“Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội” - Quan niệm và bình luận
Chủ nghĩa xã hội tiếp tục được tranh luận ở Nga
Có lẽ, cũng nên có thêm một góc nhìn về lý do các học giả Nga đề xuất mô hình “Chủ nghĩa xã hội mới”, để từ đó cắt nghĩa một cách duy vật lịch sử về những kiến giải của họ.
Theo chúng tôi, có bốn lý do tiêu biểu hay là các điểm xuất phát sau đây:
Thứ nhất, từ những nghiên cứu và phát hiện thêm của các học giả Nga về nguyên nhân cuộc khủng hoảng mô hình Xô-viết. C. Mác có một tư tưởng rằng, cách mạng tiến lên không phải bằng những thắng lợi mà chủ yếu là từ những thất bại. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên xô, tổn thất tuy đau đớn nhưng không làm cạn kiệt lý trí và tình cảm đối với chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, những nguyên nhân khách quan cho tiến trình nhân loại đi tới chủ nghĩa xã hội vẫn còn đó, khát vọng về một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển trên cơ sở xã hội vẫn cháy bỏng trong tâm trí của rất nhiều người. Thực tiễn đầy khích lệ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thời kỳ cải cách, đổi mới vẫn đang cổ vũ. Điều quan trọng là, trong một quá trình hoạt động thực tiễn như xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì thất bại nếu được nhìn nhận và phân tích khoa học, sẽ là khởi điểm để đi tới thành công. Có lẽ từ gợi ý của tư tưởng ấy, các học giả Nga và một số quốc gia khác đã đề xuất về “chủ nghĩa xã hội mới”.
Thứ hai, sự thất vọng với quá trình chuyển đổi ở Nga và với chủ nghĩa tự do mới mà phương Tây gieo rắc trên mảnh đất này hơn 20 năm qua. Không gì có thể thuyết phục mạnh mẽ hơn những bài học kinh nghiệm thực tiễn. Sự trải nghiệm, trả giá của nước Nga và cả Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) hơn 20 năm qua có lẽ cũng đã đủ để những người trong cuộc tự rút ra kết luận và rũ bỏ khỏi những ảo tưởng về một mô hình phát triển kiểu “chủ nghĩa tự do mới”. Không ít những trang viết của nhiều tác giả trong cuốn sách này về mô hình chủ nghĩa tư bản hiện đại và những biến thể của nó từ Bắc Mỹ, Mỹ La-tinh và cả ở nước Nga thời gian qua, đã phản ánh sự trải nghiệm và sự phân tích khá thấu đáo về những giới hạn, những bất cập và cả những thất vọng về mô hình này. Hiển nhiên, như một sự phát triển tất yếu về lô-gíc của tư duy, khi mà mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ đã bị phủ định, khi mà mô hình “chủ nghĩa tự do mới” đang bị phủ định, thì sẽ là khởi đầu của cuộc tìm kiếm và tranh luận về mô hình “chủ nghĩa xã hội mới".
Thứ ba, cuộc tìm kiếm - nghiên cứu lại chủ nghĩa Mác hay như cách nói của các học giả Nga là cuộc “tái vũ trang về tư tưởng” (Va-xi-li Cô-xa-cốp, tr. 317 và tr. 326) (2) với sự nhấn mạnh các giá trị: phát triển, công bằng, dân chủ và xã hội cùng với các lực lượng xây dựng xã hội mới như giai cấp công nhân, trí thức,… cũng là một cảm hứng sáng tạo cần phải được tính đến. Nếu như các học giả phương Tây đã tái phát hiện chủ nghĩa Mác trong cơn khủng hoảng tài chính kinh tế gần đây thì, ở phương Đông, ở nước Nga cũng lại có một cuộc trở lại với C. Mác đầy thú vị từ mô hình “chủ nghĩa xã hội mới”.
Trong cuốn sách này có nhiều bài viết khẳng định về những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chẳng hạn bài nghiên cứu khá sâu sắc và như một tổng luận về chủ nghĩa xã hội khoa học của tác giả Va-xi-li Cô-xa-cốp - bài “Chủ nghĩa cộng sản và cách mạng” (tr. 317 - tr. 326). Hoặc những bài viết mang âm hưởng phê phán các tư tưởng cơ hội như “Phải chăng chủ nghĩa Mác đã chết” của S.G. Ca-ra Mơ-da (tr. 165 - tr. 177) hoặc phê phán “những kẻ mong đợi sự phá sản của chủ nghĩa Mác” - của V.S. Xê-mê-nốp. Ông đã tổng kết 9 đặc trưng hay giá trị của chủ nghĩa Mác (tr. 99 - 104) và cũng thống kê 11 điểm mà theo ông là “những quan điểm, kết luận và nguyên tắc có bản chất khoa học căn bản, mà nếu không có chúng thì chủ nghĩa Mác đã không còn là chủ nghĩa Mác với những thay đổi sáng tạo và hoàn thiện” (tr. 127 - tr. 128). Chúng tôi cho rằng đây là những bài viết khá lý thú.
Thứ tư, tình cảm với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sự trải nghiệm đầy cay đắng của những con người - trí thức đã qua hai chế độ chủ nghĩa xã hội kiểu cũ và chủ nghĩa tự do mới cũng nên xem là một lý do cho những đề xuất nghiêm túc và khá táo bạo về một mô hình mới. Điển hình là nhận định của B.F. Xla-vin: “Nước Nga hiện nay, đang trải qua sự xâm nhập lần thứ hai của chủ nghĩa tư bản, nên đặc biệt cần chủ nghĩa xã hội” (tr. 219).
Theo chúng tôi, đó là những lý do tiêu biểu để các học giả Nga đề xuất chủ nghĩa xã hội mới và cũng là những khái quát ban đầu về những ý kiến được nêu trong cuốn sách này. Có khá nhiều nội dung về chủ nghĩa xã hội được đề cập, song trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập mô hình và biện pháp xây dựng “chủ nghĩa xã hội mới” - hai vấn đề lớn nhất trong số các vấn đề định hình tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội hiện nay. Trong quá trình tiếp tục phát triển tư duy về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, các đề xuất của các học giả Nga, ít nhất cũng là những “vật liệu” tư tưởng bổ ích và có giá trị gợi mở cho người nghiên cứu.
Quan niệm về “chủ nghĩa xã hội mới” qua đề xuất của các học giả Nga
“Chủ nghĩa xã hội mới” là gì?
Đây là khái niệm xuất hiện khá nhiều lần trong cuốn sách này, với hàm ý đề xuất một mô hình chủ nghĩa xã hội phân biệt với “chủ nghĩa xã hội kiểu bôn-xê-vích” (tr. 32) hay như cách gọi của giới lý luận Việt Nam “mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô”. Theo các học giả Nga, mô hình này cũng “tách rời với những giáo điều mác-xít hẹp hòi” (tr. 43); được mô tả là có chất lượng mới phân biệt với chủ nghĩa tư bản tự do và “khá hòa hợp với những tư tưởng về con đường thứ ba” (tr. 33). Thậm chí có cả những đề xuất khá tỉ mỉ, với 9 “nguyên lý lý luận cơ bản” (tr. 56 - tr. 57). Theo đó, chúng ta có thể thấy được quan niệm - tuy còn ở mức tranh luận, song đã đề cập khá nhiều phương diện về một mô hình chủ nghĩa xã hội được xem là mới. Quan niệm của chủ nghĩa xã hội dân chủ có dấu ấn khá sâu đậm, song có lẽ đó không phải là lý do để chúng ta ngần ngại khi tiếp cận với những tư tưởng này.
Trong cuốn sách này, có khá nhiều đề xuất về tên gọi của “chủ nghĩa xã hội mới” hay những khái niệm tương tự như: chủ nghĩa xã hội nhân dân (tr. 145), chủ nghĩa xã hội nhân đạo, chủ nghĩa xã hội dân chủ, chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI… Chưa vội tranh luận về khái niệm, chúng ta tìm hiểu quan niệm của các tác giả: Theo họ, chủ nghĩa xã hội mới trước hết có chất lượng “như sự bổ sung cho Mác” (tr. 165) và phân biệt với chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô hay là “chủ nghĩa xã hội kiểu bôn-xê-vích” (tr. 32); nó phân biệt với “chủ nghĩa xã hội nông cạn” (tr. 166) với hàm ý phê phán những nhận thức còn thô sơ về chủ nghĩa xã hội của mô hình Liên Xô. Thậm chí ở điểm nào đó, nó còn “tách rời với những giáo điều mác-xít hẹp hòi” (tr. 43) từ thực tại khá phong phú của chủ nghĩa xã hội ở khu vưc Mỹ La-tinh với mô hình của Hu-gô Cha-vết (tr. 85 - tr. 91) và có “chất lượng sự phân biệt với chủ nghĩa tư bản tự do” (tr. 87 và tr. 254),...
Vậy thực chất của mô hình này là như thế nào?
Những nguyên lý lý luận để xây dựng mô hình “chủ nghĩa xã hội mới” được đề cập khá phong phú. Khởi đầu với dáng vẻ khá đầy đủ là 9 nguyên lý lý luận cơ bản mà A-lếch-xan-đơ Đu-gin nêu lên ở trang 56 và 57 với nguyên tắc là “sự phụ thuộc của kinh tế vào xã hội” (tr. 58). Ông cho rằng, “chế độ kinh tế của xã hội phải xuất phát một cách tự nhiên từ đặc thù lịch sử, văn hóa, đạo đức, địa lý, tôn giáo và nhà nước của nó. Nó bắt nguồn từ việc cụ thể hóa những thiết chế truyền thống của nó” (tr. 56). Có thể thấy, đây là một liệt kê khá dài về những nhân tố ngoài kinh tế và lại bắt nguồn từ truyền thống chứ không phải là thực tại, để làm cơ sở cho cái gọi là một “chế độ kinh tế”.
Một quan niệm khác của B.F. Xla-vin: “Chế độ dựa trên quyền lực của người lao động, trên những lợi ích vô tư của quần chúng nhân dân mới có thể giải quyết được các vấn đề gay gắt nhất về sự bóc lột của một bộ phận người này với bộ phận người khác, về thủ tiêu khoảng cách giữa mức sống của các dân tộc phương Bắc và phương Nam, tạo lập một môi trường sinh hoạt bình thường, chấm dứt nạn khủng bố và bạo lực, thiết lập hòa bình trên toàn thế giới. Xã hội như vậy chính là chủ nghĩa xã hội…” (tr.219).
Nhìn chung là các ý kiến trên còn khá mông lung, song đến A. I-a-rô-xla-vơ-xép thì quan niệm lý luận về mô hình này đã rõ hơn với khẳng định: “là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đó là một xã hội với nền kinh tế nhiều thành phần, định hướng xã hội, với sự điều chỉnh của nhà nước đối với thị trường vì lợi ích của nhân dân và với sự kiểm tra của các tổ chức xã hội được trao sứ mệnh bảo đảm tính đạo đức của lợi nhuận, chủ nghĩa nhân đạo, và công bằng xã hội trước tính vị kỷ của cá nhân và nhóm” (tr. 65).
Tuy vậy, cũng có cả những nhận thức phản tỉnh - tự phê phán quan niệm trước đây về chủ nghĩa xã hội, qua đó chúng ta hiểu thêm về quan niệm mới. B.F. Xla-vin viết: “Khi nói về những nhìn nhận mới về chủ nghĩa xã hội, cần phải hiểu rõ những thiếu sót của lý luận trước đây về chủ nghĩa xã hội đã được hình thành trong ý thức xã hội sau khi V.I. Lê-nin mất. Ít ra cũng có ba khuyết điểm cơ bản sau: thứ nhất, tách rời lý luận về chủ nghĩa xã hội với cuộc sống; thứ hai, chủ nghĩa phản nhân đạo có trong sự giải thích mang tính cực quyền về tư tưởng của chủ nghĩa xã hội; thứ ba, sự khép kín và tách rời những tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa thế giới” (tr. 234 - tr. 235).
Cơ sở và những đặc điểm kinh tế của “chủ nghĩa xã hội mới”
Về đại thể vẫn là nền kinh tế có sở hữu đa dạng: “Nền kinh tế đó cho phép cạnh tranh giữa nhiều hình thức sở hữu khác nhau, nhằm bảo đảm nhu cầu và lợi ích của xã hội. Theo các nhà chủ nghĩa xã hội mới, sở hữu tiến bộ là hình thức sở hữu có thể kích thích năng suất lao động cao hơn, hướng vào quan tâm đến con người trong lao động. Chúng tôi ủng hộ sự kết hợp hữu cơ lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, ủng hộ sự phát triển các hình thức sở hữu cho phép thực tế khắc phục được tính chất làm thuê của lao động” (Ca-ra-ép. A.K; tr. 162).
Trình độ sản xuất được xác định là: “Chủ nghĩa xã hội mới là xã hội mà cơ sở công nghệ của nó gắn với bước quá độ sang giai đoạn phát triển hậu công nghiệp… trên cơ sở sử dụng các công nghệ kỹ thuật rô-bốt tinh vi, mở rộng tỷ lệ điện tử trong sản xuất, trên cơ sở sản xuất không có chất thải và sạch về sinh thái, có thể xóa được lao động chân tay nặng nhọc, giảm được chấn thương và bệnh nghề nghiệp, tạo điều kiện để làm cho con người từ chỗ là “chiếc đinh vít” trở thành “người chỉ huy”(quản lý, kiểm tra) của nền sản xuất. Ở giai đoạn này, các quyết định không chỉ là sự lành nghề của người lao động mà còn là thái độ sang tạo của họ với công việc” (Ca-ra-ép. A.K; tr. 162).
Nhìn chung, quan niệm các học giả Nga về đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa xã hội mới không có nhiều điểm phân biệt với chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại.
Cơ sở xã hội và những đặc điểm chính trị - xã hội của chủ nghĩa xã hội mới
Các học giả Nga dựa vào tầng lớp trung gian làm cơ sở xã hội chứ không phải giai cấp công nhân như quan điểm của C. Mác. Với khẳng định: “chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI - đó là chủ nghĩa xã hội của tầng lớp trung gian” (Ga-vrin Pô-pốp, tr. 59). Họ là những trí thức. “Đối với họ, tiêu chí lương tâm, nghĩa vụ đạo đức, trách nhiệm cá nhân đôi khi sẽ trở thành những điểm tựa duy nhất… Các tiêu chí về lương tâm, đạo đức, nghĩa vụ sẽ trở thành các điều chỉnh chủ yếu. Thay thế cho quan điểm Mác - Lê-nin bằng một quan niệm mới, trong đó đạo đức không phải là kết quả của những nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội mà là ngược lại, đạo đức đi trước những nhiệm vụ đó và hạn chế chúng. Và trong quan điểm mới này về đạo đức, chủ nghĩa xã hội mới về cơ bản, tiếp cận với những gì đã làm được và đã phát triển trong các hệ tư tưởng tôn giáo” (Ga-vrin Pô-pốp, tr. 62).
Xã hội “Có nền dân chủ rộng rãi bao gồm sự tồn tại của tính đa nguyên cả về chính trị và tư tưởng” (Ca-ra-ép. A.K, tr.163). “Tính tính cực của chế độ đại nghị, tính đa nguyên về chính trị, sự tồn tại tự do ngôn luận và tín ngưỡng, sự cạnh tranh của các tư tưởng được chúng tôi coi là những hằng số tự nhiên của cuộc sống… Nền dân chủ phải bảo đảm sự tham gia trực tiếp của các công dân vào việc ra các quyết định và dựa vào cơ cấu phát triển xã hội công dân - sự tự quản địa phương và sản xuất” (Ca-ra-ép. A.K, tr. 163). Phát triển dân chủ, xóa bỏ tính chất tư sản của nó, kết liễu chế độ chiếm hữu tư nhân - được coi là nhiệm vụ của những người cộng sản (A-lếch-xây Pri-ga-rin, tr. 28).
Các giá trị truyền thống của chủ nghĩa xã hội dân chủ được đề cao trong chủ nghĩa xã hội mới: dân chủ, công bằng, bình đẳng, nhân đạo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh của sự xuất hiện nhiều vấn đề toàn cầu hiện nay, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội mới cũng đặt lại quan điểm giai cấp: “Theo chúng tôi, không có căn cứ khoa học để từ chối tư tưởng ưu tiên cho những giá trị toàn nhân loại trước giai cấp cũng như từ chối các quan điểm và đánh giá có tính giai cấp đối với các hiện tượng có tính hiện thực xã hội. Khi còn tồn tại giai cấp thì không thể mất đi các quan điểm giai cấp. Đồng thời, cũng phải tính đến việc áp dụng các quan điểm giai cấp là có giới hạn nhất định. Nó không thể hoạt động thành công, chẳng hạn, trong lĩnh vực được gọi là toàn cầu, trong lĩnh vực môi trường, chinh phục vũ trụ, trong khoa học - kỹ thuật và trong khoa học tự nhiên” (B.F. Sla-vin, tr. 238).
Mô hình nhà nước của chủ nghĩa xã hội mới, V.G. Ma-tra-yép trong bài “Chủ nghĩa xã hội mới là một tất yếu lịch sử” viết: “xây dựng một nhà nước định hướng xã hội với mục tiêu phát triển các khả năng và năng lực của mỗi thành viên xã hội” (tr. 33). Phẩm chất của quan chức - lãnh đạo được nhấn mạnh ở chỗ: “Họ nhận thức được lợi ích và uy tín của dân tộc. Yêu cầu này không chỉ là về đạo đức và chính trị mà còn rất gay gắt về kinh tế - đó là những năng lực về khoa học và kỹ thuật chỉ có thể phát triển trên cơ sở lịch sử, văn hóa và tinh thần” (V.G. Ma-tra-yép, tr. 34). Như vậy, dường như họ đại biểu cho lợi ích dân tộc chứ không phải cho quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Những đề xuất về biện pháp xây dựng “chủ nghĩa xã hội mới”
Chủ nghĩa xã hội mới được xây dựng từ đâu, bằng cách nào vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp cụ thể. Và cũng như mọi mô hình xã hội ít nhiều có tính không tưởng khác, đây là vấn đề lớn nhất về lý luận. Nhìn chung với những gì được viết trong cuốn sách này, chúng ta thấy các nhà tư tưởng thường tập trung trình bày - tranh luận về quan niệm hay những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội mới hơn là bàn về việc làm thế nào để xây dựng nó.
Có hai biện pháp thường được bàn:
Thứ nhất, các nhà tư tưởng này thường bàn tới chủ nghĩa xã hội như những biện pháp để khắc phục các vấn đề của chủ nghĩa tư bản. “Chủ nghĩa xã hội lớn lên theo những quy luật từ những mâu thuẫn hậu kỳ của chủ nghĩa tư bản, với tư cách là những phương thức cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn đó. Điểm chủ yếu trong đó, tất nhiên là mâu thuẫn giữa lao động và tư bản…”(B.F. Xla-vin, tr. 233).
Việc hoàn thiện quan niệm về chủ nghĩa xã hội thông qua kinh nghiệm về mô hình cũ, cũng là một hướng để các học giả Nga bàn về các lĩnh vực và biện pháp sẽ được vận dụng để xây dựng xã hội mới. Chẳng hạn, bổ sung của Ca-ra-ép về bảo vệ sinh thái, bảo vệ lợi ích của nhân dân, các vấn đề đang xuất hiện trong quá trình phát triển hiện đại, như vấn đề đất đai cho đô thị, bảo vệ sức khỏe, phát triển các dịch vụ y tế, giao thông, nghệ thuật, nông nghiệp... (tr. 188 -tr. 189).
Thứ hai, phê phán sở hữu tư nhân, xu hướng tư nhân hóa ở Nga và xác lập sở hữu có tính xã hội. Vấn đề sở hữu được đề cập nhìn chung thiên về bảo đảm hiệu quả sản xuất hơn là chống bóc lột và hướng tới công bằng trong lao động. Về mối quan hệ với thị trường: “Chủ nghĩa xã hội nói chung không nhất thiết loại trừ thị trường, nhưng chủ nghĩa xã hội sẽ ngày càng ít là sản phẩm theo lô-gíc thị trường” (tr. 339). Lại có cả quan niệm: “Thế kỷ XXI nói chung có thể xác định là thế kỷ, trong đó lượng sản phẩm cơ bản được sản xuất bởi phương thức tư bản chủ nghĩa còn phân phối thì theo chủ nghĩa xã hội. Nói khác đi, chủ nghĩa tư bản sẽ thống trị trong sản xuất còn chủ nghĩa xã hội - trong lĩnh vực phân phối” (L.L. Vơ-gơ, tr. 268). Đến đây, chúng ta thấy rõ “con đường thứ ba” chính là biện pháp của chủ nghĩa xã hội mới.
Kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Nga trước năm 1991 cũng được coi như một gợi ý về biện pháp để xây dựng chủ nghĩa xã hội mới: “Để hiểu về xã hội tương lai cũng không được vứt bỏ những kinh nghiệm tích cực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được tích lũy trong các nước xã hội chủ nghĩa đã tồn tại cũng như hiện đang tồn tại” (B.F. Xla-vin, tr. 230).
Những vấn đề đặt ra và một vài tranh luận
Có mấy vấn đề đặt ra từ quan niệm của các học giả về chủ nghĩa xã hội mới như sau:
Thừa nhận chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học nhưng cũng như các tiền bối của họ giữa thế kỷ XIX, mũi nhọn của học thuyết C. Mác đã bị cắt mất, chẳng hạn, tư tưởng tấn công vào sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, vào nhà nước của giai cấp tư sản, giai cấp công nhân nắm lấy nhà nước… song chính họ gặp phải mâu thuẫn khi thừa nhận những hạn chế của sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường tư bản và trạng thái phi dân chủ của nhà nước tư sản. Vậy chủ nghĩa xã hội mới của họ làm thế nào để giải quyết vấn đề công bằng xã hội?
Chủ nghĩa xã hội mới ít nhiều mang dáng dấp của chủ nghĩa dân tộc Nga, dù mang sắc thái cấp tiến, nhưng nó lại đang bị giới hạn bởi những tư duy về các vấn đề toàn cầu mà chủ nghĩa xã hội mới không thể không đề cập. Cả cuốn sách không có một từ nào bàn về tầm vóc và sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, vậy ai sẽ là người giải quyết các vấn đề toàn cầu trên cơ sở mới, chất lượng mới?
Dường như những tranh luận của khoảng 100 năm trước giữa V.I. Lê-nin và những người bôn-xê-vích với nhóm men-xê-vích về khả năng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga lại đang tiếp tục tái hiện. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội mới không thể không biết điều này. Họ học được gì từ tư tưởng của V.I. Lê-nin - người được rất nhiều học giả trong cuốn sách này, tôn trọng và trích dẫn?
Nhìn chung, không khó nhận ra rằng, lập trường tư tưởng của các học giả trong cuốn sách này thuộc về những người dân chủ xã hội tả và trung tả. Mô hình và biện pháp mà họ đề cập, không có gì mới so với các nhà tư tưởng dân chủ xã hội ở Tây Âu và Bắc Âu hiện nay.
Đóng góp tích cực của cuốn sách này là sự mở rộng nhận thức về những nhu cầu xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Nó không chỉ là một quá trình kinh tế mà còn là một tất yếu của xã hội, sinh thái, văn hóa và lịch sử. Là sự xác nhận tính hiện thực khách quan của quá trình phát triển mang tính chất xã hội chủ nghĩa ở nước Nga hiện nay. Chúng ta chú ý đến một dự báo rằng, cuối thế kỷ XXI: “Sẽ có một nghịch lý: trong khi nước Mỹ sẽ bước vào con đường của chủ nghĩa xã hội thì nước Nga sẽ bước vào dinh lũy của chủ nghĩa tư bản.” (L.L Vơ-gơ, tr. 270).
Phải chăng, như tư tưởng của C. Mác, đây là cũng là cái cách mà chủ nghĩa tư bản Nga hiện nay đang tạo ra cơ sở cho xã hội sẽ phủ định nó./.
------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Chỉ đạo biên soạn: GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật phát hành năm 2013, 421 trang, gồm 26 bài nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội của các học giả Nga và Mỹ
(2) Các trích dẫn trong bài viết này được ghi theo số trang từ sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2013
Hội thảo quốc tế về bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo  (27/09/2014)
Thủ tướng Chính phủ Lào gửi điện thăm hỏi thiệt hại do bão số 3  (27/09/2014)
Đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam  (27/09/2014)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm, làm việc tại Phần Lan  (27/09/2014)
Điện mừng Thủ tướng nước Cộng hòa Quần đảo Fiji  (26/09/2014)
Hình thành môi trường làm việc an toàn cho người lao động  (26/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay