩu lớn giữa hai nước bị đóng lại. Cuối cùng, Người quyết định trở về theo hướng mới - Cao Bằng.

Đầu tháng 01-1941, tại Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), Người đã gặp và chỉ thị cho đồng chí Hoàng Văn Thụ (do Trung ương lâm thời cử sang) chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 28-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng(2).

Có thể khẳng định, việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó để xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, liên quan tới việc phát triển phong trào cách mạng của cả nước. Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km; gần thành phố Long Châu - một trong những trung tâm cách mạng của người Việt Nam ở Trung Quốc lúc bấy giờ, đồng thời rất thuận lợi cho giao thông liên lạc. Đặc biệt, địa thế Cao Bằng hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% diện tích, là địa bàn thực dân Pháp khó kiểm soát. Khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng, có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, vì theo báo cáo của các đồng chí hoạt động ở trong nước, trực tiếp là theo đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ, “nhân dân Cao Bằng có trình độ giác ngộ chính trị tương đối cao và cán bộ lãnh đạo ở đây khá vững vàng”. Nhân dân Cao Bằng có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; đây là nơi sớm có tổ chức cách mạng. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 03-02-1930, chi bộ đảng đầu tiên của Cao Bằng đã ra đời ngày 01-04-1930. Hơn nữa, cho đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cách mạng ở Cao Bằng đã có những bước phát triển đáng kể. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp đã tương đối phát triển và thu được nhiều kết quả. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa,… luôn đoàn kết gắn bó với nhau, một lòng theo Đảng, cách mạng.

Mùa Xuân năm 1941 đã trở thành một mùa xuân đặc biệt, kết thúc chặng đường dài gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài của Người, về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó cũng là cơ sở để toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và hơn 20 năm sau đó đi tới một Mùa Xuân đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trực tiếp chủ trì Hội nghị Trung ương 8, quyết định “thay đổi chiến lược” đối với cách mạng Đông Dương

Sau một thời gian chuẩn bị, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã diễn ra tại Khuổi Nậm, làng Pác Bó (Cao Bằng), từ ngày 10-5 đến 19-5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Từ những phân tích về tình hình thế giới, trong nước, sự thay đổi thái độ của các giai cấp, tầng lớp và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, Hội nghị quyết định cần phải thay đổi chiến lược, xem “nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”(3). Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(4).

Đặc biệt, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Đối với Lào và Cam-pu-chia, Hội nghị chủ trương giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Trên cơ sở ra đời của mặt trận ở mỗi nước sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước là Đông Dương độc lập đồng minh.

Về mặt chính quyền, hội nghị cũng nêu rõ, sau khi cách mạng thành công lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thi hành chính sách dân tộc tự quyết với nhân dân Đông Dương. Đối với Lào và Cam-pu-chia, theo chủ trương của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị khẳng định chủ quyền của mỗi dân tộc phải được hoàn toàn tôn trọng, sự tự do của mỗi dân tộc giải quyết trên tinh thần dân tộc tự quyết. Do đã hoạt động và theo dõi sát tình hình thế giới, tại Hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày để các đại biểu hiểu rõ những nhận định của Người về mối quan hệ quốc tế. Cách mạng Việt Nam phải có nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng hai nước anh em Lào và Cam-pu-chia trong quá trình đấu tranh.

Một vấn đề mà Hội nghị đề cập là xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện tại. Nghị quyết Hội nghị ghi rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”(5). Muốn cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi phải có đủ những điều kiện khách quan và chủ quan, phải chọn đúng thời cơ cách mạng. Hội nghị đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng nhằm chuẩn bị và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cho rằng, cuộc cách mạng Đông Dương lúc này là cách mạng giải phóng dân tộc, một bước đi chiến lược quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, Đảng phải được xây dựng vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, “đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”(6).

Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng, hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức. Các đồng chí trong hội nghị đã đề nghị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng cả nước nhưng Người kiên quyết từ chối và đề cử đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, đồng thời bầu Ban Thường vụ gồm các đồng chí Trường Chinh, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Hoàng Văn Thụ.

Có thể thấy, không lâu sau khi trở về nước, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám đã diễn ra và thành công tốt đẹp, có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đã bổ sung và hoàn chỉnh chính sách mới của Đảng được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939, khẳng định dứt khoát chủ trương “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương của hội nghị là đúng đắn, sáng tạo và kịp thời. Đó cũng là sự khẳng định và phát triển, sáng tạo và hiện thực hóa tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được nêu ra trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và Cương lĩnh cách mạng do Người dự thảo được Hội nghị thành lập Đảng thông qua.

Như vậy, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua bao khó khăn, trở ngại, mong ước được trở về nước cùng với đồng bào đấu tranh giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành hiện thực. Những sự kiện lịch sử này cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về xác định “thời cơ”, nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự đổi thay của tình hình.

Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ trở về nước cũng là lúc Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và nỗ lực thực hiện con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, nhất là những điều căn dặn trong Di chúc của Người. Theo đó trước hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn liền với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự tri ân sâu sắc của toàn dân tộc đối với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, 75 năm về trước đã về nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới thành công !./.

-------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 209

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 118 - 119

(3) Theo sử liệu, cột mốc 108 được dựng theo Hiệp ước Pháp - Thanh cuối thế kỷ XIX. Đây là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm ấy. Cột mốc 108 là một phiến đá hình chữ nhật cao khoảng 1m, bề ngang chừng 8 tấc. Ngày nay, thời gian đã bào mòn các mặt đá trở nên nhẵn nhụi. Bên cạnh cột mốc 108 bây giờ là cột mốc quốc giới số 675

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tr. 119

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tr. 129

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tr. 136