Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và tỷ lệ người Việt Nam sốngở các khu vực thành thị sẽ tăng từ 27% hiện nay lên45% (tức 46 triệu người) vào năm 2020.

Theo Trưởng Đại diện UNFPA Ian Howie: đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ bởi việc người dân di cư từ nông thôn ra thành thị và quá trình này có tiềm năng cải thiện cuộc sống người dân; “ở thành phố, cánh cửa được mở rộng hơn cho phụ nữ khi tham gia vào đời sống chính trị, xã hội”; “đô thị cũng có các dịch vụ sức khỏe và y tế tốt hơn ở nông thôn. Quá trình đô thị hóa còn mang lại những thay đổi tích cực về mặt văn hóa, giúp cho phụ nữ được giải phóng khỏi những phân biệt đối xử đối với họ”. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là một tất yếu bởi “không một quốc gia nào khi đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao mà không phải trải qua quá trình đô thị hóa”.

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 500 khu đô thị với nhiều quy mô, nơi sinh sống của 27% trong tổng số 85 triệu dân Việt Nam.

UNFPA cho rằng: đô thị hóa đang tiếp sức cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa ở Việt Nam, tuy nhiên để đáp ứng sự gia tăng dân số thành thị thời gian tới, Việt Nam cần đưa ra một tầm nhìn dài hạn về quy hoạch đô thị.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra tầm nhìn dài hạn không chỉ 10 hay 20 năm mà thậm chí 50 đến 100 năm và xác định vị trí nào người dân di cư sẽ sống ở đó, để cung cấp kết cấu hạ tầng như điện nước và cấp thoát nước nhằm tạo điều kiện cho họ.

Ông Howie còn cho rằng, tầm nhìn này cần đề cập đến việc gìn giữ những ưu thế vốn có ở các thành phố của Việt Nam và tập trung vào phát triển các thành phố vệ tinh nhằm giảm thiểu sự tập trung quá đông dân cư trong một thành phố giống như một vài nước trên thế giới. “Nếu bắt tay vào việc ngay từ bây giờ sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai tại các thành phố đang phát triển ở Việt Nam”.