Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta
1. Từ cuối năm 1923, cùng một số thanh niên yêu nước khác, đồng chí Lê Hồng Phong đã đi Thái Lan rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường cứu nước, cứu dân. Có thể nói, khác với thế hệ thanh niên yêu nước sau đó, đi vào hoạt động cách mạng đều chịu tác động sâu sắc và bước ra từ phong trào yêu nước mạnh mẽ của nhân dân ta đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh trong những năm 1925-1926 và khi ra nước ngoài lại được Nguyễn Ái Quốc đón nhận vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp người đã tự lên đường và tìm đường để mưu cầu giải phóng cho dân tộc. Bởi vậy, năm 1924, đồng chí đã gia nhập tổ chức Tâm tâm xã, một tổ chức cách mạng của thanh niên Việt Nam yêu nước ở Trung Quốc có khuynh hướng hoạt động tích cực và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thanh niên nước ta lúc bấy giờ.
Nhưng khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (năm 1925), Lê Hồng Phong đã là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên gia nhập tổ chức cách mạng này khi đồng chí đang theo học Trường Quân sự Hoàng Phố. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời của đồng chí Lê Hồng Phong, vì từ đây đồng chí bắt đầu sự nghiệp của một nhà cách mạng chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong những năm hai mươi của thế kỷ XX, việc đồng chí Lê Hồng Phong tự tìm đường, hướng đến và từng bước tham gia vào các tổ chức cách mạng là một điển hình về ý chí và trách nhiệm, về đức hy sinh và khát vọng tranh đấu của một thế hệ thanh niên nước ta trước sự tồn vong của dân tộc. Đó là một lôgíc tất yếu về sự lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng trong thời đại mới của lớp thanh niên Việt Nam yêu nước, mà đồng chí Lê Hồng Phong là một đại diện tiêu biểu.
Chính những yếu tố tinh thần mạnh mẽ đó đã thúc đẩy Lê Hồng Phong vượt qua mọi khó khăn của một thanh niên lao động mất nước, không có điều kiện học hành, nỗ lực ra sức học tập vì mục tiêu giải phóng dân tộc và đã trở thành một cán bộ cách mạng được đào tạo căn bản và toàn diện nhất trên cả lĩnh vực quân sự và chính trị. Cuối năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong học tiếp tại Trường Không quân ở Quảng Châu (tháng 1-1926 đến tháng 9-1926) và sau đó đi học ở Trường Không quân (BBC) ở Lê-nin-grát, Liên Xô (tháng 10-1926 đến tháng 12-1927). Sau khi tốt nghiệp, đồng chí được cử đi học ở Trường Cao đẳng Không quân ở Bô-rít-xgơ-lép-xcơ. Tháng 12-1928, đồng chí được chuyển tới học khóa 3 năm của Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (KYTB). Kết thúc khóa học, đồng chí chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tại trường này.
Ra đi tìm đường giải phóng dân tộc, nhưng trước khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đồng chí Lê Hồng Phong đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1926) và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản (b) Nga (năm 1928). Là đảng viên của ba đảng cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong còn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất - một trong hai đại diện của các dân tộc thuộc địa - được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (năm 1935).
Có nhiều yếu tố tác động đến sự trưởng thành nhanh chóng của đồng chí Lê Hồng Phong, nhưng trước hết phải nói tới tác động mạnh mẽ của thời đại mới đến các nước phương Đông sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự chú ý giúp đỡ, tác động tích cực của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng phương Đông trong giai đoạn này. Nhưng, đó là những ảnh hưởng khách quan và chắc chắn không chỉ tác động riêng đối với đồng chí Lê Hồng Phong. Cần nhấn mạnh ở đây yếu tố chủ quan với ý chí kiên cường, trí tuệ sáng suốt và thái độ dứt khoát của thế hệ thanh niên Việt Nam lúc đó - mà đồng chí Lê Hồng Phong là một đại diện - trước những đổi thay phức tạp của thời cuộc, đã lựa chọn được con đường cách mạng đúng đắn để mưu cầu cho sự sinh tồn của dân tộc. Bao trùm lên các yếu tố trên đây là ảnh hưởng có tính quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - uy tín và sự giáo dục của Người - đã tác động mạnh mẽ và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của những thanh niên yêu nước như Lê Hồng Phong và những đồng chí khác, để họ trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp hết sức kiên trung và vững vàng về chính trị, trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.
2. Sau cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng hòng tiêu diệt phong trào cách mạng nước ta mà trước hết là nhằm vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chỉ trong hai năm 1930 -1931, hầu như toàn bộ hệ thống tổ chức của Đảng và quần chúng cách mạng bị địch phá vỡ, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng bị địch bắt và giết hại. Tháng 4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt và hy sinh trong ngục tù đế quốc. Ngày 6-6-1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị đế quốc Anh bắt ở Hồng Kông. Một loạt các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng bị bắt và bị sát hại: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - bị thực dân Pháp bắt và bí mật thủ tiêu năm 1931; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ - bị địch bắt và xử tử hình tháng 7-1932; đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ - hy sinh khi vượt ngục tù Côn Đảo...
Trong những năm này, cách mạng Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Tháng 9-1931, đế quốc Nhật xâm lược vùng Đông Bắc Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch không chủ trương chống Nhật mà lo tấn công vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phải lo chống trả hàng loạt các chiến dịch vây quét của quân đội Tưởng Giới Thạch và từ tháng 10-1934 Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tiến hành cuộc “vạn lý trường chinh”, nhằm bảo toàn lực lượng trước sự truy đuổi của quân đội Quốc dân đảng. Mối liên hệ của Đảng ta với Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản khác gặp khó khăn, địa bàn đứng chân và sự hỗ trợ ở hải ngoại cho Đảng ta ở Trung Quốc bị phá vỡ. Thực dân Pháp liên kết với đế quốc Anh và giới quân phiệt Tưởng Giới Thạch lùng bắt những người cộng sản Việt Nam. Sau lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Vân Lĩnh... cũng lần lượt bị địch bắt. Các cơ sở cách mạng của Việt Nam ở Trung Quốc cũng bị khống chế.
Đây là thời kỳ cam go nhất của Đảng ta sau khi thành lập. Trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù và những tổn thất về tổ chức, về cán bộ của Đảng và của phong trào cách mạng ở trong và ngoài nước, đã nảy sinh những vấn đề tư tưởng trong Đảng và trong quần chúng cách mạng. Đảng ta vừa ra đời, bộ máy tổ chức mới hình thành thì những tổn thất trên đây càng thêm nặng nề. Do vậy, để khôi phục Đảng, không chỉ là vấn đề tổ chức, trên lĩnh vực tư tưởng, mà còn cả những vấn đề liên quan tới chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng do sự biến chuyển mới và nhanh chóng của tình hình, nhiệm vụ cách mạng ở trong nước và thế giới.
Trước tình hình cực kỳ khó khăn đó, mặc dù chưa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, đồng chí Lê Hồng Phong đã lãnh trách nhiệm trước Quốc tế Cộng sản trở về lãnh đạo khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Chắc chắn rằng, không phải ngẫu nhiên Quốc tế Cộng sản đặt niềm tin vào đồng chí Lê Hồng Phong trong nhiệm vụ trọng đại nhưng cũng hết sức khó khăn này.
Từ Mát-xcơ-va qua Pháp để về Hồng Kông, đồng chí Lê Hồng Phong lại phải vòng qua Thái Lan rồi đi Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc, tháng 4-1932) để chắp mối liên lạc với Đảng ta. Tại đây, đồng chí đã tiến hành các công việc thiết lập hệ thống liên lạc với các cơ sở đảng ở trong nước, ở Lào, Thái Lan và với Quốc tế Cộng sản. Nhiệm vụ này được thực hiện trong những điều kiện vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng đã thành công trong năm 1932.
Cũng từ năm 1932, cùng với nhiệm vụ khôi phục tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng trong nước, để thống nhất tư tưởng và phương pháp cách mạng trong điều kiện mới, đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí lãnh đạo khác đã tiến hành kiểm điểm công tác của Đảng và chủ trương tuyên truyền Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương - một văn kiện có tính chất như một cương lĩnh tối thiểu của Đảng mà đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia soạn thảo. Đây là một đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với hoạt động của Đảng trước hoàn cảnh lúc này .
Tháng 6-1934, đồng chí Lê Hồng Phong cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên tổ chức Hội nghị cán bộ của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu. Ban lãnh đạo hải ngoại làm chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, có nhiệm vụ tổ chức lại các cơ sở đảng và chuẩn bị các điều kiện cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, Ban lãnh đạo hải ngoại đã cho xuất bản Tạp chí Bôn-sê-vích để tuyên truyền đường lối của Đảng nhằm thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng và phong trào cách mạng nước ta.
Từ ngày 27 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là củng cố Đảng, tập hợp quần chúng hơn nữa và chống chiến tranh đế quốc. Đại hội đã bầu ra BCHTƯ chính thức gồm 13 ủy viên. Đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản trước khi họp Đại hội nhưng vẫn được Đại hội bầu là Tổng Bí thư của Đảng.
Không phải do tình thế cán bộ lúc đó, mà chính từ những đóng góp to lớn của đồng chí vào nhiệm vụ khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam trong thời kỳ khốc liệt trước đó, mà Đảng ta trao cho đồng chí Lê Hồng Phong trách nhiệm chính trị lớn lao đó. Cũng vì lý do này, tại Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Năm 1935, Đảng ta cũng được công nhận là phân bộ trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
Tháng 7-1936, tại Thượng Hải, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị BCHTƯ Đảng đã họp và đã đề ra những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Đông Dương và nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta là chống chủ nghĩa phát-xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền đạt chủ trương của Quốc tế Cộng sản và cùng BCHTƯ Đảng ta đề ra nhiệm vụ thành lập Mặt trận phản đế rộng rãi, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng sau này và thống nhất trong Đảng về phương thức hoạt động mới cho phù hợp với điều kiện lịch sử và nhiệm vụ mới.
Lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng và thống nhất về chiến lược, sách lược, chuẩn bị những tiền đề về tổ chức và chính trị tư tưởng, đưa cách mạng nước ta vượt qua giai đoạn cực kỳ gian khó (1931-1935), chuyển sang giai đoạn phát triển mới (1936-1939) đã thể hiện tài năng của nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta - đồng chí Lê Hồng Phong.
Tháng 11-1937, trở về Sài Gòn sau gần 15 năm học tập và công tác ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với BCHTƯ Đảng chỉ đạo thực hiện đường lối chính sách của Đảng ta trong tình hình mới, góp phần thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát-xít, đấu tranh chống lại bọn tờ-rốt-kít và các khuynh hướng cô độc hẹp hòi trong Đảng, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng nước ta trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.
Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt. Tháng 9-1942, đồng chí hy sinh trong ngục tù đế quốc ở Côn Đảo lúc mới 40 tuổi.
3. Những sự kiện trên đây cho thấy, với ý chí kiên cường của người cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong - cùng với bao chiến sĩ cộng sản khác - đã lãnh đạo Đảng ta vượt qua thời đoạn khốc liệt và trở thành một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng thúc đẩy lên phía trước đối với lịch sử Đảng và dân tộc ta. Điều đó không chỉ thể hiện ở các hoạt động trên đây mà còn rất nổi bật trong công tác xây dựng Đảng.
73 năm trước đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã viết: "sau mỗi cuộc tranh đấu, vô luận thắng hay bại, chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng các nguyên nhân, để làm bài học; chớ không vì một sự thắng lợi mà múa tay, múa chân, rung đùi lắc gối, cũng không vì thất bại mà khổ tâm, nản chí, đâm ra dụ dự lung lay, hoài nghi con đường chính trị của Đảng. Điều nguy hiểm hơn hết là sau mỗi cuộc thất bại, không chịu nhận những chỗ sai lầm căn bổn đã dẫn tới thất bại, mà lại tìm cớ khác để vu khống Đảng, bôi bác Đảng.
Đó là một cử chỉ không bônsêvích chút nào. Đó là sự hành động phá hoại ảnh hưởng của Đảng".
Theo nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong xác định rõ: "Đảng ta rất hoan nghênh sự tự do chỉ trích của hết thảy đảng viên, song chỉ trích phải thành thực và có nguyên tắc, đừng để cho bọn địch nhân lợi dụng chửi rủa vu cáo cho Đảng và cũng đừng theo đuổi hoài nghi trong Đảng, giúp cho sự chia rẽ bè phái, phá hoại ý chí và tổ chức thống nhứt của Đảng”. Đồng chí còn nhấn mạnh: "sự tự chỉ trích phải thành thực đích xác để củng cố Đảng và tăng thêm tín nhiệm cho Đảng chớ không phải vu cáo cho Đảng và giúp cho địch nhơn chưởi Đảng"(1).
Đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ ra rằng, nếu trong hoạt động thực tiễn có thất bại, Đảng phải tìm cho được “nguyên nhân chính ở đâu” và “cần phải thành thực đưa ra cho hết thảy đồng chí làm một bài học huấn luyện, chớ không thể dấu bít nguyên nhân chính, rồi đổ lỗi cho Đảng"(2). Theo đồng chí, “thành tâm công bố nguyên nhân chính cốt và kể cả những nguyên nhân khác” chính là “để sửa chữa sai lầm cho toàn đảng viên và để tự giáo dục và huấn luyện mình nữa”(3).
Với tinh thần kiên trung của người cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cũng nêu rõ: "Làm người cách mạng đã nhận thấy chân chính lẽ phải thì cứ làm, cứ nói mặc dầu địch nhân chửi rủa mình cũng không vì thế mà bỏ cuộc tranh đấu, kiên quyết tranh đấu để cho mọi người đều thấy lẽ phải. Sợ công kích mà không dám kiên quyết vì lẽ phải mà tranh đấu, ấy là đầu cơ dụ dự theo đuôi rất nguy hiểm"(4).
Lãnh đạo thành công cuộc chiến đấu để bảo tồn, phát triển tổ chức đảng trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ thống nhất tư tưởng của Đảng trước sự chuyển biến nhanh chóng, phức tạp của thời cuộc và tình hình, nhiệm vụ cách mạng nước ta, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho Đảng ta nhiều chỉ dẫn quan trọng.
Đồng chí viết: "Đảng là đại biểu ý chí của tất cả chiến sĩ toàn xứ, không thể muốn được lòng hết thảy các cá nhân, mà ai nói sao Đảng cũng cho là phải, cứ cúi đầu nhận là đúng. Sự thành thực nhận lỗi như thế, nó sẽ đưa Đảng tới chỗ chết không thể cứu. Đảng phải là chỗ tập trung ý chí tất thảy đảng viên. Đảng phải là chỗ trung tâm chỉ đạo, đội tiên phong của giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức"(5).
Nhưng, để Đảng có thể được “là chỗ tập trung ý chí tất thảy đảng viên”, được “là chỗ trung tâm chỉ đạo, đội tiên phong của giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức”, theo đồng chí Lê Hồng Phong, Đảng phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại mọi biểu hiện phá hoại sự thống nhất đó. Bởi vì, theo đồng chí, “Trong cuộc tranh đấu chống tả khuynh, hữu khuynh và kẻ thỏa hiệp với nó, tranh đấu chống đầu cơ chủ nghĩa, chống xu hướng lập bè phái, đó là điều kiện để làm cho Đảng được củng cố thống nhứt, mạnh mẽ, đủ năng lực chống lại hết thảy địch nhân, đưa cách mạng tới thắng lợi”(6).
Đồng chí Lê Hồng Phong cũng nhắc nhở chúng ta: “Kinh nghiệm lịch sử cho ta biết rằng: Vô luận một nước nào, dân tộc nào, giai cấp nào, đảng phái nào, nếu trong nội bộ chia rẽ, hành động không nhất trí thì không thể tranh đấu một cách thắng lợi với địch nhân”(7).
Đó là những di huấn chính trị rất có ý nghĩa đối với Đảng ta hiện nay.
* *
*
40 tuổi đời, hai mươi năm phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc và lý tưởng của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong là hiện thân ý chí của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Tinh thần và sự nghiệp lớn lao của đồng chí mãi đồng hành cùng chúng ta đi tới tương lai./.
---------------------------------------------
(1) TB. Bài học trong kỳ tuyển cử Hội đồng quản hạt - Báo Dân chúng số 67, ngày 23-5-1939
(2) TB. Bài học trong kỳ tuyển cử Hội đồng quản hạt - Báo Dân chúng số 67, ngày 23-5-1939
(3) TB. Bài học trong kỳ tuyển cử Hội đồng quản hạt - Báo Dân chúng số 67, ngày 23-5-1939
(4) TB. Đảng lập hiến có bị quần chúng đánh đổ không?- Báo Dân chúng số 68, ngày 31-5-1939
(5) TB. Có phải chủ trương đánh đổ đảng lập hiến mà bọn trốtkít thắng thăm không? Báo Dân chúng, số 69, ngày 7-6-1939.
(6) TB. Có phải chủ trương đánh đổ đảng lập hiến mà bọn trốtkít thắng thăm không? Báo Dân chúng số 69, ngày 23-5-1939
(7) TB. Đảng lập hiến có bị quần chúng đánh đổ không? Báo Dân chúng, số 68, ngày 31-5-1939
Những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, với Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế  (04/09/2012)
Đồng chí Lê Hồng Phong với sự nghiệp cách mạng Việt Nam  (04/09/2012)
Đồng chí Lê Hồng Phong với việc khôi phục, phát triển Đảng trong thời kỳ khó khăn của Đảng  (04/09/2012)
Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ  (03/09/2012)
Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương kiểm điểm, phê bình  (03/09/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển