TCCSĐT - Sáng 26-9-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời Hà Nội bắt đầu chuyển thăm chính thức cấp Nhà nước tới các nước Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a.  Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể từ khi nhậm chức, cũng là chuyến thăm ngoại giao theo thông lệ của các nhà lãnh đạo mới của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN).

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Xin-ga-po

Cùng ở khu vực Đông Nam Á, lại được nối liền bởi biển cả, Việt Nam và Xin-ga-po là hai nước láng giềng gần gũi của nhau. Theo thời gian, mối quan hệ giữa hai dân tộc được vun đắp trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực.

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01-8-1973, đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Ba-li (tháng 7-1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7-1995, quan hệ hai nước Việt Nam - Xin-ga-po đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Xin-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam đặc biệt là trên lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư.

Từ 1996 đến nay, Xin-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều năm sau luôn cao hơn năm trước. Điển hình năm 2001, tổng kim ngạch hai chiều đạt hơn 3 tỉ USD; năm 2002 đạt 3,2 tỉ USD; năm 2003 đạt 3,9 tỉ USD; năm 2004 đạt 4,9 tỉ USD; năm 2005 đạt 6,4 tỉ USD; năm 2006 đạt 7,7 tỉ USD; năm 2007 đạt 9,8 tỉ USD; năm 2008 đạt hơn 12 tỉ USD...

Đầu tư trực tiếp của Xin-ga-po vào Việt Nam cũng liên tục tăng. Với hơn 700 dự án đầu tư trực tiếp và số vốn đăng ký gần 17 tỉ USD, Xin-ga-po đang đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Xin-ga-po trải đều trong nhiều lĩnh vực: khu công nghiệp, các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp xây dựng, bất động sản... Nhìn chung, các dự án đầu tư của Xin-ga-po hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Hợp tác hai nước trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, tư pháp… trong thời gian qua mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước này. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng Quốc phòng, An ninh và một số đoàn cấp lãnh đạo các lực lượng vũ trang và An ninh. Hai bên duy trì Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Xin-ga-po, một cơ chế để hai bên cùng trao đổi tình hình hợp tác song phương trên các lĩnh vực cụ thể. Sau khi hai nước ký Hiệp định kết nối Việt Nam – Xin-ga-po (tháng 12-2005), cơ chế họp Ủy ban hợp tác này không được duy trì nữa mà chuyển sang cơ chế họp Kết nối thường niên.

Ngoài ra, Việt Nam và Xin-ga-po còn có cơ chế tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao, thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đến nay, Việt Nam và Xin-ga-po đều là thành viên của ASEAN, ASEM, APEC, có những mối quan tâm chung, có lợi ích chung về hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Điều đó tạo nên nền tảng vững chắc cho mối quan hệ lâu dài giữa hai nước hướng đến tương lai.

Phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ với Ma-lai-xi-a

Ngày 30-3-1973, Việt Nam và Ma-lai-xi-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1976, hai nước lập Đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước. Kể từ đó quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động, an ninh, quốc phòng...

Về hợp tác chính trị, quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a phát triển tốt đẹp. Hai bên tích cực trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI” nhân chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 4-2004.

Về hợp tác thương mại kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a tăng trưởng nhanh chóng. Trong năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt mức hơn 4 tỉ USD và không còn xa để đạt mục tiêu 7 tỉ USD trong vài năm tới. Dựa trên tiềm năng của hai nước và nhiều lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác hơn nữa. Ma-lai-xi-a hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong ASEAN và lớn thứ 9 trên toàn thế giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ma-lai-xi-a còn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam trên các lĩnh vực như xây dựng, điện, nước, khí ga, cơ khí, ngân hàng. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a 1,4 tỉ USD và nhập khẩu gần 2 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ma-lai-xi-a là dầu thô, gạo, cà phê, hải sản, dầu mỡ động, thực vật... và chủ yếu nhập khẩu sắt thép, xăng, dầu, dầu mỡ động thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử… Hiện Ma-lai-xi-a có khoảng gần 400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 18,06 tỉ USD (chỉ sau Hàn Quốc và Đài Loan).

Tại Lễ kỷ niệm 54 năm Quốc khánh Liên bang Ma-lai-xi-a mới đây (31-8-1957 – 31-8-2011), do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 13-9-2011, Tổng Lãnh sự Sa-dơ-rin Da-hi-ran (Shazryll Zahiran) và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ma-lai-xi-a tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thành Tâm đã nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Ma-lai-xi-a phát triển tốt đẹp và được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục – đào tạo, lao động, du lịch, an ninh quốc phòng... Điều này đã nâng hợp tác song phương giữa hai nước lên tầm cao mới. Đặc biệt, hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng khởi sắc, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục gia tăng.

Sự tương đồng về văn hóa, lợi ích kinh tế và cùng là thành viên của ASEAN, cũng như sự tin tưởng lẫn nhau đã tạo cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Xin-ga-po, Việt Nam - Ma-lai-xi-a phát triển nhanh chóng. Vì vậy, chúng ta tin rằng, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của chuyến thăm quan trọng này sẽ tạo thêm xung lực để quan hệ của Việt Nam với Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, cũng như hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới./.