Mười vấn đề cần lưu ý trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007
Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2006 nước ta có 3 sự kiện lớn: Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam và xuất khẩu đạt gần 40 tỉ USD, vượt kế hoạch đầu năm đề ra. Cùng với việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 14, 3 sự kiện lớn trên đánh dấu bước ngoặt của nền kinh tế nước ta trong tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các dòng vốn đầu tư của thế giới đang dồn vào Việt Nam. Đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tăng vọt sẽ thúc đẩy các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU phải có động thái mới.
Mặc dù thiên tai dịch bệnh, giá cả trong nước, ngoài nước có nhiều biến động, đặc biệt là giá xăng - dầu, nhưng với sự cố gắng vượt bậc của cả nước, tình hình kinh tế năm 2006 tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu vùng kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của từng vùng. Các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngoại thương, cân đối cung cầu, cán cân thanh toán quốc tế... tiếp tục ổn định theo hướng tích cực. Nguồn lực trong và ngoài nước huy động cho đầu tư phát triển vẫn được duy trì và tăng trưởng. Kinh tế đối ngoại có nhiều khởi sắc. Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Đó là kết quả của hoạt động và làm việc có hiệu quả; của sự nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, những tác động không thuận của nhiều biến động kinh tế, chính trị, giá cả, quan hệ thương mại quốc tế và khu vực. Cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, kinh tế dân doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng cao, tương ứng 9,6%; 21,8% và 19,1%. Đáng chú ý là, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,6 tỉ USD, tăng 22,1%. Trong đó có sự đóng góp của 14 trong số 27 nhóm mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trên 20%.
Tuy tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đạt 8,1% - 8,2% đã vượt mức bình quân và vượt cận trên của nhiệm vụ kế hoạch, nhưng tốc độ tăng trưởng của các quý trong năm và của cả năm 2006 đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2005 trong điều kiện xét về tổng thể tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả trong và ngoài nước, điều kiện thương mại không khác nhau nhiều. Hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa có chuyển biến đáng kể, giá trị tăng thêm trong nhiều ngành vẫn giữ hoặc thấp hơn năm trước, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn là yếu tố vốn (chiếm gần 60%) và lao động; hàm lượng trí tuệ, khoa học, công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ còn thấp; hiệu quả kinh tế trên 1 đồng chi phí giảm so với năm 2005. .Thu nội địa không kể dầu thô chiếm 52,6% tổng thu ngân sách nhà nước (bình quân 5 năm trước là 52,4%). Một phần đáng kể thu nhập quốc dân vẫn được phân phối chưa thật sự công khai, minh bạch, còn lòng vòng, phân phối còn bình quân, chưa gắn chặt đúng với số lượng, chất lượng, hiệu quả lao động và công tác. Chất lượng hoạt động tài chính, tiền tệ, tín dụng đã được nâng lên, nhưng chưa căn bản, còn chứa đựng yếu tố chưa vững chắc. Các loại thị trường tài chính, tiền tệ, vốn, lao động, khoa học, công nghệ, bất động sản chưa thực sự sôi động và còn quá nhỏ bé, nên tác động hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị hạn chế. Sự biến động của giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ vẫn ẩn chứa hoặc tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân, đến nhiều mặt của nền kinh tế. Và cuối cùng, nhiều vấn đề xã hội vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Cần thấy hết những nguyên nhân tác động đến tình hình, nhất là nguyên nhân chủ quan, trực tiếp để có các biện pháp hiệu quả, sát thực tế và thiết thực cho năm 2007.
Cần đánh giá thực chất hơn các dự án có vốn đầu tư nước ngoài để có biện pháp khắc phục tình trạng tiếp nhận bất cứ dự án nào, kiên quyết không chấp nhận dự án có công nghệ lạc hậu, công nghệ bị thải loại |
Năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thuận lợi lớn do kết quả đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các chính sách đúng đắn của Nhà nước từ nhiều năm qua; vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; hệ thống pháp luật, cơ chế kinh tế tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với cam kết quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nhập sâu và rộng vào đời sống kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội thuận lợi, những thời cơ cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt nền kinh tế trước nhiều thách thức và khó khăn bởi xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, chưa có kinh nghiệm vận hành một nền kinh tế trong không gian toàn cầu hóa. Vì vậy, cần triển khai hàng loạt các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2007, trong mối quan hệ tổng thể của mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 với quyết tâm cao, chủ động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Về vấn đề này, xin nêu mấy nội dung cần lưu ý trong năm tới, như sau:
Thứ nhất: Chủ động, tích cực trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cam kết AFTA, APEC, BTA và các cam kết quốc tế khác, đặc biệt là các cam kết với WTO với tư cách Việt Nam là thành viên chính thức. Hội nhập sâu và rộng vào đời sống kinh tế quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế, nhưng chắc chắn cũng đặt nền kinh tế trước nhiều thách thức và khó khăn bởi xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, thiếu kinh nghiệm vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong xu thế hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Cần xây dựng chương trình hành động tổng thể trong phạm vi cả nước và cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, trong các cơ quan nhà nước có liên quan và các tổ chức kinh tế, vừa hạn chế những khó khăn, vượt qua thách thức, tránh bất lợi và những trừng phạt không đáng có; vừa chọn những khâu có lợi thế, tiềm năng, áp dụng các giải pháp mạnh mẽ tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động dự báo, tính toán, phân tích kỹ các nhân tố và mức độ tác động tăng, tác động giảm đến tăng trưởng kinh tế, đến thu ngân sách nhà nước, đến ổn định kinh tế vĩ mô, đến sự trụ vững và phát triển của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đến việc làm và đời sống của người lao động, đến bản sắc văn hóa, đến môi trường sống, môi trường sinh thái khi thực hiện các cam kết quốc tế. Với cam kết giảm dần và tiến tới bỏ hẳn các hàng rào thuế quan và phi quan thuế, xóa bỏ trợ cấp đối với các doanh nghiệp theo quy định của WTO, thì vấn đề cạnh tranh để phát triển của nền kinh tế, của các ngành sản xuất, của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm sẽ ngày càng gay gắt hơn. Để giảm thiểu những thua thiệt, nâng cao khả năng cạnh tranh, cần thống nhất quan điểm phát triển toàn diện không hoàn toàn là phát triển "khép kín", và "cái gì cũng làm". Trên cơ sở xác lập ngày càng rộng rãi trên thực tế Việt Nam là đối tác lâu dài, tin cậy của các quốc gia để tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại với các nước trong khu vực và thế giới. Cần phát huy tối đa các lợi thế so sánh cơ bản, như: thị trường 85 triệu dân, rất đa dạng về năng lực, nhu cầu và ngày càng phát triển, vị trí địa kinh tế thuận lợi trong khu vực, dồi dào về lao động và hợp lý, có sức thu hút về tiền công, tài nguyên và khoáng sản đa dạng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trên cơ sở chiến lược và hệ thống các giải pháp tổng thể, dài hạn cần khẩn trương có chính sách tập trung đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện năng, dầu khí, phân bón, giấy, dầu ăn, thuốc trị bệnh thông thường, một số ngành công nghiệp phụ trợ... Tập trung phát triển dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải biển, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các dịch vụ thiết yếu khác hỗ trợ sản xuất - kinh doanh... Đồng thời, cần có chính sách thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực cần vốn lớn, công nghệ hiện đại, năng lực cao trong quản lý, như: luyện thép, năng lượng, viễn thông, hàng hải, hàng không... Nhà nước thực hiện chức năng quản lý ngành thông qua pháp luật, hệ thống các chính sách.
Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Xử lý nghiêm và dứt điểm các tiêu cực trong chuyển hóa các nguồn vốn; chuyển hóa, giấu giếm nợ xấu, thua lỗ trong kinh doanh tiền tệ |
Thứ hai: Trong điều kiện giá cả, các yếu tố đầu vào của sản xuất có xu hướng tiếp tục tăng, cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ngay thị trường trong nước ngày càng gay gắt, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng hiệu quả nền kinh tế phải đặt ra mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn. Cần tập trung tăng năng suất lao động xã hội nói chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực và nhóm sản phẩm; đồng thời tiếp tục đổi mới và phát triển khoa học, công nghệ, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản xuất, trong sản phẩm dịch vụ. Việc kiểm soát, giảm chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp trong sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cần được coi trọng.
Thứ ba: Phát triển mạnh, đồng bộ và áp dụng các nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường dịch vụ tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ. Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các loại hình dịch vụ và thị trường dịch vụ; mở rộng thị trường trong nước và tạo điều kiện để các hoạt động dịch vụ đáp ứng yêu cầu giao thương kinh tế tại các cửa khẩu biên giới và thành công trên thị trường ngoài nước. Đối với thị trường vốn, sớm hoàn thiện khung pháp lý để có thể huy động được nhiều vốn cả trong và ngoài nước, mở cửa mạnh hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, gắn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với thị trường vốn. Cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước phải thu hút được cổ đông chiến lược, trong đó có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thứ tư: Phát triển nhanh số lượng gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, phát huy tối đa năng lực của kinh tế dân doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khẩn trương triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý thuế, Luật Chuyển giao công nghệ và các luật kinh tế khác. Quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường, đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận các chính sách mới của Nhà nước, các quy định về hoạt động và trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước, chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để tạo lập môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, phát triển nền kinh tế bền vững lâu dài, cần áp dụng nhất quán các chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả; ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật tình trạng doanh nghiệp "ma", mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Cần đánh giá thực chất hơn các dự án có vốn đầu tư nước ngoài để có biện pháp khắc phục tình trạng tiếp nhận bất cứ loại dự án đầu tư nào, kiên quyết không chấp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, công nghệ bị thải loại và dự án có năng lực tài chính, năng lực quản lý kém, dự án đầu tư nhỏ lẻ, dự án chiếm diện tích đất sản xuất nông nghiệp quá lớn. Rà lại hệ thống các chính sách để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới để thúc đẩy mạnh hơn sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đổi mới căn bản tổ chức và phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại. Quy định rõ ràng, cụ thể và thực hiện đúng quyền và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; mở rộng bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp và tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia của cổ đông chiến lược đến mức để các nhà đầu tư có tác động thực sự đến quyết định phương hướng phát triển sản xuất, kinh doanh và đổi mới, nâng tầm quản trị doanh nghiệp. Quan tâm sắp xếp và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo quan điểm đổi mới toàn diện; nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm và sử dụng đất có hiệu quả, bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ năm: Điều chỉnh, bổ sung và triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp về kinh tế - xã hội trong việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng hạ tầng cơ sở và đô thị hóa, tạo cơ hội có việc làm chắc chắn cho lao động nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho nhân khẩu nông nghiệp, sớm chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Quy hoạch phải đi trước, phải cụ thể, rõ ràng, công khai, đặc biệt là quy hoạch phát triển khu công nghiệp tập trung, quy hoạch phát triển khu dân cư mới, phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch, trong chỉ đạo điều hành phải coi trọng trước hết lợi ích của người dân bị thu hồi đất, cần đất đến đâu thu hồi đến đó, có cơ chế, chính sách tạm thời để các hộ nông dân được khai thác, sản xuất trên đất trong quy hoạch mà chưa sử dụng theo mục tiêu quy hoạch. Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phải minh bạch, rõ ràng, bảo đảm sự nhất quán, xử lý nghiêm, công khai mọi hành vi gian lận, nhũng nhiễu, chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân trong đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đất dãn dân, tái định cư nơi ở mới v.v..
Thứ sáu: Hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên của đất nước phải đặt trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đặt nặng vấn đề tăng sản lượng khai thác để tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu cho ngân sách. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà dựa nhiều vào khai thác, xuất khẩu nguyên liệu thô, tạo ra giá trị thấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ, lâu dài đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Cần có biện pháp kiên quyết ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác tự do, không theo quy hoạch, không có kế hoạch các mỏ quặng, nước ngầm...Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng và chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần đáng kể phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, nên ở nhiều địa phương tình trạng chặt phá rừng, ruộng đồng bị xâm mặn, ô nhiễm môi trường nước, môi trường sống, mất đất chuyên canh sản xuất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Cần sớm đánh giá, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển, trên cát và các ao, hồ miền núi, từ đó đưa ra những chủ trương, giải pháp phù hợp đối với từng loại mô hình nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Thứ bảy: Chủ động hình thành và phát triển theo một chiến lược dài hạn các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Nhà nước có cơ chế, chính sách để có thể "kết dính" vùng lâu dài, bao gồm các chính sách về kinh tế, kỹ thuật, thuế, tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến, các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp cần đánh giá sâu sắc, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện để khai thác đất nông nghiệp, lâm nghiệp có hiệu quả, hạn chế cao nhất thiệt hại cho nông dân.
Thứ tám: Huy động tối đa các nguồn lực tài chính của Nhà nước còn hạn hẹp (bao gồm ngân sách nhà nước, các nguồn vốn vay, tài trợ...) tập trung đầu tư đồng bộ cho các công trình giao thông quan trọng trong từng vùng và liên thông giữa các vùng, các công trình thủy lợi đầu mối, tạo nguồn; khôi phục và nâng cao hiệu suất hoạt động các công trình giao thông, thủy lợi đã được đầu tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn ngoài Nhà nước và khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Trong lĩnh vực xã hội, vốn nhà nước tập trung đầu tư cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện cấp tỉnh, khu vực trở lên để đủ sức giải quyết các bệnh nặng, hạn chế dồn ép quá lớn lên tuyến trên; đầu tư đào tạo nghề có chất lượng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư cho đối tượng có nguy cơ cao về nghèo đói; đầu tư chỗ ở cho lao động công nghiệp ở những nơi tập trung công nghiệp; đầu tư cho nước sạch cả nông thôn và đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống tội phạm và ma túy.
Thứ chín: Chủ động, linh hoạt và tăng cường vai trò của Nhà nước trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, điều hành tỷ giá và lãi suất để ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tài chính, ngân hàng. Xử lý nghiêm và dứt điểm các tiêu cực trong chuyển hóa các nguồn vốn; chuyển hóa, giấu giếm nợ xấu, thua lỗ trong kinh doanh tiền tệ. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống giám sát, kiểm soát nội bộ; bảo đảm quy định về vốn điều lệ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro; kiểm soát và đánh giá đúng mức nợ xấu, quản lý, theo dõi và thu các khoản nợ hạch toán ngoài bảng. Hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động của các ngân hàng thương mại; sớm cơ cấu lại và đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước thông qua việc sắp xếp và cổ phần hóa theo lộ trình để tăng vốn và tăng hệ số an toàn trong toàn hệ thống ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế tự chủ kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, đủ năng lực hội nhập vào thị trường tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia là cần thiết nhằm huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi còn lớn trong xã hội cho đầu tư phát triển. Tính toán, cân nhắc kỹ mục tiêu đầu tư đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng năm để xác định linh hoạt, hợp lý mức huy động, thời điểm huy động, mức lãi suất và đối tượng sử dụng vốn, có năm tập trung cao hơn, có năm giảm, không dàn đều giữa các năm.
Nâng cao chất lượng dự toán, quản lý, tăng cường kỷ luật thu - chi ngân sách nhà nước. Dự toán thu ngân sách nhà nước cần được xây dựng vừa tích cực hơn, vừa sát thực tế hơn, để vừa chủ động trong bố trí chi theo kế hoạch ở các cấp ngân sách, vừa bảo đảm tuân thủ tính công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Có biện pháp kiên quyết xử lý nợ đọng thuế, gian lận thương mại, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, xâm tiêu tiền thuế. Kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật trong sử dụng ngân sách, ngân quỹ nhà nước, tài sản công. Năm 2007 và trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, vừa tăng chi cho lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, dạy nghề...), tăng chi cho bảo vệ môi trường, cần áp dụng đồng bộ và mạnh mẽ hơn các chính sách, biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa (kể cả áp dụng mô hình cổ phần hóa) trong lĩnh vực này, trước hết và trọng tâm là ở các thành phố, thị xã, các khu vực, các tỉnh có điều kiện thuận lợi, kinh tế phát triển.
Thứ mười: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung giải quyết tốt vấn đề tổ chức bộ máy và cán bộ công chức theo hướng tinh gọn, rõ ràng về trách nhiệm, gắn quyền với trách nhiệm, đề cao vai trò và tính kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật và trách nhiệm công vụ, xử lý thật nghiêm vi phạm. Đạo đức, kỷ cương công vụ của một bộ phận công chức, tình trạng lãng phí, tham nhũng trong bộ máy quản lý nhà nước vẫn là cản trở lớn trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả và lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia. Cần có bước đột phá trong việc chấn chỉnh và xiết chặt kỷ luật hành chính trong hoạt động của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường và nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra và kiểm tra công vụ. Quan tâm và tăng cường năng lực, hiệu lực của bộ máy chính quyền cơ sở. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những trường hợp để xảy ra sai phạm và tiêu cực, làm sai thẩm quyền, sai pháp luật, nhất là thi hành trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, chắc chắn sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2007, tạo đà cho thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006  (15/01/2007)
Những chặng đường đi đến Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn Việt Nam – Hoa Kỳ  (15/01/2007)
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
Năm 2007, biến cơ hội thành hiện thực phát triển sống động  (15/01/2007)
Công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên