Hòa Bình nhìn lại sau 15 năm tái lập và đi tới

Trần Lưu Hải
14:42, ngày 15-01-2007

 Vượt lên muôn vàn khó khăn của một tỉnh miền núi nghèo, thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất cả nước, sau 15 năm tái lập, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đang vững bước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng Hòa Bình "giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về an ninh - quốc phòng, phấn đấu cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo vào năm 2010".

Ngày 22-6-1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập trên vùng đất có bề dày lịch sử, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Trải qua nhiều biến đổi, với những tên gọi khác nhau, ngày 1-10-1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập - quê hương của hơn 82 vạn đồng bào thuộc bảy dân tộc anh em: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa cố kết cộng đồng, cư trú trên 10 huyện, 1 thành phố, 214 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc suốt 120 năm qua và 77 năm dưới ngọn cờ của Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng Đảng bộ, quân và dân Hòa Bình danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 61 tập thể và 7 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 64 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Để khẳng định sự trưởng thành, phát triển và tuyên dương công trạng, nhân kỷ niệm 120 năm ngày thành lập và 15 năm tái lập, Hòa Bình vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Nghị định của Chính phủ thành lập thành phố Hòa Bình trực thuộc tỉnh.

* * *

Nhìn lại 15 năm sau tái lập tỉnh, cùng với một số thuận lợi cơ bản, Hòa Bình đứng trước muôn vàn khó khăn: một trong những tỉnh nghèo nhất nước, cơ sở vật chất lạc hậu, kinh tế mang nặng tự cấp, tự túc, công nghiệp, thương mại, dịch vụ quá nhỏ bé, thô sơ... thu nhập bình quân đầu người năm 1992 chỉ là 0,82 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực năm 1992 đạt hơn 16 vạn tấn, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 1992 chỉ đạt gần 68 tỉ đồng; cán bộ thiếu trầm trọng (chỉ có 200/500 cán bộ cần thiết ban đầu).

Trước thực trạng đó, 15 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; được sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Trung ương, thực hiện thắng lợi mục tiêu các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, XII và XIII, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Kinh tế tăng trưởng bình quân 5 năm (2001 - 2005) là 8%/năm (trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp: 4,9%; công nghiệp - xây dựng: 16%; các ngành dịch vụ: 8,2%), năm 2006 tăng 12,17% - mức cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (nông, lâm, ngư nghiệp: 44,1%; công nghiệp - xây dựng: 23,3%; dịch vụ: 32,6%); các ngành, các lĩnh vực sản xuất đều phát triển; thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đạt trên 5 triệu đồng, tăng gần 6,4 lần so với năm 1992.

Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo; sản lượng lương thực tăng nhanh: năm 2006 đạt trên 30 vạn tấn, (tăng 14 vạn tấn so với năm 1992). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tăng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao: cây ăn quả, mía ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn; gỗ và luồng nguyên liệu tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi... Kinh tế trang trại phát triển và có hiệu quả cao, một số trang trại có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Các mô hình cánh đồng đạt giá trị lớn, hộ dân thu nhập cao xuất hiện ngày càng nhiều, điển hình ở các huyện Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi... Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp với các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung ở các huyện Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, vùng hồ sông Đà... Công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng mới đạt kết quả tốt, nâng độ che phủ của rừng từ 28% (năm 1992) lên 44,5% (năm 2006).

Nhận thức đúng tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế tự cấp, tự túc, Hòa Bình đặc biệt chú ý phát triển công nghiệp trên địa bàn. Đến nay Hòa Bình không còn là tỉnh "trắng về công nghiệp", giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 của tỉnh đạt trên 1.050 tỉ đồng, tăng trên 9,5 lần so với năm 1992 (theo giá cố định năm 1994). Công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp được quan tâm triển khai tích cực. Khu công nghiệp Lương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, tư duy kinh tế tự cấp, tự túc còn nặng nên tỉnh chú ý phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ nhằm vừa cung ứng kịp thời các mặt hàng chính sách phục vụ nhân dân, vừa góp phần xây dựng tư duy kinh tế thị trường. Do vậy, năm 2006 kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 55,3 triệu USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 24 triệu USD, tăng gần 21 lần so với năm 1992. Do kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm, nên hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, đã hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch mang bản sắc văn hóa dân tộc, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Do thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, lĩnh vực tài chính, ngân hàng luôn đáp ứng nhiệm vụ chính trị và vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách nhà nước năm 2006 ước đạt 337 tỉ đồng, tăng gấp hơn 5,4 lần so với năm 1992.

Mấy năm gần đây, Hòa Bình đặc biệt quan tâm hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Riêng năm 2006 cấp phép cho 37 dự án, trong đó có 2 dự án FDI với số vốn đăng ký là 1.580 tỉ đồng và 4,5 triệu USD. Đến nay tỉnh đã cấp phép cho 148 dự án (12 dự án FDI), với tổng số vốn đăng ký 12.500 tỉ đồng và 90 triệu USD, trong đó 45 dự án đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.

Hòa Bình tập trung đổi mới doanh nghiệp nhà nước: sắp xếp, cổ phần hóa 38/52 doanh nghiệp nhà nước và 7 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp còn lại đang tiếp tục sắp xếp. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh: trên địa bàn có 701 doanh nghiệp dân doanh với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 2.000 tỉ đồng, thu hút khoảng 15.000 lao động.

Xác định hạ tầng phải đi trước, những năm qua, Hòa Bình tập trung đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn và thành phố Hòa Bình. Đến nay, 100% số xã của tỉnh có đường ô-tô, điện lưới quốc gia và điện thoại đến trung tâm xã; bình quân đạt 8,8 máy điện thoại/100 dân; 100% số huyện, thành phố phủ sóng điện thoại di động; 90% số hộ được sử dụng điện, chủ động nước tưới cho trên 80% diện tích sản xuất; 64% số dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; gần 80% số phòng học được xây dựng từ cấp 4 trở lên; 84% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế được xây dựng kiên cố, sóng phát thanh đã phủ 95%, sóng truyền hình phủ 75% diện tích toàn tỉnh. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội được khởi công xây dựng, như: kè bờ sông Đà và cứng hóa mặt đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm; đường Trần Hưng Đạo (giai đoạn 2), quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh; Trung tâm giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; hồ Cạn Thượng; trụ sở làm việc huyện Cao Phong; chợ Phương Lâm; sân vận động thành phố Hòa Bình,... trong đó một số công trình đã hoàn thành, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Văn hóa - xã hội có bước phát triển mới trong sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội. Công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 27%; giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ. Trong 3 năm (từ 2004 - 2006), bình quân mỗi năm tạo được việc làm cho trên 15.000 lao động, xuất khẩu gần 1.800 lao động; 100% số hộ thương binh, gia đình liệt sĩ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình so với người dân địa phương. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện đã và đang trở thành nếp sống đẹp, lành mạnh, mang tính nhân văn sâu sắc của các dân tộc Hòa Bình.

Để nâng cao hơn nữa dân trí, Hòa Bình hết sức chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Theo đó, quy mô giáo dục - đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục các ngành học, bậc học, cấp học có chuyển biến tích cực, số học sinh khá giỏi, chăm ngoan, học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia ngày càng tăng. Từ năm học 2001 - 2002 đến nay, bình quân mỗi năm có trên 1.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Tại các kỳ thi học sinh giỏi, Hòa Bình có 834 em đoạt giải (trong đó có 108 học sinh là người các dân tộc thiểu số), và liên tục dẫn đầu trong số 41 tỉnh miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long về số lượng và chất lượng giải. Hòa Bình không còn xã "trắng" về giáo dục mầm non. Năm 1995, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; tháng 12-2003, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tháng 8-2005, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên được quan tâm: gần 100% số giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, 96,61% số giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn. Cơ sở vật chất dành cho học đường được quan tâm bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Chương trình 135, Xây dựng cơ bản tập trung và có kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề và chất lượng dạy nghề có bước chuyển tích cực.

Công tác chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng được quan tâm thường xuyên. Tiếp tục mở rộng và củng cố, nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, bảo đảm đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh của đồng bào. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế và cán bộ y tế, 47% số trạm y tế có bác sĩ, đạt tỷ lệ gần 5 bác sĩ/ vạn dân; công tác đào tạo bác sĩ tuyến cơ sở và cán bộ y tế thôn, bản được chú trọng. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được quan tâm, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2006 là 1,13%, giảm 1,25% so với năm 1990.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục phát triển sâu rộng, có tác dụng thiết thực trong toàn tỉnh. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhiệt tình tham gia.

Công tác quốc phòng - an ninh thường xuyên được quan tâm và xác định đây vừa là nhiệm vụ vừa là điều kiện trước hết để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các cấp và đào tạo xã đội trưởng được triển khai và thực hiện có hiệu quả; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Toàn tỉnh không có "điểm nóng"; thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố và phát triển; ý thức về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được nâng lên; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo đảm an ninh nông thôn; bảo vệ an toàn các công trình trọng điểm, các cơ quan đầu não, các đoàn khách quốc tế...

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể được chú trọng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn; niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Công tác cán bộ, công tác tổ chức được thực hiện dân chủ, trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm tập trung đúng nguyên tắc, vì vậy, nâng cao rõ rệt chất lượng của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức... đã thực sự xây dựng khối đoàn kết, thống nhất ý chí vì mục tiêu xây dựng Hòa Bình trở thành tỉnh giàu đẹp.

Những thành tích đạt được sau 15 năm tái lập tỉnh tuy còn khiêm tốn, song đối với Hòa Bình - một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn và đang trên con đường đổi mới, phát triển, đó lại là những thành quả hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay Hòa Bình vẫn là một tỉnh nghèo; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu, trình độ công nghệ và trang thiết bị còn lạc hậu, kết quả giảm hộ nghèo chưa vững chắc, công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao chưa được phát động thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

***

Bước vào thời kỳ phát triển mới, với lợi thế địa chính trị, với truyền thống cách mạng 120 năm, cùng hành trang quý báu sau 15 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nỗ lực phấn đấu, sáng tạo hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, khai thác các tiềm năng, huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo vào năm 2010". Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước. Phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nâng cao văn hóa phải đồng bộ với phát triển kinh tế, hình thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Trong 5 năm tới, Hòa Bình phấn đấu: Tăng trưởng kinh tế bình quân từ 12% đến 14%/năm; giải quyết việc làm cho 16.000 lao động/năm để đến 2010, có cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng (chiếm 35,8%); dịch vụ du lịch (34,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (29,7%); thu nhập bình quân đầu người đạt 8,7 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.000 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 110 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 80 triệu USD; tổng sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; mỗi năm trồng mới 7.000 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 47%; 80% số cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh".

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu trên, Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ Hòa Bình xác định: Ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo bước chuyển biến cơ bản về lượng và chất trong cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp thâm canh, chuyên canh cao, phát triển bền vững, đạt giá trị cao trên một đơn vị diện tích. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an ninh lương thực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho du lịch, đa dạng hóa các ngành dịch vụ, phát triển kinh tế đối ngoại để nâng dần tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tiếp tục đổi mới quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư đi đôi với điều chỉnh cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục - thể thao; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm... Chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý tại chỗ các tình huống. Phấn đấu xây dựng nhiều xã, phường trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên.

Thường xuyên chăm lo củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, xây dựng xã, phường, đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức giải quyết những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, có hiệu lực, hiệu quả. Quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở các cấp, các ngành, tăng cường cán bộ cho cơ sở. Củng cố, kiện toàn cơ sở đảng yếu kém.

Với niềm tin vững chắc vào kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng tỉnh Hòa Bình "giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về an ninh - quốc phòng; phấn đấu cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo vào năm 2010".


* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình