Từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực

Vũ Oanh Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam
16:13, ngày 10-04-2013
TCCSĐT - Hiện nay, nước ta đang tiến hành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho khoảng 80% thanh niên trong độ tuổi; đại chúng hóa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với 350 - 400 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2020(1). Đại chúng hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở phổ cập trung học phổ thông và tương đương chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhân lực có trình độ tay nghề cho nền kinh tế tri thức phát triển.

Một số vấn đề đặt ra

Vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản giáo dục là vấn đề chất lượng

Hiện nay, chất lượng giáo dục của Việt Nam còn thấp so với yêu cầu phát triển con người và đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ các nước trong khu vực. Trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu châu Á do Tổ chức Đánh giá đại học toàn cầu công bố tháng 9-2012, Hàn Quốc có 31 trường, Thái Lan: 9 trường, Ma-lai-xi-a: 8 trường, In-đô-nê-xi-a: 6 trường, Phi-líp-pin: 4 trường, Việt Nam ta không có trường nào!

Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu của Liên hợp quốc đã “báo động đỏ” cho chúng ta khi công bố: “chỉ số trí tuệ quốc gia Việt Nam năm 2012 ở dưới mức trung bình của thế giới”(2)!

Trong lúc thế giới thực hiện “giáo dục phát triển năng lực con người”, ta vẫn sa lầy triền miên trong “giáo dục truyền thụ - ghi nhớ kiến thức”!

Trong thời đại cách mạng thông tin, lượng kiến thức quá lớn, tốc độ tăng quá nhanh, song nhờ vào tiến bộ công nghệ thông tin - truyền thông, con người có thể giảm “đầu tư” cho trí nhớ, dành ưu tiên cho trí sáng tạo. “Với cách học “tiếp thu thụ động kiến thức một chiều, ghi nhớ lời thầy, nói theo, làm theo thầy”, người học bị giới hạn ở trình độ thầy giáo, nói và làm giống thầy, y như thầy, không thể khác thầy, khác sách, không thể sáng tạo, thế hệ sau không vượt qua được thế hệ trước”(3), trong lúc cuộc sống ngày càng đòi hỏi con hơn cha, trò hơn thầy, hơn sách.

Nhà trường chúng ta từ xa xưa đã rất nặng về khoa cử và bằng cấp. Học là để thi, có bằng cấp, ra làm quan. Đến nay, cơ bản vẫn nặng như vậy. Học để thi. Thi gì học nấy. Không thi miễn học.

Thi kiểm tra trí nhớ! Hai kỳ thi trung học và tuyển sinh đại học cách nhau một tháng buộc các thế hệ trẻ phải căng trí não nhớ một khối lượng lớn kiến thức của nhiều môn học tập trung trong vài ngày thi để rồi lãng quên sau khi thi. Nếu cảm thấy không thể nhớ được, vượt qua cửa ải thi cử, thì cầu viện đến đủ mọi thứ tiêu cực hạ thấp nhân cách: phao thi, “cốp” bài, nhờ thi hộ, mua bằng, xin điểm… Cuộc vận động rầm rộ chống tiêu cực trong học tập và thi cử từ năm 2006 đến nay cũng chưa dẹp được tiêu cực. Thói xấu gian dối ăn sâu vào nhân cách của nhiều người học!

Mặt khác, nhớ một khối lượng kiến thức lớn để đi thi đòi hỏi người học phải tốn quá nhiều nơ-ron thần kinh dành cho việc nhớ, thu hẹp quá nhiều nơ-ron thần kinh dành cho sáng tạo! Thừa nhớ, thiếu sáng tạo!

Thi để học, để nâng cao năng lực

Đề thi không phải là kiểm tra kiến thức, trí nhớ mà kiểm tra năng lực. Thí sinh được tham khảo sách, tài liệu,… trong lúc thi. Có thể nhận đề thi ở trường, về nhà làm bài, tha hồ tham khảo sách, báo. Cái chính không phải là kiểm tra trí nhớ, mà kiểm tra khả năng: khả năng phân tích, tổng hợp, lý giải, giải quyết vấn đề,…

Đã đến lúc không thể chần chừ nghiên đi cứu lại! Phải giải phóng con em chúng ta khỏi gánh nặng thi cử làm thui chột nhiều tài năng sáng tạo! Trường trung học phổ thông tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cho học sinh của trường mình. Có thể kết hợp thi tốt nghiệp với thi học kỳ hai lớp 12.

Học là học sáng tạo kiến thức, phát triển năng lực

Học cách tự mình tìm ra kiến thức, tự mình sáng tạo ra kiến thức mới, bước đầu là “mới” đối với bản thân mình, tiến tới “mới” đối với cộng đồng lớp học, với thầy, với sách, vươn tới cái đích “kiến thức mới để xây dựng đất nước” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn, hướng tới cái đích xa - lý tưởng “mới” đối với cả thế giới như Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Học cách học, cách tiếp cận, phân tích, tổng hợp, luận giải, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tức là nhằm phát triển năng lực tư duy độc lập, năng lực tự học, năng lực thực hành, năng lực sáng tạo, kỹ năng sống.

Học để hành, hành để học, để phát triển năng lực thực hành, vận dụng và phát triển sáng tạo những gì đã học.

Học cốt lõi là tự học. Tự học chữ, tự học nghề, tự học nên người. Tự học hành sáng tạo suốt đời.

Tự học không phải là học riêng lẻ một mình mà tự học hợp tác với bạn, với thầy, với máy tính, với sách… Người học được bình đẳng tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận, bày tỏ chính kiến riêng của mình, tự do trình bày những ý kiến khác với thầy, với sách, biết cách tiếp thu ý kiến của bạn và thầy để điều chỉnh những gì mình tự tìm ra thành kiến thức khoa học.

Sách giáo khoa không phải là  sách “dạy”, sách “cung cấp kiến thức” mà là “sách học”, “sách tự học”, “sách ngân hàng tình huống - vấn đề”, sách cung cấp một hệ thống tình huống - vấn đề cho người học tự mình nghiên cứu, tìm tòi, suy đi nghĩ lại, tìm ra cách giải, không bằng lòng với một cách giải duy nhất mà kiên trì động não tìm ra càng nhiều cách giải càng tốt, tất cả các cách có thể có, tự mình tìm ra kiến thức.

Máy tính là công cụ tự học tuyệt vời giúp cho người học phát triển năng lực tự học, năng lực thực hành, năng lực tin học, năng lực sáng tạo.

Mỗi người học một máy tính - công cụ tự học ngày nay, công cụ sản xuất ngày mai.

Thầy giáo ngày nay không phải là “thầy dạy”, “dạy chữ, dạy nghề, dạy người”. Thầy là “thầy học”, “chuyên gia về việc học”, “nhà khoa học về việc học”, “người hướng dẫn cách học”.

Thầy hướng dẫn cho trò tự học chữ, tự học nghề, tự học nên người.

Thầy cùng trò biến quá trình dạy - học “truyền thụ - tiếp thu ghi nhớ kiến thức” thành quá trình “tự học hành sáng tạo dưới sự hướng dẫn khoa học của thầy”.

Thầy không áp đặt tư duy, kiến thức của mình cho trò tiếp thu, ghi nhớ. Thầy là “người bạn hợp tác”, “người bạn đồng hành” với người học trong quá trình người học tự mình tìm ra kiến thức, chân lý. Thầy luôn luôn phát huy dân chủ, tạo ra môi trường thuận lợi cho trò tập dượt “độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng”, “tự do sáng tạo”, tự mình sáng tạo ra kiến thức, chân lý, “tự do phục tùng chân lý”.

Một vài khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường học tập sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực

Một là, việc xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt về công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử, kinh tế tri thức, dân tộc thông thái…, đang khẩn thiết đòi hỏi phải ứng dụng và phát triển sáng tạo công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển kết cấu hạ tầng thông minh, các ngành nghề thông minh, ưu tiên đặc biệt cho giáo dục thông minh, y tế thông minh, công nghệ thông minh, đổi mới căn bản “trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức” hiện nay thành “trường học thông minh dân chủ, khoa học, đại chúng” - “trường học sáng tạo kiến thức, phát triển  năng lực”.

Hai là, phấn đấu đại chúng hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở phổ cập giáo dục trung học phổ thông vào năm 2020, tạo nguồn nhân lực có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và tay nghề sau trung học cho kinh tế tri thức.

Ba là, ưu tiên tập trung trí tuệ dân chủ hóa, khoa học hóa quá trình dạy học và quá trình quản lý, lấy người học làm trung tâm, “Tất cả vì năng lực tự học hành sáng tạo của học sinh thân yêu!”, ra sức phát huy dân chủ và mọi tiềm năng sáng tạo của thầy và trò, đổi mới căn bản quá trình “dạy - học truyền thụ - tiếp thu ghi nhớ kiến thức” thành quá trình “tự học hành sáng tạo dưới sự hướng dẫn khoa học của người dạy”, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin - truyền thông, tạo điều kiện, phương tiện và môi trường thuận lợi cho người học phát triển năng lực.

Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ “Dạy và Giáo dục” cần thực hiện chức năng của một “Bộ Học”(4), chăm sóc việc học của toàn dân, lấy người học làm trung tâm, phát huy dân chủ, năng lực sáng tạo của đông đảo người học, người dạy, ứng dụng và phát triển sáng tạo công nghệ thông tin - truyền thông, cải cách căn bản “giáo dục truyền thụ - ghi nhớ kiến thức” thành “giáo dục thông minh dân chủ, khoa học, đại chúng” - “giáo dục sáng tạo kiến thức, phát triển năng lực”, liên thông, liên kết giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đại học, nhằm đào tạo ra con người phát triển toàn diện có sức khỏe, có năng lực tư duy độc lập, năng lực tự học, năng lực thực hành, năng lực tin học, năng lực ngoại ngữ, năng lực sáng tạo, kỹ năng sống và trình độ tay nghề sau trung học. Trên tinh thần đó, Tổng cục Dạy nghề cần trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ học “tiếp thu - ghi nhớ kiến thức” sang học “sáng tạo kiến thức - phát triển năng lực”, từ dạy truyền thụ - ghi nhớ kiến thức đến hướng dẫn cách học, cách làm sáng tạo, từ trường học tiếp thu - ghi nhớ kiến thức đến trường học thông minh dân chủ, khoa học, đại chúng là cả một cuộc cách mạng khoa học sâu rộng giải phóng các thế hệ con em chúng ta khỏi gánh nặng thi cử - trí nhớ, giúp cho người học tự học hành sáng tạo nên con người phát triển toàn diện có năng lực, thế hệ sau thông minh hơn thế hệ trước, dân tộc thông thái, đất nước phát triển ngày càng bền vững./.

------------------------------------

1. Thủ tướng Chính phủ: Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, 13-8-2012

2. Trần Xuân Hoài: Chỉ số trí tuệ quốc gia, Tạp chí Tia sáng, số ra ngày 2 đến 10-9-2012

3. TS. Vũ Ngọc Hoàng: Một số ý kiến về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, 2-2013, tr. 15

 4. Bộ Học, một cái tên thời phong kiến ngày xưa nhưng rất Việt, rất hiện đại, phù hợp với xu hướng “lấy người học làm trung tâm”