Nho giáo và học thuyết chính trị - xã hội của nó đã và đang là một vấn đề được quan tâm nghiên cứu trong giới học thuật ở Việt Nam, bởi sự ảnh hưởng của nó đến đời sống chính trị - xã hội Việt Nam trong lịch sử và đến nay, vẫn còn có ảnh hưởng nhất định.

Nho giáo đã du nhập vào đời sống xã hội, chính trị Việt Nam từ rất sớm cùng với sự xuất hiện của lực lượng phong kiến phương Bắc. Sau thời Bắc thuộc, học thuyết Nho giáo đã được nhà nước phong kiến Việt Nam áp dụng nhằm thực hiện ổn định trật tự và thúc đẩy xã hội phát triển, hưng thịnh. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong đời sống tinh thần và hoạch định đường lối cai trị đất nước của các triều đại phong kiến Việt Nam từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn...

Tồn tại trong xã hội phong kiến Việt Nam suốt thời gian dài và có sự giao thoa với các tư tưởng Việt Nam truyền thống cũng như trong mối quan hệ với đạo Phật - Lão, Nho giáo ngày càng được nhìn nhận, được chọn lựa như là một hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị của các triều đại phong kiến Việt Nam trong việc hoạch định chính sách cai trị đất nước. Sự ảnh hưởng của học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện, phản ánh qua đường lối cai trị đất nước của giai cấp phong kiến Việt Nam qua phương pháp đức trị, nhằm thực hiện những chế định pháp luật để duy trì chế độ phong kiến, tạo nên sự ổn định trong các mối quan hệ cá nhân cũng như xã hội. Ngoài ra, đặc biệt hơn nữa là một hệ thống giáo dục - khoa cử, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, quốc gia từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX.

Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập những giá trị lịch sử cũng như ảnh hưởng của học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam (từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) của TS. Nguyễn Thanh Bình.

Nội dung của cuốn sách bao gồm 3 chương:

Chương I: Nho giáo với tính cách là học thuyết chính trị - xã hội ở Trung Quốc cổ đại.

Chương II: Nho giáo trong đời sống tinh thần con người Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

Chương III: Vai trò của Nho giáo trong việc hoạch định đường lối của chế độ phong kiến Việt Nam