TCCS - Chế độ nhiệm kỳ đối với đại biểu Đại hội Đảng các cấp đang là vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đang được dư luận xã hội Trung Quốc quan tâm. Bản dịch bài viết của tác giả Cao Phúc Sinh sau đây sẽ giới thiệu những nét chủ yếu về vấn đề này.

Sau 20 năm thực hiện thí điểm ở địa phương, chế độ nhiệm kỳ đối với đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã được thực hiện rộng rãi trên quy mô toàn quốc. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã công bố “Điều lệ tạm thời về chế độ nhiệm kỳ đối với đại biểu Đại hội toàn quốc và Đại hội đại biểu các cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc”, bắt đầu được thực hiện kể từ ngày công bố. Theo Điều lệ này, đại biểu Đại hội Đảng được tham dự và phát biểu tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp. Điều này có nghĩa là sau khi kết thúc Đại hội đại biểu, đại biểu Đại hội Đảng vẫn tiếp tục thực hiện trách nhiệm quyền hạn đại biểu trong nhiệm kỳ 5 năm.

Thông thường, mọi người đều quan tâm đến nhiệm kỳ “đại biểu Quốc hội” nhưng không mấy ai quan tâm đến nhiệm kỳ của “đại biểu Đại hội Đảng”. Nguyên nhân là vì thời gian và không gian thực hiện chức trách của đại biểu Quốc hội và đại biểu Đảng có sự khác biệt lớn. Đại biểu Quốc hội thực hiện theo chế độ nhiệm kỳ đã được pháp luật quy định, thông thường nhiệm kỳ mỗi khóa là 5 năm. Trong nhiệm kỳ của mình, các đại biểu Quốc hội có thẩm quyền rất rộng, có thể dựa vào địa vị pháp lý do pháp luật quy định để thực hiện quyền lực và chức trách đại biểu, như: biểu quyết đối với các công việc lớn, chất vấn và đề xuất kiến nghị đối với các công việc của Chính phủ, đề xuất chương trình nghị sự với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có quyền tiến hành điều tra các vấn đề mà quần chúng quan tâm, thực hiện quyền bỏ phiếu bãi miễn các chức vụ chủ chốt của Chính phủ trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.

Cùng là “đại biểu”, nhưng đại biểu Đảng chỉ tham dự Đại hội Đảng “5 năm họp một lần, mỗi lần họp 3 - 5 ngày.” Trong thời gian Đại hội, đại biểu Đại hội Đảng có quyền biểu quyết, bỏ phiếu. Sau khi kết thúc Đại hội Đảng, đại biểu Đảng lại bị xếp “ra bên cạnh”. Trên thực tế, quyền lực này chỉ là một kiểu “vinh dự chính trị” mà thôi. Sau khi Đại hội Đảng bế mạc, việc quyết định những công việc quan trọng hằng năm của cấp ủy các địa phương đều do Hội nghị toàn thể của cấp ủy địa phương quyết định. Người tham gia Hội nghị toàn thể và có quyền biểu quyết đều là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ địa phương trở lên. Trách nhiệm và quyền lợi mà các đại biểu Đại hội Đảng cần có như: quyền đề xuất những vấn đề cần thảo luận, quyền điều tra nghiên cứu, quyền tham dự Hội nghị, quyền giám sát, quyền đánh giá, quyền giới thiệu cán bộ một cách dân chủ, v.v.., nhưng trên thực tế, về cơ bản, đại biểu Đại hội Đảng không có quyền lợi gì ngoài “một lần dự Đại hội”. Việc xác định vị trí và vai trò của các đại biểu Đại hội Đảng như vậy không chỉ cản trở sự giao lưu giữa các đảng viên ở cơ sở với các cán bộ lãnh đạo, gây ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa Đảng viên với quần chúng, giữa cán bộ với quần chúng; mà còn làm cho quyền lực trong Đảng tập trung cao độ vào một người.

Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện chế độ nhiệm kỳ đại biểu Đại hội Đảng là một biện pháp quan trọng không thể thiếu được để thúc đẩy dân chủ trong Đảng. Bởi vì, bất kỳ quyết định nào chỉ khi trên cơ sở nhiều người có thể tham gia, giám sát, ràng buộc thì mới phát huy được trên thực tế. Điều đáng mừng là, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì hướng đi này. Trong hai năm 1988, 1989, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lần lượt chọn 12 huyện, thị trong đó có quận Tiêu Giang, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, để tiến hành thí điểm chế độ nhiệm kỳ thường xuyên đối với đại biểu Đại hội Đảng. Sau Đại hội XVI, Ban Tổ chức Trung ương lại tiến hành thí điểm tại gần 20 thành phố (huyện, quận) như huyện Huỳnh Kinh và quận Vũ Thành (thuộc Nha An, Tứ Xuyên), thành phố Mi Sơn, quận Đại An, thành phố Tự Cống. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVII, chế độ nhiệm kỳ đại biểu Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên được đưa vào Điều lệ Đảng. Hiện nay, “Điều lệ tạm thời” đã chính thức được công bố, cho thấy chế độ nhiệm kỳ đại biểu Đảng từ giai đoạn thí điểm đã chuyển sang thực hiện rộng rãi trong Đảng.

Từ “đại biểu một lần” đến “đại biểu thường xuyên”, chế độ nhiệm kỳ đại biểu Đại hội Đảng tuyệt đối không đơn giản là sự thay đổi “vị trí” và trò chơi chữ nghĩa, mà là “mở rộng phạm vi” thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu Đảng. Mở rộng ở đây không chỉ là mở rộng không gian, thời gian để đại biểu thực hiện trách nhiệm của mình mà còn bảo đảm cho đại biểu Đại hội Đảng thường xuyên tham gia và bàn bạc các công việc trên địa bàn nơi mình sống hoặc công tác. Nó làm cho dân chủ trong Đảng cụ thể hơn, là quyết định quan trọng phát huy năng lực của đại biểu Đại hội Đảng, phát huy sức mạnh của dân chủ trong Đảng, có ý nghĩa bước ngoặt sáng tạo.

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là:

Một là, phải cải cách và hoàn thiện phương thức bầu cử đại biểu, giới thiệu ứng cử viên thông qua phương thức phối hợp giữa tổ chức Đảng với đảng viên và tham khảo ý kiến quần chúng.

Hai là, phải xác định rõ ràng, cụ thể quyền được cung cấp thông tin, quyền tham gia, quyền phát biểu, quyền giám sát, nhằm phát huy tính tích cực, tính chủ động, sáng tạo của đại biểu Đại hội Đảng.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo một cách thiết thực, chú trọng nâng cao trình độ của đại biểu Đại hội Đảng qua thực tiễn công tác, nâng cao năng lực bàn thảo, từ đó tăng cường tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách được giao.

Bốn là, có cơ chế bảo đảm cho đại biểu Đại hội Đảng thực hiện chức trách quyền hạn, đi đôi với chăm lo các quyền lợi của đại biểu.

Áp dụng đồng thời nhiều biện pháp như vậy mới có thể phát huy đầy đủ vai trò gương mẫu đi đầu của đại biểu Đại hội Đảng, làm cho các đại biểu Đại hội Đảng thực sự chuyển từ “đại biểu một lần”, trở thành “đại biểu thường xuyên”, “đại biểu hành động” của Đảng./.

Người dịch: Nguyễn Hải Yến, Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương