TCCSĐT - Ngày 23-9-2014, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng (01-10-1914 - 01-10-2014).

Dự Hội thảo có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định: “Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ mưu lược của cách mạng Việt Nam” là việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm sáng tỏ thêm quá trình giác ngộ, học tập, tham gia hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn - một người đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân. Đồng thời Hội thảo lần này còn đánh giá và làm sáng tỏ hơn những đóng góp to lớn của đồng chí trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Cam-pu-chia”.

Nhắc đến công lao to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Mai Quang Phấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ huy đơn vị tham gia từ chiến dịch nhỏ đến chiến dịch lớn, góp phần làm nên chiến thắng Sông Thao (năm 1949), Biên Giới (năm 1950), Trung Du (năm 1951), Hòa Bình, Tây Bắc (năm 1952), Thượng Lào (năm 1953), Điện Biên Phủ (năm 1954). Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự cách mạng của Đảng vào thực tiễn chiến trường, đồng thời đề xuất, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng những “quả đấm chủ lực mạnh” có khả năng tiêu diệt lớn làm thay đổi cục diện chiến trường. Đặc biệt, với vai trò tổ trưởng Tổ Trung tâm, đồng chí đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.

Tham luận tại Hội thảo, Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - cho biết: là một vị tướng có nhiều công lao, nhưng đồng chí Lê Trọng Tấn lại rất giản dị trong sinh hoạt, gần gũi với mọi người xung quanh. Cán bộ, chiến sĩ không những tin tưởng đồng chí về tài năng chỉ huy mà còn mến mộ đồng chí về đức độ “liêm khiết, chí công vô tư”, về cuộc sống tình nghĩa.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 48 bản tham luận. Tuy cách tiếp cận của từng tham luận có những góc độ khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung phân tích, luận giải làm nổi bật chủ đề “Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam”. Theo đó, các tham luận tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau:

Một là, nghiên cứu, làm sáng tỏ tài thao lược của đồng chí Lê Trọng Tấn trong lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hành các trận đánh, các chiến dịch then chốt, quyết định, nhất là kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.

Hai là, khẳng định Đại tướng Lê Trọng Tấn là nhà tham mưu chiến lược xuất sắc, đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương chiến lược đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời là người tham gia chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả những chủ trương đó trong thực tiễn.

Ba là, vai trò và những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hậu cần, kỹ thuật cũng như trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, tổng kết chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự.

Bốn là, khẳng định đức độ, tài năng và những cống hiến xuất sắc trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn của Đại tướng, rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đồng thời góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Những kết quả nghiên cứu trong cuộc Hội thảo phản ánh toàn diện, sâu sắc về tài năng, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng. Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, quyết tâm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc nêu cao và học tập tấm gương của đồng chí Lê Trọng Tấn càng có ý nghĩa sâu sắc. Học tập đồng chí Lê Trọng Tấn trước hết là học tập tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; học tập tinh thần tiến công cách mạng, bản lĩnh chính trị kiên định trước mọi khó khăn, nguy hiểm; học tập đạo đức cách mạng suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; bồi dưỡng tư duy cách mạng và khoa học; học tập phương pháp, tác phong dân chủ, sâu sát thực tiễn; học tập tấm gương về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lối sống trong sạch, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng bào.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định: cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn hết sức sinh động, vẻ vang và oanh liệt. Hội thảo hôm nay mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ hơn nhằm bổ sung, làm sáng tỏ hơn nữa về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Trọng Tấn cho cách mạng Việt Nam, nhất là cho sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang./.