Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các trường đại học ngành nghệ thuật Việt Nam
TCCSĐT - Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đã mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Với đặc thù đào tạo riêng, các trường đại học ngành nghệ thuật đã và đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để vừa theo kịp xu thế của thời đại vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Các trường đại học ngành nghệ thuật trước yêu cầu hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hiện nay, khi hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán: hội nhập quốc tế về văn hóa là một nội dung quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngày 10-4-2013, về Hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương về văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, trước hết là xây dựng cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, nhất là tri thức về quản lý và khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020” và “Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm trong hội nhập quốc tế về văn hóa là mở rộng hợp tác văn hóa cũng như đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam; chủ động đón nhận cơ hội phát triển và vượt qua những khó khăn, thách thức.
Hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa có nhiều tác động đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, trong đó có các trường đại học ngành nghệ thuật, mở ra các cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến hiện đại của thế giới. Tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước cũng đòi hỏi các trường đại học ngành nghệ thuật phải có những thay đổi trong chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục đại học là bậc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đòi hỏi phải hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Thực tế ở Việt Nam đã và đang diễn ra 4 hình thức cung ứng dịch vụ giáo dục quốc tế (theo nội dung về dịch vụ giáo dục của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ - GATS) là: cung ứng xuyên quốc gia, tiêu thụ nước ngoài, hiện diện thương mại và hiện diện cá nhân. Trong số đó, mạnh nhất là du học ở nước ngoài, tiếp đến là hình thức trao đổi học hỏi chương trình của nước ngoài, thực hiện các hình thức liên kết, hợp tác đào tạo giữa các nước… Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa cũng đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và thị trường, sự cạnh tranh giữa nghệ thuật truyền thống với các loại hình nghệ thuật giải trí khác, đặc biệt là các loại hình có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng của các đơn vị nghệ thuật. Những biến chuyển của đời sống văn hóa nghệ thuật, những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công tác giáo dục đại học giai đoạn hiện nay đòi hỏi các trường đại học ngành nghệ thuật phải tích cực tham gia công tác giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa và giáo dục để hoàn thiện chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với thế giới.
Hoạt động giao lưu hội nhập quốc tế ở các trường đại học ngành nghệ thuật diễn ra cả trên lĩnh vực đào tạo và biểu diễn nghệ thuật (như hoạt động trao đổi học thuật, hội thảo, thăm quan, khảo sát thực tế...), tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên có cơ hội được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, phương pháp đào tạo; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời khích lệ tinh thần say mê học tập, làm việc, phát huy tư duy sáng tạo, sự tự tin của giảng viên và sinh viên. Qua đó, các trường đã không ngừng mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế, có điều kiện tăng cường trang thiết bị phục vụ đào tạo và khai thác các cơ hội tập huấn, tham gia hội nghị, liên hoan sân khấu, liên hoan phim ở nước ngoài cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của nhà trường.
Thực tế cho thấy, các trường đại học ngành nghệ thuật Việt Nam đã có những hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Hằng năm, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đón khoảng trên 20 lượt chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, uy tín từ các trường sân khấu, điện ảnh và truyền hình các nước như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc,... sang giảng dạy về nhiếp ảnh, đạo diễn, quay phim, dựng phim, biên kịch, hướng dẫn làm phim tài liệu, đạo diễn sân khấu, thiết kế sân khấu và âm thanh, ánh sáng, hướng dẫn dàn dựng vở... Trường cũng cử hơn 30 cán bộ giảng viên tham dự hội nghị, diễn đàn quốc tế, khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác đào tạo sân khấu - điện ảnh, liên hoan sân khấu, liên hoan phim tại nhiều nước. Trường là thành viên chính thức của Hiệp hội các trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc tế (CILECT) và Trung tâm Đào tạo Sân khấu châu Á (ATEC), đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác nước ngoài, thu được nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, cải tiến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, tổ chức, quản lý các dự án và nâng cao hiệu quả đào tạo.
Bên cạnh Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng thúc đẩy hoạt động hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác chính thức giữa nhà trường và một số trường nghệ thuật của Pháp, Đức, Thụy Điển, Phần Lan. Trường cũng hợp tác với Học viện Mỹ thuật Umea, Thụy Điển giai đoạn 2003 - 2005 và 2005 - 2009 trong Dự án “Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do quỹ SIDA của Thụy Điển tài trợ và thu được nhiều kết quả thiết thực. Các triển lãm, hội thảo trong khuôn khổ Dự án đã mang lại sinh khí mới cho hoạt động sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật của trường. Qua đó, nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường có cơ hội được tham gia các khóa học bồi dưỡng về các loại hình nghệ thuật mới, các hội thảo có quy mô quốc tế; có thêm những kiến thức, phương pháp mới phục vụ cho công việc giảng dạy và học tập. Nhà trường cũng đào tạo đại học hệ chính quy cho sinh viên nước ngoài theo diện hiệp định như sinh viên Lào, Ru-ma-ni và tiếp nhận nhiều sinh viên nước ngoài sang học tập các khóa ngắn hạn một số môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như tranh lụa, tranh sơn mài, tranh khắc gỗ... Trường còn phối hợp thường xuyên với các trường nghệ thuật của Thái Lan trong việc tổ chức chương trình triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam - Thái Lan thường kỳ 2 năm một lần từ năm 1997 đến nay và cùng với các cơ quan văn hóa nước ngoài tại Việt Nam (như Trung tâm Văn hóa Pháp (L’ESPACE), Viện Gớt (Goethe), Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, các Đại sứ quán các nước tại Hà Nội) tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quan trọng, hoạt động giao lưu nghệ thuật, hội thảo, triển lãm mỹ thuật quốc tế.
Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Trường thường xuyên có quan hệ cộng tác với hơn 60 các tổ chức âm nhạc và nhạc viện có tên tuổi trên thế giới, như Nhạc viện Quốc gia Mát-xcơ-va (Nga), Nhạc viện Quốc gia Pa-ri (Pháp), Nhạc viện Bắc Kinh và Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc),... Hằng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, dàn nhạc thính phòng và giao hưởng nổi tiếng của Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Nhật Bản… đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của học viện đã được mời đi biểu diễn ở các nước thuộc Nga, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, I-ta-li-a, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á… Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi âm nhạc thế giới cũng như tạo nhiều cơ hội để các học viên được biểu diễn cùng với các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài, nhằm học hỏi và nâng cao trình độ.
Có thể thấy, hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các trường đại học nghệ thuật, đặc biệt là các trường đại học lớn như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội… đang ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa và giáo dục.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, văn hóa giữ vai trò, vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 14-02-2011, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” đã nhấn mạnh các biện pháp triển khai thực hiện Chiến lược, trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng xác định nhiệm vụ tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên; phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Như vậy, có thể thấy, chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật. Với tư cách là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao cho ngành văn hóa - nghệ thuật, các trường đại học ngành nghệ thuật đứng trước nhiệm vụ to lớn trong việc đào tạo nên những cán bộ văn hóa - nghệ thuật có trình độ chuyên môn cao, có khả năng hội nhập tốt và phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng.
Trên thực tế, hoạt động hợp tác quốc tế trong các trường đại học ngành nghệ thuật vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều trường chưa chủ động khai thác và phát huy hiệu quả các mối liên kết với các đối tác nước ngoài để phục vụ nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các chương trình hợp tác còn thiếu đa dạng, thời gian ngắn, kinh phí hạn hẹp nên chưa thu được kết quả cao. Việc trao đổi hợp tác trong đào tạo mới dừng lại ở việc mời các đoàn nghệ sĩ, các chuyên gia nghệ thuật sang biểu diễn và nói chuyện tại trường, ít có các giảng viên, nghệ sĩ của nhà trường được đi giảng dạy, biểu diễn ở nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về văn hóa, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế, về xây dựng văn hóa, con người, về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo...; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong vấn đề hội nhập quốc tế về văn hóa cũng như vai trò của các trường đại học ngành nghệ thuật trong việc bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Thứ hai, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục, trong đó có giáo dục đại học và hệ thống các các trường văn hóa, nghệ thuật; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo, hình thành một số cơ sở đào tạo đại học, trên đại học trọng điểm, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật và xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích họ trở về công tác tại địa phương.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển các trường đại học ngành nghệ thuật và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các trường đại học trên thế giới. Phát huy tối đa các cơ hội đưa sinh viên, giảng viên đi học tập ngắn hạn, dài hạn hoặc tham gia giao lưu, hội thảo, khảo sát... về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật với các nước phát triển.
Thứ tư, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về hợp tác quốc tế, khuyến khích cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong đào tạo và biểu diễn nghệ thuật; tích cực triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế; có chính sách hỗ trợ, quản lý việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài và tại các cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ năm, mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài; tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên đi học tập và nghiên cứu ở các nước trên thế giới, học tập những kinh nghiệm, mô hình và phương pháp đào tạo nghệ thuật mới. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật ở các trường đại học ngành văn hóa - nghệ thuật nói riêng và ở Việt Nam nói chung./.
Quân ủy Trung ương gửi lời cảm ơn tới nhân dân và bạn bè quốc tế  (23/12/2014)
Nhiều nước kỷ niệm trọng thể ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam  (23/12/2014)
Tăng quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Venezuela  (23/12/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng  (23/12/2014)
Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia  (23/12/2014)
13 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-1-2015  (23/12/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên