Kon Tum: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở
TCCS - Những năm qua, cùng với việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Kon Tum tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn vững mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Kon Tum đã có bước trưởng thành rõ rệt. Đến đầu năm 2007, toàn tỉnh có 522 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (gồm thường trực đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân), trong đó có 483 đảng viên (92,52%), 56 cán bộ nữ (10,72%), 284 cán bộ là người dân tộc thiểu số (54,4%); về tuổi đời, cán bộ dưới 30 tuổi có 66 người (12,64%), từ 30 đến 35 tuổi có 76 người (14,55%), từ 36 đến 45 tuổi có 195 người (37,35%), từ 46 đến 50 tuổi có 106 người (20,3%); về học vấn, trung học cơ sở có 235 người (45,01%), trung học phổ thông: 258 người (49,42%); về chuyên môn, trung cấp có 89 người (17,04%), cao đẳng và đại học: 65 người (12,45%); về lý luận chính trị, trung cấp có 252 người (48,27%), cao cấp và cử nhân: 51 người (9,77%).
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở của tỉnh còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác. Cuối năm 2007, tỉnh còn 264 người (50,57%) chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn, 310 người (59,4%) chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và 106 người (20,3%) chưa đạt chuẩn về lý luận chính trị (theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16-01-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng thiếu cán bộ kế cận còn khá phổ biến.
Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 09-02-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010 (gọi tắt là Đề án 381) với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng; có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phấn đấu đến năm 2010, có trên 80% số cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa, trong đó trên 15% có trình độ cao đẳng, đại học; đối với các phường, thị trấn và một số xã có điều kiện thuận lợi, trên 30% số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học; cán bộ chủ chốt dưới 45 tuổi và cán bộ quy hoạch nhiệm kỳ 2011 - 2015 phải tốt nghiệp trung học phổ thông, có trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 100% số cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực công tác. Hằng năm, có trên 70% số cán bộ chủ chốt hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cán bộ vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ cơ sở, làm cho các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc về trách nhiệm đối với việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng.
- Quy hoạch cấp ủy, cán bộ chủ chốt cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2015 gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở. Hằng năm, sau khi đánh giá phân loại cán bộ, các huyện, thị ủy đều chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn bổ sung quy hoạch theo quy định, trong đó chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; những xã, phường, thị trấn có thôn, làng người dân tộc thiểu số, quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số theo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch ban chấp hành xã, phường được 2.240 cán bộ và quy hoạch ban thường vụ được 775 cán bộ cho nhiệm kỳ 2011 - 2015.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở với nhiều hình thức, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho từng chức danh. Việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở được thực hiện theo phương châm: Thiết thực, hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt đương chức, kế cận; đào tạo, bồi dưỡng căn bản, chính quy đối với số cán bộ trẻ, cán bộ dự nguồn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 773 cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và lý luận chính trị. Hiện nay tỉnh đang liên kết với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum mở lớp đào tạo đại học cho 103 cán bộ đương chức và dự nguồn chức danh chủ chốt cấp xã; cử tuyển gần 500 học sinh là người dân tộc thiểu số đi học đại học ở các trường sư phạm, y khoa, giao thông - vận tải, văn hóa, quân sự, công an... để tạo nguồn cán bộ cho huyện và cơ sở.
Các phòng, ban cấp huyện trong tỉnh còn thực hiện tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên để nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng từ 1 đến 2 người là con em dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn đi học và tập sự tại cơ quan, đơn vị.
- Bố trí công tác theo đúng chuyên ngành, chuyên môn đào tạo đối với số cán bộ cơ sở sau khi được đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện tốt việc phân công, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện, giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là đối với số cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số.
- Tiến hành sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ cơ sở theo quy hoạch; xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn thiếu trách nhiệm trong công việc, quan liêu, tham nhũng, vi phạm Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Luân chuyển số cán bộ quy hoạch cấp ủy, chủ chốt cấp huyện (chủ yếu số chưa giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã) về giữ các chức vụ chủ chốt xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 103 cán bộ được luân chuyển từ huyện, thị xuống xã, phường, 41 cán bộ từ xã, phường lên huyện, thị và 5 cán bộ xã, phường luân chuyển ngang. Xem xét, bố trí công tác phù hợp đối với số cán bộ lớn tuổi không đạt chuẩn về trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, có triển vọng giữ các chức vụ chủ chốt ở những nơi có tình trạng “hẫng hụt” về cán bộ. Ban hành chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại xã, phường, thị trấn. Kịp thời điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND, ngày 13-02-2009, điều chỉnh chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cơ sở: Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra hoặc cấp ủy viên phụ trách công tác kiểm tra, tuyên giáo, tổ chức, dân vận: 540.000 đồng/tháng; cán bộ văn phòng đảng ủy: 406.000 đồng/tháng; phó quân sự, công an: 386.000 đồng/tháng; phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc: 365.000 đồng/tháng; phó bí thư Đoàn Thanh niên, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, cán bộ thủ quỹ - văn thư - lưu trữ: 345.000 đồng/tháng...
- Đề cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp trên trực tiếp đối với đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ trong công tác quản lý cán bộ; kịp thời đấu tranh và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, mơ hồ, dao động; xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, không hoàn thành nhiệm vụ.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ ở cơ sở nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Đa số cán bộ cơ sở giữ vững phẩm chất chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, không dao động trước tình hình diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới; đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, được quần chúng tín nhiệm; lề lối làm việc, tác phong công tác, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngày càng khoa học, hiệu quả hơn. Trình độ, năng lực của cán bộ chủ chốt cơ sở từng bước được nâng lên, một bộ phận cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn đã được đào tạo cơ bản, chất lượng, hiệu quả công tác có tiến bộ so với trước. Đến nay, gần 60% số cán bộ đạt chuẩn về trình độ học vấn, trên 50% đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và gần 80% đạt chuẩn về lý luận chính trị; cán bộ nữ trong cấp ủy cấp xã đạt 17,31%, trong Hội đồng nhân dân cấp xã đạt 21,31%; cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy cấp xã đạt 53,02%; trong Hội đồng nhân dân cấp xã là 61,49%; cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) trong cán bộ chủ chốt cấp xã hiện có 58 người (đạt 11,24%); trong cấp ủy xã có 154 người (chiếm 15,19%)... Đa số cán bộ chủ chốt cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, giữ vững sự đoàn kết nhất trí, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, đối với nhân dân; tác phong lãnh đạo ngày càng có sự đổi mới, sâu sát công việc, sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân.
Kết quả thực hiện Đề án 381 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang góp phần vào việc xây dựng một đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trình độ, năng lực thực tiễn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; tình trạng hẫng hụt cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ và tư tưởng trì trệ, khép kín trong công tác cán bộ ở cơ sở dần được khắc phục.
Đạt được những kết quả đó, trước hết, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định đúng vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở; quán triệt và thực hiện đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ, thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở cả trước mắt và lâu dài. Thứ hai, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp, thể hiện rõ quyết tâm của cấp ủy trong việc tạo ra bước đột phá trong công tác cán bộ ở cơ sở - nhân tố quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương và cán bộ trong tỉnh tiếp tục quán triệt tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành rà soát và bổ sung các quy định, quy chế, quy trình, chế độ chính sách liên quan đến công tác cán bộ cơ sở nói chung, cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng do tỉnh ban hành cho phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế ở địa phương; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, kiên quyết không xét duyệt quy hoạch đối với những địa phương không quy hoạch được cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; tiếp tục chỉnh đốn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức - bộ máy, quy chế, quy trình công tác, xây dựng chức danh cán bộ công chức và rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, tinh giản biên chế. Thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá cán bộ chủ chốt ở cơ sở, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và uy tín của cán bộ làm thước đo, kịp thời thay thế những cán bộ thoái hóa, biến chất, yếu kém về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm. Tiếp tục làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh quy hoạch bằng nhiều hình thức, chú trọng nhân rộng mô hình vừa đào tạo văn hóa, chính trị, chuyên môn, vừa học việc tại các cơ quan, đơn vị đối với cán bộ dự nguồn cho cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách đối với cán bộ cơ sở nói chung, cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng,... phấn đấu đến cuối năm 2010, hoàn thành các chỉ tiêu mà Đề án 381 đã đề ra./.
Cuộc thi "Ðảng trong cuộc sống hôm nay".  (26/03/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 108 (26-3-2010)  (25/03/2010)
Những phương pháp tiếp cận thời đại và nhận diện thời đại ngày nay  (25/03/2010)
Công tác xây dựng đảng ở đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Nông  (25/03/2010)
Xuất khẩu gạo đạt gần 1 triệu tấn  (25/03/2010)
Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỉ USD  (25/03/2010)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay