TCCSĐT - Ngày 23-9-2011, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các tỉnh duyên hải miền Trung”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, PGS,TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tới dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế,  Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; đại diện Văn phòng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Bộ đội Biên phòng và Hải quân khu vực duyên hải miền Trung; đại diện các ban, ngành tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo Đề dẫn do PGS,TS. Vũ Văn Phúc trình bày đã đánh giá tổng quan tiềm năng, thế mạnh, vị trí quan trọng về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh vùng duyên hải miền Trung và những vấn đề đặt ra hiện nay cần bàn thảo, khó khăn cần khắc phục và sự liên kết Vùng cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, cũng như nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố các tỉnh duyên hải miền Trung.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để các cơ quan ở Trung ương và các địa phương trong khu vực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua đó, giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược phát triển; đồng thời, sớm có cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế biển, đảo và tạo bước đột phá đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhìn từ năm mặt: địa - kinh tế, địa - chính trị, địa - xã hội, địa - văn hóa và địa - quân sự.

Tại Hội thảo có 12 nhà quản lý, nhà khoa học tham luận trên các lĩnh vực, với các nội dung như: Phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc gia; tiềm năng và vấn đề đặt ra của kinh tế biển Việt Nam; nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân vùng duyên hải miền Trung; hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; phát triển nguồn nhân lực... Và cũng tại Hội thảo này, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn thảo sôi nổi về một số nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảo như: tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo góp phần nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức, địa phương có biển, đảo và cả những địa phương không có biển, đảo trong việc phát triển kinh tế biển, đảo. Nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho nhân dân. Một số ý kiến cho rằng, muốn phát triển toàn diện và đạt hiệu quả cao, ngoài việc đổi mới tư duy, nhận thức về biển, đảo cần phải làm tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực bảo đảm cho sự phát triển kinh tế biển, đảo một cách thỏa đáng và mang tính bền vững và cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực - với một “nhạc trưởng” điều phối sự liên kết Vùng. Về nguồn nhân lực, cần quan tâm đào tạo những ngành có nhu cầu và đa dạng hoá hình thức, quy mô; quan tâm tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội - đây vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và là động lực đối với lộ trình hướng ra biển lớn và kết hợp hữu cơ giữa kinh tế biển, đảo với kinh tế duyên hải; gắn đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh thật sự vững chắc.         

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS,TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, các tham luận đã thống nhất nhận định vị trí quan trọng của vùng duyên hải miền Trung ở các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh đối với cả nước. Tuy nhiên, những bất cập trong thực tiễn phát triển kinh tế biển, đảo của 9 tỉnh về: cơ chế phối hợp, về phát triển kết cấu hạ tầng, về cơ chế phối hợp, về cơ chế chính sách cụ thể phát triển kinh tế biển, đảo... Đặc biệt là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý biển, đảo giữa các bộ, ngành; giữa các địa phương và Vùng... Những hạn chế, vướng mắc được các đại biểu đặt ra cũng chính là những vấn đề cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới của cả hệ thống chính trị, để các tỉnh duyên hải miền Trung thực sự trở thành vùng kinh tế biển, đảo trọng điểm; góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp vào khoảng 53% đến 55% tổng GDP của cả nước./.