Mục tiêu chủ yếu của cuốn sách là tập trung xem xét sự tác động của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với các nền kinh tế đi sau để trên cơ sở đó làm rõ mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế với công nghiệp hóa, xác định rõ vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế đối với sự hình thành nội hàm, con đường và bước đi của công nghiệp hóa cho các nước đi sau, mà cụ thể là góp phần làm rõ hơn tư duy mới về con đường và bước đi của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.

Trên cơ sở trình bày khái quát và có hệ thống các quan niệm khác nhau về toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng và tập thể tác giả cố gắng đưa ra một khái niệm tương đối phổ quát và sát thực với diễn tiến của xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, việc làm rõ các đặc trưng của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế cùng những biểu hiện mới của nó đã trở thành căn cứ để khẳng định một tư tưởng xuyên suốt là: toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế là hai mặt của một thực thể thống nhất: khuôn khổ mới của sự phát triển thế giới. Sự xem xét mang tính khu biệt tương đối giữa toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ giúp đưa đến một tiếp cận chính sách quan trọng là: gắn với các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trên các lộ trình cụ thể để xác định tư duy và chiến lược công nghiệp hóa bởi lẽ hội nhập kinh tế quốc tế trên các lộ trình này là những căn cứ cụ thể phản ánh sự thích ứng mang tính đặc thù của một nước với xu thế toàn cầu hóa kinh tế.

Xuất phát từ trục quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế với công nghiệp hóa, cuốn sách đã phân tích làm rõ điều kiện, thực chất, nội hàm và những bước đi cụ thể của công nghiệp hóa trong điều kiện mới xác định luận cứ cho mô hình công nghiệp hóa mới ở các nước đi sau trong điều kiện tác động của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Bằng việc phân tích so sánh các thay đổi rất nhanh về điều kiện chính trị, kỹ thuật - công nghệ và kinh tế giữa mô hình công nghiệp hóa Đông Á được coi là tương đối thành công cho đến nay với công nghiệp hóa mới, các tác giả đã làm rõ những thuận lợi lớn của điều kiện công nghiệp hóa mới: dựa vào nguồn lực toàn cầu và các định chế khu vực/quốc tế để phát triển, tiếp cận dễ dàng với mọi thị trường, không lệ thuộc khiên cưỡng vào bất kỳ quốc gia nào, sự thành công hay thất bại tùy thuộc đáng kể vào việc lựa chọn chiến lược của từng quốc gia. Bám sát tiến trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới, cuốn sách đã xác định được công nghiệp hóa trong điều kiện ngày nay là công nghiệp hóa rút ngắn hiện đại, thích ứng với tự do hóa và phát triển bền vững. Sự phản ứng chính sách của các nước trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa trước các tác động của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, là những minh chứng cụ thể thể hiện tính đúng đắn của các nội hàm mới của công nghiệp hóa rút ngắn hiện đại, mang lại nhiều gợi mở hữu ích cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

Trên cơ sở đánh giá những tiến triển trong tư duy về công nghiệp hóa ở Việt Nam kết hợp với việc làm rõ thực tế phát triển của đất nước, nhất là nhấn mạnh đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, vị thế địa - chiến lược mới trong xu thế chung của tiến trình công nghiệp hóa mới dưới tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, cuốn sách đề cập đến thực chất của công nghiệp hóa ở Việt Nam hiện nay là công nghiệp hóa rút ngắn hiện đại, dựa trên lợi thế so sánh đọng, thích ứng với tự do hóa và phát triển bền vững. Thông qua việc khảo cứ kinh nghiệm của Trung Quốc, Ấn Độ và các NIC Đông Á cũng như nhấn mạnh đến tiếp cận và tư duy mới về công nghiệp hóa như đã chỉ ra, cuốn sách tập trung đề xuất một hệ giải pháp chiến lược cho công nghiệp hóa ở Việt Nam nhìn từ góc độ nghiên cứu tác động của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế trên ba đột phá chính: 1) tư duy mới cho tiếp cận và triển khai chiến lược công nghiệp hóa rút ngắn hiện đại; 2) đột phá trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế; 3) đổi mới thực sự và mạnh hơn về xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường.