Những thách thức trong quá trình hội nhập là vấn đề tất yếu và đã hiện hữu mà hầu như tất cả các nước khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế đều phải trải qua. Thách thức sẽ trở thành nguy cơ nếu chúng ta không có những nỗ lực từ bên trong. Vì vậy, cần nhận thức đúng, đầy đủ các thách thức sẽ phải đối mặt; qua đó, sẵn sàng tiếp nhận và dự tính được các biện pháp để vượt qua chúng. Bảo vệ vững chắc an ninh và giữ vững trật tự xã hội ở những khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ góp phần tạo được môi trường hợp tác, đầu tư ổn định, an toàn, kích thích cho việc thu hút đầu tư, phục vụ cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, Việt Nam có 9 khu kinh tế cấp quốc gia, trong đó 8 khu đã đi vào hoạt động, khu thứ 9 (Vân Đồn - Cô Tô tỉnh Quảng Ninh) đã được Chính phủ phê duyệt định hướng xây dựng. Các khu kinh kế, khu công nghiệp, đầu tư nước ngoài đã mang lại cho ngân sách nhà nước hằng năm tới 9 tỉ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2007, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 3,3 tỉ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm là 25,8 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 14,03 tỉ USD, tăng 31,7%. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp thu hút thêm 12.000 lao động. Tính đến nay, tổng số lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1,2 triệu người. Riêng trong tháng 9-2007, cả nước có 231 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 1.187 triệu USD, tăng 33% về số dự án, 60,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Những con số trên cho thấy, Việt Nam đã và đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Một số điểm sáng như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hậu Giang, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh... đang thu hút phần lớn các dự án đầu tư và thực sự đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP cho đất nước.

Qua nghiên cứu tình hình an ninh và trật tự xã hội ở các vùng kinh tế trọng điểm tại một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là các khu kinh tế, khu công nghiệp mới được xây dựng hay mới đi vào sản xuất, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề đáng chú ý sau:

1 - Quá trình cấp phép, làm thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp chưa được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc theo quy định về kiểm tra tư cách, năng lực tài chính của doanh nghiệp, gây nguy cơ rủi ro trong thu hồi vốn, làm chậm tiến độ xúc tiến triển khai đầu tư. Vẫn còn tình trạng một số nhà đầu tư lập dự án nhưng không tự triển khai mà chuyển nhượng để kiếm tiền chênh lệch, hoặc cho thuê lại để hưởng "hoa hồng", làm cho dự án tiến triển chậm so với yêu cầu, thậm chí không triển khai được. Ở một số doanh nghiệp, thị trường cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, thị trường lao động không ổn định, bền vững, xuất khẩu thông qua ủy thác nên khả năng cạnh tranh thấp, tính rủi ro cao, hiệu quả kinh doanh hạn chế, lương và đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, chế độ, chính sách không bảo đảm, tăng ca, tăng giờ làm bất hợp lý. Có doanh nghiệp còn không ký hợp đồng với người lao động, tước bỏ quyền được bảo hiểm của họ và trốn thuế. Đây là nguyên nhân dẫn đến đình công, lãn công ở nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp. Riêng ở khu kinh tế Dung Quất đã xảy ra 9 vụ đình công với 850 công nhân tham gia, gây mất ổn định về trật tự xã hội, đình trệ xây dựng và sản xuất.

2 - Một số khu kinh tế, khu công nghiệp do mới được thành lập, nên thành phần tham gia xây dựng, sản xuất, kinh doanh, thuộc rất nhiều đơn vị kinh tế tập trung về, số lượng công nhân, viên chức tăng đột biến và đến từ nhiều vùng trên cả nước, có cả từ nước ngoài. Trong khi đó công tác chuẩn bị cho vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự còn chưa chu đáo, chưa tính hết được các tình huống sẽ xảy ra; việc chuẩn bị lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm cũng như các hành vi tiêu cực còn chưa được tính toán kỹ nên rất mỏng và yếu, vì chủ yếu là lực lượng của quận, huyện có sẵn được chia nhỏ ra. Các vụ trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng đông người tham gia xảy ra ở địa bàn nhưng chính quyền không có đủ lực lượng để giải quyết hoặc không được điều tra, xử lý đến nơi đến chốn làm cho tình hình ngày càng căng thẳng hơn.

3 - Việc đầu tư ở một số khu kinh tế, khu công nghiệp diễn ra ồ ạt sau khi được phê duyệt, trong khi đó địa phương lại chưa chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Đặc biệt, việc đền bù để giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, người dân không chịu chấp hành do đền bù không thỏa đáng dẫn đến các cuộc xô xát giữa nhân dân địa phương với các nhà đầu tư, các lực lượng bảo vệ ở địa phương.

4 - Nhiều dự án với nhiều nhà đầu tư cùng triển khai một lúc trên một mặt bằng rộng lớn nhưng lại không được chuẩn bị chu đáo về lực lượng bảo vệ, rào chắn bảo vệ. Việc quản lý lỏng lẻo các phương tiện, vật tư, máy móc đã khiến cho tình trạng trộm cắp tài sản diễn ra thường xuyên, tài sản bị thất thoát nhiều, trong đó có những thiết bị, máy móc nhập của nước ngoài, và do vậy, công trình phải dừng lại, chờ đặt mua thiết bị, máy móc thay thế. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ ở các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được đào tạo cơ bản, hiểu biết pháp luật còn yếu nên dễ để xảy ra xô xát giữa công nhân với lực lượng bảo vệ, làm mất trật tự, an toàn khu vực kinh tế, gây khó khăn cho việc thực hiện tiến độ công trình, dự án.

5 - Do các ngành nghề của khu kinh tế, khu công nghiệp cần có hàm lượng trí thức cao, các chủ dự án lại không có kế hoạch đào tạo nhân lực từ những người dân địa phương (những người đã phải mất đất trồng, nguồn sống từ nhiều đời của gia đình mình cho dự án) nên họ không có cơ hội tìm được việc làm, doanh nghiệp phải tuyển lao động từ nơi khác đến. Điều này không chỉ gây bất bình cho người dân địa phương, mà còn dẫn đến tình trạng một số người không có việc làm phải lang thang hoặc tự tìm những việc làm tạm bợ. Bên cạnh đó là những người ở các địa phương khác đến các khu kinh tế, khu công nghiệp với số lượng lớn để làm việc hoặc tìm việc làm. Không ít trong số họ đem theo vợ con, gia đình, thậm chí cả những người thân không có công ăn việc làm. Hơn thế, lợi dụng sự bất cập, yếu kém trong quản lý con người, có cả những người phạm tội đã trốn đến những khu công nghiệp, tụ tập nhau lại thành băng nhóm để hoạt động phạm tội.

6 - Khu kinh tế, khu công nghiệp thường tập trung nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người sang làm việc trong các dự án, các gói thầu. Đa số họ tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, không ít trường hợp đã vi phạm pháp luật Việt Nam - Luật Đầu tư, Luật Hình sự, các luật về hành chính, thuế, xuất nhập cảnh, hôn nhân... Đặc biệt chú ý là, lợi dụng sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm của chúng ta, nhiều đối tác nước ngoài đã nhập vào Việt Nam những máy móc, thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, đã qua tân trang, lừa đảo về giá cả, nâng giá máy móc, thiết bị. Một số đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa trong công ty liên doanh để chuyển tiền trái phép vào Việt Nam; thực chất, đây là hình thức rửa tiền. Ở một số cơ sở sản xuất có vốn nước ngoài, nhiều ông chủ, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật người nước ngoài đã đánh đập hoặc có những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm công nhân Việt Nam, gây bất bình và dẫn đến tình trạng người lao động tổ chức đình công, làm đình trệ sản xuất. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã lợi dụng các thủ tục thông thoáng nhằm thu hút đầu tư và sự yếu kém trong quản lý của chúng ta để đưa người nước ngoài vào làm việc không đúng mục đích, không đăng ký, hoặc lợi dụng vi-da du lịch để đưa người nước ngoài vào làm việc, không có hợp đồng lao động. Trong số những đối tượng này không tránh khỏi có những người thuộc các tổ chức tội phạm len lỏi vào các tổ chức kinh tế để tìm cơ hội hoạt động phạm tội ở Việt Nam. Nhiều nơi không nắm được rõ số lượng người nước ngoài đang cư trú, làm việc ở địa bàn quản lý.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, để giữ vững an ninh, chính trị và trật tự xã hội ở những vùng kinh tế trọng điểm nói chung, ở những khu kinh tế, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án đã được duyệt để sớm đi vào sản xuất, kinh doanh, người lao động sớm có việc làm và thu nhập ổn định, giảm thiểu những vấn đề bức xúc dẫn đến tiêu cực. Kinh nghiệm rất đáng học tập của Bình Dương là, trước khi kêu gọi đầu tư hoặc trước khi giao đất dự án, đã giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở như: đường trong khu công nghiệp, đường điện, cấp thoát nước, xử lý phế thải và nước thải công nghiệp, vườn hoa, cây xanh, công viên. Sau khi nhận đất, nhà đầu tư phải bắt tay vào triển khai ngay việc xây dựng và hoàn thành trong thời gian được quy định, nếu chậm sẽ bị thu hồi đất. Thẩm định chính xác khả năng tài chính của nhà đầu tư, nhằm bảo đảm việc xây dựng và triển khai dự án không bị đình trệ do thiếu vốn, khiến công nhân phải nghỉ chờ việc, không có thu nhập, dẫn đến khiếu kiện, đình công, lãn công và có những hành vi tiêu cực khác.

Thứ hai, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho các đối tượng làm việc ở khu kinh tế, khu công nghiệp. Đảng ủy, ủy ban nhân dân các cấp cùng với lực lượng công an, những người trực tiếp đối mặt với thực tế về an ninh, trật tự xã hội ở những khu vực này, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, những quy định không còn phù hợp, mạnh dạn đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư, quản lý nhà nước về an ninh kinh tế, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài đến làm việc, thuê nhà, thuê lao động, quản lý các văn phòng đại diện nước ngoài cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các cấp, các ngành có thẩm quyền cần hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý lao động để cụ thể hóa và ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, dẫn đến lãn công, bãi công. Đồng thời, cần chú ý cải cách các thủ tục hành chính, nhằm không gây phiền hà, khó khăn không đáng có cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, với mục tiêu tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật Việt Nam cho những người làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nội dung cần tập trung vào những lĩnh vực có liên quan và thật cần thiết đối với mỗi loại đối tượng. Cụ thể, đối với đội ngũ cán bộ quản lý Việt Nam, cần trang bị cho họ những nội dung cơ bản Luật Đầu tư, Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường, một số điều của Luật Hình sự. Đối với người lao động Việt Nam cần giáo dục cho họ hiểu biết về Luật Lao động, chú ý tới quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động. Đối với người nước ngoài như giới chủ, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đầu tư, lao động... của Việt Nam, cần tuyên truyền, phổ biến cho họ về phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho họ có thể thông qua nhiều hình thức như tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật ngắn hạn; tổ chức hội thảo theo chủ đề; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; phát hành các bản tin nhanh về các văn bản luật mới, về tình hình an ninh, trật tự, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm và các biện pháp phòng, chống tội phạm...

Thứ ba, làm tốt công tác nắm tình hình, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tổng thể bảo vệ an ninh, trật tự, xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc phát sinh. Lực lượng cảnh sát và an ninh các cấp ở các địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền cơ sở để nắm chắc tình hình, phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nẩy sinh trên cơ sở pháp luật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nông dân, như: vấn đề việc làm, ngành nghề cho nông dân khi lấy đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án; chú ý không để dây dưa, kéo dài và bùng nổ thành những "điểm nóng" rất khó giải quyết. Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở những khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời có chính sách động viên, khuyến khích cụ thể, thiết thực.

Đối với những vụ việc có liên quan đến tham nhũng trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù mà nhân dân khiếu kiện, lực lượng công an cần phối hợp với các ngành có liên quan xác minh, điều tra làm rõ để thông báo công khai trước nhân dân; nếu có sự sai phạm của cán bộ cũng cần điều tra chính xác, khách quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trước nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an với các doanh nghiệp trong công tác vệ an ninh trật tự ở các khu kinh tế, khu công nghiệp. Lực lượng công an chủ trì xây dựng kế hoạch tổng thể bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, trong đó làm rõ mục tiêu, địa bàn, đối tượng bảo vệ, đối tượng đấu tranh, xác định rõ những công tác trọng tâm; phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc công an, của chính quyền cấp cơ sở, lực lượng bảo vệ của các doanh nghiệp, ban điều hành khu kinh tế, khu công nghiệp. Cần chú ý bảo đảm cơ sở vật chất cho các hoạt động này và nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở của các lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ khu công nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu xây dựng, để họ yên tâm tập trung vào công tác. Thường xuyên tổ chức giao ban, rút kinh nghiệm nhằm bảo đảm cho kế hoạch đã đề ra được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Xây dựng quỹ an ninh với đóng góp bắt buộc và tự nguyện của các doanh nghiệp để thưởng cho các cá nhân, đơn vị, quần chúng nhân dân có công trong việc phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

Bộ Công an nên cho xây dựng các đồn công an ở các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn, dưới sự quản lý trực tiếp của công an tỉnh, thành phố (nếu khu công nghiệp là vừa và nhỏ thì đồn công an sẽ trực thuộc cấp huyện). Cần tính toán, cân nhắc sao cho đủ lực lượng, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng khu kinh tế, khu công nghiệp; mở rộng quyền được điều tra ban đầu cho đồn công an để bảo đảm chủ động và nhanh chóng giải quyết được các vấn đề phức tạp nhất ở các khu vực này.

Xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức hoạt động của lực lượng bảo vệ các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng quy chế điều hành và phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ của các doanh nghiệp, khu công nghiệp; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng đó. Thường xuyên tổ chức giao ban giữa ban quản lý khu công nghiệp với công an, lực lượng bảo vệ của các doanh nghiệp. Cần có phương án và tổ chức diễn tập phương án để chủ động giải quyết có hiệu quả, đúng yêu cầu của pháp luật những vấn đề về an ninh, trật tự, gây rối, biểu tình, đình công, lãn công, chữa cháy...

Thứ tư, làm tốt công tác quản lý người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an và địa phương với đơn vị được giao quản lý các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Cần nắm bắt và quản lý được các đối tượng có nghi vấn là người của các thế lực thù địch nước ngoài, của các tổ chức phản động là người Việt Nam ở nước ngoài, là thành viên của các tổ chức tội phạm hình sự quốc tế lợi dụng đầu tư xâm nhập vào nước ta, để hoạt động tình báo, gián điệp, hoạt động phạm tội hình sự, rửa tiền, lừa đảo, kích động biểu tình, bãi công, gây rối an ninh, tổ chức bạo loạn, lật đổ. Qua đó, để có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn không cho chúng hoạt động phạm tội hoặc bắt giữ khi chúng có biểu hiện phạm tội, nhằm tránh hoặc hạn chế được thiệt hại cho doanh nghiệp và cho đất nước.

Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng mô hình mẫu về bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từ nay đến thời gian đó, chúng ta vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Để bảo đảm tính chủ động trong giữ gìn an ninh, trật tự xã hội khi triển khai các dự án, chúng ta cần dự báo được những vấn đề sẽ nảy sinh về an ninh, trật tự, môi trường,... và dự định trước được các biện pháp, lực lượng, phương án để giải quyết đạt hiệu quả cao nhất. Để làm được việc này, Nhà nước hoặc Bộ Công an cần triển khai nghiên cứu về những vấn đề an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của các đại diện các khu kinh tế, khu công nghiệp, của công an chịu trách nhiệm ở các địa bàn đó; nghiên cứu để xây dựng được mô hình mẫu bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức triển khai thí điểm để kiểm nghiệm tính hiệu quả, sau đó tổ chức nhân rộng ở tất cả các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn ban đầu để mỗi khi xây dựng một khu kinh tế, khu công nghiệp mới, chính quyền địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể của địa bàn xây dựng được mô hình cụ thể và kế hoạch tổng thể, chi tiết nhằm bảo vệ an ninh, trật tự, giảm thiểu những sơ hở, thiếu sót không đáng có.